Cựu sinh viên Việt tại Đức "Uống nước, nhớ nguồn"

Chủ nhật 22/09/2013 | 09:56:00

Cựu sinh viên Việt tại Đức Các cựu sinh viên tại ghế nhà trường. (Ảnh: Văn Long/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày sang Đức học tập, các cựu sinh viên Việt Nam tại học viện Herder đã tụ họp ở Đức để ôn lại những kỷ niệm xưa.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày sang Đức học tập, trung tuần tháng 9/2913 các cựu sinh viên Việt Nam niên khóa 1973-1974 tại học viện Herder ở Leipzig đã tổ chức một chuyến đi "hành hương" và tụ họp ở Đức để ôn lại những kỷ niệm xưa.

Trong khuôn khổ chuyến "hành hương" này, ngày 18/9, trên 40 cựu sinh viên Việt Nam đã tới thăm lại Học viện Herder, trước đây thuộc trường Đại học Tổng hợp Karl Marx, nơi các giáo viên đã dạy cho họ những bài học đầu tiên về tiếng Đức, trước khi tỏa về muôn nơi để học đại học, bước khởi đầu quan trọng cho suốt cuộc đời sau này.

Tham gia đoàn còn có một số anh chị niên khóa 1972 mong muốn được thăm lại trường xưa, thày cũ.

Đại diện các cơ sở vốn là Học viện Herder trước đây đã nồng nhiệt đón tiếp đoàn, trao đổi thông tin về sự phát triển ở trường Đại học tổng hợp Leipzig, những thay đổi đối với Học viện Herder trước đây. Đặc biệt, hai giáo viên từng nhiều năm dạy sinh viên Việt Nam, nay đã nghỉ hưu cũng nhiệt tình tới tham dự cuộc gặp gỡ.

Những người tham dự cuộc gặp gỡ đã tỏ ra rất xúc động khi một nữ giáo viên trước đây đưa ra một chiếc lược làm bằng xác máy bay và kể rằng đây là một kỷ vật mà sinh viên Việt Nam đã tặng bà trong thời gian chiến tranh, mà cho tới nay, bà vẫn trân trọng giữ gìn.

Anh Phan Trọng Hùng đã phát biểu, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của các thành viên trong đoàn đối với các thày cô đã dạy dỗ bao nhiêu thế hệ người Việt, giúp họ có kiến thức để trưởng thành trong cuộc sống.

Anh Vũ Quốc Nam, Trưởng ban tổ chức đã thay mặt đoàn tặng quà lưu niệm cho các cơ sở vốn là Học viện Herder trước đây và các thày cô đã từng dạy tiếng Đức cho sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên Việt Nam.

Trước đây, trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Học viện Herder là cơ sở chính dạy tiếng Đức cho sinh viên nước ngoài, trước khi họ vào học trong các trường đại học của Cộng hòa Dân chủ Đức.

Ước tính có tới hàng chục nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đã từng học tiếng Đức ở đây trong những ngày đầu tiên sang Đức, nên họ luôn có một tình cảm thân thương, gắn bó đối với nơi này.

 Trong số các cựu sinh viên Việt Nam học tại Học viện Herder, nhiều người đã thành đạt, nắm giữ những trọng trách trong chính phủ, đoàn thể, cơ sở nghiên cứu và sản xuất... ở Việt Nam.

Sau buổi gặp gỡ, các thành viên trong đoàn đã được đi thăm lại cơ sở của Học viện, vào một lớp học để ôn lại những kỷ niệm năm xưa và chụp ảnh lưu niệm.

Sau đó, đoàn đã được đưa đi tham quan thành phố, thăm trường Đại học Tổng hợp Leipzig và thăm lại một ký túc xá ở phố 18 tháng Mười, một nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với phần lớn các thành viên trong đoàn.

Tổng cộng, hơn 60 người đã tham gia chuyến đi, trong đó có các cựu sinh viên và người nhà của họ đến từ Việt Nam, Đức, Áo và một số nước lân cận.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh riêng, một số người chỉ có thể tham gia một số ngày nhất định. Phần lớn thời gian "hành hương" ở Đức, các thành viên trong đoàn đã ở tại khu nhà nghỉ Schoeneck, một khu nhà nghỉ công đoàn thời Cộng hòa Dân chủ Đức với nhiều tiện nghi đối với việc nghỉ dưỡng, dã ngoại và tập thể thao.

Tại đây, các thành viên trong đoàn đã có nhiều sinh hoạt tập thể, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời sinh viên.

Chuyến hành hương đã để lại những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp đối với những người tham dự và nhiều người bày tỏ mong muốn sẽ được tham dự những cuộc gặp gỡ nhân dịp 45 năm sau 5 năm nữa./.


                                        Chụp ảnh kỷ niệm trước Học viện Herder cũ

Văn Long/Berlin (Vietnam+)