New Zealand

New Zealand

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về New Zealand Người Maori trong một buổi diễu hành ở Wellington.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về New Zealand

- Tên nước chính thức: New Zealand

- Ngày Quốc khánh: 6/2/1840

- Thủ đô: Wellington

- Vị trí địa lý: New Zealand nằm ở Nam Thái Bình Dương, gồm hai đảo chính đảo Bắc và đảo Nam và nhiều đảo nhỏ; phía Tây trông sang Australia qua biển Tasman (cách khoảng 1.900km); phía Bắc trông ra biển Fiji; phía Đông và phía Nam là Thái Bình Dương.

- Diện tích: 268.021km2

- Khí hậu: Đa dạng, mang tính chất khí hậu biển, ôn đới và bán nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình là 12 độ C nhưng khác nhau rõ rệt giữa đảo Bắc và đảo Nam. Lượng mưa trung bình hàng năm là 400-5.000mm

- Dân số: 4.367.700 người (2010)

- Dân tộc: Người New Zealand gốc châu Âu (74,5%), người bản xứ Maori (9,7%), người gốc đảo Thái Bình Dương (3,8%), người gốc châu Á và các dân tộc khác (7,4%).

- Hành chính: New Zealand có 12 hội đồng vùng có chức năng quản lý các vấn đề môi trường và giao thông, 73 chính quyền lãnh thổ quản lý đường sá, hệ thống thoát nước, thỏa ước nhà đất và các vấn đề địa phương khác. Chính quyền lãnh thổ bao gồm 16 hội đồng thành phố, 57 hội đồng quận, và hội đồng quần đảo Chatham.

- Đơn vị tiền tệ: Đôla New Zealand (NZD)

- Tôn giáo: Anh Quốc giáo (24%), Giáo hội Scotland (18%), Thiên Chúa giáo La Mã (15%), Hội Giám lý (5%), Đạo Tin lành (3%)

- Ngôn ngữ: Tiếng Anh; tiếng Maori (thổ ngữ)

Địa lý

+ Vị trí địa lý: New Zealand được biết đến nhiều vì vị trí biệt lập về mặt địa lý của quốc gia này: lãnh thổ của New Zealand nằm cách phía Tây Nam Australia khoảng 2.000km băng qua biển Tasman. Các quốc gia gần New Zealand nhất là New Caledonia về phía bắc tây-bắc, Fiji vè phía bắc và Tonga về phía bắc đông-bắc.
 
+ Diện tích: 268.021km2
 
+ Địa hình: Địa hình của New Zealand đa dạng và nhiều núi, trên cả hai đảo đều có nhiều  vùng bình nguyên rộng với đồng cỏ, những vùng rừng tự nhiên và nhân tạo, nhiều
 bãi biển cát và sông nói chung là ngắn, chảy siết và nhiều hồ. Trên một nửa diện  tích đất của New Zealand là đồng cỏ và đất trồng trọt (5,54%) đất canh tác là 2.850 km2, hơn 1/4 diện tích đất được che phủ bằng rừng.
 
Hơn 13% đất đai của New  Zealand là núi với các loại cây mọc trên địa hình núi, có những đỉnh cao trên 3.000m như Aoraki- đỉnh Cook cao 3.754m. Điểm thấp nhất là mặt biển Châu Đại Dương. Sông và hồ chỉ chiếm 1% đất.
 
+ Khí hậu: Khí hậu New Zealand ôn hoà được điêu hoà bởi đại dương bao quanh. Ngoại trừ những khu vực hoang sơ ở đảo Nam, New Zealand không phải chịu thời tiết khắc nghiệt, quá nóng hay quá lạnh. Phần lớn, các vùng đất ở New Zealand được hưởng nhiều nắng, gió và mưa do các hệ thời tiết biến đổi nhanh từ tây sang đông.
 
Các mùa ở đây ngược với Bắc Bán Cầu. Tháng Giêng là tháng nóng nhất và tháng Bảy  là tháng lạnh nhất trong năm.
 
+Tài nguyên: Các nguồn thiên nhiên gồm: Khí tự nhiên, quặng sắt, cát, than, gỗ, nhiệt năng, vàng và đá ong. Nguồn nước sử dụng 397 km3. Tổng lượng nước sạch là 2,11 km3/ năm trong đó sử dụng tiêu dùng là 48%, cho ngành công nghiệp là 9% và cho nông nghiệp là  42%). Nước sạch bình quân đầu người là 524 m3/ năm.

Lịch sử

Khoảng  năm 1300 người châu Á từ phía Đông đặt chân tới New Zealand, họ trở thành những người thổ dân đầu tiên ở đất nước này - nay gọi là ngưòi Maori. Người Maori không xác định được chính gốc của mình và cái tên Maori là do người châu Âu định cư đặt tên.
 
Năm 1642, người châu Âu đầu tiên phát hiện ra New Zealand đến từ Abel Tasman, Australia.
 
Năm 1769, Thuyền trưởng Jame Cook tới New Zealand và báo về Anh Quốc.
 
Từ khoảng thời gian trên, một cuộc chiến giữa người Anh đến định cư và người bản xứ Maori đã diễn ra. Cuộc đấu tranh của người Maori kéo dài gần một thế kỷ, kết quả là hai bên đã thỏa hiệp và ký Hiệp định Waitangi ngày 6/2/1840 theo đó người Maori công nhận việc Hoàng gia Anh bảo hộ New Zealand để đổi lại việc Hoàng gia Anh thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người Maori.
 
Năm 1865, Thủ đô New Zealand chuyển từ Auckland về Wellington.
 
Năm 1893, lần đầu tiên trong lịch sử New Zealand,  phụ nữ được quyền bầu cử.
 
Năm 1907, New Zealand trở thành lãnh thổ tự trị, độc lập khỏi nước Anh.
 
Năm 1933, New Zealand phát hành đồng tiền riêng của mình.
 
Năm 1947, Quốc hội New Zealand thảo luận đạo luật Westminster (1931) và chấp nhận đạo luật này. Theo đó, New Zealand là một quốc gia độc lập nằm trong Khối Thịnh vượng chung.
 
Năm 1983, New Zealand ký Hiệp định CER (Hợp tác kinh tế thân thiện) với Australia.
 
Năm 1985, Tòa án Waitangi trao quyền cho người Maori sở hữu đất đai tranh chấp từ năm 1840.
 
Năm 1987, tiếng Maori được công nhận là ngôn ngữ chính thống cùng với Tiếng Anh trở thành hai ngôn ngữ chính tại New Zealand.
 
Năm 1987, New Zealand tuyên bố trở thành khu vực phi hạt nhân.
 
Năm 2003, Dân số New Zealand đat 4 triệu người.

Chính trị

Thể chế chính trị: Quân chủ Nghị viện.
 
* Hiến pháp: New Zealand không có Hiến pháp chính thức bằng văn bản.
 
* Cơ quan hành pháp:
 
 - Đứng đầu Nhà nước: Nữ hoàng Anh, thông qua Đại diện Toàn quyền.
 
 - Đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng. Thủ tướng là thủ lĩnh đảng hoặc liên đảng chiếm đa số trong Quốc hội.
 
* Cơ quan lập pháp: Quốc hội (Viện dân biểu) gồm 122 đại biểu, nhiệm kỳ 3 năm.
 
* Cơ quan tư pháp: Tòa án tối cao; Chánh án và Thẩm phán do Toàn quyền bổ nhiệm.
 
* Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu; Cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 
*Các Đảng phái lớn: Công đảng (LP) Đảng Dân tộc (NP), Đảng Tiến bộ, Đảng Tương lai Đoàn kết, Đảng Xanh...

Kinh tế

New Zealand có cơ sở kinh tế công- nông nghiệp phát triển, trong đó chăn nuôi giữ vai trò quan trọng.
 
Nền kinh tế New Zealand chủ yếu dựa vào thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. New Zealand có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 2%.
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2009 GDP tăng trưởng âm 1,6% , tỷ lệ thất nghiệp 6,2%, tỷ lệ lạm phát 2,1%. Sang năm 2010, kinh tế New Zealand đã có dấu hiệu phục hồi, với GDP quý I-2010 tăng 0,6%.
 
New Zealand được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng cao về khả năng canh tranh.
 
*Về công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 23,7% GDP và thu hút 19% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Thực phẩm, các sản phẩm gỗ và giấy, hàng dệt, máy móc, thiết bị vận tải...
 
*Về nông nghiệp: Tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp chiếm 4,6% GDP và thu hút 7% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Lúa mì, lúa mạch, khoai tây, đậu đỗ, hoa quả, rau; len; thịt bò, các sản phẩm sữa; cá.
 
*Về Dịch vụ-Du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 71,7% GDP và thu hút 74% lực lượng lao động.
 
 Xuất khẩu: 24,99 tỷ USD (năm 2009).
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chính: Len, thịt cừu, thịt bò, cá, bơ, pho mát, rau, hoa quả, các sản phẩm sữa, gỗ, lâm sản, hoá chất, máy móc.
 
 - Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Australia (23,2%); Mỹ (10,1%); Nhật Bản (8,4%); Trung Quốc (5,9%) (năm 2009).
 
 Nhập khẩu: 23,45 tỷ USD (năm 2009).
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc và thiết bị, xe cộ và máy bay, dầu mỏ, hàng tiêu dùng, điện tử, dệt may và đồ nhựa.
 
 - Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Australia (18,1%); Trung Quốc (13,2%); Mỹ (9,5%); Nhật Bản (8,3%); Singapore (4,7%); Malaysia (4,4%) (năm 2009).
 
 * Giao thông-Vận tải:
 
 - Đường sắt: 4.128km.
 
 - Đường bộ: 93.805km.
 
 - Đường thủy: 1.609km.
 
 - Cảng: Auckland, Christchurch, Dunedin, Tauranga, Wellington.

Văn hóa

Đất nước New Zealand rất tự hào về nền di sản văn hóa maori đa bản địa của mình. New Zealand bị ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa Anh do trước đây là thuộc địa Anh Quốc đồng thời chịu ảnh hưởng rõ rệt của các nền văn hóa đa sắc tộc do di dân từ Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương.
 
 + Giáo dục: Tỷ lệ biết đọc, biết viết: 99% trên tổng số dân.
 
 Giáo dục miễn phí và bắt buộc trong 11 năm. New Zealand có 8 trường đại học công lập, 27 trường cao đẳng và viện kỹ thuật, trong đó có trường Đại học Victoria là lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất.
 
 + Điện ảnh: mặc dù những bộ phim đầu tiên của New Zealand được sản xuất từ những năm 1920, nhưng chỉ từ những năm 1970, điện ảnh nước này mới đạt được những thành tựu đáng kể. Những bộ phim như "Sleeping Dogs""Goodbye Pork Pie" đã đạt được những thành công trong nước và tạo dựng tên tuổi cho một số diễn viê, đạo diễn gồm Sam Neill, Geoff Murphy và Roger Donaldson.
 
 Đầu những năm 1990, Điện ảnh New Zealand bắt đầu được thế giới biết tới qua sự nổi lên của các nhân vật như đạo diễn, nhà biên kịch tài danh Jane Campion - người đã đạt giải Oscar với bộ phim "The Piano," nhà làm phim tài ba Lee Tamahori với bộ phim "Once Were Warriors" và  đạo diễn Peter Jackson với "Heavenly Creatures."
 
 Trong giai đoạn cuối những năm 1990- đầu những năm 2000, đạo diễn Jackson đã làm bộ phim "The Lord of the Rings" (Chúa tể của những chiếc nhẫn) ở New Zealand, sử dụng hầu hết diễn viên quần chúng người New Zealand. Bộ phim "Whale Rider," sản xuất năm 2002, chuyển thể nguyên gốc từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Witi Ihimaera, đã được chào đón nống nhiệt tại các liên hoan và giải thưởng điện ảnh trên thế giới.
 
 + Truyền thông New Zealand: công nghiệp truyền thông New Zealand bị chi phối bởi một số nhỏ các các công ty truyền thông mà hầu hết trong số đó là thuộc sở hữu nước ngoài, mặc dù nhà nước nắm quyền sở hữu một số đài truyền hình và đài phát thanh. Đa phần các chương trình phát thanh-truyền hình New Zealand là các chương trình của Mỹ và Anh, chỉ có một số ít các chương trình của Australia và New Zealand.

Ẩm thực

Người ta thường nói ẩm thực New Zealand hiện nay vốn có nguồn gốc từ nước Anh, bởi nó chỉ định hình phong cách kể từ khi người Anh đến định cư ở New Zealand từ năm 1840. Tuy nhiên, người bản xứ maori vẫn có phong cách riêng của mình, tồn tại song hành với bơ, sữa, phô mai… bằng cách chế biến đơn giản mà đầy hấp dẫn.

Ảnh hưởng của châu Âu và dịch bệnh tim ở New Zealand

Cho đến thập niên 1970, các món ăn của người New Zealand còn khá nhạt nhẽo và đơn sơ. Ẩm thực New Zealand ngày nay là sự pha trộn của nhiều kiểu chế biến và hương vị khác nhau đến từ nhiều nước.

Trước kia, bữa ăn của người dân nơi này thường chủ yếu là khoai tây chiên, bánh nhân thịt và bánh pudding - những món du nhập từ Anh cùng với thịt, trứng, sữa và bánh mì theo đúng chất phương Tây.

Chẳng hạn, để chuẩn bị cho một ngày làm việc vất vả ở nông trại, nông dân New Zealand ăn sáng bằng tô cháo, bánh mì nướng cùng thịt băm và trứng. Bữa sáng của nông dân New Zealand rất giàu đạm và tinh bột, cốt để họ có đủ sức khỏe cho việc đồng áng khá nặng nhọc.

Dần dần, quan điểm của đời sống hiện đại đã khước từ chế độ ăn uống như vậy bởi nó khiến người ta trở nên béo phì và dễ bị đột quỵ vì bệnh tim.

Trên thực tế, điều này đã xảy ra. Do chế độ ăn uống nhiều đạm vì sử dụng nhiều sữa, phô mai và ít lao động nặng, người dân New Zealand đã trải qua một cơn dịch đau tim trong hai thập niên 1950 và 1960.

Bây giờ, người dân bản xứ dường như thích quay về với những bữa ăn hoang sơ của người Maori hơn là phong cách Tây Âu.

Các cửa hàng thức ăn nhanh và pizza vốn phổ biến ở đất nước này đã vấp phải một rào cản vô hình từ ý thức hạn chế fast food và cả thói quen… không đi ăn ngoài tiệm. Với người New Zealand, không gì bằng một bữa ăn nấu tại nhà nên mọi thú vui ăn uống ngoài phố đều bị xem là điều xa xỉ!

Nướng đá - Ẩm thực của người Maori bản xứ

Khác với sở thích của người phương Tây, người Maori thích dùng nhiều hải sản và khoai lang, thậm chí họ dùng khoai lang thay cho khoai tây. Họ thường chế biến thức ăn bằng những chiếc lò bằng đá đào sâu dưới đất.

Chẳng hạn món hangi - một món ăn nửa như hầm, nửa như nướng rất đặc biệt được ra đời bằng cách gói thực phẩm trong lá, sau đó đặt trên những phiến đá rất nóng (đá núi lửa) trong một hố sâu dưới đất, phía trên phủ lên thêm nhiều lớp đá, lá cây và bao bố và để thức ăn được “hầm” trong nhiều giờ.

Ngày nay, để hợp vệ sinh hơn, người New Zealand xây các hố bếp rộng dưới đất, xung quanh được ốp đá hoặc tráng xi măng, khi cần nấu nướng thì chỉ cần đốt lửa trong bệ đá ấy.

Hiện nay, bữa ăn cơ bản của người New Zealand thường gồm thịt và ba món rau củ. Các loại thịt thông dụng là cừu, bò, heo, còn rau củ gồm có khoai, cà rốt, đậu và cải bắp.

Thịt nướng là một trong những món truyền thống được người New Zealand rất ưa thích vào mùa hè. Các gia đình thường mua lò nướng BBQ lớn đốt bằng gas. Người ta cắt miếng thịt cừu non, thịt heo hoặc thịt bò nướng trong lò cho chín tới, sau đó dùng với rau củ.

Tuy không thích thức ăn có gia vị đậm đà như món Thái hay món Việt Nam nhưng người New Zealand cũng thích nêm thức ăn với một số hương vị pha trộn nhau. Sự kết hợp độc đáo của nguyên liệu địa phương cùng với rau cỏ và gia vị làm cho thức ăn có mùi vị rất riêng.

Đơn cử là món thịt cừu non trở nên đặc sắc hơn nhờ có vị the nồng của lá bạc hà tưới xốt Worcestershire hay điểm chút chua nhẹ nhàng, tao nhã của kiwi và phô mai Camembert. Nó được khen ngon hơn và tất nhiên là được yêu thích hơn so với kiểu nướng truyền thống.

Những đặc sản New Zealand

Ở New Zealand có nhiều loại trái cây ngon như táo, lê, mận, đào, mơ… Cây cho trái theo mùa, từ tháng 12 đến tháng 5. Trái kiwi của New Zealand được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Thực ra, giống cây này có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng người ta đã đổi tên và tạo ra những giống mới cho trái tốt hơn.

New Zealand còn là nơi sản xuất ra nhiều loại phô mai ngon cùng nhiều loại vang trắng hảo hạng. Vào chiều hè hoặc buổi tối, người dân nơi đây thích ngồi cùng bạn bè nhấm nháp ly rượu vang Chardonay hoặc vang trắng Sauvignon Blanc với phô mai và bánh quy giòn hoặc patê Vegemite và Marmite.

Đây là hai loại patê trộn với rau thơm rất được ưa chuộng ở New Zealand, nhưng vị mặn của chúng khiến không ít thực khách nước ngoài hơi e ngại.

Để tráng miệng, người New Zealand có món bánh pudding làm từ gạo, dùng với sữa. Riêng kem New Zealand thì đã nổi tiếng toàn thế giới nhờ độ béo và hương vị thơm mát của nó.

Món tráng miệng khác cũng được nhiều du khách ưa thích là bánh xốp phủ kem và trái cây, gọi ngắn gọn là pav, lấy theo tên của nữ nghệ sĩ ballet người Nga Pavlova, được làm từ trứng đánh tơi như bông, phủ lên trên là kem và trái cây như dâu, đào. Món bánh này rất được ưa chuộng ở các nước Nam bán cầu, đến mức người Australia nhận đó là “đứa con cưng” của xứ này!

Điểm du lịch

New Zealand được biết đến với vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, sự kỳ ảo của thế giới thuỷ cung và hoang sơ của những thảo nguyên rộng lớn. New Zealand quả là nơi đáng để du khách quên đi mọi sự bận rộn mà mải mê ngoạn cảnh. Đất nước này tựa như tấm thảm ghép khổng lồ với những phong cảnh hùng vĩ.
 
 - Trong hành trình du lịch đến New Zealand, du khách sẽ tham quan thủ đô Wellington. Nằm ở phía Nam đảo Bắc, là một cảng khẩu tự nhiên, phía trước thủ đô Wellington là biển, phía sau là núi. Wellington nằm trong vùng khí hậu đại dương nên khí hậu ấm áp, tràn đầy ánh nắng mặt trời. Đây là thành phố lớn thứ hai và là trung tâm chính trị, thương mại quan trọng của New Zealand, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng trên trục giao thông giữa đảo Bắc và đảo Nam.
 
 Khắp nơi trên thủ đô đều có quán bar kiểu Tây Âu, quán cà phê, nhà hàng và những đoàn nghệ thuật hè phố. Ngoài vẻ đẹp hấp dẫn của eo biển Cook ra, những ngôi nhà gỗ xây dựng trên sườn núi cũng là nét độc đáo riêng của Wellington. Những cảng biển trong xanh và những ngôi nhà màu trắng trên sườn núi Victoria đã tạo ra nét đặc thù cho cảnh quan của thủ đô. Đến nơi này, du khách sẽ cùng nhau khám phá những điểm tham quan chính của thủ đô như toà nhà quốc hội, vườn Botanic, núi Victoria, bảo tàng Te Papa, trung tâm thương nghiệp Masterton, trung tâm sản xuất và gia công ngọc trai.
 
 - Thành phố Auckland ở đảo Bắc luôn bình thản với nhịp sống chậm rãi của 3,8 triệu dân; đôi khi nó gợi nhớ Sydney với những ngôi nhà gỗ và bờ vịnh tô điểm vài cánh buồm. Mảnh đất này được khám phá bởi một người Hà Lan, Abel Tasman, năm 1642 và đã được đại úy Cook nổi tiếng vẽ đường ranh giới năm 1769.
 
 Đảo Bắc còn có tên là Đảo Bốc Khói với Rotorua - một vùng rực rỡ với những hồ nước nóng luôn sôi sục. Hoành tráng hơn nữa, ở phía Nam Rotorua là công viên Tongariro với những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Đợt phun cuối cùng của ngọn Ruapehu, một trong ba núi lửa lớn của công viên này, là vào năm 1996.
 
 - Công viên Abel Tasman ở phía Đông Nelson thật tuyệt diệu với bãi biển vàng, nước màu ngọc bích xen lẫn những cánh rừng xanh tươi. Abel Tasman là một trong 13 vườn quốc gia của xứ sở này.
 
 - Đảo Nam, chỉ có 800.000 người, còn hoang dã hơn, đẹp hơn bởi chỉ có thể lên đảo bằng con đường duy nhất men theo bờ biển phía Tây giữa dãy núi Southem Alps và biển Tasman. Không thể tắm ở đây được vì nước lạnh đến mức những con hải cẩu có bộ lông dày còn phải lấy những mỏm núi ở Cape Foulwind làm nơi trú ngụ.
 
 - Một trong những địa điểm hấp dẫn của bờ biển có nhiều vịnh hùng vĩ đậm màu sắc Hawaii này là Punakaiki. Xa hơn nữa, bên thung lũng sâu là những ngọn núi phủ băng tuyết. Hùng tráng nhất là vịnh Milford Sound, nhất là khi những cú nhảy của cá heo làm xao động sự êm đềm của mặt nước.
 
 - Một cánh đồng hoang bên triền núi, một hồ nước mênh mông in bóng mây trời, một ghềnh đá cheo leo lấn ra biển cả... tất cả tạo nên một New Zealand như thực như mơ.
 
 Nhưng khi mùa hè về, những hồ nước mênh mông sâu thẳm trong lòng núi trở thành tấm gương khổng lồ, mặt nước phẳng như tờ in bóng trời cao và không gian khoáng đạt bên trên mặt nước. Trời như cao hơn, nước như sâu hơn và không gian như rộng hơn...
 
 - Nếu như núi cao in bóng nước làm ngây ngất những tâm hồn nghệ sĩ thì biển cả lại là niềm đam mê vô tận đối với kẻ ham khám phá thế giới thuỷ cung. Bán đảo Kaikoura là nơi thu hút khách du lịch mê khám phá thế giới thủy cung nhất ở New Zealand. Đây là điểm sâu nhất của khu vực biển này, nơi tập trung nhiều loài san hô biển cũng như thế giới loài cá đa sắc sống ẩn mình trong san hô. 125.000 năm trước, địa chất kiến tạo đã hình thành nên bán đảo xanh tươi này.
 
 - Đảo phía Nam gần như tạo thành từ đầu đến cuối bởi những địa hình trung bình từ 2.000 đến 3.000m độ cao, với đỉnh Cook cao nhất (3.764m). Phong cảnh được bổ sung những băng hà kỳ vĩ, những hồ nước tuyệt đẹp và những vịnh nhỏ tuyệt vời, ở đó những ngọn núi thẳng đứng soi mình trong làn nước màu ngọc thạch. Đó đây, biển lẻn vào đất liền qua những cửa sông. Những con sông và thác nước tìm đường qua những hẻm khu vực lớn.
 
 Chính ở đấy, người ta tìm đến những địa điểm trượt tuyết nổi tiếng nhất Coronet Peak và The Remarquables. Có đến 400 đường trượt xuống trên một diện tích 2.000 km2 với những độ chênh cao 600 đến 1.250 mét. Ở đây, mùa trượt tuyết dài và tuyết rất nhiều.
 
 - Đến với phía Đông, du khách sẽ được khám phá nhà ga xe lửa thành phố Dunedin, có lẽ đây là một kiến trúc bằng đá đẹp nhất New Zealand, Queenstown là một thị trấn du lịch nổi tiếng, gần đây lại nổi tiếng hơn vì là nơi được dùng làm bối cảnh trong phim "Lord of the Rings". Dunedin nằm phía dưới cùng của bán đảo Otago. Con đường đi từ Dunedin dọc theo bán đảo là một con đường ven vịnh đẹp như thiên đường, con đường đến Mount Cook dẫn lên độ cao 700 m, đi dọc theo bờ hồ Pukaki là con đường tuyệt mỹ.
 
 Những dãy núi tuyết phân chia màu xanh của bầu trời và màu xanh biếc của mặt hồ tạo nên một hình ảnh cực kỳ diễm lệ, nước của hồ Pukaki là do sự tan chảy của băng hà Tasman và những băng hà lân cận nhỏ hơn. Màu xanh ngọc bích của hồ gây ra bởi sự tán xạ của ánh sáng từ những bột đá do băng hà bào mòn. Ngoài ra đến đây du khách cũng không nên bỏ qua Lâu Đài Tình Ái (Larnach Castle) trên bán đảo Otago. Đây là nơi mà ông Larnach- một thương gia, xây lâu đài cho vợ tốn 14 năm (circa. 1871-1885). Lâu đài độc nhất tại New Zealand. Bên cạnh đó Queenstown hấp dẫn du khách quốc tế vì sông nước hữu tình, trước mặt là hồ xung quanh là núi, cũng là nơi trượt tuyết lý tưởng và có nhiều trò chơi mạo hiểm cho những người trẻ tuổi như bungy jump, gliding, kayak hoặc ngồi trên những chiếc thuyền phản lực lướt và quay vòng trên con sông hẹp. Đại học Otago tọa lạc ở tận cùng phía Nam hun hút của quả địa cầu. Đây là đại học tổng hợp đầu tiên của New Zealand thành lập gần 150 năm trước có trường Y và Nha khoa nổi tiếng đào tạo những bác sĩ chuyên khoa cho New Zealand và cho cả thế giới, Ngoài ra còn có bến cảng của thành phố Christchurch và rất nhiều các thắng cảnh khác…
 
 -Nói đến New Zealand người ta còn nhớ đến Rudyard Kipling- nơi đây được mô tả như là một kỳ quan thiên nhiên thứ 8 của thế giới bởi vẻ đẹp mê hoặc. Cánh rừng trải dài, cây cỏ màu mỡ, thác nước réo rắt xa xa, và khi những cơn mưa kéo về, những thác nước trở nên mạnh mẽ hơn, hung tợn hơn, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ cho không gian nơi đây.
 
 (Theo Chudu24.com)

Lễ hội

- Lễ hội biểu diễn truyền thống Maori: Lễ hội này đươc tổ chức hai năm một lần, kéo dài trong 3 ngày vào tháng hai. Đây là cuộc thi về văn hóa Maori .
 
 - Lễ hội New Zealand: Lễ hội này được tổ chức hai năm một lần, kéo dài 3 tuần trong tháng 2 và tháng 3, thu hút nhiều khách đến tham dự.
 
 - Lễ hội nghệ thuật Christchurch: Đây cũng là lễ hội được tổ chức hai năm một lần, kéo dài 3 tuần từ tháng 7 và tháng 8 vào các năm lẻ, diễn ra tại Christchurch.
 
 Ngoài ra còn có Lễ hội Mùa Đông Queenstown, Lễ hội Nông Nghiệp Auckland, Lễ kỷ niệm Waitangi, Đua thuyền trên sông Ngaruawahia.