Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Toà nhà Quốc hội Anh bên bờ sông Thames. (Nguồn: Internet)

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

- Tên nước:  Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland  (gọi tắt là Anh - tên tiếng Anh: United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland)

- Ngày quốc khánh: 11/6 (ngày sinh của đương kim Nữ hoàng Anh Elizabeth II)

- Thủ đô: London

- Vị trí địa lý: Là một quần đảo nằm ở nằm ở Tây Âu; phía Tây giáp Cộng hòa Ailen.

- Diện tích: 243.610 km2

- Khí hậu: Ôn đới. Do nằm ở vĩ độ trung bình và chịu ảnh hưởng của hải lưu Gulf Stream nên có khí hậu ôn hòa và lượng mưa tương đối lớn, thường hay có bão tuyết và lũ lụt. Nhìn chung, thời tiết ở Anh thay đổi theo ngày, nhiệt độ trung bình của các mùa chỉ cách nhau vài độ. Mùa hè thời tiết nóng hơn và khô hơn, mùa đông thường ấm hơn và ẩm hơn. Mùa thu và mùa đông là hai mùa ẩm ướt nhất trong năm. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè từ 20độC đến 25độC (từ tháng 5 đến tháng 9), vào mùa đông nhiệt độ thường xuống dưới 0độC.

Thời tiết khô nhất ở phía Đông và ấm nhất ở phía Nam.

- Dân số: 62.041.708 (con số ước lượng đến 2010)

- Dân tộc:  Người Anh (83,6%), người Scotland (8,6%), người xứ Wales (4,9%), người Bắc Ireland (2,9%).

- Hành chính: Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland bao gồm 4 phần chính là Anh (England), Scotland, Wales và Bắc Ireland. Ngoài ra Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland còn bao gồm một số hòn đảo và quần đảo khác tại nhiều nơi trên thế giới. Vương quốc này có chung đường biên giới với Ireland.

- Đơn vị tiền tệ:  Đồng Bảng Anh (GBP)

- Tôn giáo: Đạo chính thống Anh (57%), đạo Tin Lành (15%), đạo Thiên Chúa (13%) và một số đạo khác như Hinđu, Sikh, Do Thái...

- Ngôn ngữ:  Tiếng Anh là tiếng phổ thông. Ngoài ra có các tiếng địa phương như tiếng Wales, tiếng Scotland.
 

Địa lý

+ Vị trí địa lý: Nằm ở Tây Âu. Giáp với bắc Đại Tây Dương, biển Bắc và miền tây bắc nước Pháp.
   
 + Diện tích: 243.610km2
   
 + Địa hình: Phần lớn địa hình Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là những vùng đất thấp xen kẽ với núi non.
 
 Tổng diện tích của Vương quốc Anh là khoảng 243.610km2 bao gồm các đảo của Vương quốc Anh, chiếm 1/6 vùng đông bắc của đảo Ireland, và các đảo nhỏ xung quanh.
 
 Vương quốc Anh nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Biển Bắc, 35km đường bờ biển giáp với phía tây bắc nước Pháp. Năm 1993, 10% diện tích của Vương quốc Anh là rừng, 46% sử dụng cho đồng cỏ, và 25% đất nông nghiệp.
 
 Vương quốc Anh nằm giữa vĩ độ 49 độ và 59 độ Bắc.và kinh độ 8 độ Tây đến 2 độ Đông.
 
 Đường bờ biển Vương quốc Anh dài 17,820km. Vương quốc Anh kết nối với châu Âu qua đường hầm eo biển Manche (đường hầm eo biển Anh).
 
 *Nước Anh (Engaland) chiếm hơn một nửa tổng diện tích của Vương quốc Anh, bao gồm 130.395km2. Phần lớn địa hình đất nước này là các địa hình đồng bằng,  vùng núi phía tây bắc.
 
 Các dòng sông và cửa sông chính ở nước Anh là sông Thames, Severn và Humber.  Đỉnh núi cao nhất ở Anh là đỉnh Scafell Pike, cao 978m. Anh có nhiều thành phố lớn và có sáu thành phố nằm trong số 50 đô thị lớn của Liên minh châu Âu.
 
 *Wales chiếm một phần mười tổng diện tích của Vương quốc Anh, có diện tích 20.779km2. Địa hình xứ Wales là chủ yếu là miền núi. Dãy núi cao nhất ở Wales ở Snowdonia có đỉnh Snowdon cao 914m .
 
 Xứ Wales có đường bờ biển dài hơn 1,200km. Ngoài vùng biển xứ Wales còn có nhiều hòn đảo, trong đó đảo lớn nhất là Anglesey ở phía tây bắc.
 
 *Scotland chiếm một phần ba tổng diện tích của Vương quốc Anh, bao gồm 78.772km2, trong đó có gần tám trăm hòn đảo, chủ yếu nằm ở phía tây và phía bắc của lục địa Anh. Scotland được tại thành bởi một phần đất liền và vài quần đảo. Phần đất liền có thể chia thành 3 miền: Cao nguyên Scotland ở phía bắc, Vành đai trung tâm (Central Belt) và Miền đất cao (Southern Uplands) về phía nam. Vùng cao nguyên chủ yếu là núi bị cắt ngang bởi thung lũng lớn (Great Glen). Những đỉnh núi cao nhất trên đảo Anh đều nằm ở đây trong đó có đỉnh Ben Nevis cao nhất, cao 1 344m. Những ngọn núi cao hơn 914m (3 000 bộ) gọi là Munros. Vành đai trung tâm của Scotland hầu hết có địa hình bằng phẳng và là nơi tập trung hầy hết dân cư của Scotland. Vành đai trung tâm chia thành bờ Tây (gồm vùng lân cận Glasgow) và bờ Đông (gồm vúng lân cận thủ phủ Edinburgh). Miền đất cao phía nam là một rặng núi đồi dài khoảng 200km (125 dặm), chạy từ Stranraer (gần biển Ireland) tới Đông Lothian thuộc Biển Bắc.
 
 *Bắc Ireland nằm ở phía đông bắc của đảo Ireland, chiếm 1/6 diện tích của đảo. Lãnh thổ Bắc Ireland gồm một số vùng đồi, trong đó có dãy núi Sperrin ở phía tây bắc, khu vực Antrim và dãy núi Mourne, với đỉnh Slieve Donard, cao 852m. Hồ Lough Neagh ở vùng trung tâm là hồ lớn nhất Vương quốc Anh.
 
 + Khí hậu: Vương quốc Anh có một khí hậu ôn đới, với lượng mưa nhiều quanh năm. Nhiệt độ thay đổi theo mùa, nhưng ít khi giảm xuống dưới -10 độ C hoặc tăng lên trên 35 độ C. Gió tây nam chủ yếu mang theo thời tiết ẩm ướt từ Đại Tây Dương. Tuy nhiên phần Đông, nhiều nơi không có gió tây nam nên có khí hậu khô. Mùa đông ở Vương quốc Anh trở nên ấm áp hơn nhờ dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương. Mùa hè ở Vương quốc Anh, thời tiết nóng nhất ở phía đông nam nước Anh, do vùng này gần lục địa châu Âu, trong khi đó, vùng phía bắc lại có thời tiết mát mẻ hơn. Ở Vương quốc Anh, tuyết thường rơi vào mùa đông và đầu mùa xuân.
 
+ Tài nguyên: Vương quốc Anh có nhiều tài nguyên thiên nhiên bao gồm:
 
*  Địa chất: than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, đá vôi, đá phấn, thạch cao, silica, đá muối, cao lanh, quặng sắt, thiếc, bạc, vàng, chì.

*  Nông nghiệp: đất trồng trọt, lúa mì, lúa mạch, cừu
 
Vương quốc Anh có nhiều than đá , khí tự nhiên, và dầu mỏ dự trữ; ngành sản xuất năng lượng chiếm 10% GDP. Do vị trí địa lý là một quần đảo, Anh có tiềm năng lớn để sản xuất điện từ năng lượng sóng biển và thủy triều.

Lịch sử

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland hiện tại là liên minh sau chót của hàng loạt những liên minh từng được thành lập trong vòng 300 năm qua. Vương quốc Scotland và Vương quốc Anh từng tồn tại với tư cách các quốc gia độc lập với hoàng gia và các cơ cấu chính trị riêng biệt từ thế kỷ thứ 9. Xứ Wales cũng từng một thời là lãnh thổ độc lập đã rơi vào tầm kiểm soát của hoàng gia Anh từ sau Đạo luật Rhuddlan năm 1284, và chính nó cũng trở thành một phần của Vương quốc Anh theo các điều luật trong Đạo luật Wales 1535.
 
Theo Đạo luật liên minh 1707, các nước Anh và Scotland, vốn từng là các quốc gia liên minh riêng biệt từ năm 1603, đã đồng ý thành lập một liên minh chính trị gọi là Vương quốc Anh (Kingdom of Great Britain).
 
Đạo luật liên minh 1800 đã thống nhất Vương quốc Anh với Vương quốc Ireland, để hình thành nên Liên hiệp Vương quốc Anh và Ireland. Nước Cộng hòa Ireland hiện nay tuyên bố độc lập năm 1922 sau khi tách khỏi hòn đảo Ireland từ hai năm trước đó, sáu trong số chín hạt của tỉnh Ulster vẫn nằm trong Vương quốc Anh, sau này đã đổi thành tên hiện nay năm 1927.
 
Là một cường quốc công nghiệp và hàng hải trong thế kỷ 19, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland thường được gắn liền với danh hiệu quốc gia góp phần "hình thành lên thế giới hiện đại," khi đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát triển các tư tưởng về sở hữu, chủ nghĩa tư bản và dân chủ nghị viện phương Tây cũng như có những đóng góp to lớn trong văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ.
 
Ở thời cực thịnh, Đế quốc Anh trải dài trên hơn một phần tư bề mặt Trái Đất và chiếm một phần ba dân số thế giới, biến nó trở thành đế chế lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nửa đầu thế kỷ 20, sức mạnh của nó dần suy giảm sau những hậu quả của Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Nửa sau thế kỷ 20, đế quốc này tan rã và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã tái lập lại hình ảnh quốc gia thịnh vượng và kinh tế phát triển của mình hiện nay.
 
Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã trở thành một thành viên Liên minh châu Âu từ năm 1973. Chính phủ Anh cũng chưa quyết định việc sử dụng đồng tiên chung euro. Kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này chỉ được thực hiện nếu và khi thử nghiệm ở năm nền kinh tế cho thấy việc gia nhập Khu vực đồng Euro mang lại hiệu quả.
 

Chính trị

Thể chế chính trị: quân chủ nghị viện.
 
 * Hiến pháp: Hiến pháp Vương Quốc Anh đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Không giống như hiến pháp Mỹ, Pháp và một số nước thuộc Khối Thịnh vượng chung, hiến pháp Vương Quốc Anh không được tập hợp thành một văn kiện thống nhất, mà nó bao hàm trong các luật chung (tập quán pháp, tiền lệ pháp), các ngành luật và các ước lệ.
 
 Tuy nhiên, Vương Quốc Anh có các văn kiện mang tính hiến pháp có tính quan trọng nhất định bao gồm: Đại hiến chương Vương Quốc Anh (the Magna Carta) (1215) bảo vệ quyền công dân trước nhà vua; đạo luật về nhân quyền (the Bill of Rights) (1698) quy định quyền hạn của Nghị viện, theo đó Nghị viện không được toàn quyền bác bỏ các quyết định của Chính phủ; và đạo luật cải cách (Reform Act) (1832), quy định việc cải cách hệ thống cơ quan trực thuộc Nghị viện.
 
 Luật chung (common law) (tập quán pháp và tiền lệ pháp) bắt nguồn từ phong tục tập quán hoặc các tiền lệ pháp và được các thẩm phán áp dụng trong các vụ kiện cụ thể tại toà. Ước lệ là các quy tắc xử sự không mang tính bắt buộc, nhưng lại không thể thiếu trong hoạt động của cơ quan hành pháp.
 
 Dù vậy vào ngày 3/5/2007, Nghị viện đã thông qua một văn bản dưới luật theo đó cho phép chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý cho một bản sửa đổi mới vào năm 2010 và sẽ cần hai phần ba số phiếu thuận của Nghị viện để có hiệu lực.
 
 * Cơ quan lập pháp:  Nghị viện: Cơ quan lập pháp đại diện cho nhân dân Anh gồm ba thành tố: nhà vua, Hạ viện và Thượng viện.
 
 Hạ viện bao gồm 659 thành viên được bầu gọi là các Nghị sĩ (Members of Parliament) viết tắt là MPs. Chức năng chính của Hạ viện là lập pháp bằng cách thông qua các đạo luật của Nghị viện, thảo luận các vấn đề chính trị hiện hành.
 
 Thượng viện hiện nay gồm 669 thành viên không bầu cử là các nam nữ công khanh kế truyền, các nam nữ công khanh một đời, hai tổng giám mục và 24 giám mục cấp cao của giáo hội England. Chức năng lập pháp chính của Thượng viện là nghiên cứu và xem xét các dự thảo luật của Hạ viện. Thượng viện đóng vai trò là toà phúc thẩm cao nhất. Thông thường Thượng viện không có quyền ngăn cản các dự luật trở thành luật chính thức nếu Hạ viện nhất quyết bảo lưu ý kiến.
 
 * Cơ quan hành pháp: Nữ Hoàng (Vua) đứng đầu Nhà nước, theo chế độ cha truyền con nối. Thủ tướng đứng đầu chính phủ.
 
 * Cơ quan tư pháp: Tòa Kháng án (Thượng viện Anh), Tòa án tối cao. Hệ thống tư pháp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Thượng viện (vừa là chánh án, vừa là thành viên chính phủ). Theo quy định, chánh án (dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng) có quyền bổ nhiệm các thẩm phán của tất cả các tòa án ở nước Anh.
 
 * Chế độ bầu cử: phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 
 * Các đảng phái lớn: Ở Vương quốc Anh có ba chính đảng chính, gồm Công Đảng – hiện đang cầm quyền – Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do.
 
 Một số đảng phái chính trị nhỏ khác cũng có đại diện trong nghị viện Vương quốc Anh và châu Âu, và trong các cơ quan chính quyền phân cấp ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.

Kinh tế

Anh là một trong những cường quốc thương mại và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới (thứ 2 ở châu Âu, sau Đức).
 
Anh có nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân (chiếm 80% sản lượng và 75% lao động). Trong những năm 80 của thế kỉ XX, dưới thời Thủ tướng M.Thatcher, Anh đi đầu các nước phương Tây trong việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.
 
Trong thời gian qua, kinh tế Anh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng như: duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với các nước EU với tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 3,1%, tỷ lệ thất nghiệp thấp, khoảng 5%, thuộc hàng thấp nhất EU, lạm phát thấp và ổn định nhất kể từ năm 1959… Anh nổi bật là một trong những nền kinh tế toàn cầu hóa nhất thế giới với chính sách tự do thương mại, chống bảo hộ.
 
Năm 2007, Anh là nước thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhất ở châu Âu với tổng vốn đầu tư 56 tỷ euro, chiếm 42% tổng vốn FDI vào EU.
 
 * Về Công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 23,4% GDP và thu hút 18,2% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Máy móc, thiết bị tự động, tàu biển, máy bay, ô tô và phụ tùng, thiết bị điện và truyền thông, kim loại, hóa chất, than đá, dầu mỏ, hàng dệt, quần áo và hàng tiêu dùng...
 
* Về Nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 0,9% GDP và thu hút 1,4% lực lượng lao động. Nông nghiệp có trình độ cơ giới hóa cao.
 
- Sản phẩm nông nghiệp chính: Ngũ cốc, hạt có dầu, khoai tây, rau, gia súc, cừu, gia cầm, cá.
 
* Về dịch vụ: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ chiếm 75,7% GDP và thu hút 80,4% lượng lao động.
 
* Xuất khẩu: đạt kim ngạch 441,4 tỷ USD (năm 2007).
 
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh tính theo đầu người cao hơn Mỹ và Nhật.
 
- Các mặt hàng xuất khẩu chính: Hàng công nghiệp, máy móc, thuốc lá, dược phẩm, thực phẩm...
 
- Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Mỹ (14,1%), Đức (11%), Pháp (7,8%), Iceland (7,5%), Hà Lan (6,4%), Bỉ (5,3%), Tây Ban Nha (4,2%).
 
* Nhập khẩu: đạt kim ngạch 616,8 tỷ USD (2007).
 
- Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc thiết bị, nhiên liệu, thực phẩm.
 
- Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Đức (13,7%), Mỹ (8,3%), Hà Lan (7,2%), Pháp (6,8%), Trung Quốc (5,9%), Bỉ (4,8%), Italy (4%), Nauy (4,9%).

Văn hóa

Anh - một quốc gia đa văn hóa. Trong suốt chiều dài lịch sử của Vương quốc Anh, nhiều chủng tộc và nền văn hóa khác nhau đã có ảnh hưởng tới văn hóa vương quốc này.
 
 + Giáo dục: Vương quốc Anh tự hào là một quốc gia có nền giáo dục chất lượng hàng đầu trên thế giới. Tại Anh Quốc, tất cả trẻ em từ 5 đến 16 tuổi đều phải đi học, hoặc là trường công hoặc là trường tư phải đóng tiền. Ban đầu là nhà trẻ, trường cấp 1, sau đó là trường cấp 2 hay còn gọi là trường phổ thông hỗn hợp có nhiều chương trình và thời gian học khác nhau.

Các em từ 7 đến 13 tuổi sẽ học tại các trường nội trú, hay còn gọi là trường trung học cơ sở và sẽ chuyển lên học trung học phổ thông khi đến độ tuổi 11 đến 13. Học sinh sẽ học nhiều môn để chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học (GCSE) hoặc chứng chỉ Scottish Standard Grade vào năm 16 tuổi. Sau khi kết thúc các khoá học này, các em có thể học tiếp khoá học lấy chứng chỉ A (A-level), học dự bị đại học hoặc theo học 2 năm (không bắt buộc) tại các trường theo hướng học nghề học thuật hay còn gọi là các trường “6th form” trước khi vào đại học.
 
Thông thường học đại học ở Anh là 3 năm, sinh viên sẽ nhận được bằng Cử nhân về các môn khoa học xã hội (BA) cho các ngành như ngôn ngữ, nghệ thuật, khoa học xã hội; Cử nhân Khoa học (BSC) cho các bộ môn khoa học và Cử nhân Kỹ thuật (BEng) cho các ngành liên quan đến kỹ thuật và công nghệ.
 
Có hơn 20.000 khoá đào tạo sau đại học ở Anh Quốc về rất nhiều chuyên ngành khác nhau, các khoá học thường có thời gian ngắn, từ chín tháng đến hai năm. Các chương trình Thạc sỹ nghiên cứu nguyên lý (Mphil), thạc sỹ khoa học xã hội (MA) và Khoa học nghiên cứu (MSc) có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm. Khoá tiến sỹ là một chương trình nghiên cứu từ 3 năm trở lên. 
 
+ Nghệ thuật biểu diễn Anh Quốc  hết sức đặc sắc và phát triển. Âm nhạc, kịch, làm phim, khiêu vũ và opera đều được các nghệ sỹ biểu diễn say mê trong các rạp hát, phòng hòa nhạc và các trường quay ở khắp cả nước vào các buổi tối trong năm. Vương quốc Anh – quê hương của nhiều nhà soạn nhạc, tác giả, vũ công và diễn viên nổi tiếng – nổi tiếng thế giới về nghệ thuật biểu diễn cũng như văn học.
 
Ở mỗi nước thuộc Vương quốc Anh có một Hội đồng Nghệ thuật phụ trách việc phát triển nghệ thuật, đó là:
 
 Hội đồng Nghệ thuật Anh
 
 Hội đồng Nghệ thuật Scotland
 
 Hội đồng Nghệ thuật xứ Wales
 
 Hội đồng Nghệ thuật Bắc Ireland
 
Chính phủ Anh và khu vực tư nhân ghi nhận những tài năng trong các ngành sáng tạo và có nhiều đóng góp thiết thực cho tương lai phát triển của các ngành nghệ thuật.
 
Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (DCMS) xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện để các ngành sáng tạo không ngừng phát triển.
 
*Âm nhạc
 
Môi trường âm nhạc đa dạng, phát triển ở Vương quốc Anh, từ nhạc dân gian truyền thống đến nhạc khiêu vũ hiện đại.
 
Một vài nhạc sỹ và ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới của Anh gồm: The Beatles và The Rolling Stones – Nhạc Rock; Queen và Genesis - Progressive Rock; Blur và Oasis - BritPop; Spice Girls, Westlife, Girls Aloud và Robbie Williams - Pop/Chart; Prodigy và Goldie – Nhảy; Kano và Dizzee Rascal - Urban; các nhạc sỹ Katherine Jenkins và Aled Jones – Cổ điển; Billy Connolly và The Spinners – nhạc Dân gian; Ronnie Scott và Tubby Hayes – nhạc Jazz
 
Hàng năm đều diễn ra một vài liên hoan âm nhạc ở Vương quốc Anh. Hai trong số những liên hoan âm nhạc nổi tiếng nhất là Glastonbury và trong công viên. Tuy nhiên, bạn có thể chọn rất nhiều liên hoan khác trên trang thông tin các liên hoan sinh động. Trang thông tin này cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các liên hoan âm nhạc ở Vương quốc Anh.
 
Các buổi lễ trao giải thưởng âm nhạc quốc gia để tôn vinh những tác phẩm âm nhạc xuất xắc nhất của Anh cũng được tổ chức trong năm. Ba trong số những buổi lễ trao giải thưởng âm nhạc lớn nhất trong năm là Giải thưởng BRIT, MOBOs (Âm nhạc có nguồn gốc từ người Da đen) và Giải thưởng Thủy ngân Toàn quốc.
 
 *Khiêu vũ
 
Có nhiều loại hình khiêu vũ ở Vương quốc Anh - từ các loại hình nghệ thuật cổ điển đến các đoàn khiêu vũ biểu diễn trên đường phố. Những nhóm khiêu vũ đường phố nổi tiếng có Vũ điệu Morris ở Anh, điệu nhảy của người Ireland có thể được xem ở Nhảy trên sông, và Điệu nhảy đồng quê Scotland.
 
Tất cả các loại hình khiêu vũ ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng ở Vương quốc Anh. Đại diện cho hình thức khiêu vũ cổ điển là Rambert, đoàn ballet Hoàng gia và Đoàn ballet Quốc gia Anh. Đại diện cho hình thức khiêu vũ hiện đại là các công ty như CandoCo. Công ty này dành cho những vũ công khuyết tật và không khuyết tật. Và, Jonzi D đại diện cho các điệu khiêu vũ hip-hop thời thượng.
 
Sự phát triển trở lại này của các loại hình khiêu vũ một phần là do các chương trình truyền hình như Người nổi tiếng đến khiêu vũ (Celebrity Come Dancing). Chương trình này đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng về khiêu vũ.
 
*Nhà hát và kịch
 
London được xem là thủ đô nhà hát kịch của thế giới bởi ở đây có nhiều buổi diễn và số khán giả đến xem nhiều và đông hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, kể cả so với Broadway ở New York, Mỹ.
 
Tuy nhiên, một số nhà hát kịch ở những vùng miền khác của Vương quốc Anh cũng nổi tiếng không kém – như Nhà hát kịch Tây Yorkshire ở thành phố Leeds, miền Bắc nước Anh.
 
Nghệ thuật diễn kịch cũng được giảng dạy trong các trường học phổ thông và ở các bậc giáo dục cao hơn. Học viện Nghệ thuật Kịch Hoàng gia là ví dụ điển hình về một trường sân khấu kịch của Anh có uy tín cao trên thế giới.
 
Vương quốc Anh nổi tiếng về hài kịch. Người Anh được xem là có khiếu hài hước độc đáo và các diễn viên hài kịch của chúng tôi đều có thể làm cho người dân trên toàn thế giới cười. Các vở hài kịch truyền hình và phim truyện được trình chiếu trên truyền hình ở nhiều nước trên thế giới.
 
London nổi tiếng là một trung tâm câu lạc bộ hài kịch của châu Âu. Nhiều nơi khác ở Vương quốc Anh cũng nổi tiếng về diễn xuất hài kịch. Các liên hoan và lễ trao giải thưởng quốc gia hàng năm cũng đem lại cho những người yêu mến hài kịch một cơ hội nữa để thưởng thức những tài năng hài kịch, cũng như chiêm ngưỡng những tài năng được yêu mến nhất trên sân khấu.
 
+ Truyền hình và phim
 
Đèn, máy quay, hành động! phim và truyền hình Anh là ngành kinh doanh lớn cả trong phạm vi Vương quốc Anh và trên phạm vi toàn cầu.
 
*Truyền hình
 
Ngành phát thanh truyền hình của Anh bắt đầu từ năm 1936. Cho đến nay, ngành này đã phát triển vượt bậc nhờ những tiến bộ gần đây về công nghệ và việc áp dụng truyền hình kỹ thuật số, cáp quang, vệ tinh và internet.
 
Hầu hết mọi người ở Vương quốc Anh đều sử dụng nhiều dịch vụ miễn phí và thuê bao với nhiều lựa chọn chương trình phong phú. Có năm kênh truyền hình số mặt đất ở Vương quốc Anh - BBC1, BBC2, ITV1, Kênh4 và Kênh5.
 
Xuất khẩu truyền hình tạo nhiều thu nhập cho nền kinh tế của Anh hơn bất kỳ ngành công nghiệp sáng tạo nào khác, với những chương trình như "Doctor Who" chứng minh cho sự thành công của ngành công nghiệp truyền hình qua số lượng khán giả trên toàn cầu.
 
Xem truyền hình là một trong những thói quen sở thích phổ biến nhất của người Anh. Các vở opera và kịch hàng tuần như "Người dân phía Đông London" (Eastenders) và "Đường phố Đăng quang" (Coronation Street) được hàng triệu người thường xuyên theo dõi.
 
*Phim
 
Những phim cổ điển của Anh như "Những chiếc xe chiến mã của thần Lửa" (Chariots of Fire) và các phim đương đại được ưa thích như "James Bond" (Điệp viên 007) và bộ phim nhiều tập "Harry Potter" đã thu hút được nhiều khán giả hâm mộ phim của Anh ở nhiều nước.
 
Trong những năm gần đây, ngành làm phim ở Anh đã bổ sung thêm nhiều phim đa dạng về văn hóa, bao gồm cả những chủ đề về dân tộc, xã hội và văn hóa, phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống ở Vương quốc Anh.

Nước Anh cũng trở thành một địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất phim quốc tế đến quay phim ở đây. Sự đa dạng về cảnh sắc và sự phong phú về loại hình kiến trúc nhà ở đã trở thành phông nền cho rất nhiều bộ phim bom tấn – "Quý cô Potter" (Miss Potter), "Mật mã Da Vinci" (The Da Vinci Code), "Harry Potter," và "Viên đá của Nhà Triết học" (the Philosopher’s Stone). Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều bộ phim nổi tiếng được sản xuất tại Anh.
 
Hoạt động của các diễn viên, đạo diễn, nhà viết phim, người thiết kế trang phục và sản xuất, người đạo diễn phong cách, chuyên gia kỹ thuật, và nhà sản xuất được tôn vinh trong suốt cả năm qua rất nhiều lễ trao giải thưởng quốc gia. Lễ trao giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Phim và Truyền hình Anh (BAFTA) là một trong số những sự kiện chính ghi nhận những bộ phim và chương trình truyền hình xuất sắc nhất trong năm.
 
+ Văn học
 
Vương quốc Anh có một truyền thống văn học phong phú với những nhà văn nổi tiếng như Chaucer, Shakespeare, Wordsworth, Dickens, Eliot, George Orwell và H G Wells. Ngoài ra còn có rất nhiều tên tuổi nhà văn Anh khác cũng rất nổi tiếng thể giới.
 
Các nhà văn đương đại như James Kelman, Jeannette Winterson, Salman Rushdie, Ian McEwan và Benjamin Zephaniah đang tiếp nối truyền thống đó, dựa trên nhiều ảnh hưởng để viết ra những tác phẩm sáng tạo và kích thích sự suy nghĩ của người đọc.
 
Vương quốc Anh cũng là quê hương của một số tác giả nổi tiếng chuyện thiếu nhi, trong đó có Edward Lear, Beatrix Potter, Roald Dahl, Philip Pullman và JK Rowling.
 
Mặc dù sách chuyện của họ chủ yếu dành cho trẻ em, song rất nhiều người lớn cũng thích đọc. Đặc biệt, JK Rowling là một hiện tượng xuất bản toàn cầu với hơn 100 triệu bản cuốn Harry Potter được bán cho độc giả trên khắp thế giới. Có hơn 200 giải thưởng văn học hàng năm ở Vương quốc Anh cho nhiều thể loại, bao gồm cả thơ ca.
 
Những tài năng văn học được bồi dưỡng và khuyến khích qua một số khóa đào tạo viết văn sáng tạo tại nhiều trường đại học của Anh và những chương trình đặc biệt do các tác giả nổi tiếng chủ trì.
 
Hầu hết các sách chuyện ở Vương quốc Anh có thể được mượn từ thư viện công cộng. Thư viện công cộng ở Vương quốc Anh lưu giữ cả những sản phẩm âm thanh và ấn phẩm in ấn lớn.

(Nguồn: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam)

Ẩm thực

- Khẩu phần ăn truyền thống của người Anh có khá nhiều cá, thịt, các sản phẩm từ sữa, thảo mộc và các loại rau củ.
 
Các loại gia vị và trà cũng là nét đặc trưng không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ sở xương mù. Thông thường, những bữa ăn truyền thống của người Anh luôn có sự hiện diện của những loại thực phẩm dưới đây:
 
 + Thịt, cá
 
Phần lớn cách nấu nướng của người Anh đều tập trung vào thịt hay cá. Ở đảo quốc sương mù này, các món cá thường được dùng làm món chính của bữa ăn, đặc biệt là những loại cá nước lạnh và cá có nhiều dầu.
 
Những món thịt quay, thịt chiên và xúc xích cũng thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn.
 
+Những sản phẩm từ sữa
 
Nhiều món ăn dùng nguyên liệu là các sản phẩm từ sữa. Những người làm phô mai ở Anh ưa chuộng các loại sữa bò, dê hoặc cừu. Thỉnh thoảng họ dùng sữa tuần lộc hoặc trâu (cho những dịp đặc biệt) để chế biến ra những bánh phô mai cùng với giấm, nước chanh và chất men rennet - loại men dịch vị được lấy ở dạ dày bò con, có khả năng làm đặc sữa trong quá trình làm phô mai.

+ Gia vị
 
Gia vị và thảo mộc xuất hiện lần đầu tiên ở Anh vào giai đoạn Trung cổ. Cách nấu nướng của người Anh trong thời kỳ trị vì của nữ hoàng Victoria có sự kết hợp của rất nhiều loại gia vị nước ngoài, đặc biệt là các loại bột cà ri được nhập khẩu từ Ấn Độ.
 
+Rau có rễ, củ

Khẩu phần ăn của người Anh sử dụng hầu hết những loại rau có củ. Khoai tây, hành, cà rốt và củ cải là những loại rau củ và thảo mộc mà nông dân Anh rất thích trồng.
 
+Trà và đồ uống

Trà là loại thức uống được nhập khẩu sang Anh lần đầu tiên từ các nước Đông Á trong thời kỳ nữ hoàng Victoria cai trị đất nước. Kể từ đó, trà đã trở thành một loại đồ uống truyền thống của đảo quốc này.
 
Bữa trà xế chiều được phục vụ chung với nhiều loại bánh, như: sandwiches, bánh nướng hoặc bánh ngọt… Ở các quán nhậu, người ta thường phục vụ loại bia Anh truyền thống, vốn có vị rất mạnh, kèm theo nhiều món ăn thịnh soạn.

Điểm du lịch

Nước Anh rộng lớn và có nhiều địa danh thu hút. Nước Anh có nhiều thành phố to lớn, xinh đẹp, nổi tiếng nhất có thể kể như:
 
 * London: thủ đô của Anh quốc và Vương quốc Anh, một thủ đô rộng lớn, thủ đô tài chính, văn hóa và thời trang toàn cầu. London được xem là thành phố lớn nhất châu Âu, không nên bỏ qua nếu đến Anh quốc.
 
 London có 4 di sản thế giới: Tháp London; Vườn thực vật Hoàng gia, Kew; khu vực bao gồm Cung điện Westminster, Westminster Abbey và Giáo đường St. Margaret; khu định cư lịch sử Greenwich (trong đó có Đài thiên văn Hoàng gia đánh dấu Greenwich Meridian. Đây là những địa danh mà bất cứ ai tới London đều muốn ghé qua.
 
 * Birmingham: Thành phố có dân số đông nhất Vương quốc Anh, là khu trung tâm về công nghệ, thu hút nhiều du khách. Nơi đây là trung tâm văn hóa, thể thao, nghệ thuật, mua sắm và truyền thông.
 
 * Bristol: Thành phố lớn ở Nam Anh quốc, sau Londong, những địa danh âm nhạc sống động, những tòa nhà lịch sử đáng yêu và bến tàu rất hấp dẫn.
 
 * Livepool: Nổi tiếng là thành phố hàng hải, và là nơi sinh trưởng của The Beatles — thủ đô văn hóa châu Âu năm 2008.
 
 * Manchester: Trung tâm văn hóa, thể thao, giải trí, mua sắm và truyền thông. Đây là thành phố được nhiều du khách đến thăm nhất ở Vương quốc Anh sau London và Edinburgh.
 
 * Nottingham: quê hương Robin Hood và cung điện Nottingham
 
 Ngoài những thành phố lớn, nước Anh còn vô số địa danh hấp dẫn du khách:
 
 Công viên quốc gia Lake District: là công viên quốc gia rộng nhất nước.
 
 Tường biên giới Hadrian: Một bình phong khổng lồ kéo dài trên đỉnh núi cheo leo hiểm trở, trở thành một trong những danh thắng của Great Britain. Tường biên giới nằm ngang trên một gò nhỏ trơ trọi, tại đây người ta nhìn thấy dấu vết còn sót lại của thành lũy, từng là một doanh trại chứa tới 10.000 quân và một bệnh viện
 
 * Công viên quốc gia New Forest: là địa danh du lịch chính ở Hampshire.
 
 * Công viên quốc gia North York Moors
 
 * Hai trường đại học nổi tiếng Oxford và Cambridge.
 
 * Công viên quốc gia Peak District
 
 * Công viên quốc gia South Downs
 
 * Stonehenge: di sản của UNESCO
 
 * Công viên quốc gia Orkshire Dales.
 

Lễ hội

Anh là nước có nhiều lễ hội. Lễ hội diễn ra quanh năm ở các vùng trên đất nước. Sau đây là những lễ hội chính ở Anh

*Lễ Giáng sinh (Christmas Day)

Ở Anh người ta thường tổ chức lễ Giáng sinh ở nhà, trong gia đình. Người ta coi đó là ngày lễ toàn gia và họ hàng.

Người ta chuẩn bị cho lễ giáng sinh từ trước ngày đó khá lâu: gửi thiếp chúc mừng, trang trí cây giáng sinh đặt ở một nơi trang trọng trong nhà. Tập tục này đã trở thành truyền thống của Anh, và người phổ biến rộng rãi tập tục ấy chính là phu quân của Nữ hoàng Victoria. Prince Albert đã đưa tập tục này từ quê hương của ngài là nước Đức, vào nước Anh, vào năm 1840.

Các ngôi nhà được trang trí nhà bằng cây thường xanh (evergreens), một loại cây không rụng lá vào mùa đông. Mọi người treo một vòng hoa làm bằng cành ôrô ở cửa nhà và bày dây hoa, vòng hoa thường xuân, cây thông trong nhà. Người Anh thường treo một cành tầm gửi (mistletoe) trước cửa nhà; đôi nam nữ nào vô tình đi qua dưới cành cây ấy phải đứng lại hôn nhau rồi mới được đi tiếp! Ngươì ta cũng chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống: bánh thịt xay, một chiếc bánh Giáng sinh to và bánh pút đinh. Trong nhà mỗi người một khẩu vị nhưng nói tóm lại bụng ai cũng luôn luôn đầy những thứ như đồ nhắm, đậu lạc, quả sấy khô và rượu.

Người ta mua đủ các loại tặng phẩm, gói ghém đẹp đẽ rồi đặt xuống dưới chân cây thông Giáng sinh vào lúc nửa đêm Giáng sinh. Lễ Giáng sinh vừa là ngày thế tục vừa là ngày đạo giáo. Nhiều gia đình đi dự dạ lễ tại nhà thờ vào đêm Giáng sinh, hoặc tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà thờ vào buổi sáng Ngày Giáng sinh.

Đối với trẻ con thì giờ phút hồ hởi nhất chính là lúc bọn chúng treo bít tất cao cổ (một chiếc tất cũ, hoặc tham vọng hơn, chúng treo cả chiếc vỏ gối) xung quanh lò sưởi, hoặc ở đầu giường với hy vọng là Cha Giáng Sinh sẽ nhét đầy quà vào đó. Hình ảnh Cha Giáng Sinh của Anh, hoặc còn gọi là Ông Già Tuyết, trong bộ quần áo đỏ-trắng đã được lưu lại trên một bức tranh khắc được khắc từ năm 1653. Nhưng truyền thuyết Ông Già Tuyết đi xe do tuần lộc kéo đến từng nhà, tụt theo ống khói xuống phòng bọn trẻ nhét quà vào bít tất là truyền thuyết xuất phát từ Mỹ.

Theo tập tục mọi người trong nhà cùng ăn bữa cơm Giáng sinh vào chiều ngày Giáng sinh. Món ăn truyền thống là gà tây quay, nhưng cũng nhiều nhà thích vịt quay hoặc thịt bò rán hơn. Sau món gà tây là món bánh pút-đinh khi mang ra bàn vẫn còn nóng rực. Người ta đổ rượu mạnh lên bánh rồi châm lửa. Ngày Giáng sinh kết thúc bằng việc nghỉ ngơi, xem TV, chơi trò chơi hoặc đơn giản hơn là đi ngủ.

*Boxing Day

Người ta gọi ngày 26 tháng 12 là ngày Boxing day (ngày nhận quà mừng) vì đó là ngày những người buôn bán thường nhận được một "Hộp quà Giáng sinh (Christmas Box), trong đó có một ít tiền tượng trưng mừng cho công việc làm ăn của họ trong suốt một năm.

Theo thông lệ, ngày này cũng chính là ngày đi thăm anh chị em trong nhà, họ hàng, bạn bè, ngày tiệc tùng lu bù. Boxing Day cũng thường là ngày tổ chức các trận bóng đá và các môn thể thao khác.

Boxing Day là ngày nghỉ cho nên các cửa hàng và ngân hàng đều đóng cửa. Tuy nhiên gần đây một số cửa hàng đã phá quy luật ấy, vẫn mở cửa vào ngày Boxing Day để khuyến khích các vị khách hàng đang muốn tiêu tiền trong dịp Lễ Giáng sinh.

*Năm mới

Năm mới thường bắt đầu bằng một cuộc liên hoan, hoặc là ở nhà cùng gia đình hoặc là ở ngoài pub (quán rượu) hoặc câu lạc bộ cùng bạn bè. Không khí bừng vui vào thời khắc Giao thừa, lúc nửa đêm. Tiếng chuông đồng hồ điểm nửa đêm cũng là lúc điểm những giây phút náo nhiệt khi mọi người cùng húyt còi, huýt sáo, hôn nhau và nâng cốc.

Theo tập tục của Anh, người đầu tiên bước qua cửa nhà vào lúc giao thừa sẽ là người báo hiệu sự may mắn của gia đình trong năm tới. Người ta gọi người này là "người xông nhà (First Footing)". Vào đêm ngày 31 tháng 12 , đặc biệt là ở Scotland và Bắc England, những người xông nhà (thường là người cao, da ngăm ngăm, đẹp trai) bước qua bậu cửa, mang vào nhà "sự may mắn tân niên" (New Year's Luck). Người xông nhà mang theo một cục than, một ổ bánh mỳ và một chai rượu. Khi bước vào nhà, anh ta bỏ cục than vào lò sưởi, đặt ổ bánh mỳ lên bàn, rót một cốc rượu cho chủ nhà. Mọi người không ai được nói gì, chờ người xông nhà chúc mọi người "Chúc Mừng Năm mới". Người xông nhà phải vào bằng cửa trước và ra bằng cửa sau.

Ở Wales đúng vào lúc đồng hồ điểm nửa đêm người ta mở toang cửa sau nhà để tiễn Năm Cũ đi, rồi sau đó khoá cửa ấy lại để giữ điều may mắn trong nhà, và khi tiếng chuông cuối cùng điểm, Năm Mới được đón vào nhà bằng cửa trước.

Ở Scotland Tết (Năm mới) vẫn là ngày lễ lớn nhất trong một năm. Tết ở đây được gọi bằng cái từ "Hogmanay" (một từ mà nghĩa của nó từ xưa đến nay chưa bao giờ được làm rõ). Đó là buổi tối mọi người tập trung rất đông ở sân nhà thờ Tron Kirk của Edinburgh và ở Quảng trường George của Glasgow để uống rượu, vui chơi chào đón năm mới. Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm, họ quàng chéo tay nhau cùng hát bài "Auld Lang Syne" (Bài ca tình bạn)

*Halloween

Halloween (31 tháng 10), ngày xuất hiện ma quỷ và phù thuỷ có nguồn gốc từ Đêm Năm Cũ của vùng Celt. Người Celt cho rằng vào đêm này phù thủy và ma quỷ xuất hiện đi lang thang khắp trên trái đất. Phù thuỷ và những sinh vật siêu nhiên vẫn tồn tại trong lòng người dân Anh. Vào ngày này từng đám trẻ con tụ tập, hoá trang thành ma quỷ chạy dong trên đường phố, rước đèn lồng Halloween. Đây là loại đèn làm bằng quả bí, một bên cắt hình mặt ma; khi đốt nến bên trong đèn thì mặt ma sáng lên. Trong những năm gần đây bọn trẻ sáng tạo thêm trò chơi "trick and treating" (doạ để xin quà: bọn trẻ đến từng nhà nói "cho chúng cháu quà hay để chúng cháu ra tay nào"). Mặc dù những tập tục này giống như ở Mỹ, nhưng nó là tục lệ có nguồn gốc ở England, gọi là "Đêm lừa" (Mischief Night). Trong đêm này bọn trẻ con tuyên bố đây là " đêm phi luật pháp", một đêm quy định được chơi những trò cợt nhả hoặc chơi khăm nhưng không bị trừng phạt (thường chơi vào đêm Ngày tháng Năm hoặc đêm Halloween).

Cuộc liên hoan Halloween (dành cho trẻ em) thường có những trò chơi thí dụ như đớp táo (apple bobbing). Trò này chơi như sau: thả một vài quả táo nổi trong chậu nước hoặc treo lơ lửng bằng một sợi giây mỏng. Trẻ con đứng xung quanh, tay quặt ra sau lưng, lấy táo bằng răng.

*Lễ Phục sinh (Easter)

Easter là tên phỏng theo tên của nữ chúa mùa xuân của người Saxon là Eostre, người thường tổ chức tiệc tùng lễ hội vào kỳ xuân phân. Ngày nay Lễ Phục sinh là lễ của nhà thờ Thiên chúa để tưởng nhớ sự hồi sinh của Chúa Giê-xu. Ngày lễ này tổ chức vào một ngày Chủ nhật giữa 22 tháng 3 và 25 tháng 4, theo lịch nhà thờ.

Theo truyền thống, người ta dùng trứng nhuộm màu, trứng đã được trang trí hoặc làm bằng sô cô la, gọi là Trứng Phục sinh, để làm quà tặng cho nhau. Người ta coi đó là biểu tượng của một cuộc sống mới và của một mùa xuân đang tới.

Thi lăn trứng thường được tổ chức ở miền Bắc nước Anh (Britain) vào ngày Thứ hai Phục sinh (Easter Monday). Trứng luộc cứng được thả theo một cái dốc. Tuỳ theo địa phương khác nhau người ta quy định cách thắng cuộc khác nhau. Có địa phương coi người nào lăn được xa nhất là người thắng cuộc; những địa phương khác lại coi người thắng cuộc là người có trứng không vỡ qua nhiều lần lăn, hoặc lăn được trứng qua giữa hai cái cọc. Trò chơi được nhiều ngươi ưa thích nhất này được tổ chức ở Công viên Avenham ở Preston, Lancashire.

Cuộc diễu hành phục sinh cũng là một thành tố của lễ hội Phục sinh truyền thống. Những người tham gia diễu hành đội mũ hoặc mũ rộng vành có trang trí các loại hoa mùa xuân và giải mũ.