Cộng hòa Philippines

Cộng hòa Philippines

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Cộng hòa Philippines Thánh đường Manila - Philippines.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Philippines.

- Tên nước chính thức: Cộng hòa Philippines (Republic of the Philippines)
 
 - Ngày quốc khánh: 12/6/1898
 
 - Thủ đô: Manila
 
 - Vị trí địa lý: Nằm ở Đông Nam Á, Philippines là một quần đảo với khoảng 7.107 hòn đảo trải từ Bắc xuống Nam.
 
 - Phía Bắc giáp biển Đài Loan, phía Tây ngăn cách với Việt Nam bởi biển Đông (khoảng 1.500km), phía Nam ngăn cách với Malaysia bởi biển Sulu và Celebes, phía Đông là Thái Bình Dương.
 
 - Diện tích đất liền: 299.764km2
 
 - Khí hậu: Nhiệt đới biển, có gió mùa Đông Bắc (từ tháng 11 đến tháng 4), gió mùa Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 10). Nhiệt độ trung bình: 27 độ C. Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.000- 4.000mm.
 
 - Dân số: 91.983.000 (2009)
 
 - Dân tộc: Người Mã lai Thiên chúa giáo (91,5%), người Mã lai Hồi giáo (4%), người Hoa (1,5%), các dân tộc khác (3%).
 
 - Hành chính: Philippines được chia thành ba miền là Luzon, Visayas và Mindanao. Ba miền lại được chia thành 17 vùng. Cấp hành chính địa phương chính thức của Philippines là tỉnh gồm 81 đơn vị. Các tỉnh lại bị chia tách tiếp thành thành phố và các huyện. Thành phố và huyện được chia thành các barangay. Đây là cấp hành chính địa phương thấp nhất ở Philiipines.
 
 - Đơn vị tiền tệ: Peso
 
 - Tôn giáo: Philippines là nước duy nhất ở châu Á lấy Thiên chúa giáo làm quốc đạo với khoảng 85% dân số theo đạo Thiên chúa, 10% theo đạo Hồi, 5% theo đạo Tin lành và các tôn giáo khác.
 
 - Ngôn ngữ chính: Tiếng Philippines (Tagalog)

Địa lý

Philippines là một quần đảo với 7.107 hòn đảo với tổng diện tích đất liền 299.764km2, Nó nằm giữa 116°40' và 126°34' Đông, và 4°40' và 21°10' Bắc, giáp với Biển Philippines ở phía Đông, Biển Đông ở phía Tây, và Biển Celebes ở phía Bắc.
 
 Đảo Borneo nằm cách vài trăm kilômét về phía Tây Nam và Đài Loan thẳng phía bắc. Moluccas và Sulawesi ở phía Nam và Palau ở phía Đông phía trên Biển Philippines.
 
 Thông thường quốc đảo này được chia thành ba nhóm đảo: Luzon (Vùng I đến V, NCR & CAR), Visayas (VI đến VIII) và Mindanao (IX đến XIII & ARMM). Cảng biển đông đúc Manila, ở Luzon, là thủ đô quốc gia và là thành phố lớn thứ hai sau vùng ngoại ô của nó là Thành phố Quezon.
 
 Đa số các vùng đảo núi non thường có mưa rào nhiệt đới và có nguồn gốc núi lửa. Điểm cao nhất là núi Apo ở Mindanao 2.954m.
 
 Có nhiều núi lửa đang hoạt động như núi lửa Mayon, núi Pinatubo và núi lửa Taal. Nước này cũng nằm bên trong vành đai bão Tây Thái Bình Dương và hàng năm phải nhận khoảng 19 cơn bão.
 
 Nằm ở rìa phía Tây Bắc của Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, Philippines thường xảy ra động đất và các hoạt động núi lửa. Khoảng 20 trận động đất được ghi nhận mỗi ngày ở Philippines, dù đa số là quá nhẹ để nhận ra được.

Lịch sử

Trong các thế kỷ XIV-XVI, trên quần đảo Philippines đã có các công quốc phong kiến.
 
 Trong những năm 1565-1571, Tây Ban Nha lần lượt chiếm các đảo và thiết lập ách thống trị ở Philippines. Năm 1898, đã nổ ra cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha nhằm giành giật Philippines.
 
 Ngày 12-6-1898, nước Cộng hòa Philippines tuyên bố thành lập, nhưng trên thực tế Mỹ đã khống chế các lĩnh vực kinh tế, chính trị ở nước này.
 
 Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Philippines bị Nhật Bản chiếm. Năm 1946, Philippines phục hồi chế độ cộng hòa, tuyên bố là một nước độc lập.

Chính trị

Thể chế chính trị: Cộng hòa
 
 Hiến pháp: Thông qua ngày 2-2-1987, có hiệu lực từ ngày 11-2-1987.
 
 Cơ quan hành pháp: Đứng đầu Nhà nước và Chính phủ là Tổng thống, nhiệm kỳ 6 năm, nhưng không quá hai nhiệm kỳ.
 
 Tổng thống có các quyền: bổ nhiệm các bộ trưởng nội các với sự thông qua của Quốc hội, thành lập các Hội đồng và chọn các cố vấn về các vấn đề cụ thể.
 
 Cơ quan lập pháp: Quốc hội 2 viện: Thượng viện gồm 24 ghế (với nhiệm kỳ 6 năm nhưng không quá hai nhiệm kỳ) và Hạ viện gồm 200 đến 250 ghế (với nhiệm kỳ 3 năm nhưng không quá ba nhiệm kỳ).
 
 Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao. Các thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm dựa trên khuyến nghị của Hội đồng quan tòa và luật sư, nhiệm kỳ 4 năm.
 
 Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 
 Các đảng phái lớn: Philippines theo thể chế đa nguyên đa đảng. Đảng tự do (LP), Đảng cải cách nhân dân (PRP), Đảng quần chúng Philippines (PMP).

Kinh tế

Philippines chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp với 70% dân số dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, Philippines hàng năm vẫn phải nhập một khối lượng khá lớn lương thực.
 
 Từ thập kỷ 70 của thế kỉ XX, Philippines thúc đẩy chiến lược “hướng vào xuất khẩu,” và đã đạt một số kết quả tích cực.
 
 Từ năm 1998 đến năm 2000, do khủng hoảng tài chính-tiền tệ khu vực, kinh tế Philippines suy giảm.
 
 Từ năm 2004 trở lại đây, kinh tế Philippines phát triển tương đối khá, đạt mức tăng trưởng 5-5,5%/năm. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Philippines chỉ đạt 0,9%, tỷ lệ thất nghiệp 7,5%, tỷ lệ lạm phát 3,3%.
 
 - Về công nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 15% GDP.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính: các thiết bị điện, hàng may mặc, giày dép, thuốc, hóa chất, sản phẩm gỗ, thực phẩm, lọc dầu.
 
 - Về nông nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 34% GDP.
 
 Sản phẩm nông nghiệp chính: mía đường, dừa, gạo, ngô, chuối, sắn, dứa, xoài, thịt lợn, trứng, thịt bò, cá.
 
 - Về dịch vụ-du lịch
 
 Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 51% GDP.
 
 Ngoài loại hình du lịch biển và du lịch nghỉ dưỡng, Philippines còn chú trọng phát triển loại hình du lịch chữa bệnh.
 
 - Về xuất khẩu: 37,51 tỷ USD (năm 2009).
 
 Các mặt hàng xuất khẩu chính: chất bán dẫn và sản phẩm điện, thiết bị vận tải, hàng may mặc, đồng, dầu mỏ, dầu dừa, trái cây.
 
 Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Mỹ (15,35%), Nhật Bản (14,19%), Trung Quốc (13,19%), Singapore (9,44%), Hongkong (9%), Hàn Quốc (5,1%), Đức (4,1%).
 
 - Về nhập khẩu: 46,39 tỷ USD (năm 2009).
 
 Các mặt hàng nhập khẩu chính: điện, nhiên liệu, máy móc và thiết bị vận tải, sắt, thép, vải, ngũ cốc, hóa chất, nhựa.
 
 Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Nhật Bản (15,32%), Mỹ (11,47%), Singapore (9,54%), Trung Quốc (8,93%), Đài Loan (8,27%).
 
 - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP):
 
 GDP tính theo sức mua (PPP): 324,4 tỷ USD (năm 2009).
 
 GDP bình quân đầu người/năm theo PPP: 3.300 USD (năm 2009)

Văn hóa

Nền tảng của văn hóa Philippines dựa trên các truyền thống văn hóa của nhiều nhóm dân bản địa trong vùng, gồm Tagalogs, Ilokanos, Visayans, Bikolanos và các nhóm khác.
 
 Ảnh hưởng của Tây Ban Nha đối với văn hóa Philippines, bắt nguồn chính từ văn hóa Mexico và văn hóa Tây Ban Nha, là kết quả của hơn ba trăm năm chính quyền thuộc địa.
 
 Những ảnh hưởng Tây Ban Nha đó hiện vẫn thấy trong các cách thức phong tục và những nghi tức liên quan tới nhà thờ Thiên chúa giáo, đặc biệt là trong các lễ hội tôn giáo.
 
 Hàng năm, người Philippine từ khắp nơi trong đất nước tổ chức những lễ hội gọi là Barrio Fiesta để tưởng nhớ các vị thánh bảo trợ cho thành phố, làng xã và các vùng.
 
 Di sản rõ ràng nhất của Tây Ban Nha là sự phổ biến của các tên họ Tây Ban Nha của người Philippines. Nét đặc biệt này là duy nhất trong số các dân tộc ở châu Á, là kết quả của một nghị định của chế độ thuộc địa về phân loại họ, và áp dụng hệ thống tên họ Tây Ban Nha đối với những người dân Philippines.
 
 Ảnh hưởng văn hóa Hoa Kỳ đối với Philippines chỉ bắt đầu từ hơn một thế kỷ nay. Di sản lớn nhất là việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh.
 
 Môn thể thao được ưa chuộng nhất nước là bóng rổ. Cũng có một số khuynh hướng văn hóa Mỹ khác đang phát triển như sở thích đồ ăn nhanh (fast-food).
 
 Ở Philippines, có rất nhiều điểm bán fast-food, và bên cạnh những ông khổng lồ Mỹ như McDonald's, Pizza Hut, Burger King, KFC, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh trong nước cũng rất phát triển gồm Jollibee, Greenwich Pizza và Chowking.
 
 Các quy định đạo đức bản địa về tôn trọng gia đình, kính trọng người già và thân thiện vẫn không bị thay đổi.
 
 Người Philippines kính trọng những vị anh hùng mà sự nghiệp và hành động đóng góp vào việc hình thành nên chủ nghĩa quốc gia. José Rizal là người nổi tiếng nhất, một người nhìn xa trông rộng, các tác phẩm của ông như "Noli me Tangere" và "El Filibusterismo" đã tạo nên tính đồng nhất quốc gia và khiến cái tên Philippines được biết đến ở nước ngoài.

Ẩm thực

Nền văn hóa ẩm thực của Philippines cũng đa dạng và phong phú nhưng không khác các nước Đông Nam Á là mấy. Phần lớn các món ăn đều có màu sắc khá nổi bật như màu đỏ của cà ri, màu vàng của nghệ, màu cam của điều. Đặc trưng riêng là ẩm thực nơi này không chuộng vị cay, du khách có thể yêu cầu thêm trong lúc họ chế biến món ăn.
 
 Món cá được chế biến thành nhiều món ăn ngon chứa nhiều chất dinh dưỡng là đại diện ẩm thực của Philippines.
 
 Ngoài ra các món ăn đến từ phương Tây, nổi trội là các món Tây Ban Nha đều để lại những hương vị thực sự khó quên trong lòng những thực khách sành ăn.
 
 Tất nhiên không thể bỏ qua các món fast-food mà dạo gần đây đã du nhập và phát triển nhanh chóng tại Philippines. Các nhà hàng fast-food trải đều khắp đất nước, dành cho những vị khách muốn thay đổi khẩu vị truyền thống.
 
 Các món hải sản cũng là thế mạnh của quần đảo này. Những món ăn truyền thống như mì Mami, giò heo chiên giòn kiểu Philippines, món tráng miệng nhiều màu sắc, có mặt khắp nơi trên đất Philippines.
 
 Không chỉ có những nhà hàng sang trọng mà những quầy hàng rong cũng thu hút sự chú ý của thực khách bởi cách chế biến khác nhau và nơi dùng cũng khác nhau.
 
 Nhìn chung, các món ăn Philippines dù đến từ nhiều vùng miền khác nhau nhưng vẫn để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
 
 - Cá ngừ đại dương
 
 Đặc sản của Philippines chính là món “cá ngừ đại dương,” một món ăn thường xuất hiện trong bữa cơm gia đình và là món mà thực khách dùng nhiều nhất khi đến Philippines. Cách dùng cũng rất đơn giản nhưng hương vị thì tuyệt vời.
 
 Cá ngừ tươi sống được vớt lên, làm sạch và cắt lát ăn sống ngay cùng với mù tạt. Cầu kỳ hơn thì tẩm gia vị và nướng trên than hồng. Ăn kèm còn có các loại rau như rau xà lách hay rau thơm. Đầu, vây hay xương cá được nấu canh dùng chung với các món cá. Hầu như tất cả nhà hàng và quán ăn đều có món phổ biến này.
 
 - Mì mami
 
 Mì Mami cũng là nét nổi bật trong văn hóa ẩm thực xứ đảo này. Được du nhập từ Trung Quốc, mì Mami đã được người dân nơi đây biến đổi thành món ăn quốc hồn quốc túy.
 
 Mì được làm ra từ loại bột mì ngon nhất, kết hợp với các loại thịt cùng nước dùng chiết từ xương và gia vị đặc biệt, sẽ cho ra một món ăn bình dân nhưng vẫn rất ngon. Mì ăn kèm với bánh bao sẽ tạo ra món điểm tâm lạ miệng. Là một món ăn có chiều dài lịch sử, nên du khách có thể thưởng thức mì ở bất cứ nhà hàng hay quán ăn nào.
 
 - Halo Halo
 
 Halo Halo là tên gọi của một món thức uống rất phổ biến ở Philippines. Thức uống này dùng rất tốt cho sức khỏe dù thời tiết nóng hay lạnh.
 
 Nguyên liệu chế biến cũng khá đơn giản thường là trái cây như mít mật, đường cát, kem, đậu phộng, đá bào và sữa đặc có đường.
 
 Đây là thức uống được giới trẻ Philippines dùng nhiều nhất. Du khách có thể thưởng thức Halo Halo trong các nhà hàng, quán ăn hay bên gánh hàng rong trên vệ đường.

Điểm du lịch

- Khu vực thành cổ
 
 Đến Philippines, du khách không nên bỏ qua di tích khu tòa thành cổ tại thủ đô Manila. Nơi đây là di tích một thời do các quân lính Tây Ban Nha xây dựng.
 
 Khi dạo bước trong thành cổ, du khách phần nào thấy được lối sống xa hoa của tầng lớp quý tộc cũ từ thế kỷ 19.
 
 Khu thành cổ là một tổ hợp bao gồm các tòa thành với hào sâu, tường rộng, các ngôi trường, biệt thự, bệnh viện rất rộng lớn. Một phần thành cổ này đã bị phá hủy vào thế chiến thứ 2, hiện nay chỉ còn lại một vài di chỉ.
 
 - Pháo đài Santiago
 
 Pháo đài được xây dựng vào năm 1571, đây là một công trình tự hào của người dân Philippines. Lúc đầu, đây chỉ là một công trình đơn sơ bằng đá và gỗ. Nhưng vào năm 1592 đã được xây là thành đá cho vững chắc.
 
 Đây là một đài tưởng niệm quốc gia hướng ra mặt biển và là một điểm đến rất hút khách của Philippines. Du khách thường đến nơi này để tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Philippines.
 
 Hiện pháo đài là một viện bảo tàng với các hiện vật trưng bày quý giá và luôn tấp nập khách tham quan.
 
 - Công viên Rizal
 
 Một công trình văn hóa nghệ thuật khác cũng là niềm tự hào của Philippines là công viên Rizal. Công viên được đặt theo tên của vị anh hùng dân tộc nổi tiếng của quần đảo này.
 
 Công viên Rizal nổi tiếng vì nơi đây tượng trưng như là một Philippines thu nhỏ với các công trình kiến trúc tái hiện toàn bộ đất nước.
 
 Trong công viên còn có bảo tàng Manila, trưng bày các hiện vật phục vụ cho đời sống người dân nước này. Ngoài ra, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm bằng tay được làm ra tại nơi này.

Lễ hội

khác về Philippines, phần nào hiểu hơn về nền văn hóa nơi này.
 
 Các lễ hội đề pha trộn khéo léo giữa truyền thống và hiện đại, làm cho mỗi du khách đều mong muốn tham gia và trải nghiệm thử.
 
 Các lễ hội tiêu biểu tại nơi này điển hình như lễ hội bùn, lễ hội heo quay, các cuộc thi sắc đẹp, lễ hội bắn pháo hoa đều tấp nập người tham dự.
 
 - Lễ hội bùn
 
 Lễ hội tưởng nhớ thánh John được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 hàng năm, hay còn được gọi là lễ hội Taong Putik, còn có nghĩa khác là lễ hội bùn.
 
 Trong lễ hội đặc trưng này, người tham gia sẽ mang lá cây khô, trét bùn đất lên mặt để cải trang thành thánh Jonh khi ông rửa tội cho Chúa Jesus.
 
 Những người này sẽ đến từng nhà dân để xin của bố thí dâng lên vị thánh mà họ tôn sùng, người nào từ chối ủng hộ sẽ bị bôi bùn vào người.
 
 Ngoài ý nghĩa nhớ về điển tích xa xưa này, lễ hội Taong Putik còn được người dân xem trọng vì một ý nghĩa khác, họ mong muốn một vụ mùa màng bội thu và sức khỏe tốt hơn.
 
 - Lễ hội đường phố
 
 Vào trung tuần tháng Năm, tại thị trấn Lucban, Quezon cách thủ đô Manila 140km về hướng đông sẽ diễn ra lễ hội đường phố đầy màu sắc tươi trẻ.
 
 Mục đích của lễ hội này là tạ ơn vị thần nông nghiệp đã ban cho người dân Philippines một vụ mùa tươi tốt và là dịp để mọi người tụ họp vui chơi giải trí.
 
 Đến với lễ hội đường phố, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đoàn xe diễu hành trong thị trấn được trang trí bằng các loại nông sản, trâu bòn, lúa hay rơm với các màu sắc vui nhộn.
 
 Người dân nơi đây rất hào hứng với lễ hội này, họ trang trí nhà cửa cho bắt mắt, các đoàn diễu hành nhảy múa liên tục, các hình ảnh hoa quả bày ra trên đường cho du khách chụp ảnh. Đây xứng đáng là một trong những lễ hội tiêu biểu của Philippines.
 
 - Lễ hội Lechon - Lễ hội Heo
 
 Khoảng thời gian từ 12-19/9 là lúc để người dân Philippines tổ chức lễ hội heo. Một lễ hội mang tính truyền thống của người dân đất nước này, điều đặc biệt là sau khi lễ hội kết thúc, du khách tham dự sẽ được dùng món heo quay miễn phí.
 
 Các gia đình tham dự sẽ trang trí cho chú heo của mình trở nên xinh đẹp và lộng lẫy nhất để thi tài với nhau. Những chú heo mập mạp chiến thắng sẽ được quay ngay tại chỗ sau khi đã được ướp hành tây, sả, hạt tiêu, lá dứa nên thơm giòn và có màu đỏ sậm. Cuối cùng là mời mọi người thưởng thức và cùng chụp ảnh lưu niệm.