Liên bang Malaysia

Liên bang Malaysia

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Liên bang Malaysia Thành phố Kuala Lumpur - Malaysia.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Malaysia.

- Tên nước chính thức: Malaysia (Federation of Malaysia)
 
 - Ngày Quốc khánh: 31/8/1957
 
 - Thủ đô: Kuala Lumpur
 
 - Vị trí địa lý: Malaysia nằm trong vùng Đông Nam Á.
 
 Lãnh thổ Malaysia gồm hai phần chính: Tây Mã Lai - là phần Nam bán đảo Mã Lai, phía Bắc giáp Thái Lan, phía Nam giáp Singapore và Đông Mã Lai - là phần Bắc đảo Bornéo, phía Bắc giáp Brunei, phía Nam giáp Indonesia.
 
 Hai phần Đông và Tây Malaysia cách nhau 531km qua biển Nam Trung Hoa.
 
 - Diện tích đất liền: 329.847km2
 
 - Khí hậu: Nhiệt đới, nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình từ 21 độ C đến 32 độ C. Một năm có hai mùa: mùa gió mùa Tây-Nam và mùa gió mùa Đông-Bắc.
 
 - Dân số: 28.250.000 (2010)
 
 - Dân tộc: Mã Lai (58,1%), Hoa (24,3%), Ấn (6,9%), các dân tộc khác (3,2%).
 
 - Hành chính: gồm có 13 bang và ba lãnh thổ thuộc Liên bang.
 
 - Đơn vị tiền tệ: Ringgit
 
 - Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo (53%); đạo Phật (17,3%); đạo Khổng (11,6%); Thiên chúa giáo (8,6%); đạo Hindu 7%.
 
 - Ngôn ngữ: Tiếng Mã Lai (ngôn ngữ chính thức); tiếng Anh, tiếng Madarin, tiếng Tamil và một số thổ ngữ cũng được sử dụng rộng rãi.

Địa lý

Malaysia gồm hai vùng địa lý bị chia tách bởi biển Đông.
 
 Malaysia bán đảo, gọi là bán đảo Malaysia, phía bắc giáp Thái Lan, phía Đông giáp Biển Đông, phía Nam giáp eo biển Singapore, phía Đông giáp eo biển Malacca.
 
 Malaysia hải đảo, gồm hai bang Sabah và Sarawak ở phía Bắc đảo Borneo, giáp Brunei và Indonesia.
 
 Hai phần này chia tách nhau bởi Biển Đông và có nhiều đặc điểm địa hình tương tự ở cả Tây và Đông Malaysia với những đồng bằng ven biển xen giữa những đồi rừng dày đặc và núi non, điểm cao nhất là núi Kinabalu ở độ cao 4.095,2m (13.435,7 ft), cao nhất Đông Nam Á, trên đảo Borneo.
 
 Tanjung Piai, nằm ở bang phía nam Johor, là mũi cực nam của lục địa Châu Á.
 
 Eo Malacca, nằm giữa Sumatra và Bán đảo Malaysia, được cho là tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.
 
 Putrajaya là thủ đô hành chính mới được xây dựng của chính phủ liên bang Malaysia, với mục đích một phần để giảm bớt sự chênh lệch phát triển giữa thành phố thủ đô Kuala Lumpur với các vùng còn lại.
 
 Kuala Lumpur vẫn là nơi đóng trụ sở của nghị viện, cũng như thủ đô thương mại và tài chính quốc gia. Các thành phố lớn khác gồm Georgetown, Ipoh, Johor Bahru, Kuching, Kota Kinabalu, Alor Star, Malacca Town, và Klang.

Lịch sử

Lịch sử hiện đại của Malaysia bắt đầu từ khi Vương quốc Malacca được thành lập từ thế kỷ XIV. Năm 1403, vua Mã Lai Parametxoara lập ra Vương quốc Malacca.
 
 Vương quốc Malacca phát triển thịnh vượng trở thành một đế chế không chỉ bao trùm bán đảo mà còn có ảnh hưởng đến các bang ở bờ biển phía Tây của Sumatra cùng các hòn đảo xung quanh.
 
 Năm 1511, Bồ Đào Nha chiếm Malacca.
 
 Năm 1641, Malacca bị Hà Lan chiếm.
 
 Năm 1824, Anh chiếm đóng Malacca.
 
 Năm 1941, bị Nhật Bản chiếm đóng cho đến kết thúc Chiến tranh Thế giới II (1945).
 
 Năm 1946, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) được thành lập.
 
 Ngày 31-8-1957, Malaysia dưới sự lãnh đạo của UMNO đã giành được độc lập.
 
 Năm 1963, Liên bang Malaysia ra đời bao gồm Mã Lai (Malaysia), Singapore, Sabah, và Sarawak.
 
 Ngày 9-8-1965, Singapore rút khỏi Liên bang để trở thành quốc gia độc lập.
 

Chính trị

Thể chế chính trị: Quân chủ lập hiến.
 
 Hiến pháp: Ban hành ngày 31-8-1957, sửa đổi ngày 16-9-1963. Hiến pháp quy định sự phân chia quyền lực giữa cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp.
 
 Cơ quan hành pháp: Đứng đầu Nhà nước là Quốc vương; Quốc vương do Hội nghị Tiểu vương bầu ra và được lựa chọn trong số 9 Tiểu vương của toàn Liên bang, nhiệm kỳ 5 năm.
 
 Quyền hành pháp thuộc về Thủ tướng và Nội các. Thủ tướng do đảng giành đa số trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện cử ra trong số các nghị sĩ của đảng này, nhiệm kỳ 5 năm.
 
 Cơ quan lập pháp: Quốc hội lưỡng viện: Hạ nghị viện có 219 thành viên, được bầu thông qua Tổng tuyển cử, nhiệm kỳ 5 năm; Thượng nghị viện có 70 thành viên (Quốc vương bổ nhiệm 44 thành viên, bầu 26 thành viên), nhiệm kỳ 3 năm.
 
 Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao, các thẩm phán do Quốc vương bổ nhiệm trên cơ sở tư vấn của Thủ tướng.
 
 Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 21 tuổi trở lên.
 
 Các nhà lãnh đạo chủ chốt:
 
 - Quốc vương: Tuanku Mizan Zainal Abidin ibni Al-Marhum Sultan Mahmud Al-Mukafi Billah Shah (Nhậm chức Quốc vương thứ 13 từ ngày 13-12-2006)
 
 - Thủ tướng: Dato Seri Abdullah Bin Haji Ahmad Badawi (Nhậm chức ngày 31-10-2003; tái bổ nhiệm ngày 22-3-2004).
 
 - Bộ trưởng Ngoại giao: Syed Hamid Bin Syed Jaafar Albar (Bổ nhiệm ngày 8-1-1999; tái bổ nhiệm ngày 27-3-2004).
 
 Các đảng phái lớn: Liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (BN) gồm 14 đảng, trong đó có 3 đảng chính là: Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO); Hội người Mã gốc Hoa (MCA); Hội người Mã gốc ấn (MIC).
 
 Từ khi Malaysia giành được độc lập đến nay, UMNO cùng liên minh BN liên tục cầm quyền. Ngoài ra còn có các đảng: Đảng Hồi giáo Malaysia (PAS); Đảng Công lý Quốc gia (Keadigan); Đảng Dân chủ Hành động (DAP).

Kinh tế

Sau khi giành được độc lập (1957), Malaysia vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào Anh, nguồn thu chính là từ xuất khẩu cao su tự nhiên và thiếc.
 
 Bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ XX, Chính phủ thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) với mục tiêu xóa nghèo đói và cơ cấu lại nền kinh tế.
 
 Từ năm 1983, Chính phủ triển khai chính sách tự do hóa kinh tế, cải tiến chính sách về đầu tư, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển kinh tế, đưa ra chủ trương tư nhân hóa các hoạt động kinh doanh và các công ty quốc doanh.
 
 Nhờ đó, đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Malaysia đã chuyển mình.
 
 Các kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 7 (1996-2000) và lần thứ 8 (2001-2005) được thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch dài hạn 30 năm (1990-2020) gọi là “Chương trình phát triển mới” hay “Tầm nhìn 2020” đã mang lại cho quốc gia này sự phát triển vượt bậc với mục tiêu là nước phát triển vào năm 2020.
 
 Tháng 4-2006, Thủ tướng Badawi công bố chương trình kinh tế xã hội 5 năm (2006-2010) mang tên “Kế hoạch Malaysia lần thứ 9” (9 PM) trị giá 200 tỷ Ringgit (54 tỷ USD). Một trọng tâm của 9 MP là phát triển khu vực nông thôn và xóa đói giảm nghèo nhằm đen lại sự cân bằng xã hội.
 
 Nhờ có những chính sách đúng đắn đó, từ đầu năm 1999 đến nay, nền kinh tế nước này phục hồi khá nhanh. Tăng trưởng GDP năm 1999 đạt 5,8%; năm 2000 đạt 8,5%; năm 2001 đạt 2,4% (do tình hình kinh tế toàn cầu giảm sút).
 
 Tuy nhiên, từ năm 2002 kinh tế Malaysia lại từng bước phục hồi với tỷ lệ tăng trưởng GDP 4,2%; năm 2003 đạt 5,2%; năm 2004 đạt 7,1% và năm 2005 đạt 5,3%.
 
 Năm 2006, nền kinh tế Malaysia đạt tốc độ tăng trưởng 5,9%, cao hơn mục tiêu đề ra (5,8%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt ngưỡng 1.000 tỷ ringgit (286 tỷ USD), đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
 
 Về công nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 48,1% GDP và thu hút 36% lực lượng lao động.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính
 
 Miền Tây Malaysia: Chế biến cao su và dầu cọ, công nghiệp chế tạo hàng công nghiệp nhẹ, hàng điện tử, khai thác và tinh chế thiếc, luyện kim, chế biến gỗ
 
 Sabah: Chế biến gỗ, sản xuất dầu mỏ
 
 Sarawak: Chế biến nông sản, sản xuất dầu mỏ và lọc dầu, chế biến gỗ.
 
 Về nông nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 8,3% GDP và thu hút 13% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Miền Tây Malaysia: Cao su, dầu cọ, cacao, gạo; Sabah: Lương thực, cao su, thiếc, dừa, gạo; Sarawak: Cao su, hạt tiêu, gỗ.
 
 Về dịch vụ-du lịch
 
 Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 43,6% GDP và thu hút 51% lực lượng lao động.
 
 Hoạt động du lịch của Malaysia rất phát triển và năng động nhất trong khu vực, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho nước này sau ngành công nghiệp chế tạo.
 
 Năm 2006, lượng khách du lịch đến Malaysia đạt 17,55 triệu lượt người với tổng doanh thu là 36,27 tỷ ringgit (10,3 tỷ USD).
 
 Trong năm 2007, Malaysia đề ra mục tiêu thu hút khoảng 20 triệu lượt khách du lịch và nâng tổng doanh thu lên 44,5 tỷ ringgit (12,7 tỷ USD).
 
 Xuất khẩu: 158,7 tỷ USD f.o.b. (năm 2006).
 
 - Mặt hàng xuất khẩu chính: Sản phẩm điện và điện tử, dầu cọ, hóa chất, dầu thô và khí hóa lỏng.
 
 Năm 2006, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đạt mức cao kỷ lục 31,81 tỷ ringgit (8,84 tỷ USD), tăng 5% so với mức kỷ lục của năm 2004.
 
 - Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Mỹ (18,8%); Singapore (15,4%); Nhật Bản (8,9%); Trung Quốc (7,2%); Hongkong (4,9%); Thái Lan (5,4%) ( năm 2006)
 
 Nhập khẩu: 127,3 tỷ f.o.b. (năm 2006)
 
 - Mặt hàng nhập khẩu chính: Sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, sản phẩm dầu, hàng nhựa, sản phẩm sắt thép, hóa chất ...
 
 - Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Nhật Bản (13,3%); Mỹ (12,6%), Singapore (11,7%); Trung Quốc (11,6%); Thái Lan (5,5%); Đài Loan (5,5%);Hàn Quốc (5,4%); Đức (4,4%) (năm 2006)
 
 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
 
 - GDP tính theo sức mua (PPP): 313,8 tỷ USD (năm 2006).
 
 - GDP bình quân đầu người/năm theo PPP: 12.900 USD (năm 2006).

Văn hóa

Malaysia là một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ, gồm 52% người Malay và các bộ tộc bản xứ khác, 30% người Trung Quốc, 8% người Ấn Độ.
 
 Người Malay, là cộng đồng lớn nhất, được xác định là những tín đồ Hồi giáo trong Hiến pháp Malaysia. Người Malay đóng vai trò thống trị trong chính trị và được tính gộp trong một nhóm gọi là bumiputra. Tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Malay (Bahasa Melayu). Tiếng Malay là ngôn ngữ chính thức quốc gia.
 
 Phong tục và những điều cấm kỵ: khi gặp nhau người Malaysia thường có thói quen sờ vào lòng bàn tay người kia, sau đó chắp hai bàn tay với nhau. Người Malaysia rất kỵ việc xoa đầu và lưng người khác.
 
 Người Malaysia thường mặc áo dài bằng vải hoa, nam giới mặc áo sơ mi không cổ và không được để hở cánh tay, đùi ở những nơi công cộng. Nữ thường mặc áo dài tay. Chủ đề tốt nhất bàn luận ở Malaysia là công việc buôn bán, thành tựu xã hội, bóng đá, lịch sử, và tránh nói đến chủng tộc và chính trị, mức sống, mức thu nhập.
 
 Âm nhạc truyền thống Malaysia bị ảnh hưởng nhiều từ phong cách Trung Quốc và Hồi giáo. Âm nhạc chủ yếu dựa quanh gendang (trống), nhưng gồm cả các nhạc cụ gõ khác (một số làm bằng các loại vỏ và mai); rebab, một nhạc cụ dây hình cung; serunai, nhạc khí hai lưỡi như oboe; sáo, và trumpet.
 
 Nước này có truyền thống múa và kịch múa lâu đời, một số có nguồn gốc Thái, Ấn Độ, Bồ Đào Nha. Các hình thức nghệ thuật khác gồm wayang kulit (rối bóng), silat (một kiểu võ thuật cách điệu hóa) và đồ thủ công như batik, dệt, bạc và đồ đúc đồng.

Ẩm thực

Là thiên đường nhiệt đới ngay tại trung tâm Đông Nam Á, Malaysia thật sự quyến rũ với sự kết hợp của nhiều dân tộc, văn hóa và tín ngưỡng. Sự đa chủng tộc đã mang lại cho đất nước này một nền ẩm thực đa dạng và hấp dẫn.
 
 Malaysia là quốc gia đa sắc tộc với các cộng đồng người Mã Lai, Hoa, Ấn, Thái và Á lai Âu. Tập quán ẩm thực của các cộng đồng đã hòa quyện với nhau để tạo ra những món ăn đặc biệt.
 
 Các món ăn truyền thống Malaysia đa dạng cả về màu sắc và hương vị. Thật xứng đáng khi đất nước này được mệnh danh là “Thiên đường ẩm thực của châu Á.”
 
 Nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Malaysia là việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, tươi sống, có nhiều màu sắc của các loại quả thiên nhiên. Vị của các món ăn truyền thống Malaysia thường khá cay, béo và hơi ngọt.
 
 Là một quốc gia Hồi giáo chính thống, việc ăn uống tại Malaysia cũng phải tuân theo những quy định khắt khe. Người dân không dùng thịt heo mà thay vào đó họ ăn nhiều thịt bò, cừu và cá. Khi ăn, họ thường dùng tay để bốc thức ăn.
 
 Nổi tiếng nhất ở Malaysia là món Satay được bán ở bất kỳ quán ăn nhỏ hay nhà hàng nào khắp đất nước. Satay là một món ăn nhẹ, nguyên liệu chính là các loại thịt bò, gà được ướp gia vị đặc trưng, cuốn tròn vào que tre hoặc trúc và đem nướng. Những que Satay sau khi nướng trổ màu vàng ươm, óng ánh trên những tàu lá chuối, trông thật dân dã nhưng cũng rất bắt mắt.
 
 Dùng kèm với Satay là một loại cơm được vắt chặt như cơm nắm hay cơm lam Việt Nam, cùng sốt đậu phộng, dưa leo và hành tây. Nước sốt để ăn món Satay được làm từ hỗn hợp tỏi, đường thốt nốt, đậu phộng, hạt hồ đào và muối.
 
 Món Satay được dùng như món ăn nhẹ, khai vị cho bữa ăn, nếu ăn nhiều cũng có thể thành món chính. Satay thích hợp cho những thực khách hảo ngọt, vì thịt được ướp rất ngọt (so với khẩu vị người Việt).
 
 Ngoài ra, ẩm thực Malaysia còn có món giò heo Bah Kut Teh đặc sắc được nhiều người trên thế giới biết đến (phục vụ người Mã gốc Hoa không theo đạo Hồi). Nguyên liệu dùng để chế biến món này gồm có sườn non và nhiều loại thuốc bắc như cam thảo, đương quy, ngọc trúc, đảng sâm, đại hồi, tỏi và nước sốt đặc biệt được hầm chung trong nhiều giờ.
 
 Món Bah Kut Teh có vị ngọt rất lạ, đậm đà và quyến luyến đến từng gai vị giác. Cảm giác ngọt mềm của sườn non hòa quyện cùng hương thơm của các loại thảo dược giúp thực khách quên đi cái mỏi mệt sau chặng đường dài.
 
 Nền ẩm thực đa dạng và độc đáo của Malaysia giờ đây đã nổi tiếng trên toàn thế giới, hấp dẫn hàng triệu du khách. Thưởng thức món ăn Malaysia cũng là một dịp giúp chúng ta hiểu biết thêm về nền văn hóa đa sắc tộc và tâm hồn của con người nơi đây.

Điểm du lịch

Tháp đôi Petronas - Biểu tượng của đất nước Malaysia
 
 Tháp đôi Petronas (Petronas Twin Towers) - là một phần nhỏ trong tổng thể khu phức hợp công viên, công trình văn hóa, công sở của trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, được xây dựng trên khu đất trước đây là trường đua ngựa của câu lạc bộ Selamgor Turf Club.
 
 Với thiết kế theo hình xoắn ốc, nhỏ dần về phía đỉnh có chiều cao là 452m, bao gồm 88 tầng chính và 44 tầng phụ với tổng diện tích mặt sàn sử dụng là 395km2, Petronas có một thời là tòa tháp cao nhất thế giới, trước khi Đài Loan xây dựng xong Trung tâm Tài chính tại Đài Bắc cao 502m (17-10-2003).
 
 Nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô Kuala Lumpur, tháp được bao bọc bởi thép và kính, do vậy càng làm tăng thêm sự lấp lánh, rực rỡ trong buổi bình minh và lung linh khi ánh đèn đêm Kuala Lumpuar rực sáng.
 
 Từ vị trí này toàn cảnh, Kuala Lumpuar như thu vào tầm nhìn ở độ cao gần 500m. Một điểm nhấn rất ấn tượng của tòa tháp đôi này là chiếc cầu trên không ở độ chiều cao 170m và dài 158m, nằm ở tầng thứ 41 và 42, nơi được xem là tầng chuyển vì du khách muốn lên những tầng cao hơn phải đổi thang máy tại đây. Từ các yếu tố như chiều cao, sự tiện nghi, an toàn, vẻ đẹp hài hòa đã mang lại cho Tháp đôi Petronas giải “Tầm nhìn 2020.”
 
 Năm 1993, Tháp đôi Petronas được khởi công xây dựng với thiết kế của hãng Cesar Pelli (Mỹ). Kết cấu của Tháp đôi Petronas phần lớn là bêtông cốt thép có khả năng chịu lực cực tốt. Bề mặt hai tòa tháp hoàn toàn bằng kính và thép, được thiết kế theo đặc trưng của nghệ thuật đạo Hồi, tôn giáo chính tại Malaysia.
 
 Do mặt bằng khá cứng, móng của Tháp được đào sâu tới 120m, một kỷ lục với các công trình xây dựng nhà cao tầng trên thế giới. Một lượng bêtông khổng lồ đã được đổ ở phần móng để đảm bảo sự vững chắc.
 
 Lõi bêtông kích thước 23m x 23m và các cột siêu rộng vòng ngoài, tòa nhà thật sự là không gian lý tưởng cho các văn phòng. Ở đây có những khu vực làm việc rộng từ 1.300m2 đến 2.000m2 mà không hề có cột.
 
 Để xây dựng Tháp đôi Petronas với 32.000 cửa sổ “nhìn ra thế giới”, Malaysia đã sử dụng hết 160.000m3 bêtông mác cao gấp đôi thông thường và gần 37.000 tấn thép làm cốt, trong đó 60% nguyên liệu là sản xuất trong nước.
 
 Ngoài ra, người ta phải dùng 83.500m2 inox để làm thành 33.000 bức vách bọc ra bên ngoài để che đi toàn bộ những đường ráp nối các tầng, cửa, trụ của công trình và 55.000m2 kính dày 20,38mm được chế tạo đặc biệt để chống tia cực tím.
 
 Những vật liệu đặc biệt này góp phần làm lộng lẫy thêm công trình có hình dáng độc nhất vô nhị trên thế giới.
 
 Sau 4 năm xây dựng với tổng chi phí 1,2 tỷ USD, Tháp đôi Petronas được đưa vào sử dụng đúng ngày kỷ niệm lần thứ 40 Quốc khánh Malaysia (31-8-1997).
 
 Tháp đôi Petronas, ngoài những công năng dành cho văn phòng, công sở còn là một trung tâm mua sắm lớn, nổi tiếng nhất, tiêu biểu là khu mua sắm Suria Mega. Nơi đây được thiết kế như một trung tâm bán lẻ và giải trí. Những công viên xung quanh được quy hoạch tốt, những bãi cỏ xanh mướt và những ban công ngoài trời đã tạo nên một sự cân bằng hài hòa giữa yếu tố tự nhiên với những mảng hình khối rắn chắc trong thiết kế của tháp đôi.
 
 Tháp đôi Petronas không chỉ là niềm tự hào của người dân Malaysia mà còn là nơi thu hút nhiều du khách trên thế giới.
 
 Thành phố Malacca - Thành phố di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Malaysia
 
 Ngày 7-10-2008, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Tổ chức Văn hóa-Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã cấp bằng chứng nhận thành phố Malacca của Malaysia là thành phố “Di sản văn hóa thế giới.”
 
 Đây là thành phố đầu tiên của Malaysia được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”.
 
 Nhìn trên bản đồ, Malacca (còn đọc là Melaka) chỉ là một đốm nhỏ (bang nhỏ thứ hai ở Malaysia, có diện tích tự nhiên 1.658 km2, nằm ở phía Nam Malaysia. Malacca là thành phố cổ xưa nhất Malaysia và là bảo tàng khổng lồ, lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử.
 
 Sông Malacca chia thành phố cổ này thành hai phần: phía Đông là khu Trung tâm mang dáng dấp khu phố kiểu châu Âu ẩn mình dưới chân tượng Thánh Paul; phía Tây là khu phố Trung Quốc buôn bán sầm uất.
 
 Malacca là điểm đến thú vị với văn hóa đa dạng kết hợp tinh hoa của các nền văn hóa Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh cùng với nền kiến trúc của thành phố này được ví như một “bản nhạc” đa âm.
 
 Những dãy phố dáng dấp kiến trúc Hà Lan uốn cong với đường lát gạch, hai bên là những dãy nhà cổ hai, ba tầng màu đỏ hay màu cam điểm xuyết những khung cửa màu xanh lá mạ.
 
 Malacca như một bức tranh màu hồng thắm bởi Tòa thị chính, nhà thờ Thiên chúa giáo và Bảo tàng Tuổi trẻ Malacca, những tòa lâu đài, những khu biệt thự đều sơn màu đỏ.
 
 Bảo tàng gồm ba phần là Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Văn học.
 
 Sau khu bảo tàng là con đường dẫn đến những bức tường cổ màu xám không mái của nhà thờ Thánh Paul, mang đậm dấu ấn kiến trúc Bồ Đào Nha.
 
 Trên những phố cổ, phố của giới quý tộc xưa, còn nhiều ngôi nhà gỗ có từ thế kỷ 17. Những ngôi nhà nhiều mái với những cột đá chạm trổ cầu kỳ, nằm giữa vườn cây xanh điểm thêm phần lãng mạn cho thành phố cổ kính này.
 
 Một trong những khu phố mua bán mà nhiều người ưa thích là khu phố Trung Quốc. Đây là thị trấn cổ với những cửa hiệu nhiều màu sắc.
 
 Khu phố Trung Quốc ở Malacca được coi là điển hình cho khu phố Trung Quốc trên thế giới về quy mô, kiến trúc và tính chất cổ xưa. Du khách đến đây có thể mua lụa tơ tằm, đồ trang sức, đồng hồ, giày, dép. Các cửa hàng được bố trí chủ yếu trên hai đường phố chính: Cheng Lock và Hang Giebát.
 
 Đường phố Cheng Lock có những nhà ống đặc trưng, cổng vòm trát vữa và lợp ngói, đặc biệt nhà nào cũng tràn ngập ánh sáng từ những sân nhỏ và giếng trời. Đường phố Hang Giebát là phố buôn bán chính với rất nhiều cửa hàng bán đồ cổ và đồ lưu niệm nằm sát nhau.
 
 Ngoài ra, tại khu vực Giahan Tocông của Malacca tập trung nhiều di tích lịch sử; trong đó phải kể đến đền Hindu cổ nhất ở Malaysia được xây dựng từ năm 1645 thu hút nhiều du khách đến chiêm bái, đông nhất vào những ngày thứ 6, thứ 7 hay ngày rằm, cầu xin hạnh phúc và sự bình an. Cạnh đó là Nhà thờ Magi Kampung Klinh xây từ năm 1748 rộng như quảng trường có mái tháp trông như mái chùa.
 
 Dòng sông Malacca vắt ngang thành phố như một dải lụa xanh là một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại thành phố này. Nơi đây từng là một cảng sông quan trọng trong khu vực. Thuyền, ghe trên sông được làm theo kiểu cổ. Những tour du lịch bằng thuyền trên sông đưa du khách tham quan dọc theo những khúc uốn lượn trong thành phố và dừng chân lên bờ thăm những khu phố chợ nhộn nhịp.
 
 Đường phố ở Malacca nhỏ hẹp và yên bình. Khi đi bộ, du khách có thể cảm nhận con đường nào cũng có những nét quyến rũ riêng. Du khách có thể đi chơi bằng xe buýt hoặc xe hai bánh, ba bánh và ấn tượng là ngồi trên xe trishaw (xe lôi 3 bánh). Chiếc xe độc đáo này giống như một giàn hoa di động bởi nó được trang trí đầy hoa lá màu sặc sỡ, có thể đưa khách tham quan thành phố, tham dự các buổi trình diễn kỳ lạ của các loài chim, voi và động vật khác trong khu vui chơi Famosa.
 
 Còn nếu sở hữu riêng một chiếc xe đạp đi vòng quanh Malacca, thì khách có thể dừng xe vào bất cứ cửa hàng ăn nào trên phố cổ để thưởng thức thạch trái cây, có tên cincau, một món tráng miệng làm từ nước dừa ngọt và mát, ăn những món truyền thống của Malacca như xúp gà.
 
 Quần đảo Langkawi - Điểm du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Á
 
 Langkawi là một quần đảo đẹp và thơ mộng bậc nhất của Malaysia đã được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất” (Geopark). Đây là công viên địa chất thứ 52 trên thế giới và là công viên địa chất đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
 
 Langkawi - điểm du lịch lý tưởng
 
 Langkawi bao gồm 104 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 485km2, nằm ở phía Tây Bắc Malaysia. Tuy nhiên, nó luôn được biết đến với 99 hòn đảo, để dễ nhớ và thể hiện sự tin tưởng vào sức mạnh của số 9 trong thuật phong thuỷ.
 
 Langkawi là tên được ghép bởi hai từ theo tiếng Malai cổ: “Lang” và “Kawi”. “Lang” nghĩa là đại bàng màu nâu, còn “Kawi” là loại quặng mangan ở địa phương. Những ngư dân xưa đã nhìn thấy những chú đại bàng cắp đá mangan bay vút lên trời cao nên mới đặt tên cho quần đảo như vậy.
 
 Langkawi có một bức tượng đại bàng nâu cắp đá mangan được dựng gần Kuah Jetty để đón chào du khách.
 
 Năm 1990, Chính phủ Malaysia đã hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu nghỉ mát, giải trí ở Langkawi nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên đảo thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
 Với việc xây dựng tại Langkawi những chuỗi siêu thị miễn thuế, hàng hoá ở đây như bánh kẹo, đồ điện tử trở nên rẻ hơn đất liền từ 20-30%.
 
 Đến với Langkawi, khách du lịch có thể đi bằng đường hàng không, từ thủ đô Kuala Lumpur, Singapore, hay Bangkok (Thái Lan) hoặc có thể đi đường bộ và đón phà từ Penang hay Kedah.
 
 Langkawi đẹp và thơ mộng là còn bởi vì nơi đây có một thế giới nước khổng lồ với hệ thống đường hầm xuyên suốt làm say mê du khách. Ngoài ra, du khách có thể đi cáp treo trên đỉnh núi Mat Cincang, cao hơn 700m so với mặt biển. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh quần đảo Langkawi.
 
 “Công viên địa chất” đầu tiên ở Đông Nam Á
 
 Với giá trị về địa chất hơn 500 triệu năm, quần đảo Langkawi chứa đựng những kiến tạo về đá vôi rất độc đáo, muôn hình muôn vẻ. Rất nhiều hang động với nhiều thạch nhũ và măng đá tạo nên sự hấp dẫn và kích thích trí tò mò khám phá của du khách. Những bãi biển sạch, cát trắng ngập tràn ánh nắng là nơi lý tưởng cho các môn thể thao nước và nghỉ dưỡng.
 
 Langkawi Geopark được chia ra làm ba khu vực
 
 - Công viên rừng địa chất Machinchang, nơi có những loại đá cổ nhất thuộc kỷ Cambri (450-550 triệu năm) và cũng là nơi phát lộ những dấu tích lịch sử nơi cư trú đầu tiên của người Malaysia và khu vực Đông Nam Á.
 
 - Công viên rừng địa chất Kilim với hệ thống rừng nhiệt đới trên núi đá vôi bị xói mòn bởi ảnh hưởng của thời tiết và sự thay đổi khí hậu.
 
 - Công viên rừng đá cẩm thạch Dayang Bunting hay còn gọi là Hồ phụ nữ mang thai.
 
 Langkawi Geopark còn có nhiều điểm tham quan như Field of Burnt Rice, suối nước nóng, Seven Wells (khu bảy cái giếng), bãi biển cát đen, Gua Cerita (Hang động huyền bí) và Gua Langsir (Hang động bức màn).
 
 Có thể nói, sự hấp dẫn của Langkawi Geopark chính là sự đa dạng và phong phú về các chủng loại đá với nhiều cấu tạo khác nhau, và hệ động thực vật rất phong phú, cả dưới nước và trên cạn, tồn tại hài hoà với những bãi biển đẹp và rừng nhiệt đới trên núi đá vôi. Với những lẽ đó, nơi đây xứng đáng là một trong những “Công viên địa chất” của thế giới ở khu vực Đông Nam Á.
 
 Đảo Penang - Hòn ngọc phương Đông với những điểm du lịch nổi tiếng
 
 Đảo Penang nằm ở phía Tây Bắc Malaysia, được mệnh danh là “Hòn ngọc phương Đông.”
 
 Từ máy bay nhìn xuống, đảo Penang giống hệt một chú rùa biển đang bò. Đảo được nối với đất liền bằng cầu Penang dài 13,5km - một trong những cây cầu dài nhất thế giới, được xây dựng từ năm 1985.
 
 Đảo Penang được xem là một trong những hòn đảo đẹp nhất Malaysia, với nhiều di tích danh lam thắng cảnh như công viên chim, trang trại bướm, đền thờ Rắn, chùa Kek Lok Si, Bảo tàng Penang, Lâu đài Cheong Fatt Tze, Pháo đài Cornwallis, Tháp đồng hồ Kinh Edward Circus và với nhiều bãi biển thơ mộng, hoang sơ như Batu Ferringhi, Tanjung Bungah, Teluk Bahang.
 
 Bên cạnh các di tích danh lam thắng cảnh, Penang còn nổi tiếng là nơi hội tụ của nhiều sắc tộc, nhiều nền văn hóa nên cuộc sống nơi đây là sự đa chiều, thể hiện qua kiến trúc, trang phục, ẩm thực.
 
 Bức tranh đường phố của Penang cũng thay đổi liên tục từ góc cạnh này sang góc cạnh khác. Nhìn Penang từ trên cao, càng thấy rõ sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
 
 Du khách có thể thấy rất nhiều những ngôi nhà cổ kính hàng trăm năm tuổi, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những tòa nhà hiện đại. Komtar là tòa nhà cao nhất Penang (58 tầng) và hầu như đứng ở bất kỳ vị trí nào trên hòn đảo này cũng có thể thấy nó.
 
 Các địa điểm du lịch lý tưởng trên đảo Penang gồm:
 
 - Thành phố George, thủ phủ của Penang, đầy thơ mộng và quyến rũ với những tòa nhà cổ và những điểm văn hóa đặc sắc. Phía Bắc thành phố là chùa Kek Lok Si, còn gọi là “Ngôi chùa nghìn Phật,” một trong những ngôi chùa Phật giáo đẹp nhất Đông Nam Á.
 
 Chùa Kek Lok Si nằm trên một quả đồi cao 830m so với mực nước biển, được xây thành nhiều tầng lên cao đến đỉnh. Trong khuôn viên chùa có một ao rùa, những khu vườn, các lăng tẩm và các tác phẩm điêu khắc tuyệt tác.
 
 Phía Tây Bắc thành phố là bãi biển Batu Ferringhi nổi tiếng nhất Penang. Khi hoàng hôn buông xuống, Batu Ferringhi tràn ngập không khí lễ hội. Tại đây có khu chợ ngoài trời chuyên bán đồ trang sức và các sản phẩm lưu niệm. Trong chợ, du khách có thể bắt gặp những người thợ thủ công miệt mài thể hiện những kỹ thuật làm đồ và thêu hoa Batíc tinh xảo của mình.
 
 Nằm cách thành phố 17km là trang trại bướm hay còn gọi là bảo tàng côn trùng, mở cửa đón khách từ năm 1986. Trang trại rộng 0,8ha, với hơn 120 loài bướm khác nhau.
 
 - Ngôi chùa Phật giáo Wat Chayamangkalaram, với tượng Phật nằm lớn thứ ba thế giới và một tượng lớn hình con rắn Naga huyền bí, được xem là biểu tượng nối liền Trái đất với thiên đường. Tại đây có rất nhiều bình đựng di cốt được hỏa táng của các Phật tử được đặt trong hốc tường phía sau tượng Đức Phật.
 
 - Bảo tàng Penang là nơi trưng bày các bức họa trong đó có 8 trong 10 bức tranh sơn dầu của thuyền trưởng Robert Smith. Ngoài ra còn có các bộ sưu tập về đồ sứ Baba Nyonya, nội thất, trang sức, trang phục và các đồ vật quý thể hiện vẻ đẹp và mang giá trị lịch sử.
 
 - Lâu đài Cheong Fatt Tze, với phong cách của thế kỉ XVIII và XIX. Kiến trúc của nó khiến du khách hồi tưởng đến quá khứ, với những mái ngói cổ xưa, sân trong rải đầy sỏi, tường bằng gạch màu nâu đỏ và cầu thang xoắn ốc bằng thép.
 
 Lâu đài trưng bày một số bộ sưu tập hiếm có về đồ sứ, nghệ thuật điêu khắc, những tấm thảm trang trí, những vật dụng đồ gỗ sơn mài, các dụng cụ bằng đồng thiếc và rất nhiều đồ cổ khác.
 
 - Pháo đài Cornwallis ở phía Đông Bắc đảo nổi tiếng với tháp đồng hồ Kinh Edward Circus, cao 60 foot (trên 18m). Tháp đồng hồ được xây dựng vào năm 1897 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Nữ hoàng Victoria lên ngôi. Mỗi foot chiều cao của tháp tượng trưng một năm trị vì của Nữ hoàng.
 
 - Đồi Penang là điểm ngắm cảnh lý tưởng. Nằm ở độ cao 830m so với mực nước biển, từ đây có thể chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của thành phố George và các hòn đảo khác.
 
 - Công viên vui chơi giải trí ở phía Tây Bắc Penang, rộng khoảng 100ha. Trong công viên có một số hồ bơi, các con đường nhỏ, các túp lều nghỉ chân, khu vui chơi cho trẻ em và một viện bảo tàng về rừng cây bao gồm các sản phẩm được làm từ gỗ nhiệt đới và nhiều loại côn trùng kì lạ.
 
 - Vườn thực vật, với diện tích khoảng 30ha và được bao bọc bởi những đồi cây, là một bộ sưu tập phong phú về các quần thể thực vật và động vật nhiệt đới. Ngoài ra, nó còn có một bản sao thu nhỏ của cây cầu Penang và một thư viện.

Lễ hội

Người Malaysia có nhiều ngày lễ hội suốt cả năm. Một số ngày lễ được liên bang coi là ngày nghỉ lễ công cộng và một số ngày lễ khác chỉ được tổ chức tại từng bang riêng biệt.
 
 Ngày lễ quan trọng nhất là Hari Merdeka (Ngày độc lập) - ngày 31 tháng 8 kỷ niệm nền độc lập của Liên bang Malaya năm 1957. Hari Merdeka, cũng như Ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngày Sinh nhật Nhà Vua (thứ 7 đầu tiên của tháng Sáu) và một số ngày lễ khác được coi là ngày lễ công cộng trên toàn liên bang.
 
 Những ngày lễ khác như Thứ sáu Tuần Thánh (chỉ tại Đông Malaysia), Giáng sinh, Hari Gawai của người Iban (Dayak), Pesta Menuai (Pesta Kaamatan) của người Kadazan-Dusun cũng được tổ chức tại Malaysia.
 
 Dù đa số lễ hội gắn liền với một sắc tộc hay tôn giáo nhất định, tất cả người Malaysia cùng nhau chào mừng lễ hội không phân biệt tôn giáo và sắc tộc.