Liên bang Nga

Liên bang Nga

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Liên bang Nga Điện Kremlin ở Quảng trường Đỏ

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát Liên bang Nga:

- Tên nước: Liên bang Nga (the Russian Federation)
 
- Ngày quốc khánh: 12/6/1990 (Ngày Tuyên bố chủ quyền).
 
- Thủ đô: Mátxcơva (gần 10 triệu dân).
 
- Vị trí địa lý: Liên bang Nga trải dài trên phần phía bắc của siêu lục địa Á-Âu, bao trùm 11 múi giờ. 
 
- Diện tích: 17.075.400km2 (rộng nhất thế giới)
 
- Khí hậu: Liên bang Nga khá đa dạng, thay đổi từ bắc xuống nam, có từ băng giá, ôn đới đến cận nhiệt đới, đại dương. Nhiệt độ trung bình tháng Giêng từ -1 đến -50 độ C, tháng 7 từ 1 đến 25 độ C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 100-1.000mm.
 
- Dân số: 141.927.297 (con số ước lượng đến 2010)
 
- Dân tộc: Liên bang Nga là một xã hội đa sắc tộc đa dạng, là nơi sinh sống của 160 nhóm sắc tộc và người bản xứ khác nhau.
 
- Hành chính: Là một nước lớn nằm ở cả hai châu lục, chiếm phần lớn lục địa Á-Âu, và là một trong những nước đông dân nhất thế giới, Nga được chia ra nhiều cấp hành chính khác nhau. Nga là một nước liên bang, đến thời điểm ngày 1/1/2008 có 83 chủ thể. Tất cả các chủ thể liên bang được hợp thành 7 vùng liên bang, mỗi vùng do một đặc phái viên được Tổng thống Nga bổ nhiệm quản lý. Các chủ thể liên bang được coi là đơn vị hành chính cấp thứ hai, dưới cấp thứ nhất là liên bang.
 
Các chủ thể của Liên bang Nga được quy định trong Hiến pháp Nga dưới các mô hình hành chính sau: Nước cộng hòa, Vùng và Tỉnh, Thành phố liên bang, Tỉnh tự trị, Khu tự trị.
 
- Đơn vị tiền tệ: đồng Ruble (Rub)
 
- Tôn giáo: Liên bang Nga có nhiều tôn giáo. Tôn giáo chính là đạo Chính thống, ngoài ra còn có Thiên Chúa giáo, Do thái, đạo Hồi, Phật giáo...
 
- Ngôn ngữ: 160 nhóm sắc tộc của Nga sử dụng khoảng 100 ngôn ngữ. Theo cuộc điều tra dân số năm 2002, 142.6 triệu người nói tiếng Nga, tiếp sau là tiếng Tatar với 5.3 triệu và tiếng Ukraine với 1.8 triệu. Tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức duy nhất của nhà nước, nhưng Hiến pháp trao cho các nước cộng hòa riêng biệt quyền đưa ngôn ngữ bản địa của mình trở thành ngôn ngữ đồng chính thức bên cạnh tiếng Nga.

Địa lý

+ Vị trí địa lý:  Nằm trải dài trên phần phía Bắc của lục địa Á-Âu, tiếp giáp với 2 đại dương là Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương. Liên Bang Nga có đường biên giới xấp xỉ chiều dài Xích đạo, trải dài trên 11 múi giờ, giáp đất liền với 14 quốc gia (từ đông sang tây): Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ, Kazakhstan, Azerbaijan, Gruzia, Ukraine, Belarus, Latvia, Estonia, Phần Lan, Na Uy.
 
 Phần tách rời là tỉnh Kaliningrad, tỉnh này có chung biên giới với Ba Lan (phía nam tỉnh này), Litva (bắc và đông của tỉnh này)
 
 + Diện tích: 17.075.400km2, rộng lớn nhất thế giới.
 
 + Địa hình: Liên bang Nga chủ yếu là bình nguyên chiếm một diện tích lớn, có sự khác nhau giữa Đông và Tây, lấy sông Yenisei làm ranh giới. Lãnh thổ Liên bang Nga gồm hai phần. Phần thuộc châu Âu là bộ phận trung tâm đồng bằng Đông Âu, phần thuộc châu Á gồm 3 khu vực: Tây Siberia, cao nguyên Trung Siberia và miền núi Đông Siberia.
 
 Phía Tây nước Nga là: Bình nguyên Đông Âu, miền đất cổ, ổn định, có nhiều khả năng phát triển nông nghiệp, vùng tập trung dân cư, kinh tế, văn hóa, khoa học; Bình nguyên Tây Siberia (Đông dãy Uran tới Tây Yenisei) phía Nam có nhiều rặng núi cao.
 
 Phía Đông: Đông Siberia chủ yếu là cao nguyên và núi, nhiều khoáng sản và rừng, nhưng địa hình phức tạp, khi khai thác cải tạo rất tốn kém.
 
 Liên bang Nga có nhiều sông, có chiều dài vào loại lớn trên thế giới. Với hon 2 triệu dòng sông, các sông lớn có giá trị giao thông là: Obi, Yenisei, Lena, Amur, Volga... Hồ Baikal là hồ sâu và lâu đời nhất thế giới (độ sâu nhất là 1.637 m) chiếm 80% trữ lượng nước của các hồ lớn nhỏ. Các sông hệ này là nguồn cung cấp nước cho các bể chứa của các nhà máy thủy điện Bratscơ, Vongagrat, Quibisep, Ximiliascơ. Phần lớn sông hồ tập trung ở Siberia, Viễn Đông, ít có nhu cầu sử dụng nước, vùng cần nhiều nước lại ít sông như đồng bằng Đông Âu, Uran.
 
 + Khí hậu: Mặc dù có nhiều biển và đại dương bao quanh, nhưng do vị trí địa lý, do lãnh thổ rộng lớn nên Nga chủ yếu có khí hậu ôn đới lục địa. Phần phía bắc của Nga có khí hậu hàn đới và ven biển Đen có khí hậu cận nhiệt đới.
 
 Các thành phố ở miền Nam, miền Tây và miền Tây Nam nước Nga có khí hậu dễ chịu, nền nhiệt độ trung bình mùa hè +23.6 độ C, mùa đông - 5.3 độ C. Vào mùa đông tại một thành phố ở miền Tây Bắc, chẳng hạn như Arkhanghelsk, cũng không lạnh lắm, nhiệt độ trung bình trong 4 tháng mùa đông chỉ là -10.5 độ C.
 
 Mùa đông ở Nga chỉ kéo dài từ 2 đến 4 tháng tuỳ theo vùng (không nói đến vùng cực Bắc). Còn thời tiết vào mùa hè và mùa thu không quá nóng nực.
 
 +Tài nguyên: Nga là nước giàu có về tài nguyên khoáng sản (trữ lượng và số lượng: nhiên liệu, năng lượng thủy diện, quặng kim loại và phi kim loại, ruộng, đất nông nghiệp..) - một trong những nước đứng đầu thế giới.
 
 Năng lượng - nhiên liệu có vai trò quan trọng hàng đầu gồm: than đá (trữ lượng 7.000 tỷ tấn ), dầu (trở lượng 60 tỷ tấn ), kim loại màu, kim loại đen, vàng, kim cương, niken, bauxite trữ lượng lớn. Diện tích rừng 747.000.000ha, trữ lượng gỗ 80 tỷ m3. Tiềm năng thủy điện 400.000.000 kw có khả năng sản xuất hàng ngàn tỷ Kwh điện hàng năm (sông Lêna đứng đầu).
 
 Tài nguyên đất nông nghiệp: quỹ đất 2,2 tỷ ha, 227.000.000ha đất trồng trọt, 373.500.000ha đồng cỏ.
 
 Tài nguyên dưới nước khá phong phú: cá và các hải sản, riêng vùng biển phía đông chiếm tới 1/4 sản lượng, Nga có ngành công nghiệp đánh bắt, chế biến hải sản phát triển mạnh.
 
 Việc săn bắn thú có lông quý đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hàng năm có thế cung cấp từ hàng trăm bộ lông thú quý hiếm - một trong những nước hàng đầu thế giới.
 
 Phân bổ phần lớn tài nguyên khoáng sản nằm ở vùng Ðông Siberia: than, sắt, nhôm, kim cương, rừng. Tây Siberia: dầu mỏ, khí tự nhiên. Dãy Uran: than, sắt, kim loại màu. Vùng Đông Âu ít khoáng sản, nhưng có khả năng phát triển nông nghiệp và các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp đòi hỏi hàm lượng khoa học cao.
 
 Tất cả các nguồn tài nguyên trên là cơ sở thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, luyện kim, hóa chất, chế tạo máy, chế biến gỗ.

Lịch sử

Lịch sử Nga bắt đầu với lịch sử Đông Slav. Nhà nước Đông Slav đầu tiên, Rus Kiev, đã chấp nhận Kito giáo từ Đế quốc Đông La Mã năm 988, khởi đầu sự tổng hòa các nền văn hóa Đông La Mã và Slav lập ra văn hóa Nga trong một nghìn năm tiếp theo.Rus Kiev nhanh chóng tan rã không còn là một nhà nước, cuối cùng chịu đầu hàng những kẻ xâm lược Mông Cổ trong những năm 1230. Trong thời gian này, một số lãnh đạo địa phương, đặc biệt là Novgorod và Pskov, đã chiến đấu để thừa kế di sản văn hoá và chính trị của Rus Kiev.
 
 Sau thế kỷ 13, Moskva dần trở thành trung tâm văn hóa. Tới thế kỷ 18, Đại công quốc Mátxcơva đã trở thành Đế quốc Nga rộng lớn, trải dài từ Ba Lan về phía đông tới Thái Bình Dương. Sự mở rộng về phía tây càng khiến nước Nga nhận thức được sự khác biệt của họ với đa phần còn lại của châu Âu và phá vỡ sự cô lập từng xảy ra ở những giai đoạn đầu mở rộng. Các triều đại nối tiếp nhau trong thế kỷ 19 đã đối phó với những áp lực đó bằng sự kết hợp giữa các cuộc cải cách miễn cưỡng và trấn áp.
 
 Chế độ nông nô Nga đã bị bãi bỏ năm 1861, nhưng sự hủy bỏ này thực sự chỉ gây thêm phiền toái cho người nông dân và càng khiến áp lực cách mạng tăng cao. Trong khoảng thời gian từ khi chế độ nông nô bị huỷ bỏ tới khi bắt đầu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914, các cuộc cải cách Stolypin, hiến pháp 1906 và Duma quốc gia đã mang lại những thay đổi đáng kể cho nền kinh tế và chính trị Nga, nhưng các hoàng đế Nga vẫn không muốn rời bỏ quyền lực tuyệt đối, hay chia sẻ quyền lực.
 
 Cách mạng Nga năm 1917 được khởi phát từ một sự tổng hợp các yếu tố tan rã kinh tế, tình trạng kiệt quệ do chiến tranh, và sự bất bình với hệ thống chính phủ chuyên quyền, và lần đầu tiên một liên minh giữa những người tự do và xã hội chủ nghĩa ôn hoà lên nắm quyền lực, nhưng các chính sách sai lầm của họ đã khiến những người Cộng sản Bolshevik do lãnh tụ Lenin thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917).
 
 Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã dẫn tới sự thành lập nhà nước mới, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga - nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới. Trong những năm 1917-1920, nước Nga rơi vào nội chiến và cuộc chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc. 
 
 Từ năm 1922 tới năm 1991, lịch sử Nga chủ yếu là Lịch sử Liên Xô. Năm 1922, Nga cùng với một số nước cộng hòa khác thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, gọi tắt là Liên Xô. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phátxít Đức, Italy, Nhật (1941-1945), nước Nga đã góp phần quyết định vào việc tiêu diệt chủ nghĩa phátxít năm 1945.
 
 Cuối thập niên 1980, sự yếu kém trong các cải tổ về kinh tế và chính trị của các nhà lãnh đạo Liên Xô dẫn tới những khủng hoảng nghiêm trọng trong đời sống chính trị-xã hội ở Liên Xô, và hậu quả là sự tan rã của Liên bang Xôviết sau hơn 70 năm tồn tại.
 
 Sau khi Liên bang Xôviết tan rã, một nhà nước mới đưựoc thành lập ở Nga vào năm 1991, đó là Liên bang Nga. Liên bang Nga đã được công nhận là nhà nước thừa kế chính thức của Liên Xô trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, nước Nga đã mất vị trí siêu cường của mình và đang phải đối mặt với những thách thức trong các nỗ lực thiết lập một hệ thống kinh tế và chính trị hậu Xôviết. Liên bang Nga hiện nay đang từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng và phát triển kinh tế, khôi phục vị thế trên trường quốc tế.
 

Chính trị

-Thể chế chính trị: Cộng hòa Liên bang.

- Hiến pháp: Thông qua ngày 12-12-1993.

- Cơ quan hành pháp: + Đứng đầu Nhà nước: Tổng thống.

Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm.

Nước Nga không có Phó Tổng thống; nếu như Tổng thống qua đời hoặc không điều hành được do bệnh tật hay từ chức, thì Thủ tướng lên giữ chức quyền Tổng thống cho đến khi có cuộc bầu cử Tổng thống mới (phải được tổ chức trong vòng 3 tháng tiếp sau).

+ Đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng.

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm với sự thông qua của Duma quốc gia.

- Cơ quan lập pháp: Quốc hội Liên bang gồm hai viện: Hội đồng Liên bang (Thượng viện) 178 ghế và Đuma Quốc gia (Hạ viện) 450 ghế.

- Cơ quan tư pháp: Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Tòa án Trọng tài cấp cao. Các thẩm phán của các tòa án trên được Hội đồng Liên bang bổ nhiệm suốt đời dựa trên khuyến nghị của Tổng thống.

- Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 18 tuổi trở lên.

- Các đảng phái lớn: Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), Đảng Độc lập Tự do Nga (LDPR), Đảng Lao động, Khối thống nhất toàn Nga...

Kinh tế

Sau khi tách ra khỏi Liên bang Xôviết, Liên bang Nga coi chương trình hình thành nền kinh tế thị trường và hòa nhập vào nền kinh tế thế giới là giải pháp cấp bách chống khủng hoảng.
 
 Cải tổ cơ cấu kinh tế quốc dân, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, dựa trên sự đa dạng và bình đẳng của các hình thức sở hữu nhà nước, tập thể, tư nhân, cổ phần, hợp tác xã, xây dựng nền kinh tế thị trường có điều tiết, làm cho Liên bang Nga liên kết toàn diện với nền kinh tế thế giới. Nhà nước ban hành một loạt chính sách, biện pháp triệt để và đồng bộ, chính sách tài chính, đầu tư, sở hữu ruộng đất, giá cả, đầu tư nước ngoài, cơ cấu kinh tế...
 
 Năm 1992, hàng hóa khắp nơi đã nhiều, phong phú, đa dạng, sức mua của người dân khá lớn, sản xuất ở một số ngành đã nhích dần, mọi vấn đề tồn tại, đang được tháo gỡ... Có nhiều dấu hiệu cho thấy Liên bang Nga sẽ trở thành cường quốc kinh tế trong trật tự thế giới mới, sẽ lấy lại được vị trí, uy thế của mình trên trường quốc tế (kể cả kinh tế và chính trị).
 
 - Các ngành kinh tế của Liên bang Nga:
 
 + Công nghiệp
 
 Công nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế, chiếm 2/3 GDP và hon 2/3GNP, gần 1/2 vốn sản xuất cơ bản, chiếm hơn1/3 lực lượng lao động.
 
 Trong cơ cấu công nghiệp, vai trò chủ yếu thuộc về công nghiệp nặng (nhóm A), nhóm này chiếm 3/4 khối lượng sản phẩm công nghiệp. Từ năm 1940-1990 sản phẩm nhóm A tăng hon 30 lần, nhóm B chỉ tăng hon 10 lần. Vì vậy nên vài năm gần đây dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng tiêu dùng trên toàn bộ Liên bang Nga. Đây là vấn đề cần cải tổ gấp trong những năm tới. Phát triển công nghiệp nặng tốn phí nhiều tiền, công sức, thời gian mà hiệu quả không cao, nhiều ngành giờ đây trở nên lạc hậu về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng.
 
 Các hoạt động công nghiệp:
 
 Tổ hợp năng lượng-nhiên liệu: bao gồm các ngành khai thác, sản xuất nhiên liệu, năng lượng, giao thông và các cơ sở hạ tầng dịch vụ.
 
 Công nghiệp khai thác dầu: tập trung ở vùng Uran, Tây Siberia cung cấp 2/3 dầu, 1/3 khí. Năm 1990, ở đây khai thác 70% nhiên liệu này cho toàn Liên bang Nga. Hệ thống đường ống dẫn dầu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dầu cho các nhà máy chế biến từ Tây Siberia tới phần châu Âu, từ vùng Đông đến Baikal sang các nước cộng hòa khác. Kế hoạch năm 1990, Nga sẽ khai thác 560-570 triệu tấn dầu, 640-650 tỷ m3 khí, song không đạt.
 
 Công nghiệp khai thác than: trữ lượng lớn tập trung ở Cudônét, Pechoki, Nam Iacut, Kanko-Achinki, Luu vực Cudơnét cung cấp 1/5 khối lượng than toàn Liên bang. Năm 1990 dự kiến khai thác 440-445 triệu tấn nhưng không đạt. Việc khai thác than đã tạo điều kiện thuận lợi xây dựng những cơ sở năng lượng hùng mạnh để hình thành các thể tổng hợp công nghiệp.
 
 Công nghiệp điện: thành phần chủ yếu của tổ hợp năng lượng - nhiện liệu nối liền tất cả các quá trình từ phát điện, chuyển tải đến nơi tiêu dùng năng lượng. Trong cơ cấu năng lượng, nhiệt điện chiếm 70% sản lượng. Những nhà máy nhiệt điện lớn (công suởt 2.000.000 kw) phân bố ở khu công nghiệp trung ương, Uran, Capca, Pavondo, Tây Siberia. Những nhà máy thủy điện công suất lớn xây dựng trên sông Angara (Icacut); Bratscơ, Uxzơ Ilimscơ, trên sông Ienhixây; Krátsuơiac công suất 6 triệu kw, Quybixep trên sông Vonga.. Các nhà máy điện nguyên tử vùng Tây Bắc, Trung ương, Nam... (Kalinin, Smolen, Balakơp, Vongarat... dự kiến sản lượng điện 1999: 1.120-1.160 tỷ kw.
 
 Công nghiệp luyện kim đen: Đây là ngành công gnhiệp rất mạnh của Nga với 3 trung tâm lớn: Uran, Trung ương và Siberia ( Uran cung cấp 1/5 sản lượng gang thép toàn liên bang).
 
 Luyện kim màu (Bauxite, đồng, đa kim, niken ) chủ yếu ở Uranl, Baikal, Siberia và Viễn Đông.
 
 Các ngành công nghiệp nặng khác: Hóa chất, cơ khí và công nghiệp rừng.
 
 Công nghiệp hóa chất, hóa dầu: phát triển ở Trung ương,, Pavondo, Uran, Tây Siberia và Viễn Đông
 
 Cơ khí đa ngành phát triển ở Trung ương, Pavondo, Uran, Tây Siberia, chú trọng cơ khí nặng
 
 Công nghiệp rừng: khai thác và chế biến gỗ, giấy chiếm vị trí lớn ở Liên bang Nga. Những vùng chủ yếu Bắc, Vonga-Víatki, Uran, Tây Siberia, Đông Xibia và Viễn đông.
 
 Công nghiệp nhệ: chua phát huy hệt thế Mỹnh,đây là điểm yếu của nền kinh tế đồ sộ nước Nga, còn nhiều vấn đề giải phải quyết như giá cả, mẫu mã, chất lượng.
 
 Công nghiệp dệt: ngành ưu thế trong công nghiệp nhẹ, vùng sản xuất vềi chủ yếu là khu Trung ương (chung quanh Mátxcơva, Saint Peterbourg, Ivanôp. Iarôtxlap. Kalinin ) ở đây sản xuất 2/3 vải bông, lanh, gần 1/2 len dạ của Nga, phận cịn lãi ở vùng Tây Bắc.
 
 Ngành giày da, thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng khác sản xuất ở nhiều nơi.
 
 Công nghiệp đánh bắt cá và chế biến cá có nhiều điều kiện thuậu lợi để phát triển, Nga có những đội tàu đánh bắt và chế biến ở các vùng đại dương lớn.
 
 + Nông nghiệp:
 
 Nga có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, thuậu lợi để phát triển hàng trồng trọt và chăn nuôi. Nông nghiệp được tổ chức sản xuất theo các liên hiệp công-nông nghiệp (APK), các APK là thành phần quan trọng của nền kinh tế. Trong thành phần của APK bao gồm các ngành công nghiệp cung cấp cho nông nghiệp những phương tiện sản xuất chủ yếu, bản thân ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nguyên liệu nông nghiệp, ngành thương nghiệp, giao thông, quản lý, cơ quan khoa học.
 
 Cây luong thực: chủ yếu là lúa mỳ khoai tây và một số các cây khác sản lượng 1990: 140.000.000 tấn lương thực, vùng sản xuất lúa mỳ chính là Pavondo, Bắc Kavkaz, Tây Siberia, Uran, Trung tâm đất đen.
 
 Cây công nghiệp: bao gồm cây lấy sợi, lấy dầu và đường cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực thẩm. Vùng trồng cây lấy sợi là Trung ương, Tây bắc; cây hướng dương là Bắc Kavkaz, Pavondo và Trung tâm đất đen; củ cải đường là Trung tâm đất đen, Bắc Kavkaz - thu hoạch củ cải đường 1990: 31.000.000 tấn.
 
 Chăn nuôi: chiếm hon 50% tổng sản phẩm nông nghiệp. Hơn 80% số gia súc được chăn nuôi trong các nông trường, nông trang và các khu vực khác nhà nước, chỉ 20% thuộc về các gia đình. Ngành này được tiến hành tổ chức sản xuất theo các APK: chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt, sữa, bơ... Một vài năm gần đây khi chuyển sang cơ chế thị trường các APK họat động kém hiệu qủa nên đã tăng cường chăn nuôi ở các hộ gia đình - 1990 sản xuất 10.000.000 tấn thịt, 54.000.000 tấn sữa, 45 tỷ quả trứng. Chăn nuôi được tiến hành ở nhiều nơi trong khắp đất nước.
 
 + Giao thông vận tải: Mạng lưới giao thông vận tải phát triển mạnh với nhiều loại hình song còn có nhiều vấn đề phải giải quyết (cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn yếu kém hơn các nước phát triển khác).
 
 Các loại hình giao thông đảm bảo mối liên hệ kinh tế giữa các ngành và các vùng rộng lớn của đất nước: đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường điện, đường ống dẫn dầu và khí.
 
 - Các vùng kinh tế chính của Nga
 
 Đất nước rộng lớn, nhiều miền tự nhiên khác nhau, trong quá trình phát triển kinh tế có sự phân công lao động theo lãnh thổ nên Liên bang Nga hình thành 12 vùng kinh tế, những vùng nầy không đồng đều về tiềm năng kinh tế, trình độ phát triển và dân số. 12 vùng kinh tế chính của Nga gồm:
 
 1. Vùng kinh tế Trung tâm
 2. Vùng kinh tế Trung tâm-Chernozem
 3. Vùng kinh tế Đông Siberia
 4. Vùng kinh tế Viễn Đông
 5. Vùng kinh tế Phương Bắc
 6. Vùng kinh tế Bắc Kavkaz
 7. Vùng kinh tế Tây Bắc
 8. Vùng kinh tế Volga
 9. Vùng kinh tế Ural
 10. Vùng kinh tế Volga-Vyatka
 11. Vùng kinh tế Tây Siberi
 12. Vùng kinh tế Kaliningrad
 

Văn hóa

+ Nền giáo dục của nước Nga đã có lịch sử hàng ngàn năm, có truyền thống tốt đẹp và có tín nhiệm quốc tế rất cao. Giáo dục miễn phí và bắt buộc trong 9 năm, từ 7 đến 17 tuổi. Giáo dục được chia thành ba cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học. Trong hai năm cuối học sinh được học chuyên ban. Chính phủ Nga đang triển khai thực hiên 4 chương trình quốc gia lớn về cải thiện nhà ở, giáo dục, y tế và khoa học.
 
 Nước Nga hiện có gần 2000 trường đại học, học viện và các cơ cấu giáo dục khác. Trong các trường đại học Nga có hơn 3 triệu giáo viên và nhân viên nghiên cứu, trong đó gần 45% giáo sư và phó giáo sư.
 
 Hệ thống giáo dục còn bao gồm gần 800 cơ quan nghiên cứu, phòng thiết kế thí nghiệm và những xí nghiệp do nhà trường xây dựng. Vì nước Nga có nền giáo dục phát triển cao nên hầu như tất cả các công dân Nga đều có cơ hội tiếp thu nền giáo dục này.
 
 Hiện nay có hơn 7 triệu sinh viên trong và ngoài nước học theo các chế độ, và hàng năm khoảng 1.5 triệu sinh viên mới bước vào các trường ở Nga. Tổng diện tích các trường đại học Nga tới 45 triệu m2.
 
 Dựa vào chuyên ngành, các trường của Nga có thể phân thành 8 loại như sau:
 
 * Đại học tổng hợp: đại học tổng hợp chiếm vị trí đặc biệt trong hệ thống giáo dục Nga. Nga nhấn mạnh loại trường đại học này phải là trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục và giáo học pháp trong hệ thống giáo dục của nước Nga, là cơ sở bồi dưỡng nhân tài và nguồn giáo viên chuyên môn, là trung tâm tuyên truyền khoa học phổ cập và phát huy tác dụng về phương diện nâng cao trình độ toàn diện của nền giáo dục. Các trường đại học tổng hợp có cơ sở vật chất tương đối tốt, có lực lượng giáo viên tương đối mạnh và kinh phí cũng tương đối sung túc.
 
 * Học viện kỹ thuật: học viện kỹ thuật là một loại trường có số lượng nhiều nhất nước Nga. Nó bao gồm những học viện công nghiệp mang tính chất đa khoa và những học viện chuyên nghiệp mang tính chất đơn khoa.
 
 * Học viện nông nghiệp: các học viện kỹ thuật nông nghiệp bồi dưỡng ra những kỹ sư nông nghiệp cao cấp và những chuyên gia nông nghiệp cao cấp. Các ngành chuyên môn có: nông học, thú y, cơ giới nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp... Các học viện nông nghiệp đã mở ra trên 30 chuyên ngành.
 
 * Đại học và học viện sư phạm: nhiệm vụ chủ yếu của các trường đại học và học viện sư phạm là bồi dưỡng nguồn giáo viên cho các trường trung học. Trước mắt có trên 20 chuyên ngành, khoa chủ yếu của các Học viện sư phạm mang tính đa khoa có: khoa lịch sử triết học, khoa vật lý toán học, khoa địa lý tự nhiên và khoa ngoại ngữ...Với quy mô đồ sộ của các trường sư phạm, ngoài những khoa kể trên, còn có các khoa công nghệ mỹ thuật, khoa giáo dục âm nhạc và khoa sư phạm thể dục.
 
 * Trường (học viện, viện) y học: bao gồm các học viện, viện y học đa khoa và các viện y học chuyên môn như Viện y học nhi khoa, dược học... Chế độ của các trường (học viện) y học là chế độ học 7 năm.
 
 * Trường chuyên nghiệp kinh tế: các trường này mang tính chất đa khoa lập ra nhiều chuyên ngành kinh tế như học viện quản lý, học viện kinh tế quốc dân... học viện kinh tế chuyên môn chỉ lập ra mấy chuyên ngành hữu quan như kinh tế tài chính, kinh tế công trình, kinh tế thương nghiệp...
 
 * Trường văn hóa và nghệ thuật
 
 * Trường (viện) thể dục: thông thường trong các trường thể dục chỉ lập ra hai khoa chủ yếu: khoa sư phạm thể dục và khoa vận động thể thao.
 
 Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp của Nga đa dạng hơn so với các nước khác, bởi vì từ năm 1992 theo "Luật giáo dục và đào tạo" hệ thống đào tạo đại học kết hợp hệ đào tạo cũ của Liên Xô trước đây (Chuyên gia→Phó tiến sỹ→Tiến sỹ) và hệ đào tạo của phương Tây (Cử nhân→Thạc sỹ→Tiến sỹ) phổ biến ở các nước châu Âu, Mỹ v.v.
 
 Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp của Nga chia thành các chương trình sau:
 
 * Đào tạo dự bị: 1 năm
 
 * Cử nhân (bachelor's degree): 4 năm
 
 * Thạc sỹ (master's degree): 2 năm
 
 * Kỹ sư, chuyên gia (engineer, specialist ...): 5 năm
 
 * Nghiên cứu sinh (Phó tiến sỹ, Ph.Doctor): 3 năm
 
 * Tiến sỹ (Doctor): từ 3 năm
 
 + Hội họa Nga
 
 Hình tượng là nét đặc trưng của nền hội họa Nga. Hội họa hình tượng Nga được sử dụng bởi cư dân bản xứ thời Byzantium, thời kỳ mở đầu cho kỷ nguyên bích họa và tranh tường.
 
 Trong suốt thời gian từ giữa thế kỷ 8 đến thế kỷ 9, một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra liên quan đến vấn đề liệu có nên đưa hình tượng nghệ thuật vào các công trình kiến trúc của nhà thờ.
 
 Đến thế kỷ 14, hội họa hình tượng chủ yếu dùng để diễn tả ý kiến chủ quan của tác giả hơn là phương tiện để bày tỏ niềm tin tôn giáo. Một trong những họa sĩ tiêu biểu của trường phái này là Andrey Rublyov, đến nay, tác phẩm của ông vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Nga ở St. Petersburg và Nhà trưng bày Tretyakov (Mátxcơva). Đây cũng là hai địa điểm lưu giữ nhiều nhất các tác phẩm hội họa hình tượng Nga.
 
 Văn hóa châu Âu du nhập và bắt đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn hóa truyền thống của nước Nga từ giữa thế kỷ 17 và 18. Sự lai tạp với văn hóa châu Âu này được xem là bước khởi đầu cho trường phái nghệ thuật hiện đại Nga. Hội họa, kiến trúc bắt đầu có những bứt phá để thoát ra khỏi những mô phạm truyền thống, vươn tới cái gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật của người dân Nga. Hội họa trang trí và hình tượng có cơ hội phát triển. Bố cục và màu sắc được tận dụng tối đa để diễn tả nhịp điệu và sắc thái của cuộc sống. Các bức vẽ được thể hiện dưới hình thức một chiều hơn là không gian đa chiều.
 
 Cuối thế kỷ 19 đến nǎm 1910, trường phái nghệ thuật hiện đại vẫn được ưa chuộng tại Nga, các đề tài của hội họa thời kỳ này có vẻ đầy đủ hơn, bao gồm cả tôn giáo, cuộc sống thường nhật của dân Nga ở nông thôn và thành thị. Nền công nghiệp Nga phát triển kéo theo sự xuất hiện của trường phái tiến bộ trong hội họa. Đề tài nhà máy được đưa vào trong các tranh vẽ. Màu sắc tươi sáng, góc cạnh sắc nét tạo thành nền tảng cho loại hình bố cục mới, mang hơi hướng trừu tượng. Vị lai, siêu thực và trừu tượng là những trường phái tiêu biểu của hội họa Nga lúc bấy giờ. Các tên tuổi tiêu biểu của trường phái này là Kasimir Malevich, Vladimir Tatlin, Mikhail Larionov và Anna Goncharova.
 
 Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã tạo ra bước ngoặt đáng kể đối với mọi mặt của xã hội Nga. Hội họa chủ yếu được dùng để vẽ tranh cổ động cách mạng, tuyên truyền chính trị. Đó là trường phái hội họa tạo dựng, đặc biệt phát triển vào cuối thế kỷ 20 với những gương mặt tiêu biểu như: Tatlin, Alexander Rodchenko, Varvara Stepanova và Liubov Popova.
 
 + Kiến trúc Nga: Sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố tôn giáo
 
 Gần như toàn bộ lịch sử phát triển của mình, ngành kiến trúc của nước Nga bị chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố tôn giáo. Các nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá với các bức tường cao trên nền một không gian khoáng đạt (theo lối kiến trúc Hy Lạp). Kiến trúc mái vòm lần đầu tiên xuất hiện tại Nhà thờ Sancta Sophia ở Novgorod vào thế kỷ 17.
 
 Trong những năm gần đây, nước Nga đặc biệt đề cao lối kiến trúc dân gian, các loại gỗ được dùng nhiều trong xây dựng lăng tẩm, bảo tàng...
 
 + Nghệ thuật biểu diễn  của Liên bang Nga có truyền thống lâu đời và nhiều loại hình, gồm: âm nhạc và múa dân gian, âm nhạc cổ điển, múa ballet, opera, âm nhạc hiện đại
 
 Âm nhạc dân gian Nga có những nét truyền thống đặc biệt. Nhạc cụ dân tộc tiêu biểu của Nga là gusli , balalaika , zhaleika , balalaika contrabass, bayan accordion, Gypsy guitar và garmoshka.
 
 Âm nhạc dân gian đã có ảnh hưởng lớn đến các nhà soạn nhạc cổ điển Nga, và trong thời hiện đại đó là một nguồn cảm hứng phổ biến cho nhiều ban nhạc.
 
 Các điệu múa dân tộc của Nga cũng rất nổi tiếng, trong đó có những điệu múa tiết tấu nhanh, vui nhộn cuốn hút người xem. Các điệu múa dân tộc phổ biến ở Nga gồm khorovod , barynya , kamarinskaya , kazachok và chechotka (một điệu nhảy tap trong giày libe và với Bayan.
 
 Tchaikovsky , một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thời kỳ lãng mạn , các tác phẩm của ông được biết tới khi phản ảnh tâm tư con người thời đại, tình cảm, khát vọng dưới chế độ Nga hoàng. Miêu tả cảnh thiên nhiên nước Nga rất độc đáo như giao hưởng số 1 Giấc mơ mùa đông, trong tác phẩm còn đề cập đến những câu truyện thần thoại, những trang sử quang vinh của nước Nga nhưng đặc điểm nổi bật là ông phản ánh thông qua tấn bi kịch như giao hưởng số 5, số 6 Con đầm pích là những tác phẩm bi kịch đạt đến đỉnh cao. Các tác phẩm của Tchaikovsky nổi tiếng vì đã biết kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc Nga với âm nhạc châu Âu, âm nhạc thành thị, nông thôn. Âm nhạc trong tác phẩm của ông là âm nhạc trí thức tiểu tư sản.
 
 Nước Nga được coi là cường quốc về nghệ thuật ballet. Và nhắc đến balllet Nga thì không thể không nhắc tới “ballet của những vở ballet” - Hồ thiên nga của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky. Hồ thiên nga đã ra đời từ năm 1877, hơn một trăm năm đã trôi qua, cho tới tận ngày nay nó vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích nghệ thuật này. Không phải vô cớ mà Hồ thiên nga ở lại với thời gian bền bỉ đến như vậy. Vở ballet này gắn với những tên tuổi đã đi vào lịch sử nghệ thuật của thế giới: nhà soạn nhạc Tchaikovsky, các nhà biên đạo múa Petin, Ivanov, Grigorovich. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó bộc bạch được những tâm tư vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu tuyệt đối, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng, những cám dỗ của đời thường.
 
 Trường phái Opera Nga đã đóng góp những tác phẩm có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật cho lịch sử nghệ thuật của nhân loại. Opera cổ điển Nga gắn liền với tên tuổi các nhạc sỹ: Vertovsky (1799-1862) với Ngôi mộ Ascoldova; Glinka với Ivan Susannin, Ruslan và Ludmila; Tchaikovsky với Evgeni Onegin, Con đầm pich...
 
 Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, nước Nga đã tiếp nhận và bị ảnh hưởng bởi làn sóng văn hóa phương Tây, dẫn tới sự xuất hiện của nhiều loại hình văn hóa mới. Trong âm nhạc, các dòng nhạc rock và pop Nga đã ra đời. Nhạc rock Nga là sự kết hợp của dòng nhạc rock&roll, dòng nhạc Heavy metal và dòng nhạc truyền thống Nga. Nhóm rock nổi tiếng của Nga bao gồm Mashina Vremeni , Slot , DDT , Aquarium , Alisa , Kino , Nautilus Pompilius , Aria , Grazhdanskaya Oborona , Splean và Korol i Shut.  
 
 + Điện ảnh: nền điện ảnh Nga bắt đầu từ thời phong kiến Nga, phát triển qua thời Liên Xô và sau khi Liên Xô tan rã. Nền điện ảnh Nga đã nhận được sự công nhận quốc tế. Trong thế kỷ 21, điện ảnh Nga bắt đầu nổi tiếng quốc tế với các phim giành được sự chú ý như Dom Durakov, Nochnoi Dozor và đặc biệt là Brat.
 
 + Hoạt hình Nga: là loại hình nghệ thuật của Nga nổi tiếng thế giới. Hầu hết các bộ phim hoạt hình của Nga được làm trong thời kỳ Liên Xô. Tuy nhiên, lịch sử hoạt hình Nga lại có từ rất sớm, từ thời kỳ cuối của phong kiến Nga.
 
 Những năm 1970, khán giả Liên Xô  chứng kiến sự ra đời của loạt phim hoạt hình nổi tiếng "Nu, Pogodi!" (Hãy đợi đấy!), của đạo diễn Vyacheslav Kotyonochkin. Hình ảnh một con sói đuổi bắt một con thỏ đã trở thành biểu tượng của phong cách làm phim hoạt hình Xôviết trong thế giới phim hoạt hình. Cho đến ngày nay "Hãy đợi đấy!" vẫn được coi là tượng đài, biểu tượng của nền phim hoạt hình Xôviết và Liên bang Nga ngày nay.
 
 + Văn học Nga đề cập tới nền văn học của người Nga hoặc những người đã nhập cư vào Nga, được viết bằng tiếng Nga của các quốc gia độc lập khác nhau, trước đây hay hiện nay, từng là một phần trong lịch sử của nước Nga và Liên Xô. Thời kỳ trước thế kỷ 19, văn học Nga chưa được biết đến nhiều so với các nền văn học lớn khác trên thế giới, nhưng sang thế kỷ 19, văn học Nga đã trải qua một thời kỳ vàng son, rực rỡ, bắt đầu với các kiệt tác bằng thơ ca của Aleksandr Sergeyevich Pushkin, lên đến đỉnh cao nhờ hai nhà văn, tiểu thuyết gia vĩ đại Lev Nikolayevich Tolstoy và Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, cũng như nhà viết kịch hàng đầu thế giới Anton Pavlovich Chekhov. Trong thế kỷ 20, các gương mặt điển hình của văn học Nga cũng là những tên tuổi lớn trong nền văn học của nhân loại như Vladimir Vladimirovich Mayakovsky, Boris Leonidovich Pasternak, Anna Akhmatova, Joseph Brodsky, Vladimir Vladimirovich Nabokov, Michail Aleksandrovich Sholokhov, Mikhail Afanasievich Bulgakov và Alexandr Isayevich Solzhenitsyn.
 

Ẩm thực

Ẩm thực đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội Nga. Những ảnh hưởng của phương Tây đang có tác động đáng kể đến thói quen ăn uống và khẩu vị của người dân, khi các hãng McDonalds phát triển tràn lan, và các quán cà phê theo phong cách Paris xuất hiện trên các lề phố Mátxcơva hay St.Petersburg. Tuy nhiên, những món ăn truyền thống và các đặc sản của Nga như rượu vodka hay bánh mì "karavai" vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của chúng trong các bữa tiệc hay lễ lớn của Nga.
 
Vào mùa đông, nhiệt độ có thể xuống tới -20 °C tại thủ đô Mátxcơva, vì thế, các thức ăn béo, giàu năng lượng như bánh mì, trứng, bơ hay sữa là rất cần thiết. Ngoài ra còn có những món đặc sản đặc biệt như schi (súp thịt bò và rau cải) hay borssh (súp củ cải đỏ với thịt lợn).

Điểm du lịch

Nga là quê hương của một số địa danh nổi tiếng thế giới, từ Quảng trường Đỏ và Điện Kremlin ở thủ đô Mátxcơva, đến bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg.
 
Mátxcơva và thủ phủ của chế độ Sa hoàng cũ là thành phố Saint Petersburg vốn nổi tiếng với các khách sạn hạng sang và hiện là nơi nghỉ ngơi của 95-98% trong tổng số du khách nước ngoài tới Nga. Bên cạnh hai điểm du lịch trên, những điểm dến khác cũng được nhiều người biết đến là “Vành dai Vàng” của các thành phố cổ kính ở gần Mátxcơva như Vladimir và Rostov; bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông và hồ Baikal ở Siberia.

Lễ hội

Là đất nước có một nền văn hoá lâu đời, nước Nga nổi tiếng với rất nhiều lễ hội đặc sắc. Những lễ hội ấy phản ánh nét sinh hoạt mùa màng của nền nông nghiệp vùng ôn đới, của xứ sở của bạch dương và tuyết trắng.

Và những lễ hội ấy cũng gắn liền với những chiến tích, những di tích lịch sử, những bãi chiến trường nổi tiếng của nước Nga.

+ Phong tục đón khách của người Nga

Ở những lễ hội lớn, mở đầu lễ hội, những cô thiếu nữ xinh tươi nhất tặng bánh mì và muối cho những vị khách đáng kính. Sau khi nhận quà của các thiếu nữ, người khách cúi xuống, hôn lên ổ bánh mì (ổ bánh mì được đựng trên một chiếc khay có phủ chiếc khăn thêu màu sắc sặc sỡ).

Tiếp đó, theo nghi lễ cổ truyền, người khách bẻ một miếng bánh, rắc muối lên, nếm thử và nói lời cảm tạ. Người dân Nga trân trọng bánh mì và muối vì lúa mì là nguồn lương thực quý giá nuôi sống con người và con người không thể sống thiếu muối.

Ngày nay, tục lệ đón khách danh dự bằng muối và bánh mì vẫn được duy trì, nhưng khách thường chỉ nhận tượng trưng ổ bánh mì và lọ muối ở trên đĩa men sứ cổ truyền có phủ khăn thêu rồi truyền lại cho người tháp tùng.

+ Lễ tiễn mùa đông

Một trong những lễ hội khó quên của nước Nga là Lễ tiễn mùa đông. Lễ này bắt nguồn từ nền nông nghiệp, từ công việc đồng áng của những người nông dân Nga. Mùa đông nước Nga tuyết rơi phủ kín mặt đất, ruộng đồng, khiến cho cây cối không nảy mầm được, nếu kéo dài mãi dễ sinh nạn đói. Bởi vậy, người nông dân mong mùa đông mau qua, mong mùa xuân mau đến.

Lễ tiễn mùa đông là một trong những ngày hội dân gian vui vẻ nhất. Mở đầu buổi lễ, những chú bé ngộ nghĩnh, mặc quần áo dân tộc truyền thống, màu sắc sặc sỡ cầm đuốc đốt những hình nộm bằng rơm, đó là hình ảnh tượng trưng của băng tuyết trong mùa đông lạnh giá.

Trẻ em và người lớn reo hò ầm ĩ, ca hát, nhảy múa xung quanh hình nộm đang bốc lửa. Họ mừng vui tiễn tượng trưng mùa đông, hân hoan chào đón mùa xuân tươi đẹp, chuẩn bị khí thế bước vào một mùa gieo trồng mới.

Lễ tiễn mùa đông thường được tổ chức ở những nơi đông người qua lại, có quảng trường, ngã tư đường phố, một cánh rừng đầu làng vào những đêm đẹp trời. Tất cả già, trẻ, nam, nữ đều tham dự lễ hội. Họ nắm tay nhau nhảy điệu múa vòng tròn. Những động tác giậm chân, không chỉ là một tiết mục nghệ thuật, mà còn là một cách sưởi ấm nhanh chóng trong giá rét.

Ngày nay, trẻ em và người lớn múa vòng tròn xung quanh cây thông cũng là hình bóng của Lễ tiễn mùa đông.

Trong ngày Lễ tiễn mùa đông, trên những con đường lớn, những chiếc xe ngựa vừa rung chuông và lục lạc, vừa đuổi rượt nhau. Ngựa được đeo dải nạm bạc rất đẹp, còn xe trượt được trang trí bằng thảm. Ba con ngựa được thắng vào một cỗ xe chạy băng băng trên đường.

Ngoài những món ăn cổ truyền dành cho ngày lễ của người Nga thì bánh xèo là món không thể thiếu trong Lễ tiễn mùa đông

Ngoài những món ăn cổ truyền dành cho ngày lễ của người Nga thì bánh xèo là món không thể thiếu trong Lễ tiễn mùa đông, giống như bánh chưng trong ngày Tết của Việt Nam.

Đó là những chiếc bánh mỏng làm bằng bột mì cho lên men có trộn với trứng gà, bơ, váng sữa, và được rán bằng những chiếc chảo lửa to nóng bỏng. Chiếc bánh xèo hình tròn là tượng trưng cho mặt trời thần linh mang lại hơi ấm mùa xuân, tràn trề sức sống và hạnh phúc.

+Lễ phục sinh

Lễ bắt đầu từ đên khuya trước ngày Chúa phục sinh và kép dài đến tận sáng hôm sau. Lúc nửa đêm, vị linh mục dẫn đầu đám rước tay nâng những ngọn nến sáng rực đi vòng quanh nhà thờ, để tưởng nhớ những người phụ nữ đã đến mộ Chúa Giêsu và phát hiện ra Ngài không còn năm trong đó nữa. Tại cửa nhà thờ, vị linh mục hô to:" Chúa Giêsu sống lại rồi!". Các tín đồ sẽ đồng thanh đáp lại " Ngài sống lại thật rồi!" và ôm hôn những người đứng cạnh.

Lễ phục sinh kết thúc vào lúc bình minh, các tín đồ ai về nhà nấy để kết thúc mùa ăn chay bằng bữa điểm tâm với các món ăn đặc biệt trong ngày Lễ Phục sinh và trứng nhuộm màu. Bánh Kulich và paskha có các thành phần cấm dùng trong ký ăn chay. Khách được mời thỏa thê.

Trên mặt chiếc bánh có hình cây thánh giá, có nghĩa là "Chúa Giêsu sống lại rồi!"

Tuần lễ trước Lễ Phục sinh, mọi người ai cũng bận rộn với việc nhuộm trứng. Có người chỉ luộc trứng với vỏ hành để tạo màu lốm đốm vàng và nâu đẹp mắt. Những cũng có những người cầu ký, lấy hết lòng đỏ và lòng trắng trứng qua những lỗ châm kim ở đầu, rồi vẽ những bức tranh tôn giáo hoặc những cảnh vui nhọn lên vỏ trứng. Những quả trứng sẽ được mọi người ăn trong bữa điểm tâm đầu tiên sau mùa chay kéo dài trước Lễ Phục sinh.

+ Hội băng

Cái lạnh của mùa đông nước Nga được làm dịu bớt bằng những ngày hội, trong đó người ta tổ chức những cuộc thi điêu khắc trên băng. Đã từ lâu người Nga thích tạc các tòa nhà bằng băng. Năm 1740, Nữ hoàng Anna, người nổi tiếng với những trò đùa độc ác đã ra lệnh phải làm một tòa lâu đài bằng băng trên sông Neva để tổ chức đám cưới cho anh hề của bà.

+ Hội Ivan Kupala mùa đông

Khác với lễ tiễn mùa đông được tổ chức chung với nhiều bạn bè và những người sống xung quanh, hội Ivan Kupala mùa đông thường được tổ chức ngay trong gia đình để tiễn mùa đông, đón mùa xuân. Đây là hội của những người Nga từ nhiều thế kỷ nay.

Để bắt đầu buổi lễ, người ta trải cuộn rơm lên bàn, phủ tấm khăn trải bàn rộng lên trên, đặt lên đó một hũ cháo đại mạch trộn mật ong. Đó là món ăn chính theo phong tục. Bát cháo đầu tiên là dành cho tổ tiên. Khi chủ và khách ăn xong món ăn chính, phần còn lại đem để ra ngoài sân cho thần băng giá, mọi người hát bài hát bằng âm điệu êm ái, ngọt ngào, cầu xin thần đừng làm hại hoa màu.

Tiếp đó, các em nhỏ xuất hiện, chúng đeo mặt nạ, đội lốt con dê, con sếu, con gấu... những con vật gần gũi với người nông dân Nga. Những đứa trẻ cùng nhau hát những lời cầu mong mùa màng bội thu và nhận những đồng tiền nhỏ từ người lớn.

+ Hội Ivan Kupala mùa hạ

Hội Ivan Kupala mùa hạ khác với hội mùa đông. Trong ngày hội, các cô gái bói tìm người yêu bằng cách bện các vòng hoa, thả chúng xuống sông trong đêm Ivan Kupala. Trên các bãi cỏ trong rừng, những người mạnh bạo nhất nhảy qua đống lửa trong tiếng cười và tiếng hò hét, khích lệ của người xem.

Trong đêm hội mùa hè ngắn ngủi, nam nữ thanh niên rủ nhau vào rừng, họ tin rằng, trong những cánh rừng âm u, điều huyền bí nhất có thể xảy ra.

+ Hội chăn cừu

Hội chăn cừu là một hội có từ thời xa xưa, hội diễn ra vào mùa xuân. Sau những ngày mùa đông, tuyết bắt đầu tan, cây cỏ, thảo nguyên bừng thức. Những con cừu bị nhốt trong chuồng, ăn cỏ khô suốt mùa đông, giờ đây được đưa lên các thảo nguyên, hít thở khí trời trong lành, ăn cỏ non. Những người chăn cừu phải tạm biệt gia đình đi theo, chăm sóc, quản lý đàn cừu. Do vậy, người ta tổ chức ngày hội chăn cừu để tiễn những người chăn cừu lên núi.

Ngày hội mở đầu bằng tiếng kèn hiệu trembita là loại kèn gỗ lớn. Đường làng đầy người lớn, trẻ con. Người chăn cừu ăn mặc quần áo dân tộc sặc sỡ nhiều màu sắc, đầu đội mũ chóp nhọn cài những chiếc lông gà trống, quần trắng hoặc đỏ, ống phồng như quả bóng, áo gi-lê bằng da cừu khâu bằng sợi dây màu, thắt lưng rộng bản, vai đeo chiếc túi da đi đường xuất hiện trong tiếng kèn, tiếng đàn vĩ cầm và các nhạc cụ dân tộc hoà thành những âm điệu hài hoà.

Theo sau họ là những chiếc xe ngựa chở đồ trang trí bằng những tấm thảm thêu. Một số nghệ nhân địa phương đứng trên thùng xe biểu diễn những tiết mục hài, vui nhộn, hoặc tái hiện những cảnh tượng sinh động phản ánh sinh hoạt của người chăn cừu như vắt sữa, nấu pho-mát từ sữa cừu.

Những người thợ thủ công cũng tham gia diễu hành với những khung cửi, những tấm vải dệt có hoa văn miêu tả đời sống của dân chăn cừu. Ở một bãi cỏ gần nhất trên sườn núi, người ta đã chuẩn bị sẵn một đống củi lớn để đốt. Người chăn cừu nhiều tuổi nhất nhóm lửa dùng roi chăn cừu dài, vung lên vài lần, đập vào đống lửa. Đó là hiệu lệnh cho các nghệ sĩ nhân dân lên sân khấu bắt đầu buổi biểu diễn.

Người ta nhảy các điệu nhảy dân tộc, điệu nhảy rồng rắn, mời nhau nếm pho-mát cừu thơm, tươi nhất, uống rượu sữa cừu, ăn bánh ngọt. Sau đêm hội là những ngày làm việc bình thường của người chăn cừu.