Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Việt Nam và Lào - mối quan hệ bền vững, thủy chung

Thứ năm 18/11/2010 | 00:00:00

Việt Nam và Lào có một mối quan hệ thắm thiết, bền vững, thủy chung. Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước Mekong, hai dân tộc đã chia ngọt sẻ bùi trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Tình hữu nghị trong sáng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phomvihan cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và được hun đúc bằng công sức và xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ, để trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.

Quan hệ chính trị- ngoại giao

Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ ngày 5/9/1962.

Hợp tác kinh tế-thương mại

Về thương mại: Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào tăng đều trong những năm qua. Năm 2004 đạt 142,6 triệu USD; năm 2005 đạt 162 triệu USD; năm 2006 đạt 260 triệu USD; năm 2007 đạt 312 triệu USD; năm 2008 đạt khoảng 455 triệu USD; và năm 2009 đạt 420 triệu USD.

Hai nước đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch mậu dịch hai chiều lên 1 tỷ USD năm 2010 và đạt 2 tỷ USD vào năm 2015.

Việt Nam xuất sang Lào các mặt hàng dệt may, giày dép, sản phẩm chất dẻo, gạo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dây điện và dây cáp điện…

Việt Nam nhập khẩu từ Lào gỗ và các sản phẩm từ gỗ, kim loại thường, ôtô nguyên chiếc các loại, nguyên phụ liệu thuốc lá và một số mặt hàng khác.

Về đầu tư: Hoạt động đầu tư giữa hai nước có sự khởi sắc đáng kể. Năm 2008, Việt Nam đã vượt Trung Quốc và Thái Lan, chiếm vị trí số 1 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào với 146 dự án, tổng vốn đầu tư 758 triệu USD.

Trong năm 2009, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với 48 dự án, tổng số vốn hơn 1,5 tỷ USD.

Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư ở Lào, với tổng số vốn trên 2 tỷ USD. Các tỉnh ở Nam Lào, đặc biệt là tỉnh Savannakhet, đã trở thành nơi thu hút nhiều nhà đầu tư Việt Nam với các dự án trồng caosu, chế biến nông lâm sản, khai thác mỏ và xây dựng nhà máy thủy điện.

Hiện nhà đầu tư Việt Nam đã hoàn thành việc khảo sát Dự án nhà máy thủy điện có công suất trên 1.400 MW ở tỉnh Luong Phrabang, Bắc Lào.

Viện trợ không hoàn lại:

- Giai đoạn 1996-2000 Việt Nam dành cho Lào một khoản viện trợ không hoàn lại 346,570 tỷ đồng (tương đương 26,6 triệu USD).

- Giai đọan 2001-2005 Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Lào 560 tỷ đồng (37 triệu USD).

- Năm 2009, Việt Nam cam kết dành cho Lào khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 320 tỷ đồng (trên 17 triệu USD).

Viện trợ của Việt Nam cho Lào tập trung chủ yếu vào các dự án đào tạo học sinh, bồi dưỡng cán bộ thủy lợi và nông nghiệp.

Về giao thông-vận tải: Do có chung hơn 2.000km đường biên giới, Việt Nam và Lào luôn quan tâm đến sự hợp tác về giao thông vận tải. Việt Nam tạo thuận lợi cho Lào vận chuyển hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển Việt Nam (trong đó có cảng Vũng Áng).

Việt Nam cũng giúp Lào xây dựng một số cầu đường khác, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu trong khu vực.

Các tỉnh có chung biên giới tăng cường quan hệ, chú ý hơn đến hợp tác kinh tế, đào tạo cán bộ, phòng chống dịch bệnh và từng bước xây dựng đường sá, chợ đường biên và nâng cấp cửa khẩu.

Tính đến nay đã có năm cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu Lao Bảo-Densavan (Đường 9); cửa khẩu Cầu Treo-Nậm Phao (Đường 8); cửa khẩu Chalo (Đường 12); cửa khẩu Nậm Cắn (Đường 7A); cửa khẩu Phukưa (Attapư)-Bờ Y.

Quan hệ hợp tác văn hóa-giáo dục-y tế

Về văn hóa-thông tin: Hai nước đã thiết lập mối quan hệ trực tiếp, giúp đỡ lẫn nhau có hiệu quả và đầy tinh thần trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực như bảo tồn, bảo tàng; nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; xuất bản báo chí thông tin; hợp tác quốc tế; triển lãm; đào tạo cán bộ; quản lý hành chính...

Sự hợp tác trên lĩnh vực văn hóa diễn ra rất phong phú và đa dạng. Đó là sự phối hợp trưng bày các chủ đề triển lãm giới thiệu về lịch sử văn hóa đất nước, con người; về mối quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Cayson Phomvihan và Chủ tịch Suphanuvong.

Chính phủ Việt Nam đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Thông tin-Văn hoá Việt Nam tại thủ đô Vientiane; viện trợ 5 tỷ đồng xây dựng Viện bảo tàng Cayson Phomvihan.

Về giáo dục-đào tạo: Chính phủ Việt Nam giúp Lào đào tạo chuyên gia, cán bộ, lưu học sinh; xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tại các tỉnh Savannakhet (bàn giao tháng 8-1996), Udomsay (tháng 10-1997), Sekong và Champasac (ngày 25 và 26-11-1999); Trường dạy nghề hữu nghị Vientiane-Hà Nội (tháng 10-2004); “Dự án nâng cấp Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào” giai đoạn 1 (tháng 1-2007)…

Năm 2009, Việt Nam cam kết dành 650 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào theo học ở Việt Nam trong chương trình đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn.

Phía Lào dành cho Việt Nam 30 suất học bổng hệ đào tạo chính quy dài hạn tập trung cho cán bộ, học sinh học tập các ngành nghề tại Lào.

Hiện có gần 5.000 cán bộ và sinh viên Lào đang học tại Việt Nam.

Về y tế: Hơn 6 năm qua, Việt Nam đã viện trợ cho Lào 5,5 tỷ đồng thực hiện các dự án chuyển giao kinh nghiệm y tế và phòng chống các bệnh sốt rét, bướu cổ.

Một số văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước

- Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (ngày 18/7/1977);

- Hiệp ước hoạch định biên giới (tháng 7/1977);

- Hiệp định lãnh sự (năm 1985);

- Hiệp định về quy chế biên giới (năm 1990);

- Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 1992-1995 (tháng 2/1992);

- Hiệp định về kiều dân (ngày 1/4/1993);

- Hiệp định quá cảnh hàng hóa (ngày 23/4/1994);

- Hiệp định hợp tác lao động (ngày 29/6/1995);

- Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 1996-2000 (ngày 14/1/1996);

- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (ngày 14/1/1996);

- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (ngày 14/1/1996);

- Hiệp định vận tải đường bộ (ngày 26/2/1996);

- Hiệp định về trao đổi nhà trụ sở và nhà ở của cơ quan đại diện (ngày 1/4/1996);

- Hiệp định về hợp tác nông lâm và phát triển nông thôn năm 1997 và giai đoạn 1998-2000 (ngày 12/8/1997);

- Hiệp định bổ sung và sửa đổi quy chế biên giới (tháng 8/1997);

- Hiệp định hợp tác thương mại và du lịch (tháng 3/1998);

- Hiệp định quy chế tài chính và quản lý các chương trình dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào (tháng 3/1998);

- Hiệp định tương trợ tư pháp (ngày 6/7/1998);

- Hiệp định hợp tác chống ma túy (ngày 6/7/1998);

- Hiệp định hợp tác về năng lượng-điện (ngày 6/7/1998);

- Hiêp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2001-2005 (ngày 6/2/2001);

- Hiệp định tín dụng xây dựng đường 18B (tháng 7/2001);

- Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông (ký ngày 5/4/2004, có hiệu lực từ 1/7/2004);

- Hiệp định bổ sung Hiệp định tín dụng số VL-01 (ngày 16/7/2004);

- Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2006-2010 (ngày 4/1/2006);

- Hiệp định về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới (tháng 4/2009);

- Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác hàng không dân dụng giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (tháng 4/2009);

- Bản ghi nhớ về hợp tác trong việc áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào (tháng 4/2009);

- Hợp đồng thăm dò khoáng sản muối tại khu vực bản Đông Đọc May, huyện Chăm Phon, tỉnh Savanakhet, Lào (tháng 4/2009)./.