Đại Hàn Dân Quốc

Đại Hàn Dân Quốc

Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc

Thứ ba 23/11/2010 | 00:00:00

Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước cùng ở châu Á và khu vực Đông Á, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử.

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Kể từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Quan hệ chính trị-ngoại giao

Tháng 12/1992, Hàn Quốc khai trương Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội.

Tháng 3/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul , thủ đô của Hàn Quốc.

Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hàn Quốc luôn ủng hộ đường lối mở cửa, đổi mới của Việt Nam, hợp tác tích cực với Việt Nam trên trường quốc tế, ủng hộ Việt Nam gia nhập nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu á- Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…

Quan hệ Kinh tế-thương mại

Trong nhiều năm, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam.

Năm 2008, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 10 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm 2007 và tăng gấp hơn 10 lần so với năm 1992.

Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng như dầu thô, than đá, dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê.

Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc gồm xăng dầu, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da.

Đến nay, hai nước đã thành lập cơ chế ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc và tổ chức họp định kỳ để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Về đầu tư: Trong năm 2008, Hàn Quốc đứng hàng đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và đứng thứ 4 về quy mô đầu tư. Tính đến tháng 5/2009, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD với 2.150 dự án.

Gần đây, cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc chuyển dịch theo hướng chú trọng hơn đến lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp nặng (luyện thép, xây dựng, công nghệ thông tin); đã xuất hiện một số dự án quy mô lớn (Dự án xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép của tập đoàn Posco, dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây của tổ hợp 5 công ty xây dựng Hàn Quốc, dự án khu đô thị Bắc An Khánh của liên doanh Posco-Vinaconex…).

- Về viện trợ phát triển ODA: Việt Nam vẫn là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Tổng ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam giai đoạn 1993-2008 là 471,4 triệu USD.

Đầu tháng 8/2008, Hàn Quốc đã ký với Việt Nam Thỏa thuận khung về việc Hàn Quốc cung cấp 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) cho Việt Nam trong giai đoạn 2008-2011. Với cam kết này, Hàn Quốc trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ 2 tại Việt Nam (chỉ sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận hỗ trợ phát triển nhiều nhất của Hàn Quốc.

Hợp tác du lịch

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam. Năm 2007, số khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam là 475.000 lượt; năm 2008 là 450.000 lượt (đứng thứ hai sau Trung Quốc).

Hợp tác văn hóa-giáo dục

Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn văn hóa-nghệ thuật; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh.

Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội.

Chính phủ và các trường đại học, các tổ chức của Hàn Quốc đã tài trợ nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục cho Việt Nam như dự án xây dựng trường tiểu học, trường dạy nghề ở miền Trung.

Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung, Kumho… cung cấp nhiều suất học bổng để hỗ trợ các học sinh vượt khó tại Việt Nam, đào tạo nâng cấp trình độ về ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc.

Hiện đang có khoảng 2.500 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc.

Hợp tác lao động

Hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ 3 của Việt Nam. Khoảng 54.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.

Ngày 25/5/2004, Việt Nam và Hàn Quốc ký thoả thuận mới về đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép lao động (EPS) của Hàn Quốc.

Các tổ chức hữu nghị

- Tháng 5/1993, Hàn Quốc thành lập Hội Nghị sĩ Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam.

- Tháng 9/1994, Việt Nam thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc.

- Tháng 5/1995, Việt Nam thành lập Hội Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc.

- Năm 2001, Hàn Quốc thành lập Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam.

Một số hiệp định hợp tác quan trọng được ký kết giữa hai nước

- Hiệp định Hợp tác Kinh tế-Khoa học Kỹ thuật (tháng 2/1993);

- Hiệp định Hàng không (tháng 5/1993);

- Hiệp định Thương mại (tháng 5/1993);

- Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (tháng 5/1994);

- Hiệp định Văn hoá (tháng 8/1994);

- Hiệp định Hải quan (tháng 3/1995);

- Hiệp định Vận tải biển (tháng 4/1995);

- Hiệp định Hợp tác Du lịch (tháng 8/2002);

- Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (tháng 9/2003);

- Hiệp định Hợp tác Dẫn độ tội phạm (tháng 9/2003);

- Hiệp định Tương trợ Tư pháp về Hình sự (tháng 9/2003);

- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư - sửa đổi (tháng 9/2003);

- Hiệp định về Viện trợ không hoàn lại (tháng 4/2005 và sửa đổi tháng 5/2009);

- Hiệp định Hợp tác kỹ thuật (tháng 4/2005);

- Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù (tháng 5/2009);

- Hiệp định khung (sửa đổi) về viện trợ không hoàn lại (tháng 5/2009);

- Thỏa thuận Hợp tác về an toàn thực phẩm (tháng 5/2009);

- Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc (tháng 5/2009);

- Thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Bộ Hành chính và An ninh Công cộng Hàn Quốc về dự án Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử Chính phủ Việt Nam trên Internet (tháng 5/2009).

Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc hiện có hai gia tộc họ Lý của Việt Nam đang sinh sống là gia tộc Lý Tinh Thiện và gia tộc Lý Hoa Sơn./.