Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

Quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Anh

Thứ năm 23/12/2010 | 21:06:17

Ngày 11/9/1973, Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (viết tắt là Anh) thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ và thực sự phát triển tốt từ giữa thập kỷ 90 của thế kỉ 20.

Anh đã ký với Việt Nam hầu hết các hiệp định kinh tế khung; trở thành một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam; ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU và ứng cử ghế Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ khóa 2008-2009.

Quan hệ chính trị-ngoại giao

Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Tuy nhiên quan hệ hai nước chỉ thực sự phát triển tốt từ giữa thập kỷ 90. Hợp tác đầu tiên giữa hai nước là nhằm giải quyết vấn đề hồi hương người Việt Nam ra đi bất hợp pháp trong các trại tị nạn ở Hongkong.

Hiện nay quan hệ Việt Nam và Anh có thể nói đang phát triển khá rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng… Anh đã ký với Việt Nam hầu hết các hiệp định kinh tế khung; trở thành một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam; ủng hộ Việt nam tăng cường quan hệ với EU.

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5/2004 và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tháng 3/2005 đánh dấu một mốc phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước.

Tháng 3/2007, lần đầu tiên Thủ tướng Anh Tony Blair đã cử Đặc phái viên Thủ tướng, Thượng Nghị sỹ Charles Powell, sang Việt Nam trao thư của Thủ tướng Anh cho Thủ tướng Việt Nam. Trong thư nêu bật sự hài lòng của phía Anh về sự phát triển tốt đẹp cũng như mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Anh và Việt Nam trong thời gian tới.

Tháng 3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Gordon Brown đã thăm chính thức Anh, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển nhanh chóng đồng thời là năm diễn ra sự kiên quan trọng kỷ niệm 35 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chuyến thăm đã được phía Anh nhiệt liệt hoan nghênh và quan tâm tạo ra một bước đột phá mới trong quan hệ Việt Nam và Anh.

Trong chuyến thăm, hai Thủ tướng đã đưa ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi theo chiều sâu, hiệu quả và ổn định “Quan hệ Đối tác vì sự phát triển” dựa trên 5 trụ cột chính, đó là Chính trị-ngoại giao; Thương mại-đầu tư; Hợp tác phát triển; Giáo dục-đào tạo; Di cư và chống tội phạm có tổ chức.

Quan hệ kinh tế-thương mại

Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh tăng nhanh từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 tới nay. Chính sách thương mại Anh tương đối cởi mở, không theo chủ nghĩa bảo hộ.

Anh là đối tác lớn của Việt Nam trong Liên minh châu Âu. Trong các vấn đề tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Anh thường có lập trường ủng hộ Việt Nam.

Thị trường Anh là một trong 9 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt từ năm 2004, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh luôn vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm.

Trao đổi thương mại Việt Nam - Anh qua các năm: Năm 2004: 1,47 tỷ USD; năm 2005: 1,44 tỷ USD; năm 2006: 1,62 tỷ USD; năm 2007: 1,90 tỷ USD.

Những mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Anh là: giày dép, dệt may, chè, càphê, gạo, thủy sản, caosu…

Những mặt hàng chủ yếu Anh xuất khẩu sang Việt Nam là: hàng gia công chế biến và thiết bị công nghiệp, hoá chất, thiết bị viễn thông, thuốc lá…

Hiện nay, Anh đứng thứ 14 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ ở vị trí số 1 trong số các nước EU có đầu tư tại Việt Nam với 105 dự án với tổng số vốn gần 1,9 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như BP, Prudential, HSBC, Standard Chartered…

Trong các dự án đầu tư của Anh tại Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp chiếm 86% tổng số vốn, trong đó lĩnh vực dầu khí chiếm 55% vốn đầu tư trong công nghiệp; lĩnh vực dịch vụ chiếm 11%; còn lại là lĩnh vực nông - lâm nghiệp.

Hợp tác phát triển

Năm 1992, Chính phủ Anh bắt đầu nối lại viện trợ cho Việt Nam. Từ 2001, viện trợ của Anh dành cho Việt Nam tăng nhanh. Chính phủ Anh đã thành lập Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế (DFID) chuyên trách viện trợ phát triển thay vì để Bộ Ngoại giao quản lý như trước đây.

Một số dự án tài trợ của Anh tại Việt Nam đã rất thành công và được Anh coi là “tấm gương điển hình” cho các dự án tài trợ.

Anh đã thành lập văn phòng đại diện của DFID tại Hà Nội từ năm 1999 để trực tiếp quản lý viện trợ phát triển tại Việt Nam.

Anh cũng tăng đáng kể mức tài trợ cho Việt Nam và trở thành một trong những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam: viện trợ của Anh từ 20 triệu bảng Anh năm 2002 (tương đương 35 triệu USD) lên tới 40,5 triệu bảng Anh năm 2004 (tương đương 60 triệu USD).

Trong chuyến thăm Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2004, Anh cam kết tăng mức viện trợ cho Việt Nam lên 55 triệu bảng Anh năm 2005 (tương đương 90 triệu USD).

Tháng 9/2006, hai bên đã ký Thỏa thuận Đối tác Phát triển theo đó Anh dành cho Việt Nam 250 triệu bảng (Khoảng 442 triệu USD) cho giai đoạn 2006-2010, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại.

Tháng 5/2008, Chính phủ Anh đã công bố Chương trình hỗ trợ quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2007-2011 với khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 50 triệu bảng Anh (tương đương 100 triệu USD).

Viện trợ của Anh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách viện trợ của Anh khá linh hoạt, dành cho nước nhận viện trợ quyền quyết định sử dụng nguồn viện trợ vào các mục tiêu ưu tiên của mình.

Năm 2005, Anh tham gia thí điểm chương trình 135 (dự án xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam), tài trợ 10 triệu bảng Anh vào ngân sách nhà nước Việt Nam, để Việt Nam toàn quyền điều tiết theo mục tiêu đề ra của Chính phủ.

Thông qua DFID phía Anh ưu tiên giúp Việt Nam phát triển hệ thống giao thông nông thôn và phòng chống HIV/AIDS.

Quan hệ văn hóa - giáo dục:

Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phát triển tích cực. Hàng năm, Anh dành từ 25-30 suất học bổng cho học sinh Việt Nam. Số người Việt Nam nhận học bổng của Chính phủ Anh cho đến nay là trên 600. Số còn lại là sinh viên tự túc.

Hiện có khoảng 6.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường Đại học của Anh và Anh sẽ đào tạo 500 tiến sĩ cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm Anh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 3/2008, hai bên đã nhất trí thiết lập liên kết hợp tác cho khoảng 40 đến 60 trường học giữa Anh và Việt Nam, thúc đẩy việc đào tạo giáo viên với một chương trình ba năm tập trung nâng cao kỹ năng của 6.500 giáo viên tiếng Anh hiện tại ở bậc tiểu học ở Việt Nam và ủng hộ đào tạo 13.000 giáo viên mới chuẩn bị cho việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học.

Hàng năm, Anh sẽ cung cấp 8 triệu bảng Anh cho đào tạo 50.000 giáo viên tiểu học, xây dựng 14.000 lớp học cũng như cung cấp sách giáo khoa cho hơn 1 triệu trẻ em nghèo.

Quan hệ quốc phòng - an ninh

- Về quốc phòng: Tháng 9-1996, Anh cử tùy viên quân sự đầu tiên kiêm nhiệm Việt Nam. Từ năm 1996 đến nay, hai bên đã trao đổi một số đoàn quân sự.

- Về an ninh: Những năm gần đây, Bộ Nội vụ Anh và Bộ Công an Việt Nam tăng cường trao đổi các đoàn thăm cấp cao. Hai bên hợp tác trao đổi thông tin trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, chống khủng bố, nhập cư bất hợp pháp, chương trình đào tiếng Anh cho cán bộ Bộ Công an Việt Nam.

Quan hệ lãnh sự - du lịch

Khách du lịch Anh vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 70.000 lượt khách năm 2004 lên 105.000 lượt khách năm 2007.

Số lượng người Việt Nam sinh sống tại Anh hiện có khoảng 35.000 người, nhìn chung có cuộc sống hòa nhập và ổn định./.