Một tiếng thiêng liêng, một tiếng mẹ

Thứ năm 23/12/2010 | 09:56:14

Mẹ, đó là một câu nói thật đằm thắm và trìu mến, một câu nói mà biết bao nhiêu người con dành cho đấng sinh thành, nhưng đối với tôi đó là một câu nói thật thiêng liêng.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở Bắc Bộ, tuổi thơ tôi gắn liền với nhiều nỗi buồn hơn là nhiều niềm vui, và quả thực cho đến bây giờ nỗi buồn đó vẫn đang hiện hữu và theo tôi từng ngày, từng giờ.
Có thể nói rằng tôi là một người với quá khứ thật đáng thương, từ khi còn nhỏ đã thiếu đi một nửa tình thương yêu nơi cha mang lại.

Tôi được mẹ kể lại rằng ngày tôi được một tuổi mẹ tôi đã bồng tôi vào trong nam để lập nghiệp, và cuộc đời tôi đã bắt đầu từ khi đó, một cuộc đời thiếu đi tình thương yêu của người cha. Tôi được biết rằng bố tôi đã có một người vợ và có được hai người con trai. Bố tôi là người lái xe cho công trường xây dựng, còn mẹ tôi là công nhân tại công trường đó. Tại đây bố mẹ tôi đã gặp nhau, trải qua những tháng năm thì sinh ra tôi.

Tôi được sự chở che, thương yêu từ nơi cha mẹ được khoảng một năm thì theo mẹ vào nam vì mẹ phải theo công trường (công trường ở đâu thì mẹ tôi phải theo đó). Sau một năm kể từ khi tôi được sinh ra tôi được mẹ nuôi nấng với thật nhiều tình thương yêu.

Tôi nhớ rằng tôi đã phải cùng mẹ phiêu bạt ở rất nhiều nơi tại các tỉnh thành phía nam. Mẹ tôi là công nhân nề bê tông, và công trình mẹ tôi theo là công trường thủy lợi, có thể nói công việc của mẹ tôi thật nặng nhọc bởi luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm và sự độc hại cho sức khỏe từ việc khoan đá, nổ mìn đến việc bốc vác xi măng, cát đá…

Cuộc sống nay đây mai đó của hai mẹ con tôi vẫn cứ tiếp diễn. Tôi vẫn còn nhớ như in rằng thuở nhỏ, vì mẹ tôi phải đi làm mà tôi phải ở nhà một mình cũng có khi thì mẹ tôi gửi tôi ở các nhà hàng xóm (thường là bạn công nhân của mẹ tôi ở công trường). Hằng ngày cứ mỗi buổi sáng, mẹ tôi thường thức dậy sớm, đi chợ, nấu cơm và để phần cơm cho tôi.

Mẹ tôi thường bỏ cơm và thức ăn vào trong cái cặp lồng (camen) rồi ủ vào trong chăn đắp cho tôi, bởi vào sáng sớm thì tôi chưa ngủ dậy, rồi đến trưa tôi mở cơm và thức ăn ra để ăn. Mẹ tôi thường làm từ sáng đến tận tối mịt mới về nhà, nhiều khi phải đổ bê tông hay nổ mìn thì đến tận khuya khi tôi đã đi ngủ mẹ tôi mới về.
Mẹ tôi thật chịu thương chịu khó, nhìn mẹ tôi lam lũ, quần quật cả ngày để cho tôi có cơm ăn, có áo mặc, để có thể sống và bước đi mà tôi lại càng thương mẹ nhiều. Mẹ tôi đã phải hy sinh cho tôi rất nhiều, mẹ đã phải đánh đổi cả thanh xuân, cả hạnh phúc của mình để dành cho tôi.

Nhiều khi tôi tự nghĩ rằng tại sao mẹ mình lại cao cả như vậy chứ, khi mà bố tôi bỏ mẹ con bơ vơ giữa đất khách quê người tìm miếng ăn để sinh nhai? Tại sao mẹ lại không tìm cho mình một nửa hạnh phúc để sau này cuộc sống được nhiều niềm vui, được gia đình sẻ chia gánh nặng?

Tôi biết rằng mẹ tôi không phải là người sống dựa dẫm, mẹ luôn đứng dậy và bước tiếp bằng chính nghị lực phi thường của mình. Có thể mọi người không biết được rằng mẹ tôi đã phải hy sinh, hy sinh rất nhiều, đã bao lần mẹ tôi phải nhịn ăn, nhịn mặc để dành lấy miếng cơm, manh áo cho tôi, luôn chăm sóc cho tôi thật chu đáo từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Ngày lại ngày cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, tôi nhớ là hồi còn nhỏ tôi đã phải chuyển trường học rất nhiều lần, có khi học ở trường này được một năm thì lại phải chuyển trường khác để học tiếp, và cũng từng đó lần mẹ tôi phải chạy đôn, chạy đáo để lo trường học cho tôi, từ các tỉnh Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng...

Mẹ tôi luôn có một quan điểm rằng bằng mọi giá thì vẫn phải lo cho con học hành cho bằng bạn, bằng bè, nhất quyết không để cho con phải thất học vì mẹ luôn nói với tôi rằng đời của mẹ đã khổ nhiều rồi, đời mẹ đã không được đi học nên cuộc sống vất vả, khổ cực vì thế mà đời con phải được đi học, phải học để cho cuộc sống sau này đỡ vất vả. Cuộc sống sau này được sung sướng hơn đời của mẹ.

Từng câu, từng chữ của mẹ vẫn hằn in trong tâm trí tôi, và tôi cũng vẫn phải học, học cho thành đạt để không phụ lòng mong mỏi từ nơi mẹ. Nhiều khi thấy mẹ thức khuya, thấy mẹ trằn trọc suy nghĩ về số phận, về cuộc đời tôi thấy mẹ thật đáng thương. Bản thân tôi lại không biết phải giúp mẹ những gì.

Có nhiều lần mẹ tôi bị ốm nhưng vẫn phải gắng sức gồng gánh để đi làm nuôi tôi ăn học, tôi vẫn động viên mẹ hãy cố gắng, cố gắng lên mẹ nhé, cuộc đời không phụ người có lòng đâu. Có lẽ điều làm nên sức mạnh giúp mẹ tôi vượt qua khó khăn có lẽ chính là tôi, bởi mẹ tôi có một câu nói thật hài hước rằng nếu có ai có đem một thùng phi vàng đem đổi để lấy tôi thì mẹ tôi cũng không chịu. Bởi với mẹ tôi chính là nguồn động viên, là liều thuốc giúp cho mẹ trong những cơn đau. Và với tôi mẹ vẫn là tất cả với sự kính trọng, thiêng liêng.

Cuộc sống tại công trường của hai mẹ con tôi vẫn tiếp diễn mặc cho vòng xoáy xô bồ của của cuộc sống. Hằng ngày mẹ tôi vẫn đi làm, còn tôi thì còn nhỏ chỉ biết cắp sách đến trường và quả thực mẹ tôi là một người mà công trường luôn ngưỡng mộ. Bởi mẹ tôi chịu thương chịu khó, một mình mẹ tôi nuôi nấng cho tôi, vừa phải đi làm vừa phải quán xuyến mọi công việc gia đình mà không cò người chồng bên cạnh.

Hồi ở công trường (trong những căn nhà tạm mà công trường dựng cho) mẹ tôi còn nuôi heo, nuôi gà để có được thêm thu nhập, từ việc dò hỏi những người có heo con để bán, đến việc lựa chọn giống rồi về chăm bẵm đó quả thật là một công việc hết sức gian nan, vất vả. Mẹ tôi làm những công việc có thể nói chỉ dành cho đấng mày râu, phải có sức khỏe thật tốt mới có thể làm được, thế mà một tay mẹ tôi làm nên tất cả.

Và ông trời cũng đã không phụ người có lòng, mẹ tôi thật “mát tay" trong chăn nuôi, không thấy mẹ tôi lỗ mà chỉ từ huề đến lời mà thôi. Tôi nhớ là mỗi lần xuất heo xuất chuồng là mỗi lần mẹ tôi lại mua cho tôi một bộ đồ mới. Mẹ tôi hay hỏi tôi là thích ăn gì để mẹ mua về cho mà ăn, tôi thì còn nhỏ không biết cao sang là gì cả, chỉ bảo mẹ là mua cho một ly trái cây thôi. Mẹ tôi cười cứ bảo là tưởng gì chứ cái đó thì dễ ợt, ăn mấy ly cũng được chỉ sợ là ăn không nổi mà thôi.

Ngày lại ngày trôi qua, tôi đã lớn lên trong sự đùm bọc chở che từ phía người mẹ thương yêu, đến một ngày nọ thì bố tôi vào trong này và bảo mẹ con chúng tôi về ngoài Bắc để sống. Lúc đó tôi cũng hơi giật mình, tự nhủ tại sao ngày trước thì bố tôi không đón mẹ con tôi về nhà mà mãi đến tận lúc tôi đã lớn thì bố tôi mới nói. Bố tôi không nói ra tuy nhiên tôi có thể đoán được vì người vợ cả của bố tôi do bị bệnh nặng đã qua đời, bố mong muốn mẹ con tôi về ngoài Bắc để đoàn tụ cùng gia đình.

Lúc đó trong lòng mẹ con tôi vui buồn lẫn lộn. Thứ nhất vì cả hai bố mẹ tôi cũng đều đã có tuổi, bản thân mẹ tôi thì là vợ bé của bố tôi, bây giờ mà cả gia đình tôi về ngoài Bắc thì sẽ không tránh khỏi những lời dị nghị từ mọi người ngoài đó. Thứ hai là sau bao năm xa cách giờ me con tôi mới gặp lại bố tôi, có thể nói là điều mà trước đây tôi không thể nghĩ đến, không biết là sau này như thế nào, cuộc sống sẽ ra sao, có được niềm vui và hạnh phúc hay không.

Mẹ tôi thì vẫn quan niệm rằng nếu mai này khi mình có tuổi thì sẽ về quê ngoại để sống chứ không về bên nội. Mẹ tôi thương tôi, mẹ muốn tôi có bố để sau này có chỗ để lui tới, có bố để bố thương yêu chăm sóc. Cuối cùng thì mẹ tôi cũng đưa ra quyết định là chấp nhận về bên nội để sống với bố tôi, còn tôi thì lúc đó tôi đang học cao đẳng nên không thể chuyển trường về ngoài bắc học được. Và thế là chỉ mình mẹ tôi theo bố tôi về ngoài đó, còn tôi vẫn ở lại trong này học hành.

Rồi mẹ tôi về ngoài Bắc sống với bố tôi, và điều không mong muốn cũng đã xảy ra. Mặc dù bố tôi vẫn hết lòng thương yêu mẹ tôi thế nhưng đối với một số người trong gia đình thì không. Dường như mẹ tôi luôn phải sống trong búa rìu dư luận rằng đã cướp chồng của người khác, mẹ tôi đã phá vỡ hạnh phúc trong gia đình. Thế nhưng mọi người đâu biết rằng mẹ tôi đã phải vất vả, đã phải chịu nhiều thiệt thòi biết dường nào, thân phận của người vợ lẽ với đứa con thơ.

Mẹ tôi vẫn tiếp tục sống, vẫn phải chịu đựng, vẫn phải nhẫn nhịn hết tất cả vì tôi, mặc cho các dì, các cậu và mọi người bên ngoại vẫn kêu gọi mẹ con tôi về quê ngoại để sống cho bớt khổ. Mẹ tôi vẫn mong tôi có được bố, được mẹ quan tâm, lo lắng, nếu như về quê ngoại để sống bây giờ thì tối lửa tắt đèn thì cũng chỉ có hai mẹ con mà thôi.

Mẹ tôi vẫn là như vậy luôn nhận lấy vào thân mình những nỗi buồn, những áp lực từ cuộc sống này mang lại để cho tôi được sống với một cuộc sống được trọn vẹn niềm thương yêu. Có lẽ điều làm cho mẹ tôi vui nhất là khi tôi lập gia đình, chứng kiến cảnh con mình thành gia lập thất thì mẹ tôi bớt đi được nỗi lo lúc nào cũng đau đáu bên mình là không biết con mình rồi đây sẽ ra sao, có ai thương yêu con mình bằng mình hay không.
Và vợ tôi chính là đáp án cho những trăn trở đó. Vợ tôi là người đã giúp mẹ tôi thương yêu, chăm sóc cho tôi từng bữa cơm, từng giấc ngủ, luôn sẽ chia vui buồn tâm sự cùng tôi. Nhưng niềm vui ngự trị chỉ khoảng một thời gian ngắn, chẳng lâu sau khi tôi lập gia đình, người mẹ thương yêu của tôi đã mãi rời xa tôi.

Mẹ tôi qua đời vì căn bệnh ung thư phổi, mặc dù đã nhận được sự cố gắng tận tình cứu chữa của các bác sĩ. Tôi không hiểu tại sao cuộc đời lại quá bất công cho mẹ tôi. Mẹ tôi chưa tận hưởng được niềm vui, chưa được sống một cuộc sống yên lành, hạnh phúc thì đã rời khỏi cuộc đời này để về với tổ tiên.

Điều làm tôi trăn trở và luôn áy náy là bản thân tôi chưa báo đáp chữ hiếu dành cho mẹ, chưa đền đáp công ơn nuôi dưỡng cho mẹ vậy mà mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa. Có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể nào nguôi ngoai được những lời mẹ tôi dặn, khi căn bệnh của mẹ tôi đã đến giai đoạn cuối.

Mẹ tôi vẫn luôn mong mỏi ở tôi phải ráng học hành cho thành đạt, phải cố gắng đứng dậy bằng chính nghị lực của bản thân mình. Mẹ tôi không nghĩ đến bệnh tật đang hoàng hành, đang gây đau đớn tột cùng đến bản thân mà chỉ nghĩ đến tôi, mẹ luôn lo lắng cho tôi mà thôi.

Niềm đau vô bờ khi tôi chứng kiến mẹ nằm đó mặc cho mọi người kêu khóc, tiếc thương. Tôi đã mất đi mẹ, một người mẹ vô cùng quan trọng trong cuộc sống của tôi, một người luôn hy sinh tất cả vì đứa con mình. Càng xót xa hơn khi mẹ tôi ra đi khi chưa thấy mặt cháu nội của mình.

Khi mẹ bệnh tôi luôn an ủi và động viên mẹ hãy cố gắng, cố gắng sống để còn vào trong này chăm sóc cho cháu nội vậy mà mẹ tôi đã không thể thực hiện được. Có lẽ con của tôi cũng buồn lắm vì khi vợ tôi mang thai, vợ tôi đã về quê chăm sóc cho mẹ tôi một thời gian ngắn thì con của tôi đã nghe được lời của bà nội, vậy mà không thấy được bà.

Giờ đây mẹ đã không còn nữa, nỗi đau vẫn là nỗi đau, song với tôi, với gia đình mẹ vẫn luôn sống mãi, hình ảnh người mẹ luôn cặm cụi từng ngày từng giờ tần tảo nuôi con không lúc nào có thể vơi đi trong tâm trí. Cháu nội của mẹ đã chào đời, đã và đang sống trong tình thương yêu của hai vợ chồng tôi.

Vợ chồng tôi luôn tự nhủ với nhau rằng hãy yên lòng mẹ ơi, chúng con sẽ cố gắng sống tốt theo di nguyện của mẹ. Chúng con sẽ còn gặp lại mẹ ở thế giới bên kia để kiếp sau chúng con vẫn là con của mẹ, được chăm sóc cho mẹ, được báo đền công ơn dưỡng dục của mẹ bấy lâu.

Nguyễn Văn Nghĩa