Mong một mùa xuân ông ngoại trở về

Thứ sáu 17/12/2010 | 09:50:07

Lúc nhỏ nghe ba má, dì cậu kể về ông ngoại thì trong suy nghĩ tôi lại mường tượng về hình ảnh về người ông của mình. Kỷ vật duy nhất ông để lại cho bà của tôi là tấm hình trắng đen từ trước những năm chống Mỹ. Khuôn mặt thì đã nhòe đi theo tháng năm, chỉ còn lại là dáng hình cao gầy.

Ngoại thường ít kể về ông ngoại, người đã ra đi từ 36 năm nay nhưng chưa từng một lần trở về thăm gia đình. Hồi đó, ông ra đi khi người con nhỏ nhất vẫn còn ẵm ngửa, thế nhưng người con ấy giờ đã ngoài 30 mà ông vẫn chưa về. Khi ấy cậu lớn nhất của tôi phải vừa làm anh, vừa như một người cha thay thế bà tôi mỗi khi bà đi buôn bán xa. Nếu có một ai đó hỏi tôi rằng: người hùng trong lòng tôi là ai? Thì tôi sễ không ngần ngại lâu ma thốt lên rằng, đó là ngoại tôi.

Chiến tranh đã lùi xa, bao gia đình đều đã vui vầy, sum họp bên gia đình, con cháu, thế nhưng ông tôi lại bặt vô âm tín.

Không thư từ hỏi han, không điện thoại, tất cả đều im lặng, dường như ở đâu đó bên khung trời Tây hiện đại kia, ông tôi không hề nhớ đến rằng ông có một gia đình ở Việt Nam, những người con thân yêu, những người cháu - sinh ra đã không biết mặt ông, đang hằng ngày mong ngóng ông trở về.

Ba mươi sáu năm chờ đợi mỏi mòn, bà đã làm tròn trách nhiệm của một người con dâu với mẹ chồng-mẹ của ông ngoại. Có lẽ có một sức mạnh lớn lao đã nâng đỡ bà tôi trong suốt ngần ấy năm. Một gánh mẹ già, một gánh con thơ. Dáng người nhỏ bé tảo tần sớm hôm buôn bán nuôi con cho đến trưởng thành.

Ngoại vẫn ở vậy để chờ ông tôi, trong gia đình tôi kể cả dì, mẹ, và cậu tôi, không ai có thể thấy được những giọt nước mắt ấy. Thế nhưng cũng có lúc ngoại tâm sự với bao nỗi nhớ mong và pha lẫn sự trách móc, giận hờn.

Ở Texas, ông tôi đã có gia đình với một người đàn bà khác. Ông cũng có hai người con. Tôi nhớ không lầm thì có một mùa xuân ông hứa sẽ trở về. Thế nhưng đã bao mùa xuân đi qua, bóng dáng ông vẫn ở nơi nào.

Hồi đó cố của tôi mất (là mẹ của ông), cậu út có gọi điện sang và hỏi ông khi nào về thắp cho cố nén nhang. Bên đầu dây kia giọng ông ngẹn ngào vì nhớ mẹ, vì xúc động. Ông đã khóc, những giọt nước mắt của muộn màng. Nhưng rồi ông vẫn không về để thắp nhang cho vong linh người mẹ quá cố đã xa hơn 30 năm trời.

Tôi không biết cái gì đã níu giữ chân ông tôi lại và không cho ông trở về thăm gia đình. Ở đâu đó trên trái đất này ông ngoại có nghe được lời của người cháu gái ông tâm sự - người cháu từ khi ở trong bụng mẹ đến giờ vẫn chưa hề biết mặt ông ngoại mình.

Ngoại tôi năm nay đã gần 70 tuổi, độ tuổi đáng lẽ ra phải hưởng được sự sung sướng của tuổi già, bên người thân, bên con cháu. Cuốc sống hiện đại đã và đang quay cuồng, để lại bà tôi là những nếp nhăn của thời gian, là nỗi nhớ người bạn đời tri âm tri kỉ.

Tuổi ngoại đã xế chiều, ngoại mong ông quay về để vui vầy tuổi già bên con cháu. Bấy nhiêu đó thôi có lẽ là mong ước lớn nhất trong đời ngoại tôi.

Tôi thương ngoại lắm nhưng khả năng tôi có hạn, nếu gia đình tôi khá giả tôi sẽ sang thăm ông và cùng ông về quê. Nhưng tất cả mong ước vẫn chỉ là ước mong mà thôi.

Những người bà con trong xóm, họ cũng ra đi như ông ngoại tôi nhưng tất cả họ đều đã trở về vui vầy bên gia đình.

Những người bạn bè cũ của ông tôi ở Việt Nam có qua Texas và gọi điện cho ông, nhưng vẫn là những lời hẹn. Không biết đến bao giờ ông tôi mới quay trở về bên ngoại tôi.

Tôi cũng mong lá thư này có thể đến tay ông nhưng liệu có một phép nhiệm màu nào chăng, khi mà ngay cả một cái địa chỉ của ông ở Texas tôi cũng không có. Hy vọng vẫn là hy vọng mà thôi!

Cứ mỗi dịp xuân về thì những người con xa quê lại bồn chồn nhớ đến cái se lạnh nơi quê nhà, nhớ đến con đường làng quanh co oằn mình vì cái giá lạnh của tiết trời giao mùa sang xuân. Không biết ở bên ấy ông có biết mùa xuân đang về.

Ninh Hòa, ngày 11/12/2010
Phan Thị Tuyết Sương 

(suong-ptt@vedaninternational.com)