Liên bang Nga

Liên bang Nga

Việt Nam và Nga đạt được nhiều thành tựu trong quan hệ song phương và đa phương

Thứ sáu 19/11/2010 | 09:45:43

Trong suốt 60 năm qua, trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách, quan hệ giữa Việt Nam và Nga đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục..., cả trên bình diện song phương và đa phương.

Ngày 30/1/1950, Việt Nam (lúc đó là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác hết sức chặt chẽ.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin từ 28/2 đến 2/3/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống V. Putin đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.

Từ năm 1991 đến nay, hai nước ký kết hơn 50 văn kiện hợp tác song phương. Việt Nam và Liên bang Nga có cùng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Hai bên luôn phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, ARF...

Việt Nam ủng hộ Nga tham gia Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…

Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư

Về hợp tác thương mại: Kim ngạch thương mại giữa hai nước từ mức khoảng 350-400 triệu USD vào giữa những năm 90 của thế kỉ 20 đã lên tới hơn 1 tỷ USD năm 2007, trung bình tăng 15%/năm.

Năm 2008, trao đổi mậu dịch giữa hai nước đạt 1,641 tỷ USD; năm 2009 đạt 1,83 tỷ USD.

Theo Nghị quyết của Khóa họp thứ 13 Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật (tháng 10/2009), hai nước đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 3 tỷ USD vào năm 2010 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

+ Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nga gồm có thủy-hải sản, may mặc, caosu, giày dép.

+ Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Nga gồm than, thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu…

Về đầu tư: Nga hiện có 67 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực, với tổng số vốn 755,1 triệu USD, đứng thứ 23/91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Đầu tư của Liên bang Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế tạo, chế biến.

Trong khi đó, Việt Nam có 18 dự án đầu tư vào Nga với số vốn 1,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại và dịch vụ.

Hợp tác về dầu khí, năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Tháng 10-2008, hai bên đã ký Nghị định thư chuyển đổi xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên sau năm 2010.

Hai bên đã lập các liên doanh mới như Vietgazprom, Rusvietpetro và Gazpromviet để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nga và tiến tới ở các nước thứ ba.

Nga tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc hiện đại hóa và xây mới các công trình năng lượng tại Việt Nam. Tập đoàn khí đốt GAZPROM của Nga cũng đang mở rộng hợp tác với PETROVIETNAM.

Hai bên đang xem xét mở rộng hợp tác sang lĩnh vực điện hạt nhân. Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 12/2009), hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc Nga giúp xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại Việt Nam.

Hợp tác trong lĩnh vực du lịch

Hợp tác du lịch giữa hai nước ngày càng phát triển. Từ năm 2006 trở lại đây, lượng khách Nga sang Việt Nam tăng trung bình hơn 30%, đạt khoảng hơn 40.000 lượt khách/năm.

Từ 1/1/2009, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho khách Nga vào Việt Nam lưu trú dưới 15 ngày.

Hợp tác văn hóa-giáo dục

Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước diễn ra sôi nổi, trong đó có việc tổ chức “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam” và “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga”.

Nga hiện vẫn là một trong những nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực chính cho Việt Nam. Hàng năm, Nga cấp cho Việt Nam khoảng 300 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học tại các trường của Nga. Ngoài ra, số lượng lưu học sinh Việt Nam du học tại Nga theo diện tự túc lên đến hơn 5.000 người.

Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (tháng 3/2010), hai bên nhất trí thành lập Trường đại học công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam. Hiện hai bên đang xúc tiến việc chuẩn bị triển khai dự án này.

Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga

Hiện có khoảng 60.000-80.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Nga. Một số người đã trở thành doanh nhân thành đạt, đầu tư trực tiếp tại Nga và đầu tư về Việt Nam./.