Cộng hòa Hồi giáo Pakistan

Cộng hòa Hồi giáo Pakistan

Pakistan: Biểu tình đòi cải cách hệ thống bầu cử

Chủ nhật 13/01/2013 | 18:41:00

Hàng nghìn người Pakistan tuần hành nhằm gây sức ép yêu cầu chính phủ tiến hành cải cách hệ thống bầu cử của nước này.

Ngày 13/1, một lãnh tụ tôn giáo có ảnh hưởng tại Pakistan đã dẫn đầu hàng nghìn người tham gia một cuộc tuần hành từ thành phố miền Đông Lahore, thủ phủ của tỉnh Punjab, tới thủ đô Islamabad nhằm gây sức ép yêu cầu chính phủ tiến hành cải cách hệ thống bầu cử của nước này, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng tháng 5 tới.

Trước đám đông người ủng hộ, Tahir-ul Qadri, thủ lĩnh của tổ chức tôn giáo có tên gọi "Minaj-ul-Quran," tuyên bố đây là cuộc tuần hành dân chủ nhằm bảo vệ quyền con người, loại bỏ nghèo đói và thể hiện quyền tối thượng của hiến pháp, luật pháp và chấm dứt tình trạng tham nhũng.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik đã cảnh báo về khả năng phiến quân Taliban có thể ̣ tấn công vào đoàn tuần hành khi người biểu tình tập trung tạiIslamabad. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo, hàng trăm phương tiện và khoảng 7.000 người đã tham gia tuần hành và dự kiến sẽ tới thủ đô vào ngày 14/1 tới.

Tại các khu vực có đoàn tuần hành đi qua, khoảng 10.000 cảnh sát đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh. Chính quyền thành phố Islamabad đã phong tỏa tất cả các tuyến đường dẫn tới "Khu vực Đỏ," bao gồm khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội, Phủ Tổng thống và Thủ tướng, các trụ sở bộ, tòa án tối cao và các khu vực nhạy cảm khác.

Trong khi đó, nhiều đại sứ quán các nước và trường học cũng được yêu cầu đóng cửa trong một vài ngày tới, khi đoàn người biểu tình tới thủ đô.

Tahir-ul Qadri là một học giả, đồng thời là một nhà thuyết giáo Hồi giáo vừa về nước hồi tháng trước sau 5 năm sống lưu vong tại Canada. Qadri chỉ trích Chính phủ Pakistan đang mục ruỗng vì nạn tham nhũng và thiếu năng lực điều hành đất nước, đồng thời yêu cầu chính quyền Islamabad phải thực thi các cải cách trước thềm cuộc tổng tuyển cử, dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng 8 tuần kể sau khi quốc hội giải tán vào trung tuần tháng Ba.

Tuy nhiên, phía Chính phủ Pakistan cho rằng Tahir-ul Qadri là một phần trong âm mưu nhằm gây cản trở cuộc bầu cử và thâu tóm quyền lực.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Thủ tướng Pakistan, Raja Pervez Ashraf đã tới thủ phủ Quetta của tỉnh Baluchistan ở Tây Nam Pakistan để gặp mặt các đại diện của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite tại đây, nơi vừa chứng kiến các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu hôm 10/1, làm gần 90 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương.

Theo giới chức Pakistan, gia đình các nạn nhân trong những vụ đánh bom này đã không cho chôn cất những người thiệt mạng, đồng thời tiến hành biểu tình yêu cầu chính phủ phải triển khai quân đội tới Quetta để bảo vệ những người Siai khỏi các vụ tấn công khủng bố.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối vụ tấn công đẫm máu hôm 10/1 vừa qua đã tiếp tục lan rộng tại nhiều khu vực trên cả nước. Người biểu tình yêu cầu giải tán chính quyền tỉnh Baluchistan.

Tại Karachi, kể từ tối 12/1 đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình ngồi phản đối các vụ đánh bom nhằm gây sức ép đối với chính phủ phải có các biện pháp ngăn ngừa các vụ tấn công khủng bố khác.

Các vụ đánh bom tại Pakistan, trong đó có 3 vụ xảy ra tại thành phố Quetta đã làm ít nhất 116 người thiệt mạng và 235 người bị thương. Một nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunny đã thừa nhận gây ra các vụ đánh bom đẫm máu tại Quetta.

Quetta là thủ phủ tỉnh Baluchistan, một trong những khu vực nghèo ở Pakistan và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bất ổn do bạo lực sắc tộc, chủ nghĩa ly khai cũng như hoạt động của các tay súng Hồi giáo.

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Baluchistan kể từ sau một vụ đánh bom xe ngày 30/12/2012 làm 19 người Hồi giáo dòng Shiite hành hương tới Iran thiệt mạng./.

(TTXVN)