Mông Cổ

Mông Cổ

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ Trên thảo nguyên của Mông Cổ.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ

- Tên nước chính thức: Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ (People's Republic of Mongolia)

- Ngày Quốc khánh: 11/7/1921 (Ngày Cách mạng Nhân dân thắng lợi)

- Thủ đô: Ulan Bator

- Vị trí địa lý: Mông Cổ thuộc vùng Trung Á; phía Bắc giáp Nga, phía Nam giáp Trung Quốc, Tây giáp Kazakhstan.

- Diện tích: 1.564.115,75km2

- Khí hậu: Mông Cổ có khí hậu lục địa rõ rệt, thường khô hanh; mùa Hè nói chung mát; mùa Đông rét đậm. Nhiệt độ trung bình tháng giêng từ âm 35 độ C đến âm 10 độ C; tháng bảy từ 18 độ C đến 20 độ C. Lượng mưa trung bình hàng năm 60-300mm, ở vùng núi 500mm.

- Dân số: 2.736.800 người (2009)

- Dân tộc: Có trên 10 dân tộc, trong đó dân tộc Khalkha chiếm 75% dân số.

- Hành chính: Mông Cổ phân chia thành 21 tỉnh dưới quyền trung ương.

- Đơn vị tiền tệ: Tughrik (Tug)

- Tôn giáo: Đạo Phật, Kito giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo

- Ngôn ngữ: Tiếng Mông Cổ; tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cũng được sử dụng rộng rãi.

Địa lý

Với diện tích 1.564.115,75km2, Mông Cổ là nước rộng thứ 19 trên thế giới, sau Iran. Nước này lớn hơn rất nhiều so với nước đứng kế tiếp là Peru.
 
 Địa lý Mông Cổ đa dạng với sa mạc Gobi ở phía Nam và các vùng núi lạnh ở phía Bắc và phía Tây. Đa phần lãnh thổ nước này gồm các thảo nguyên. Đỉnh cao nhất tại đây là Khüiten thuộc khối núi Tavan bogd ở cực Tây với độ cao 4,374m.
 
 Thời tiết tại Mông Cổ nóng vào mùa Hè và rất lạnh về mùa Đông, với nhiệt độ trung bình tháng Giêng hạ xuống chỉ còn âm 30 độ C. Thỉnh thoảng, nước này có những đợt thời tiết khắc nghiệt được gọi là zud. Ulan Bator có nhiệt độ trung bình thấp nhất so với bất kỳ thủ đô nào khác trên thế giới.
 
 Nước này có khí hậu lục địa với mùa Đông dài lạnh lẽo, mùa Hè ngắn, và đa phần mưa trong năm thường vào ngày Hè.
 
 Mông cổ trung bình có 257 ngày không mây mỗi năm, và thường ở trung tâm của một vùng có áp lực khí quyển cao. Lượng mưa cao nhất ở phía Bắc (trung bình 20-35cm/năm) và thấp nhất ở phía Nam, với lượng mưa hàng năm 10-20cm. Vùng cực Nam là sa mạc Gobi, một số vùng tại đó có hầu như không có mưa trong nhiều năm.
 
 Cái tên "Gobi" là một thuật ngữ tiếng Mông Cổ, chỉ một thảo nguyên sa mạc, thường nói tới một đặc tính của loại đất mà ít loại thực vật có thể phát triển được.
 
 Người Mông Cổ phân biệt rõ ràng giữa Gobi và sa mạc thực sự, dù sự khác biệt không phải luôn rõ rệt với những người bên ngoài không quen thuộc với cảnh vật Mông Cổ.
 
 Các vùng đất Gobi rất mong manh và dễ bị tàn phá bởi sự quá tải, dẫn tới sự mở rộng của sa mạc thực sự, một vùng đá vô dụng nơi thậm chí cả lạc đà Bactrian cũng không sống nổi.

Lịch sử

Mông Cổ phát triển cực thịnh dưới thời Genghis Khan vào thế kỉ thứ XIII. Khi đó, Mông Cổ thống trị một vùng suốt từ Trung Quốc đến Tây Âu.
 
 Năm 1691, Mông Cổ bị Mãn Thanh xâm chiếm và biến thành một tỉnh Trung Quốc. Từ 1911-1919, Mông Cổ trở thành nước phong kiến tự trị.
 
 Ngày 11/7/1921, Cách mạng Dân chủ Nhân dân ở Mông Cổ thắng lợi. Ngày 26/11/1921, Mông Cổ tuyên bố là nước Cộng hòa Nhân dân.

Chính trị

 Thể chế chính trị : Chính thể cộng hòa
 
 Hiến pháp: Thông qua ngày 12/12/1992
 
 Cơ quan hành pháp:
 
 - Đứng đầu Nhà nước: Tổng thống
 
 - Đứng đầu Chính ph : Thủ tướng
 
 Cơ quan lập pháp: Quốc hội (76 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm )
 
 Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao, các thẩm phán do Hội đồng các Tòa án đề cử và Quốc hội phê duyệt.
 
 Chế độ bầu cử : Từ 18 tuổi trở lên, phổ thông đầu phiếu.
 
 Các đảng phái lớn: Đảng Cách mạng Nhân dân Mông Cổ (MPRP); Liên minh Dân chủ (DUC); Đảng Đoàn kết Dân tộc Mông Cổ (MNSP); Đảng Cộng hòa Mông cổ (MRP).

Kinh tế

Nền kinh tế Mông Cổ chủ yếu là chăn nuôi, khai thác đồng cỏ, khai thác khoáng sản và công nghiệp chế biến. Ngành chăn nuôi gia súc là ngành kinh tế truyền thống của Mông Cổ, là nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
 
 Hiện nay, Mông Cổ có hơn 1 triệu km2 đồng cỏ, đủ khả năng để phát triển đàn gia súc lên tới 80 triệu con.
 
 Là quốc gia giàu tài nguyên, mỗi năm nước này khai thác trên 35.000 tấn đồng, hơn 10 tấn vàng, 13.000 tấn dầu thô.
 
 Từ 1990, Mông Cổ chuyển sang nền kinh tế thị trường, thành phần kinh tế tư nhân chiếm trên 70% GDP.
 
 Mông Cổ rất quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Từ năm 1990 đến nay, có khoảng 1.000 công ty của trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Mông Cổ với tổng mức khoảng 250 triệu USD.
 
 Trong những năm qua, kinh tế Mông Cổ liên tục có bước phát triển khá, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao. Năm 2004, GDP tăng 10,6%; năm 2005: 5,5%; năm 2006: 7,5%; năm 2007: 9,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD/năm, tỷ lệ lạm phát là 9%.
 
 Tuy nhiên, từ đầu năm 2008, giá lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng cao đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Lạm phát, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.
 
 Về công nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 40,4% GDP, thu hút 11,7% lực lượng lao động.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính: Vật liệu xây dựng, sản phẩm khai mỏ (đặc biệt là than đá và đồng); thực phẩm
 
 Về nông nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 18,8% GDP, thu hút 39,9% lực lượng lao động
 
 Sản phẩm nông nghiệp chính: Lúa mì, lúa mạch, khoai tây, thức ăn gia súc; cừu, dê, thú nuôi, lạc đà, ngựa.
 
 Về dịch vụ
 
 Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ chiếm 40,8% GDP, thu hút 49,4% lực lượng lao động.
 
 Xuất khẩu: 1,889 tỷ USD (năm 2007)
 
 Các mặt hàng xuất khẩu chính: Đồng, súc vật nuôi, len, da, các kim loai màu khác
 
 Sản xuất, chế biến, xuất khẩu 2.700 tấn lông dê mịn (chiếm 30% thị trường thế giới). Len casơmia là sản phẩm nổi tiếng của Mông Cổ được nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới ưa chuộng. Đây là loại len chất lượng cao được làm từ lông dê.
 
 Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Trung Quốc (72,6%), Canada (10,8%), Mỹ (4,8%) (năm 2007)
 
 Nhập khẩu: 2,117 tỷ USD (năm 2007).
 
 Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc và thiết bị, nhiên liệu, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hóa chất,vật liệu xây dựng, đường, chè
 
 Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Trung Quốc (32,6%), Nga (29,2%), Nhật Bản (7,3%) (năm 2007)
 
 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
 
 GDP tính theo sức mua (PPP): 8,42 tỷ USD (năm 2007)
 
 GDP bình quân đầu người/năm theo PPP: 3.200 USD (năm 2007)

Điểm du lịch

Tháng Bảy được xem là thời điểm lý tưởng để tới Mông Cổ. Tiết trời mát mẻ và dễ chịu, chỉ nóng mỗi khi mặt trời không bị mây che khuất, khác hẳn với cái nóng hầm hập ở Hà Nội.
 
 Thời gian này cũng trùng với các sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Đế chế Đại Mông, ngày cách mạng Mông Cổ (quốc khánh), lễ hội Naadam. Và chúng tôi đã được tận hưởng bầu không khí lễ hội sôi động này trong suốt bốn ngày tiếp theo.
 
 Đầu tiên là lễ kéo cờ tại quảng trường trung tâm Xukhê Bato nhân ngày quốc khánh Mông Cổ với sự hiện diện của đội chiến binh trong trang phục cổ, gợi nhớ tới đội quân hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn thuở nào đã chinh phạt cả châu Á lẫn châu Âu.
 
 Tiếp đến là lễ hội Naadam truyền thống diễn ra trên sân vận động trung tâm ở thủ đô Ulan Bato.
 
 Trong thời gian này, du khách có thể tới thăm cung điện của vị hoàng đế Mông Cổ cuối cùng Bogd Khan, người được xem như Phật sống, và thưởng thức những bài hát bằng giọng họng “khoomii” mạnh mẽ của người Mông Cổ.
 
 Rời xa thủ đô Ulan Bato náo nhiệt trong những ngày lễ hội, khách du lịch hãy đến với công viên quốc gia Hustai, nơi đã thành công trong việc đưa loài ngựa hoang thực sự duy nhất còn tồn tại trên thế giới “Takhi” trở về sống trong tự nhiên.
 
 Những chú ngựa ở đây đã được thử AND để xác định chính xác là ngựa hoang. Sau đó, chúng được vận chuyển bằng máy bay từ vườn thú ở Hà Lan về Hustai, rồi từng bước cho hòa nhập trở lại với thiên nhiên hoang dã.
 
 Ở Hustai, du khách sẽ  được trải nghiệm qua đêm trong những căn lều hình tròn của người du mục, bên cạnh bếp lửa hồng ấm cúng để sáng sớm tinh mơ hôm sau khởi hành ngắm những nhóm ngựa hoang sống rải rác trên thảo nguyên. Khung cảnh thiên nhiên mênh mông cùng bầu không khí trong lành khi bình minh le lói khiến cho con người hòa quyện với đất trời.
 
 Người dân du mục ở đây đặc biệt hiếu khách, đúng như một câu thành ngữ Mông Cổ nói về lòng mến khách của họ: “Hạnh phúc là người thường xuyên có khách đến chơi, hân hoan là luôn có ngựa của khách cột trước cửa nhà.”
 
 Ngoài ra, du khách có thể tới tham quan nhiều địa danh thú vị khác như tượng Phật bà Quan âm bằng đồng khổng lồ cao 26,5m trong tu viện Gandan, chiêm ngưỡng bức tượng Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa làm bằng thép cao 40m được đặt trên bệ cao 10m, xem buổi biểu diễn của đoàn ca múa dân tộc “Tumen Ekh,” hay bảo tàng thiên nhiên - nơi lưu giữ hai bộ xương khủng long hoàn chỉnh tìm thấy trên sa mạc Gobi.
 

Lễ hội

Lễ hội Naadam truyền thống ở Mông Cổ, thường được tổ chức vào mùa Hè, kéo dài trong ba ngày, nhằm tôn vinh ba môn thể thao dành cho đàn ông nước này là đấu vật, đua ngựa và bắn cung với lễ khai mạc diễn ra trên sân vận động trung tâm ở thủ đô Ulan Bato.
 
 Trong ngày này, hầu như toàn bộ người dân Ulan Bato đổ đến sân vận động, mọi con đường tới đây đều tắc nghẽn trong khi các phần khác của thủ đô hầu như tĩnh lặng.
 
 Vật là môn thể thao phổ biến nhất ở Mông Cổ và có nguồn gốc từ khoảng 2.000 năm trước. Nó là điểm nhấn chính trong lễ hội .
 
 Sumo của Nhật Bản cũng có nhiều điểm tương đồng với môn vật truyền thống này. Trang phục vật truyền thống gồm một áo hở phía trước, buộc chặt quanh eo bằng một sợi dây. Kiểu áo này được áp dụng sau khi một nhà vô địch bị phát hiện là phụ nữ, và nó đảm bảo chỉ nam giới mới tham gia tranh tài.
 
 Tiếp sau đó là lễ hội trang phục dân tộc truyền thống với hàng loạt bộ trang phục thú vị, cho thấy rõ sự giàu có, đa dạng của nền văn hóa Mông Cổ.