Mông Cổ

Mông Cổ

Quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Mông Cổ

Chủ nhật 21/11/2010 | 09:52:06

Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954. Trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mông Cổ là một trong những nước có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng.

Tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ, mở đầu việc phát triển quan hệ hai nước.

Ngày 9/6/1959, Mông Cổ mở Cơ quan đại diện thường trú tại Hà Nội.

Ngày 13/2/1960, Việt Nam mở Cơ quan đại diện thường trú tại Ulan Bator, Mông Cổ.

Tháng 7/1960, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mông Cổ trình Quốc thư.

Ngày 13/3/1961, Đại sứ Mông Cổ đầu tiên tại Việt Nam trình Quốc thư.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ P.Ochirơbát vào tháng 3/1994, hai bên đã ký Tuyên bố chung Việt Nam-Mông Cổ nêu rõ những nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển quan hệ hai nước phù hợp với tình hình mới.

Trong chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào tháng 4/2000, hai bên đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, đưa quan hệ Việt Nam-Mông Cổ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực Việt Nam và Mông Cổ duy trì phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động quốc tế. Mông Cổ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009, ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) khóa 2010-2013.

Phía Việt Nam ủng hộ Mông Cổ tham gia Ban chấp hành Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2010-2013; sẵn sàng hỗ trợ, giúp Mông Cổ mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước ASEAN và gia nhập APEC khi tổ chức này kết nạp thành viên mới.

Quan hệ kinh tế-thương mại

Kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn ở mức thấp, những năm 1994-1995 đạt 5-6 triệu USD, nhưng năm 2002 giảm xuống chỉ còn khoảng 1,5-2 triệu USD và đến năm 2007 đạt hơn 5 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mông Cổ là nông sản chế biến, may mặc, thủ công, mỹ nghệ (hàng bạc, thêu ren, chạm, trổ…).

Phía Mông Cổ hầu như chưa xuất khẩu gì sang Việt Nam.

Hiện đang có khoảng 25 công ty của Việt Nam hoạt động tại Mông Cổ, chủ yếu trong lĩnh vực sửa chữa xe ôtô, môi giới, buôn bán, chụp ảnh, trồng rau quả.

Uỷ ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật Việt Nam-Mông Cổ thành lập tháng 12/1979 và được khôi phục hoạt động từ năm 1996. Hai bên đã tiến hành họp thường xuyên 2 năm một lần, được tổ chức luân phiên ở thủ đô hai nước.

Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng

Tổng Công ty Dầu khí Petrovietnam có cổ phần trong Công ty liên doanh Dầu khí SOCO (Mỹ, Canada, Trung Quốc) cùng liên doanh thăm dò và khai thác dầu mỏ ở Mông Cổ.

Viện trợ phát triển:

Từ năm 1956-1990, Tổng viện trợ Chính phủ của Mông Cổ cho Việt Nam trên 200 triệu tugrik và trên 1,5 triệu USD (chuyển từ quà tặng 100.000 gia súc thành tiền) và trên 900.000 tugrik viện trợ của các tổ chức xã hội, trong đó gồm miễn phí hàng hóa quá cảnh bằng đường sắt; hàng tiêu dùng; đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật; đón nhiều đoàn Việt Nam sang Mông Cổ dự các Hội nghị quốc tế...

Sau khi Việt Nam thống nhất, đặc biệt những năm gần đây khi Mông Cổ có khó khăn, Thủ đô Hà Nội đã cử 55 công nhân xây dựng, 25 công nhân phục chế sang làm việc tại Mông Cổ theo điều kiện như công nhân Mông Cổ; cử 2 chuyên gia nông nghiệp sang Mông Cổ nghiên cứu khả năng trồng lúa cạn và rau quả; 4 chuyên gia cầu đường nghiên cứu thiết kế cầu treo; tặng và lắp đặt hai nhà máy phát thủy điện công suất 200 kW.

Việt Nam cũng viện trợ không hoàn lại cho Mông Cổ năm 1993 là 200.000 USD; năm 1998 là 15.000 USD; năm 2000 là 10.000 USD; năm 2001 là 2.000 tấn gạo.

Thành phố Hồ Chí Minh tặng tỉnh Khơp Gơn (Mông Cổ) 50.000 USD (năm 2003), Quốc hội Việt Nam tặng 50.000 USD bằng hiện vật máy vi.

Hợp tác giáo dục-đào tạo

Năm 2006, hai nước đã ký lại Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Cho đến nay, 8 sinh viên cao học, 110 sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp Đại học ở Mông Cổ; 20 sinh viên Mông Cổ đã tốt nghiệp Đại học và Học viện ở Việt Nam.

Hiện nay có 15 sinh viên Việt Nam ở Mông Cổ và 26 sinh viên Mông Cổ ở Việt Nam đang theo học bằng học bổng của Chính phủ. Ngoài ra, còn có 17 sinh viên Mông Cổ đang học ở Việt Nam theo phương thức tự túc./.