Vương quốc Campuchia

Vương quốc Campuchia

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Campuchia. Đền Angkor Wat.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Campuchia.

- Tên nước: Vương quốc Campuchia

- Ngày quốc khánh: 9/11/1953

- Thủ đô: PhnomPenh

- Vị trí địa lý: Campuchia thuộc khu vực Đông Nam Á, nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương; phía Bắc giáp Lào, phía Tây và Tây Bắc giáp Thái Lan, phía Đông và Đông Nam giáp Việt Nam, phía Nam và Tây Nam trông ra Vịnh Thái Lan.

- Diện tích đất liền: 181.035 km2.

- Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình 25-300C. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4

- Dân số:  Khoảng hơn 14 triệu người (ước tính năm 2010)

- Dân tộc: Có khoảng 20 dân tộc, trong đó người Khmer chiếm khoảng 90% dân số

- Hành chính: Nước Campuchia được chia thành 24 đơn vị hành chính địa phương cấp một gồm 20 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh được chia thành các huyện và huyện đảo, còn các thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các quận. Dưới huyện là các xã, và dưới quận là các phường. Phường và xã là cấp hành chính địa phương cuối cùng ở Campuchia. Trong một xã có thể có một hoặc nhiều hơn một làng, nhưng làng không phải là một cấp hành chính chính thức.

- Đơn vị tiền tệ: đồng Riel

- Tôn giáo: đạo Phật (được coi là Quốc đạo) (95%), đạo Hồi (2%)

- Ngôn ngữ: tiếng Khmer

Địa lý

Diện tích Campuchia khoảng 181.040km², có 800km biên giới với Thái Lan về phía Bắc và phía Tây, 541km biên giới với Lào về phía Đông Bắc, và 1.137km biên giới với Việt Nam về phía Đông và Đông Nam. Nước này có 443km bờ biển dọc theo Vịnh Thái Lan.
 
 Đặc điểm địa hình nổi bật là một hồ lớn ở vùng đồng bằng. Đó là hồ Tonle Sap (Biển Hồ), có diện tích khoảng 2.590km², trong mùa khô tới khoảng 24.605km² về mùa mưa.
 
 Đây là một đồng bằng đông dân, phù hợp cho cấy lúa nước, tạo thành vùng đất trung tâm Campuchia.
 
 Phần lớn (khoảng 75%) diện tích đất nước nằm ở cao độ dưới 100m so với mực nước biển, ngoại trừ dãy núi Cardamon (điểm cao nhất là 1.771m), phần kéo dài theo hướng Bắc-Nam về phía đông của nó là dãy Voi (cao độ 500-1.000m) và dốc đá thuộc dãy núi Dangrek (cao độ trung bình 500m) dọc theo biên giới phía Bắc với Thái Lan.
 
 Nhiệt độ dao động trong khoảng 10-38 °C. Campuchia có các mùa mưa nhiệt đới: gió tây nam từ Vịnh Thái Lan/Ấn Độ Dương đi vào đất liền theo hướng Đông Bắc mang theo hơi ẩm tạo thành những cơn mưa từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó lượng mưa lớn nhất vào khoảng tháng 9, tháng 10; gió Đông Bắc thổi theo hướng tây nam về phía biển trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, với thời kỳ ít mưa nhất là tháng 1, tháng 2.
 
 Campuchia cũng là quốc gia có nhiều loài động vật quí hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ. Rất nhiều loài đang đứng trước hiểm họa diệt chủng do nạn săn trộm và phá rừng.

Lịch sử

Campuchia là một quốc gia có lịch sử và nền văn hóa lâu đời trên bán đảo Đông Dương.
 
 Năm 1863, Campuchia bị thực dân Pháp xâm chiếm, biến thành đất bảo hộ. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Campuchia bị Nhật chiếm đóng. Năm 1945, sau khi Nhật bại trận, Campuchia lại bị Pháp đô hộ trở lại.
 
 Ngày 9-11-1953, Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Campuchia. Tháng 4-1955, Norodom Sihanouk nhường ngôi Vua cho cha là N.Suramarith để thành lập Cộng đồng xã hội bình dân.
 
 Cộng đồng xã hội bình dân giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9-1955, Norodom Sihanouk trở thành Thủ tướng. Năm 1960, khi Quốc vương N.Suramarith qua đời, N.Sihanouk được bầu làm Quốc trưởng Campuchia.
 
 Tháng 10-1970, Lon Nol và Sirik Matak được sự trợ giúp của Mỹ tiến hành đảo chính lật đổ N.Sihanouk, thành lập “Cộng hoà Khmer.”
 
 N.Sihanouk và Hoàng tộc sang sống lưu vong tại Trung Quốc, sau đó thành lập Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Campuchia (FUNK) và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Vương quốc Campuchia (GRUNK).
 
 Ngày 17-4-1975, nhân dân Campuchia giành lại độc lập. Sau đó tập đoàn Pol-Pot Yeng Sary (tức Khmer đỏ) thi hành chính sách diệt chủng cực kỳ tàn khốc, tàn sát hàng triệu người vô tội.
 
 Ngày 2-12-1978, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Campuchia ra đời do ông Heng Samrin làm Chủ tịch.
 
 Ngày 7-1-1979, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã đứng lên lật đổ chế độ diệt chủng Pol-Pot Yeng Sary, thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia, năm 1989 đổi thành “Nhà nước Campuchia” (SOC).
 
 Ngày 23-10-1991, Hiệp định Hòa bình Pari về Campuchia được ký kết giữa 19 nước và 4 phái Campuchia tại thủ đô Paris (Pháp).
 
 Ngày 24-9-1993, Hiến pháp mới được phê chuẩn, đặt tên nước là Vương quốc Campuchia.

Chính trị

- Thể chế chính trị: Quân chủ lập hiến.

- Hiến pháp: ban hành ngày 21-9-1993.

- Cơ quan hành pháp: Đứng đầu Nhà nước là Quốc vương. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng.

- Cơ quan lập pháp: Quốc hội và Thượng viện.

- Quốc hội: nhiệm kỳ 5 năm, có 123 ghế, bầu đại biểu theo chế độ phổ thông đầu phiếu.

- Thượng viện: nhiệm kỳ 5 năm, có 61 ghế, trong đó 2 ghế do Quốc vương bổ nhiệm, 2 ghế do Quốc hội chỉ định.

- Cơ quan tư pháp: Hội đồng thẩm phán tối cao (thành lập tháng 12-1997); Toà án tối cao và các tòa án địa phương.

- Chế độ bầu cử: phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 18 tuổi trở lên.

- Các đảng phái lớn: Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Đảng FUNCINPEC (Mặt trận đoàn kết dân tộc vì một nước Campuchia độc lập, trung lập, hòa bình và hợp tác), Đảng Norodom Ranarit (NRP).

Kinh tế

Campuchia là nước nông nghiệp. Nông nghiệp, dệt may, du lịch và khai khoáng là những trụ cột chính trong nền kinh tế.
 
 Trong mấy năm gần đây, Campuchia là một trong những nước trong khu vực đạt mức tăng trưởng cao. Tăng trưởng GDP giai đoạn 2004-2008 đạt trên 9,5%/năm. Lạm phát được khống chế dưới một con số.
 
 Ngân sách tăng bình quân 10%/năm. Xuất khẩu và du lịch tăng trưởng mạnh từ 15-20%/năm. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng như điện, nước, cầu đường, thủy lợi, thủy điện được xây dựng.
 
 Đặc biệt, sản xuất lương thực liên tục tăng từ 3 triệu tấn năm 1998 lên 7 triệu tấn năm 2009, đảm bảo đủ nhu cầu trong nước và có khả năng xuất khẩu gần 2 triệu tấn gạo/năm.
 
 Đầu tư nước ngoài tuy không ổn định, nhưng nhìn chung có xu thế ngày càng tăng, ước đạt bình quân trên dưới 2 tỷ USD/năm.
 
 Năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, GDP của Campuchia giảm 0,9%; và chỉ thu hút hơn 520 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm 35,2% so với năm 2008.
 
 - Về công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 30% GDP.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính: hàng dệt, bột gạo, sản phẩm nghề cá, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, ximăng, đá quý.
 
 - Về nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 29% GDP.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: gạo, caosu, ngô, rau, hạt điều, bột sắn.
 
 - Về dịch vụ-du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ chiếm 41% GDP.
 
 Năm 2009, Campuchia đã đón 2,16 triệu du khách, tăng 1,7% so với năm 2008. Sáu tháng đầu năm 2010, lượng du khách nước ngoài tới Campuchia là 1,2 triệu lượt, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
 
 - Xuất khẩu: 4,13 tỷ USD (năm 2009).
 
 Mặt hàng xuất khẩu chính: quần áo, gỗ, caosu, gạo, cá, thuốc lá, giày, dép, bít tất.
 
 Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Mỹ (53,9%), Đức (7,7%), Canada (5,9%), Việt Nam (4,5%).
 
 - Nhập khẩu: 6,004 tỷ USD (năm 2009).
 
 Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: sản phẩm dầu mỏ, thuốc lá, vàng, nguyên liệu xây dựng, máy móc, xe máy, sản phẩm thuốc.
 
 Bạn hàng nhập khẩu chính: Thái Lan (26,8%), Việt Nam (19%), Trung Quốc (14,5%) , Hongkong (8,1%), Singapore (6,9%)

Văn hóa

Nền văn hóa Campuchia có lịch sử phong phú đa dạng trải qua nhiều thế kỷ .
 
 Trong lịch sử Campuchia, tôn giáo có vai trò lớn trong các hoạt động văn hóa.
 
 Trải qua gần 2.000 năm, người dân Campuchia đã phát triển một tín ngưỡng Khmer độc đáo với các tín ngưỡng hỗn hợp gồm tín ngưỡng thuyết vật linh bản địa và các tôn giáo Ấn Độ như Phật giáo và Hindu giáo.

Ẩm thực

Ẩm thực Campuchia, cũng như thói quen ẩm thực của nhiều dân tộc thuộc nền văn minh lúa nước trong khu vực châu Á.
 
 Người dân Campuchia có thói quen ăn gạo tẻ và ăn nhiều cá hơn thịt. Vào các ngày lễ tết, nông thôn cũng như thành thị đều có gói bánh tét, bánh ít. Phần lớn trong mỗi gia đình đều có mắm bồ hóc để ăn quanh năm.
 
 Ẩm thực Campuchia ảnh hưởng phong cách mạnh mẽ của Ấn Độ và Trung Hoa, hầu hết các món ăn có vị lạt, ngọt và béo. Món ăn Ấn Độ tìm thấy hầu hết ở các gia vị được dùng chủ yếu là cay như sa tế, ớt, tiêu, nhục, hồi .Món ăn Trung Hoa được tìm thấy nhiều với vị lạt và khá béo, nhiều dầu mỡ nhất là mang phong cách ẩm thực vùmg Tứ Xuyên.
 
 Một số món ăn thông dụng
 
 Đu đủ trộn
 
 Món ăn của Campuchia thấy có nhiều nét tương đồng với Thái Lan và Lào. Đặc biệt nhiều món ăn sống và rau trộn là phổ biến. Trong đó món tomyam - đu đủ bào - một loại gỏi được mỗi nước chế biến theo cách khác nhau. Ở Thái Lan thì có tôm khô, cà chua, đậu đũa, dưa chuột, tỏi, ớt v.v.; ở Lào lại có thêm ba khía; còn ở Campuchia nó được chế biến lạt hơn và ít thêm nguyên liệu phụ mà nguyên liệu chính là đu đủ.
 
 Đường thốt nốt
 
 Giống như miền Nam Việt Nam có nhiều dừa, Campuchia đặc trưng với sự hiện diện của cây thốt nốt. Hình ảnh cây thốt nốt gắn bó với đời sống của người dân với nhiều công dụng. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, thân cây dùng làm cột. Nước thốt nốt ngọt, chắt lọc từ hoa thốt nốt nên hương vị rất tinh khiết, được nấu thành đường. Đường thốt nốt không chỉ dùng nấu chè, còn có thể nêm vào thức ăn, canh hay các món kho.
 
 Ngoài ra, nước thốt nốt còn chế biến thành một loại rượu nhẹ như rượu vang rất đặc biệt còn có tên gọi là "tức-thốt-chu" (thốt nốt chua).
 
 Chè ngọt
 
 Chè Campuchia rất ngọt, có rất nhiều loại chè khác nhau mà người Campuchia chế biến theo vùng địa phương mang khẩu vị rất lạ. Đặc biệt có món chè thốt nốt - nguyên liệu lấy chủ yếu từ trái thốt nốt.

Điểm du lịch

Quần thể di tích Angkor - Niềm tự hào của đất nước Campuchia

Mỗi khi nhắc đến đất nước Campuchia, chúng ta không thể không nhớ về khu đền đài cổ kính Angkor - khu di tích đã trở thành biểu tượng của đất nước này, một khối kiến trúc vĩ đại đã được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa của Thế giới.

Nằm cách thủ đô Phnom Penh hơn 200km về phía Tây Bắc, Siem Reap là một thị xã nhỏ mang đậm nét kiến trúc Pháp. Thị xã nhỏ yên tĩnh với những khách sạn, khu biệt thự đẹp nằm gần Hồ TonleSap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Khu đền Angkor nằm trong khu vực Siem Reap, khiến nó trở thành địa danh nổi tiếng khắp thế giới.

Gốc của từ Angkor theo tiếng Phạn là Nagara, nghĩa là kinh đô. Người Khmer phát âm từ kinh đô là Nokor. Người Pháp đọc và ghi lại là Angkor. Từ đó, tên riêng Angkor trở nên thông dụng trong sách vở.

Angkor là một thời kỳ huy hoàng nhất của dân tộc Khmer kéo dài từ năm 802 tới năm 1431. Nhưng nói tới Angkor, người ta nghĩ ngay đến một đô thị với hơn 100 đền tháp kỳ vĩ, niềm tự hào của nền nghệ thuật kiến trúc không chỉ của dân tộc Khmer mà còn của cả nhân loại. Lịch sử của Angkor là lịch sử hình thành, phát triển và hoàn thiện loại kiến trúc đền tháp độc đáo có một không hai của dân tộc Khmer.

Angkor Wat - Công trình đặc sắc

Angkor Wat được coi là công trình lớn nhất, đặc sắc nhất của toàn thể khu Angkor, một biểu tượng cho sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc Khmer của người Campuchia và nghệ thuật kiến trúc Hindu của nền Văn hóa Ấn Độ.

Sự hoàn hảo của Angkor Wat trong sắp đặt, sự cân bằng và số lượng lớn những bức phù điêu, tượng đã khiến nó trở thành một trong những công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất hiện nay.

Angkor Wat nằm cách SiemReap 6km về phía Bắc và ở phía Nam Angkor Thom. Chỉ có một lối duy nhất vào đền từ phía Tây. Đền được xây dựng trong 30 năm thời kỳ nửa đầu thế kỉ XII, dưới thời vua Suryavarman II để thờ thần Vishnu (đạo Hindu).

Angkor Wat nằm trên một khuôn viên rộng 208ha, xung quanh là dãy hào rộng 200m và có chu vi tới 5,5km. Độ cao của Angkor Wat là 213m, 3 tầng, tầng trên cao hơn tầng dưới.

Tầng thứ ba có 5 ngọn tháp, 4 ngọn 4 góc và 1 ngọn ở giữa. Chỉ ở một số góc nhất định người ta mới nhìn thấy cùng lúc cả 5 ngọn tháp này. Đây là một nét kiến trúc độc đáo của Angkor Wat. Đền thể hiện quan niệm của đạo Hindu về vũ trũ, trong đó trái đất là trung tâm.

Giữa Đền là biểu tượng núi Meru, 5 ngọn tháp đứng thành hình vòng tròn hình thành lên đỉnh của các ngọn núi. Bức tường chính thể hiện dãy núi ở rìa trái đất còn dãy hào sâu bên ngoài là chỉ đại dương bao quanh trái đất.

Đường vào Đền Angkor Wat là đoạn cầu đá dài bắc qua hồ nước bao quanh đền. Đền Angkor Wat hình chữ nhật, dài 1.500m, rộng 190m.

Theo các nhà học giả Finot, Coedes, Bosh thì Đền được xây dưới thời vua Suryavarman II để làm mộ thờ của vua, với các điêu khắc theo truyền thuyết thần Visnu. Đ

ể cảm nhận được sức mạnh huyền bí, quyến rũ của Angkor Wat, du khách nên đợi đến hoàng hôn. Angkor Wat dưới ánh hoàng hôn, Đền với các tháp và đá giống như một khối vàng rực rỡ ẩn hiện dưới bóng cây thốt nốt.

Angkor Wat không chỉ tạo nên ấn tượng do mức độ hoành tráng của nó mà còn do sự sắp đặt và thiết kế bên trong Đền cũng hết sức hoàn hảo. Vượt qua lối đi và qua cổng chính mới chỉ là qua được lớp tường ngoài. Đi vào sâu hơn là một trong 3 căn phòng đồng tâm với hàng nghìn bức phù điêu, tượng có vẻ mặt dữ tợn và dãy hành lang dài tới 400 m. Đi tiếp vào trong và lên cao, khu trung tâm hiện ra mờ mờ với một điện thiêng có hình tháp nhìn giống như một đài sen khổng lồ cao tới hơn 200m.

Angkor Wat còn là một công trình phù điêu có lịch sử lâu đời nhất của thế giới. Trên mỗi bức tường đá của Đền đều có khắc hình ảnh mà mỗi nhà nghiên cứu đều có thể tìm thấy ở đó nguồn tư liệu quí giá về tôn giáo, lịch sử và xã hội.

Nổi trội nhất là những bức phù điêu về các truyền thuyết của đạo Hindu và các vũ công Apsara. Không ở đâu khác chúng ta có thể tìm thấy những công trình điêu khắc về điệu múa dân tộc này của Campuchia sinh động và chi tiết như ở các bức tường của đền Angkor Wat.

Những đường nét mềm mại của cơ thể các vũ công cũng như các động tác được khắc hoạ tỉ mỉ, tuy là ở trên đá nhưng không hề cứng nhắc, biểu hiện nhân sinh quan đầy chất nhân văn và thẩm mỹ của người Khmer cổ xưa.

Cũng như các thủ đô khác trên thế giới, khu đền Angkor nói chung và đền Angkor Wat nói riêng được xây dựng trong một tầm nhìn quân sự của các vị vua trị vì; đồng thời cũng biểu hiện sự kết hợp hài hoà trong Văn hóa phương Đông.

Bao quanh khu đền là một đường hào ngập nước nhằm tránh cho khu vực trung tâm không bị ngoại bang tấn công. Đường hào này hiện nay vẫn tồn tại nhưng đã được mang ý nghĩa khác, nó bổ sung tính thẩm mỹ cho những toà tháp đá. Cùng với hàng cây thốt nốt xung quanh đền Angkor hiện diện hài hoà như một tổng thể giữa trời, đất và nước.

Angkor bị lãng quên cho đến thế kỉ thứ XIX. Một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp đã khám phá lại di tích Angkor và từ đó, cái tên Angkor sống lại trong tâm trí của người dân Campuchia như một biểu tượng về một quá khứ vàng son đã lùi xa nhưng cần trân trọng.

Từ thành cổ đổ nát, Campuchia đã tôn tạo lại các đền đài và toà tháp. Điều này có ý nghĩa trước hết về mặt tâm linh đối với bản thân người dân Campuchia bởi nó khôi phục lại lịch sử đã mất đI; còn đối với thế giới thì nó mở ra một cách cửa mới cho việc tiếp xúc với một nền Văn hóa đầy bí ẩn trong lịch sử.

Do ý nghĩa lịch sử và Văn hóa của Angkor Wat, năm 1992, UNESCO đã công nhận đền Angkor Wat và cả khu vực Angkor là di sản Văn hóa thế giới.

Angkor Thom: Thành phố “nghìn khuôn mặt”

Cách không xa Angkor Wat là đô thị cổ Angkor Thom, nơi có thể sánh được với thành Rome cổ đại về cả kích thước lẫn dân số. Nó cũng được bao quanh bởi dãy hào rộng 100 m và tường cao 8 m.

Angkor Thom được vua Jayavarman VII xây dựng sau Angkor Wat gần 100 năm. Angkor Thom cũng có sức hấp dẫn huyền bí không kém Angkor Wat. Giữa quang cảnh đổ nát, đi quanh những tảng đá lớn nằm ngổn ngang ở đền Bayon, nhìn lên mọi hướng, du khách lúc nào cũng thấy tượng đầu người mỉm cười bí hiểm. Có tổng cộng 256 gương mặt đá trên 54 tháp nhìn khắp hướng ở đền Bayon.

Cấu trúc đền Bayon gồm ba tầng. Cả ba tầng đều bị đổ nát, gạch đá nằm ngổn ngang. Năm 1924, Henri Parmentier (nhà khảo cổ Pháp, người lập ra Viện bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng) đã tìm được ở Bayon một tượng bồ tát Lokesvara. Say này trong lòng trung tâm Bayon, một tượng Phật lớn cũng được tìm ra.

Đường đi vào thành phố, Angkor Thom cũng có 5 ngọn tháp đá mỗi ngọn cao 23m và khắc 4 khuôn mặt quay về 4 hướng. Những khuôn mặt này thể hiện những vị chúa thống trị 4 phương trên đỉnh núi thiêng Meru theo quan niệm Hindu.

Ở mỗi cổng vào thành là một con voi 3 đầu, vòi cuốn hoa sen. Trên lưng voi là thần Indra, hai bên lưng voi là thần Apsara. Có hai công trình đáng chú ý nữa ở Angkor Thom là đài vua Leper, được sử dụng cho các sự kiện lớn và đài Voi, nơi diễn ra các nghi lễ cầu cúng. Cả hai công trình đều được tạc các hình người và thần linh rất tinh xảo.

Về ý nghĩa, Angkor Thom là vũ trụ thu nhỏ, được chia thành 4 phần bởi các trục chính. Đền Bayon nằm chính giữa trung tâm các trục và được coi như sự kết nối giữa trời và đất. Tuy nhiên, “tâm điểm” của thành phố chính là đền Bayon. Nếu Angkor Wat khiến người ta phải sửng sốt vì sự hùng vĩ thì đền Bayon lại là sự khác biệt đến mức kỳ lạ.

Những ngọn tháp trong đền thể hiện hơn 200 khuôn mặt của vua Jayavarman (người tự coi là hiện thân của Phật Boddhisatva) đang nhìn chằm chằm. Hai bức tượng tướng canh cửa đựơc dựng bên lối vào của đền. Một người có khuôn mặt hiền hoà cầm đinh ba còn người kia khuôn mặt dữ tợn, cầm gậy.

Các cột vuông trong điện được trang trí với những hình ảnh vũ công và Apsara (nữ thần). Những dãy tường ngoài của đền là các bức phù điêu cũng thể hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Khmer thế kỉ XII, từ cảnh gặt lúa đến cảnh chiến đấu.

Đường vào cửa Angkor Thom rất ấn tượng. Hai bên là các tượng thần ôm thân con rắn bảy đầu dài khoảng vài trăm thước dọc hai bên cửa vào thành phố cổ này.

Trung tâm của thành phố Angkor Thom là đền Bayon, với bốn cửa theo bốn hướng. Kế đền Bayon về phía Tây Bắc là cung điện vua Phimeanakas; từ đó cũng có một trục chạy về phía Đông ra một cửa nữa gọi là cửa “Chiến thắng”. Angkor Thom vì thế có hai trung tâm thể hiện hai thời kỳ lịch sử xây dựng khác nhau.

Ta Prohm: Khu đền của thiên nhiên

Ta Prohm nằm phía Tây Nam đền Mebon và phía Đông Angkor Thom. Nếu ở các ngôi đền khác, các cư dân thường xuyên chặt cây, tỉa cảnh để tránh cho rừng già bao phủ thì đền Ta Prohm xây dựng thế kỉ XII vẫn giữ nguyên trạng kể từ khi nó được các nhà thám hiểm phát hiện lần đầu tiên vào thế kỉ thứ IX.

Mái đền đã được gắn vào vách đá qua hàng trăm năm tồn tại. Rễ của những cây cổ thụ đã đâm xuyên qua cả tường đá của đền. Để vào được đền, người ta phải leo qua những tảng đá to bằng cả chiếc ôtô đã rơi từ đỉnh núi xuống.

Ta Prohm là ngôi đền đầu tiên mà vua Jayavarman VII cho xây dựng ở Angkor. Nó thực ra là một tu viện có tên là Rajavihara (tu viện của vua). Hình ảnh lớn nhất trong điện, hình nữ thần khôn ngoan của đạo Phật Prajnaparamita, được dựng lên vào năm 1186. Sau đó đền bị bỏ hoang. Đó cũng là lý do tại sao cây cối lại mọc thành quần thể trong đền.

Những cầu văn bằng chữ Phạn khắc trên đá đã cung cấp những chi tiết về đền. Xung quanh đền Ta Prohm là 3.140 ngôi làng. Đã có 79.365 người tham gia canh giữ đền trong đó có 18 đại sư, 2.740 quan lại, 2.202 tuỳ tùng và 615 vũ công.

Ta Prohm là một trong những ngôi đền lớn nhất trong quần thể Angkor. Theo các văn tự cổ, nó bao gồm 260 tượng thần, 39 tháp và 566 toà nhà.

Ta Prohm là đền lãng mạn nhất cũng nằm trong quần thể Angkor, được vua Jayavarman VII xây năm 1186 để tưởng niệm thân mẫu của nhà vua, Jayarajachudanami, dưới dạng tượng Quan Âm bồ tát Bát Nhã Ba và tượng thầy dạy của nhà vua, Jayamangalartha. Cả hai tượng được đặt trong đền.

Các cây cổ thụ mọc ngay trên đền, với rễ cây to lớn bao phủ các tháp và kiến trúc đền. Đó là hai loại cây, Ficus religiosa và cây bông gạo. Ngoài ra, quần thể Angkor còn có các phế tích khác như Preah Khan, Roulos, Banteay Srey, Phnom Bakeng.

Lễ hội

Ở Campuchia hiện nay có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống nên các lễ hội và lễ nghi cũng phong phú và đa dạng, mang nhiều nét đặc thù khác nhau. Tuy rằng một số phong tục tập quán và lễ hội đã mất đi và có nhiều thay đổi nhưng hiện nay rất nhiều lễ hội, phong tục tập quán độc đáo vẫn còn tồn tại.

Lễ hội lớn nhất ở Campuchia là lễ Bom Chaul Chnam (lễ hội mừng thu hoạch lúa thành công) được tổ chức vào ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 dương lịch.

Trong những ngày này mọi người gặp nhau và té nước vào nhau nhằm tin tưởng vào một vụ mùa bội thu trong năm tới.

Lễ hội này cũng được tổ chức ở Lào, Thái lan, và Myanmar - những nước có nền văn minh nông nghiệp.

Lễ hội lấy ruộng tổ chức vào ngày 6 tháng 5. Người ta lấy một con bò làm biểu tượng cho một vụ mùa mới của những người trộng lúa. Lễ hội này được tổ chức tại Hoàng cung thể hiện sự quan tâm của nhà vua đối với nhân dân và mùa màng.

Lễ hội Bam Dak Ben và Pchonum Ben được tổ chức vào ngày 11 đến ngày 13 tháng 10 hàng năm.

Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Trong những ngày này mọi người đến chùa cúng tế, đồng thời tạ ơn các nhà sư. Các nhà sư cũng được nghỉ lễ trong 15 ngày không đi khất thực mà người dân đem thức ăn đến cho các nhà sư.

Lễ Bonn Prathen thường được tổ chức vào tháng 10 suốt 29 ngày đêm liền. Đây là lễ hội của Phật Giáo lớn nhất trong năm. Mọi người tổ chức thành một đám rước lớn đến chùa mà các nhà sư đang đợi thay đổi trang phục màu vàng.

Lễ hội chèo thuyền (hay còn gọi là lễ hội nước) nhằm nhớ đến các lính thủy đã hi sinh để xây dựng thánh đường Angkor. Lễ này được tổ chức vào ngày 15 trăng tròn theo lịch âm (thường vào ngày 24 đến 26 tháng 11 dương lịch) và thường tổ chức trên sông Mekong tại thủ đô Phnom Penh.

Lễ Noel dành riêng cho đồng bào Công Giáo ở Campuchia. Mặc dù là một nước Phật Giáo nhưng lễ này ở Campuchia cũng được tổ chức khá rầm rộ.

Tết ở Campuchia

Người dân Campuchia có một lễ hội rất độc đáo là trong đêm giao thừa, mọi gia đình vùng Biển Hồ làm một cái đèn thật đẹp trên một cái mảng xinh xắn rồi đem ra thả trên mặt hồ.

Hàng nghìn ngọn đèn trôi lung linh trên sông thành một hội hoa đăng thật vui và đẹp. Mọi người tin rằng đèn của nhà nào vừa đẹp, vừa sáng suốt đêm thì nhà ấy sang Năm Mới sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Chính vì thế người dân vùng này thường đua nhau làm những chiếc đèn thật đẹp, lớn và cháy được lâu.