Cộng hòa Italy

Cộng hòa Italy

Quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Italy

Thứ tư 01/12/2010 | 21:56:17

Quan hệ giữa Việt Nam và Italy được phát triển, củng cố từ đầu những năm 90 của thế kỉ 20.

Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là “nước đầu cầu” để mở rộng quan hệ hợp tác với khu vực Viễn Đông; tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế.

Quan hệ ngoại giao

Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973.

Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư

Italy là một trong những nước Tây Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng đọng (những năm 1979-1989).

Hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy chưa xứng với tiềm năng kinh tế hai nước mặc dù tăng đều trong những năm qua, từ 320 triệu USD năm 1996 lên 1,67 tỷ USD năm 2008.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Italy bao gồm giày dép, càphê, hàng dệt may và thủy sản.

Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Italy gồm máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và nguyên liệu da.

Về đầu tư, Italy đứng thứ 33 trong số các quốc gia trên thế giới về mức đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 31 dự án trị giá 130 triệu USD (Italy đứng thứ 9 trong số các nước EU), chủ yếu trong các ngành giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.

Một số công ty Italy đầu tư hiệu quả tại Việt Nam như Perfetti (kẹo), Merloni Termo Sanitari (Bình nóng lạnh Ariston).

Hiện tại, Công ty Piaggio đang đầu tư 30 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất xe máy Vespa tại tỉnh Vĩnh Phúc với công suất 100.000 chiếc/năm.

Về viện trợ phát triển, hợp tác phát triển Italy bắt đầu tại Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ 20 dưới các hình thức cho vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại song phương hoặc thông qua các tổ chức quốc tế như Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), viện trợ khẩn cấp.

Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Italy và Việt Nam gồm cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế, hỗ trợ thể chế...

Năm 1997, Italy cho Việt Nam vay 100 tỷ lia (tương đương 60 triệu USD) thời hạn 35 năm, ân hạn 14 năm, lãi suất 0,5% để thực hiện các dự án về cấp nước và giáo dục.

Năm 2000, tại kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ (tháng 12/2000), Chính phủ Italy cam kết cấp bổ sung cho Việt Nam 16 tỷ lia tín dụng ưu đãi.

Italy cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại đối với dự án hàng hoá cho ngành nước trị giá 2,737 triệu euro và dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực thể chế giúp Việt Nam gia nhập WTO trị giá 751.950 euro.

Ngoài ra, Italy còn có hình thức viện trợ thông qua ủy thác hoặc theo hình thức đồng tài trợ như tài trợ 839.424 euro ủy thác qua trường Đại học Sassari cho dự án “Xây dựng trung tâm y tế Carlo Urbani” tại Đại học Y (Huế); tài trợ 1,083 triệu euro thông qua UNIDO cho dự án “Hỗ trợ thành lập cơ cấu trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ”; tài trợ thông qua IFAD 1,5 triệu euro cho dự án “Xoá đói giảm nghèo tại tỉnh Gia Lai”; tài trợ 1,49 triệu USD thông qua FAO cho dự án “Quản lý tổng hợp các hoạt động ở đầm phá Thừa Thiên Huế.”

Chính phủ hai nước đã ký 3 Bản ghi nhớ về việc thực hiện 3 dự án tín dụng ưu đãi với tổng trị giá hơn 30 triệu euro, tập trung vào các lĩnh vực:

- Lĩnh vực nước của tỉnh Bình Thuận;

- Vệ sinh môi trường của tỉnh Cà Mau;

- Vệ sinh môi trường của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Italy cũng đã nhiều lần viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam như viện trợ bão lụt (năm 1999, năm 2000, năm 2001), viện trợ khắc phục dịch cúm gia cầm (năm 2004), viện trợ khẩn cấp 1 triệu euro (1,44 triệu USD) để khắc phục hậu quả cơn bão Kammuri gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc (tháng 9/2008) và 200.000 euro khắc phục hậu quả do cơn bão Ketsana gây ra cho các tỉnh miền Trung (tháng 10/2009).

Quan hệ văn hóa-giáo dục

Hai bên thường xuyên tổ chức các tuần lễ, tháng văn hóa tại Italy và Việt Nam. Đáng chú ý là 2 liên hoan văn hóa Việt Nam “Rồng và Bướm” tại Roma (năm 2006 và năm 2007); “Gần và Xa” tại Udine (năm 2007) và “Năm văn hóa Italy tại Việt Nam” mang tên “Cầu vồng Ý” với hơn 40 hoạt động văn hóa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10-2007.

Chính phủ Italy đang phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 435.000 USD (phía Việt Nam đóng góp 19.000 USD), đồng thời giúp đào tạo và trang bị kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế cho cán bộ khảo cổ học, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn và cán bộ quản lý.

Về giáo dục, hàng năm Chính phủ Italy dành cho Việt Nam một số học bổng cho các khóa học tiếng Italy và học cao học; mở các khoá học tiếng Italy tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các Hiệp định đã ký kết giữa hai nước

- Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật (năm 1989);

- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (năm 1990);

- Hiệp định Hợp tác Văn hoá (năm 1990);

- Hiệp định hoãn nợ (tháng 8/1994);

- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 11/1996);

- Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Italy (ký ngày 13/6/2003 tại Hà Nội)./.