Cộng hòa Ấn Độ

Cộng hòa Ấn Độ

Quan hệ truyền thống Việt Nam-Ấn Độ

Chủ nhật 21/11/2010 | 08:34:28

Quan hệ truyền thống Việt Nam-Ấn Độ đã có từ lâu đời. Hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ nhau trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội ngày nay.

Mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru tạo dựng, tiếp đó được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp.  Ngày 7/1/1972, Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 4/2003), hai bên ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam-Ấn Độ bước vào thế kỷ 21 nhằm củng cố và phát triển sự hợp tác cả chiều rộng lẫn chiều sâu mang tính chiến lược.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 7/2007), hai bên đã ký Tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Bên cạnh sự hợp tác song phương, hai nước còn hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Liên hợp Qqốc, Phong trào Không liên kết, Hợp tác Nam-Nam, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các cơ chế hợp tác của ASEAN như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hợp tác Cấp cao Đông Á và Hợp tác sông Hằng-sông Mekong.

Để góp phần cụ thể hóa và không ngừng phát triển quan hệ hợp tác chính trị, kể từ năm 2003, Việt Nam và Ấn Độ đã thành lập cơ chế đối thoại chính trị thường niên giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Cơ chế này đã trở thành một kênh trao đổi thường xuyên và có hiệu quả giữa hai nước về các vấn đề chính trị quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Hợp tác an ninh-quốc phòng

Về quốc phòng: Hai bên trao đổi đoàn quân sự các cấp; hai Bộ Quốc phòng đều duy trì các cuộc đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng.

Về an ninh: Quan hệ hợp tác phát triển tốt trong các lĩnh vực trao đổi tài liệu, tin tức, đào tạo và trao đổi đoàn.

Quan hệ Kinh tế-Thương mại

Tháng 12/1982, ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Khoa học kỹ thuật giữa hai nước việt Nam và ấn Độ được thành lập và chính thức đi vào họat động. Đây là cơ chế quan trọng giúp hai bên trao đổi và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác nhau, trong đó có việc xây dựng Chương trình Hành động 3 năm một lần.

Đến nay, hai bên đã tổ chức được 13 kỳ họp luân phiên.

Về thương mại: Kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam-Ấn Độ tăng khá nhanh, từ mức khởi điểm khoảng 50 triệu USD vào giữa những năm 1980 lên trên 1 tỷ USD (năm 2006); 1,531 tỷ USD (năm 2007) và 2,5 tỷ USD (năm 2008).

Tính đến tháng 10/2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 1,643 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng sang Ấn Độ chủ yếu gồm than đá, hạt tiêu, linh kiện điện tử, caosu, quế, máy móc và thiết bị, thép, sợi, giày dép…

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Ấn Độ gồm thức ăn gia súc, điện thoại di động, máy móc thiết bị, tân dược, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép và kim loại các loại khác, nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may và da, vải các loại, thuốc trừ sâu ...

Về đầu tư: Tính đến tháng 9/2009, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào Việt Nam, Ấn Độ có tổng cộng 35 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 201,1 triệu USD, đứng thứ 32 trong tổng số 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Đáng chú ý, từ năm 2007, nhiều tập đoàn lớn khác của Ấn Độ như Essar, Tata đã quan tâm xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Về tín dụng: Từ năm 1976, Ấn Độ dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi và Chính phủ Việt Nam ngày càng sử dụng có hiệu quả. Năm 2007, Ấn Độ công bố dành cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho Dự án Thủy điện Nậm Chiến, hiệp định vay tín dụng này đã được ký vào tháng 1/2008. Sau đó, Ấn Độ tiếp tục công bố một khoản tín dụng mới cho Việt Nam trị giá 19,5 triệu USD.

Hợp tác văn hóa

Hiệp định Hợp tác Văn hóa giữa hai nước được ký năm 1976 là cơ sở cho Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước, được gia hạn định kỳ (gần đây nhất được gia hạn trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, tháng 7-2007).

Hàng năm, hai bên đều tiến hành trao đổi các đoàn nghệ thuật và văn hóa.

Hợp tác giáo dục-đào tạo:

Từ đầu những năm 90 của thế kỉ 20, hàng năm Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam trên 100 suất học bổng theo các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn, cả trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương (Hợp tác sông Hằng-sông Mekong, Kế hoạch Colombo), trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học và tiếng Anh, viễn thám.

Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ du học do chất lượng và chi phí hợp lý. Việt Nam cũng đã cấp cho sinh viên Ấn Độ 2 học bổng về tiếng Việt trong năm học 2006-2007.

Hợp tác khoa học-công nghệ

Hiệp định về Hợp tác Khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký năm 1976, ký lại năm 1996. Tiểu ban Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Ấn Độ được thành lập năm 1997 và đến nay đã tổ chức được 7 kỳ họp.

Nghị định thư về Công nghệ thông tin Việt Nam-Ấn Độ được ký năm 1999. Dự án Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam sử dụng khoản viện trợ 2,5 triệu USD của Ấn Độ đã được triển khai hiệu quả từ năm 2001, kết thúc tháng 6/2008 với kết quả tốt.

Ngoài ra, hai nước còn một số dự án hợp tác trong các lĩnh vực khác, đặc biệt như nghiên cứu hạt nhân và công nghệ sinh học (lai tạo giống cây, giống con).

Một số hiệp định, thỏa thuận quan trọng đã ký kết giữa hai nước

- Hiệp định Thương mại;

- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

- Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ Đầu tư;

- Hiệp định Lãnh sự;

- Hiệp định Hợp tác Văn hóa;

- Hiệp định Hợp tác Hàng không;

- Hiệp định Hợp tác Du lịch;

- Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự;

- Thỏa thuận Tham khảo về chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao;

- Thỏa thuận Hợp tác về Mỏ và Địa chất;

- Thỏa thuận Hợp tác về Môi trường;

- Thỏa thuận Hợp tác về Y học dân tộc;

- Nghị định thư về Hợp tác Quốc phòng;

- Nghị định thư về Hợp tác Công nghệ thông tin;

- Bản ghi nhớ về Hợp tác giữa Phòng Thương mại Ấn Độ (INCHAM) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI);

- Bản ghi nhớ giữa Phòng Thương mại Ấn Độ (INCHAM) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về thành lập Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ 2009;

- Bản ghi nhớ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES)./.