Cộng hòa Indonesia

Cộng hòa Indonesia

INSA phản đối việc tàu chiến Mỹ cập cảng Surabaya

Thứ hai 21/05/2012 | 16:31:00

INSA phản đối việc tàu chiến Mỹ cập cảng Surabaya Bốc xếp hàng ở cảng Tanjung Perak. (Nguồn: Internet)

Các nhà kinh doanh phụ thuộc vào cảng Tanjung Perak và Jamrud Utara ở Surabaya đã phản đối sự có mặt của tàu chiến Mỹ tại đây.

Theo kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước, trong các ngày từ 28/5 đến 8/6, ba tàu chiến USS Vandegrift FFG-48, USS Germantown LSD-42 và USCG Waesche với 831 thủy thủ của Hải quân Mỹ sẽ cập cảng Surabaya, tỉnh North Java, Indonesia, trong khuôn khổ tham gia cuộc tập trận chung mang tên “Hợp tác đào tạo và nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu” (CARAT) với Hải quân Indonesia.

Tuy nhiên, các nhà kinh doanh có hoạt động phụ thuộc vào các cảng Tanjung Perak và Jamrud Utara ở Surabaya đã phản đối sự có mặt của các tàu chiến Mỹ tại đây, với lý do chúng sẽ cản trở hoạt động xuất nhập khẩu và gây thiệt hại doanh thu ước tới 3,15 triệu USD trong khoảng thời gian lưu lại cảng.

Chủ tịch Hiệp hội các Chủ tàu Indonesia (INSA) tại Surabaya, Steven H. Lasawengen nói rằng sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ không những làm tăng khối lượng mà còn cản trở hoạt động bốc dỡ vận chuyển hàng của cảng, gây thiệt hại lớn cho các công ty xuất nhập khẩu.

Quan chức cấp cao phụ trách cảng Surabaya, Edy Prasetyo cũng xác nhận con số thiệt hại nói trên do INSA đưa ra hoàn toàn xác đáng, và cho biết cụ thể hơn, chẳng hạn cảng Jamrud Utara có chiều dài bến tàu 1.200m, trong đó 120m đang sửa chữa, 500m cho tàu thuyền chở khách, và sẽ phải dành 335m cho các tàu chiến Mỹ.

Như vậy phần dành cho các tàu hàng xuất nhập khẩu còn 225m, chỉ đủ cho một tàu chở hàng, có thời gian bốc dỡ trung bình 3-4 ngày, khiến nhiều tàu hàng khác phải chờ đợi lâu hơn. Trong khi đó chi phí trung bình một ngày sử dụng cảng cho mỗi tàu là 12.000-15.000 USD.

Tình hình cũng xảy ra tương tự với Tanjung Perak - cảng đang có lượng hàng hóa vận tải tăng trung bình tới 10%/năm.

Ông Edy Prasetyo nhấn mạnh rằng thiệt hại của các công ty xe tải, xe container và các pháp nhân có liên quan khác chưa hề được đưa vào trong tính toán này.

Ông Steven H. Lasawengen nhấn mạnh rằng INSA không phản đối sự hợp tác giữa hải quân hai nước, song việc các tàu chiến Mỹ neo đậu tại cảng là cơ hội tốt để INSA nhắc lại với chính phủ kiến nghị nhiều lần của mình về tình trạng quá tải quá mức của các cảng tại Surabaya, cần được đầu tư thích đáng nâng cấp và mở rộng năng lực./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)