Vương quốc Đan Mạch

Vương quốc Đan Mạch

Tăng cường hợp tác song phương Việt Nam-Đan Mạch

Thứ ba 06/11/2012 | 20:34:00

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Đan Mạch, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch, bà Helle Thorning Schmidt sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 7-8/11.

Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế thị trường cạnh tranh cao với chế độ phúc lợi lớn. Đây cũng là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới, với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất thế giới.

Do nghèo tài nguyên và thiếu nguyên liệu buộc người Đan Mạch phải học cách sử dụng nguyên liệu một cách tiết kiệm và hiệu quả, như ứng dụng năng lượng gió và các năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng phụ thuộc lớn vào các hoạt động ngoại thương, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu lương thực và năng lượng. Tuy nhiên, là nền kinh tế mở, Đan Mạch tiếp tục chịu tác động từ khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công kéo dài và suy giảm kinh tế ở các nước khu vực đồng Euro và Liên minh châu Âu (EU) nói chung. Nhờ chính sách kích thích nền kinh tế và tăng xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt ở châu Âu (Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển...) nên cuối năm 2010, kinh tế Đan Mạch từng bước có dấu hiệu phục hồi.

Cuối năm 2011, Chính phủ Đan Mạch đã kích hoạt tăng trưởng kinh tế bằng gói kích thích 18,7 tỷ DKK (tương đương trên 3 tỷ USD), tăng đầu tư công, đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tạo nhiều việc làm, đồng thời tăng một số sắc thuế để từng bước giảm thâm hụt ngân sách. Với các biện pháp mạnh mẽ, nền kinh tế Đan Mạch năm 2011 tuy chưa thực sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cũng đã có một số dấu hiệu tích cực, dự báo kinh tế Đan Mạch năm 2012 tăng trưởng 1,2% và năm 2013 tăng 1,4%.

Các ngành kinh tế thế mạnh của Đan Mạch gồm vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, ximăng, công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh-sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng. Các công ty Đan Mạch chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều công ty có thương hiệu nổi tiếng thế giới do trình độ chuyên môn hóa cao, có tầm nhìn và phạm vi hoạt động toàn cầu trong các lĩnh vực như vận tải biển, tuabin gió, đồ uống, ximăng, sản xuất đồ chơi...

Đan Mạch sớm nhận ra chỉ có phát triển nguồn lực con người thì mới có thể phát triển và thịnh vượng, nên đã dành 7,5% GDP cho giáo dục và có hệ thống giáo dục phát triển, chất lượng cao trên thế giới.

Hiện nay Đan Mạch là một trong những nước đi đầu trong viện trợ phát triển, dành gần 1% GDP cho viện trợ phát triển. Tháng 8 vừa qua, Đan Mạch đã công bố Ngân sách hợp tác phát triển giai đoạn 2013-2017 dựa trên các ưu tiên trong chiến lược mới của Đan Mạch là "Quyền được có cuộc sống tốt hơn". Theo đó, mục tiêu hợp tác phát triển của nước bạn trong giai đoạn mới là gắn chống đói nghèo với quyền con người và tăng trưởng kinh tế.

Đan Mạch và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1971. Ở Bắc Âu nhưng Đan Mạch là nơi có phong trào nhân dân ủng hộ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1977), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2009); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1998)... đã thăm Đan Mạch. Về phía Đan Mạch, nhiều đoàn cấp cao đã thăm Việt Nam, trong đó có các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội (1995), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Nữ hoàng Đan Mạch Magrethe II (2009)...

Kim ngạch thương mại giữa hai nước những năm gần đây có xu hướng tăng dần. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê và nhập khẩu chủ yếu là thiết bị điện, hóa chất, sản phẩm cơ khí, dụng cụ cắt gọt, sản phẩm sữa, nguyên liệu thô.

Là một trong những nước sớm đầu tư vào Việt Nam, tính đến tháng 8/2012, Đan Mạch có 101 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 625 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 96 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại nước ta. Các dự án của Đan Mạch thuộc loại nhỏ và vừa, ngoại trừ dự án xây dựng cảng Cái Mép (vốn đầu tư 268,6 triệu USD) và hai dự án sản xuất bia.

Các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh, với 45 dự án có tổng số vốn đầu tư 433 triệu USD; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 49 dự án có tổng số vốn đầu tư 162 triệu USD và các doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần và hình thức BOT (hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao), BTO (hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh). Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn khoa học, kinh doanh bất động sản. Các dự án này tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc nhóm các nước cung cấp nhiều vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại nhất cho Việt Nam. Ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, từ năm 1972 đến nay Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam hơn 1 tỷ USD vốn ODA. Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, Đan Mạch vẫn tiếp tục cam kết gia tăng viện trợ tài khóa 2010 cho Việt Nam là 67,9 triệu USD, tăng gần 6,6% so với năm 2008 là 63,7 triệu USD. Viện trợ phát triển của Đan Mạch thường tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Riêng lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đan Mạch hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho "Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu". Hiện nay Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, vào tháng 11/2011 Việt Nam và Đan Mạch đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh...

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Helle Thorning Schmidt, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo và văn hóa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đan Mạch tìm hiểu thị trường Việt Nam; thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh như: cảng biển, vận tải biển, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, công nghiệp ximăng...

"Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Đan Mạch tới Việt Nam. Đó là dấu hiệu rõ rệt cho thấy mối quan hệ song phương giữa Đan Mạch và Việt Nam đã được củng cố vững chắc. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Helle Thorning Schmidt sẽ giới thiệu và phát động Chiến dịch tăng trưởng tại Việt Nam nhằm tiến những bước mới đến một thỏa thuận hợp tác toàn diện sẽ được ký kết vào năm 2013 tại Copenhagen-Đan Mạch," Đại sứ Đan Mạch tại nước ta, ngài John Nielsen cho biết./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)