Vương quốc Đan Mạch

Vương quốc Đan Mạch

Quan hệ đối tác vì sự phát triển Việt Nam-Đan Mạch

Thứ tư 24/11/2010 | 00:00:00

Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25/11/1971). Hai nước đã có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu đời.

Quan hệ chính trị-ngoại giao

Ngày 25/11/1971, Việt Nam và Đan Mạch thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngày 12/5/1980, Đan Mạch lập Đại sứ quán tại Hà Nội.

Ngày 1/4/1994, Đan Mạch lập Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 12/8/2000, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Copenhagen, Đan Mạch.

Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư

Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong các năm qua tăng đều. Năm 2003, kim ngạch thương mại Việt Nam-Đan Mạch đạt 143,25 triệu USD; năm 2004 đạt 157,68 USD; năm 2005 đạt 158,79 triệu USD; năm 2006 đạt 221,2 triệu USD; năm 2007 đạt 308,6 USD; năm 2008 đạt 318,1 USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2009, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 119,2 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Đan Mạch gồm dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, càphê…

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đan Mạch sang Việt Nam gồm thiết bị điện, hóa chất, sản phẩm cơ khí, dụng cụ cắt gọt, sản phẩm sữa, nguyên liệu thô…

Để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, tháng 3/2007, Chính phủ hai nước đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Về đầu tư: Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 6/2009, Đan Mạch có 70 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 435 triệu USD, đứng thứ 22 trong tổng số 86 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 5 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp của Đan Mạch đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh với 34 dự án, tổng vốn đầu tư là 357 triệu USD; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 31 dự án, tổng vốn đầu tư là 57 triệu USD; và 5 doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần với tổng vốn đầu tư 21 triệu USD.

Các dự án đầu tư của Đan Mạch tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bà Rịa Vũng Tàu (2 dự án với tổng vốn đầu tư 189 triệu USD); Hà Nội (25 dự án với tổng vốn đầu tư 87,8 triệu USD) và thành phố Hồ Chí Minh (19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 58 triệu USD).

Về Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA): Đan Mạch là một trong những nước Bắc Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc vào nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam.

Từ 1972-2007, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 900 triệu USD vốn ODA. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2008 (CG 2008), Đan Mạch cam kết viện trợ cho Việt Nam 63,7 triệu USD (giảm 24,5% so với 2007).

Viện trợ phát triển của Đan Mạch tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính- ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Riêng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.”

Hợp tác trong lĩnh vực tư pháp

Đan Mạch cũng đang phối hợp với Thụy Điển và EC tài trợ cho “Chương trình đối tác tư pháp” với tổng mức kinh phí lên tới 18,6 triệu Euro.

Hợp tác tài chính-ngân hàng

Từ năm 1996-1998, mỗi năm Đan Mạch tài trợ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khoảng 10 triệu USD nhằm thực hiện Chương trình tín dụng điều chỉnh cơ cấu SAC 1.

Ngoài ra, hai nước đã ký 3 Hiệp định khung về tín dụng ưu đãi với hạng mục trên 140 triệu USD.

Hợp tác du lịch

Từ năm 2005, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Đan Mạch du lịch Việt Nam trong vòng 15 ngày. Năm 2007, Việt Nam đón 21.138 lượt khách Đan Mạch, tăng 17,1% so với năm 2006.

Hợp tác văn hóa

Từ năm 1999, Đan Mạch bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Quỹ Phát triển, Hợp tác và Trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch (gọi tắt là Quỹ Văn hóa Việt Nam-Đan Mạch) nhằm tài trợ cho các dự án nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, xuất bản, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nghệ sỹ ...

Từ năm 1999-2005, Đan Mạch đã hỗ trợ 3 triệu Kroner Đan Mạch (DKK) cho Quỹ. Năm 2006, Đan Mạch thông qua Chiến lược Quốc gia về Hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam giai đoạn 2006-2010, trong đó có chiến lược cụ thể về hỗ trợ văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Trong khuôn khổ chiến lược này, Đan Mạch đưa ra 7 dự án với tổng giá trị hỗ trợ là 13.895.000 DKK, gồm Quỹ Văn hóa Vùng và Dân tộc Thiểu số (2 triệu DKK); Quỹ Giao lưu văn hoá (3 triệu DKK); Dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hoá” (960.000 DKK); Dự án Giáo dục Nghệ thuật (3,4 triệu DKK); Dự án “Văn học thiếu nhi” (1,9 triệu DKK); Dự án “Không gian Nghệ thuật” (1,8 triệu DKK) và Dự án “Quản lý các sự kiện nghệ thuật” (750.000 DKK).

Một số hiệp định quan trọng đã ký kết giữa hai nước

- Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Khoa học, Công nghệ (tháng 6/1977);

- Hiệp định khung về Hợp tác phát triển hai nước (tháng 7/1992);

- Hiệp định về Nguyên tắc và Thủ tục cho hợp tác phát triển giữa hai nước (tháng 8/1993);

- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (tháng 8/1993);

- Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (năm 1995);

- Hiệp định Vận chuyển hàng không (năm 1997);

- Hiệp định khung về Chương trình tín dụng hỗn hợp Đan Mạch dành cho Việt Nam (ngày 23/4/2007).

- Bản ghi nhớ về Hợp tác Lao động và Việc làm (tháng 3/2009);

- Ý định thư hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Đan Mạch (tháng 9/2009);

- Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Trường Đại học Kinh doanh Nisels Brock (tháng 9/2009);

- Thỏa thuận chung về tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về Chương trình đối tác tư pháp (tháng 9/2009);

- Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Ngoại giao Đan Mạch (tháng 9/2009).

Cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch

Theo số liệu của các cơ quan chức năng Đan Mạch, hiện có khoảng 12.000 người Việt đang làm ăn và sinh sống tại Đan Mạch.

Cộng đồng người Việt tại Đan Mạch có cuộc sống khá ổn định, cần cù, chăm chỉ làm ăn, tôn trọng luật pháp và hòa nhập tốt với xã hội sở tại./.