Cộng hòa Liên bang Đức

Cộng hòa Liên bang Đức

Đức thông qua ESM và hiệp ước tài chính EU mới

Thứ tư 12/09/2012 | 18:17:00

Đức thông qua ESM và hiệp ước tài chính EU mới Bộ trưởng Tư pháp Andreas Vosskuhle. (Nguồn: ovb-online.de)

Tòa án Hiến pháp Đức ngày 12/9 đã thông qua ESM và Hiệp ước Tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU) với một số điều kiện nhỏ

Ngày 12/9, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã loại bỏ được trở ngại quan trọng trong cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công sau khi Tòa án Hiến pháp Đức thông qua Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và Hiệp ước Tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU) với một số điều kiện nhỏ, mở đường để Tổng thống Joachim Gauck ký phê chuẩn hai công cụ chống khủng hoảng này.

Bộ trưởng Tư pháp Andreas Vosskuhle cho biết sau khi xác minh ESM và Hiệp ước tài chính mới không vi phạm Hiến pháp Liên bang Đức, Tòa án Hiến pháp đã bác các kiến nghị của đảng Die Linke cực tả và ông Peter Gauweiler, thành viên đảng Bavaria, với lý do các kiến nghị này là "vô căn cứ."

Tòa đồng thời nhấn mạnh việc phê chuẩn ESM chỉ có giá trị nếu một số điều kiện được đảm bảo theo luật pháp quốc tế.

Trước đó, các nguyên đơn đòi ngăn cản Tổng thống Gauck ký phê chuẩn hai công cụ này với lý do ESM và Hiệp ước tài chính mới không phù hợp với Luật Cơ bản của Đức.

Tòa án Hiến pháp giải thích rõ bất kỳ gánh nặng tài chính nào đối với Đức bắt nguồn từ ESM chỉ gói gọn trong phạm vi 190 tỷ euro (tương đương 244 tỷ USD) mà Đức chịu trách nhiệm đóng góp cho quỹ này.

Mọi khoản vượt trội phát sinh phải được Quốc hội Liên bang thông qua và phải được thông báo đầy đủ cho cả hai viện Quốc hội.

Tòa án cũng yêu cầu Đức phải được đảm bảo một sự lựa chọn dựa trên thực tế trong trường hợp các lợi ích của nước này không được quan tâm.

ESM trị giá 500 tỷ euro lẽ ra phải hoạt động để thay thế Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) hết hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua.

Do phụ thuộc vào phần đóng góp lớn của Đức, EU đã phải tạm lùi thời gian hoạt động của ESM để chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức.

Theo các nhà quan sát, phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức đã giải tỏa căng thẳng cho Thủ tướng nước này Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU vì sự phản đối của tòa đối với hai công cụ nói trên có thể gây ra đợt hỗn loạn mới trên các thị trường tài chính và đẩy Eurozone vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới./.

(TTXVN)