Liên bang Thụy Sĩ

Liên bang Thụy Sĩ

Quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Thụy Sĩ

Thứ tư 24/11/2010 | 14:04:07

Việt Nam và Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ từ ngày 11/10/1971.

Tháng 2/1973, Thụy Sĩ mở Đại sứ quán tại Hà Nội; tháng 3/1994 mở thêm Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 3/7/1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Geneve, ngày 15/12/1994 nâng lên thành Tổng lãnh sự quán.

Ngày 28/1/2000, Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô Bern

Quan hệ kinh tế-thương mại

Trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển tương đối nhanh, đặc biệt sau khi hai nước ký Hiệp định hợp tác kinh tế-thương mại ngày 7/7/1993.

Năm 1994, Thụy Sĩ đưa Việt Nam vào nhóm các nước được hưởng ưu tiên trong trao đổi thương mại với Thụy Sĩ với chương trình hỗ trợ Việt Nam hội nhập nền kinh tế thế giới thông qua hợp tác, trao đổi thương mại để Việt Nam thực hiện thắng lợi chương trình xóa đói giảm nghèo.

Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước năm 2007 đạt 1,25 tỷ USD; năm 2008 đạt trên 2 tỷ USD; năm 2009 đạt 2,6 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Thụy Sĩ gồm giày dép, hải sản, cà phê, dệt may, sản phẩm túi xách, ô dù và đồ dùng nội thất.

Các mặt hàng nhập khẩu từ Thụy Sĩ về Việt Nam gồm kim loại quý, máy móc thiết bị, phụ tùng, hóa chất, tân dược, sản phẩm và nguyên liệu chất dẻo phục vụ sản xuất và gia công hàng hóa trong nước.

Hiện nay Thụy Sĩ là nước xếp thứ 19 trong số 86 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Hiện có 74 dự án đang hoạt động có số vốn đăng ký khoảng 1,43 tỷ USD.

Đầu tư của Thụy Sĩ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp (dự án sản xuất ximăng của tập đoàn Holcim đứng đầu với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD), nông lâm nghiệp và dịch vụ.

Hiện có khoảng 90 doanh nghiệp của Thụy Sĩ đang hoạt động tại Việt Nam và tạo ra khoảng 2.500 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Các nhà đầu tư của Thụy Sĩ thường lựa chọn hình thức công ty 100% vốn nước ngoài khi vào Việt Nam. Có thể kể đến các tập đoàn lớn như Nestlé (thực phẩm, đồ uống); Novatis/Ciba-Sandoz (hóa dược); Roche (dược phẩm); Holderbank/Holcim (ximăng); ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế); Sulzer (cơ khí, thiết bị điện); SGS (giám định); Escatec (thiết bị điện tử); Ringier (in ấn); André/CIE (thương mại); v.v...

Hợp tác phát triển

Mặc dù Thụy Sĩ đã quyết định giảm số lượng các nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển 17 nước xuống còn 12 nước thì Việt Nam vẫn được Thụy Sĩ xác định là nước trọng tâm được ưu tiên nhận viện trợ phát triển trong khu vực sông Mekong.

Chính sách hợp tác phát triển của Thụy Sĩ với Việt Nam tập trung các ưu tiên:

+ Hỗ trợ Việt Nam về phát triển đồng đều với sự tham gia của toàn xã hội.

+ Xây dựng một nền kinh tế mở theo cơ chế thị trường.

+ Bảo vệ môi trường, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững.

Cho đến nay, tổng giá trị viện trợ phát triển của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam vào khoảng 330 triệu CHF (franc Thụy Sĩ). Mặc dù gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Thụy Sĩ vẫn duy trì cam kế viện trợ cho Việt Nam với mức 21,5 triệu USD cho năm 2010.

Nhìn chung, các dự án ODA của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam được đánh giá hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Hợp tác du lịch

Hiện Thụy Sĩ có 2 dự án đầu tư về du lịch, với tổng số vốn đăng ký gần 218 triệu USD. Số lượng khách du lịch Thụy Sĩ vào Việt Nam ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, với 20.000 lượt khách năm 2008 và 19.000 lượt năm 2009.

Quan hệ văn hóa-giáo dục-đào tạo

Hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa tổ chức hòa nhạc hữu nghị Việt Nam-Thụy Sĩ (tháng 3/2007); mời nghệ sỹ cello của Thụy Sĩ sang giảng dạy và biểu diễn tại Việt Nam; Việt Nam giới thiệu văn hóa và biểu diễn văn nghệ truyền thống Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao. Cho đến nay đã có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.

Chương trình hợp tác liên kết đạo tạo thạc sỹ tài chính ngân hàng đầu tiên giữa Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (bắt đầu từ năm 2007) đã gặt hái những thành công bước đầu.

Ngoài ra, các thỏa thuận đào tạo tiến sỹ giữa các trường đại học cũng đang tạo đà quan trọng cho sự phát triển quan hệ hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước trong thời gian tới.

Cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ

Theo số liệu của Cơ quan Di trú Liên bang, khoảng 8.000 Việt kiều hiện sinh sống tại Thụy Sĩ, có mặt ở hầu hết các bang, nhưng tập trung ở các thành phố lớn như Geneve, Zurich, Bern, Basel, Lausanne, Luzren và Fribourg.

Cộng đồng người Việt hòa nhập tốt với xã hội Thụy Sĩ, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Đại đa số bà con yêu nước, gắn bó với quê hương. Nhiều người bằng nhiều hình thức khác nhau đã trực tiếp góp phần xây dựng quê hương, là cầu nối hữu nghị hợp tác giữa hai quốc gia.

Các hiệp định, thỏa thuận song phương đã ký kết

Cho đến nay, Việt Nam và Thụy Sĩ đã ký một số hiệp định song phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước:

- Hiệp định hợp tác bưu điện (năm 1975);

- Hiệp định hợp tác vận tải hàng không (năm 1979);

- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 7/1992);

- Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại (tháng 7/1993);

- Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp lần thứ nhất (năm 1993);

- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế (tháng 5/1996);

- Hiệp định bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (tháng 5/1999);

- Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (tháng 11/2000);

- Hiệp định khung về hợp tác phát triển (tháng 6/2002);

- Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp lần thứ hai (tháng 10/2002);

- Hiệp định nhận trở lại người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp (tháng 9/2006);

- Thỏa thuận giữa Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Laussane về phương thức hợp tác lâu dài trong lĩnh vực trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh và hợp tác nghiên cứu khoa học (tháng 8/2008);

- Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (năm 2009)./.