TRUYỆN NGẮN KHÔNG ĐỀ

Thứ sáu 31/08/2012 | 09:27:57

Tôi không phải là nhà văn, mà lại thích viết lách, nên mỗi lần viết thì lúng túng. Có khi lúng túng ngay từ tên truyện.

1. Mở đầu
Tôi không phải là nhà văn, mà lại thích viết lách, nên mỗi lần viết thì lúng túng. Có khi lúng túng ngay từ tên truyện. Chợt nhớ có lần đọc ở đâu đó, một nhà văn suy bì “Tại sao tên bài thơ có thể là Không đề, mà truyện ngắn thì không?”. Ừ nhỉ ? Tại sao không? Nghĩ vậy, tôi viết truyện ngắn Không đề. Bạn đừng ngạc nhiên
2. Nhân vật
Truyện của tôi, nhân vật có thật, tên Sơn.
Sơn chưa tới 30, nhưng hom hem như cụ già. Chưa đầy 1m6, nặng gần 45kg, lưng hơi gù, người chung cơ quan thường gọi Sơn còi. Cơ quan của Sơn là một tổ chức xã hội, ai cũng nói năng hoạt bát, tác phong nhanh nhẹn. Sơn được nhận vào làm chân chạy việc, lương thấp. Cũng phải thôi, vì Sơn học hành không giỏi giang gì. Bạn bè cùng lứa, ngoại ngữ như gió, vào công ty này công ty nọ, lương tháng tính bằng đô la, đi nước ngoài như đi chợ. Càng ngày, Sơn càng ít gặp bạn bè. Nhưng có vẻ Sơn hài lòng với cuộc sống của mình : Không vợ con, không bia rượu, chỉ mỗi thú vui chụp ảnh. Một năm nghỉ phép mấy ngày, Sơn đều dành thời gian đi xa đi gần, để chụp ảnh. Phụ nữ, trẻ em, người già…luôn là nhân vật chủ đạo trong ảnh của Sơn, đều là những gương mặt nhăn nheo, già nua, khổ cực. Trẻ em nếu có cười, thì nụ cười thường kèm nước mắt. Ảnh của Sơn, một vài Tây ba lô thích, gạ mua. Được tý tiền, Sơn lại đổ vào máy ảnh và những chuyến đi…Thành ra lúc nào Sơn cũng nghèo. Ai cũng nhìn thấy cái nghèo của Sơn, chỉ có Sơn là không mấy bận tâm, cứ ung dung tự tại, gàn.
3. Chuyện xảy ra từ một lá đơn
Đó là đơn khiếu kiện. Một người phụ nữ bị chủ mình lừa tiền, số tiền khá lớn. Chị ta uất ức làm đơn gửi khắp nơi. Cơ quan Sơn cũng nhận một bản copy. Đơn của chị đúng, chị có bằng chứng hẳn hoi, nhưng chẳng làm được gì, vì cái gã lừa tiền chị không có khả năng chi trả. Không biết bằng cách nào, gã từ một tay giàu sụ trở thành thằng kiết xác. Người bị gã lừa có đến hàng ngàn. Đơn của chị có thấm vào đâu. Ra tòa, trông gã thảm hại, không khác gì miếng giẻ rách. “Cứt trâu để lâu hóa bùn”. Nhiều người chán nản bỏ cuộc. Chị thì không, cứ gào khóc đòi tiền.
Những chuyện như vậy, Sơn nghe trong cơ quan bàn ra tán vào mới biết. Lá đơn để trên bàn của xếp, Sơn quét dọn rồi tình cờ đọc được mấy dòng “Tôi bệnh tật, con tôi còn nhỏ dại và cũng bệnh tật…”. Không biết tại sao, trí nhớ Sơn vốn kém cỏi là vậy, mà dòng địa chỉ dài ngoằng ghi trong đơn, Sơn lại thuộc lòng. Nó ám ảnh, thôi thúc. Thế là, với chiếc máy ảnh trong túi, Sơn đi tìm người phụ nữ kia, dung rủi mà gặp.
Như vớ được cọc, chị ta bám lấy Sơn, kể lể dài dòng. “Nhà cháu làm việc cho Công ty của hắn hơn mười năm, những mong để dành tiền chữa bệnh cho con. Ai ngờ hắn lừa, lấy tiền bảo hiểm của cháu. Nhà cháu có 2 con trai, thằng lớn ốm đau quặt quẹo, tuần nào cũng đi bệnh viện. Nhưng thằng bé mới đáng lo. Bác trông kìa”
Khỏi cần chị ta chỉ, thì Sơn cũng thấy, thằng bé nghịch ngợm đứng ngồi không yên nãy giờ, có một nửa khuôn mặt của thiên thần, và nửa kia là của quỷ sứ. “Cháu nó bị từ lúc lọt lòng, gọi là tràm chó. Bệnh viện nói có nhiều tiền thì chữa được lành lặn”. Sơn hiểu tại sao người phụ nữ gầy gò này gửi đơn khắp nơi, chạy khắp nơi với chiếc xe máy cà tàng. Một nửa khuôn mặt của thằng bé nám đen, trên vùng đen đó là lông đen. Lông khá dài, như người ta cắt tóc kiểu đầu đinh. Thằng bé nghịch ngợm là thế, mà Sơn đưa ống kính chụp hình thì nó giãy, nó tránh. Chắc là nó xấu hỗ.
Mãi Sơn mới dứt khỏi câu chuyện lê thê của người phụ nữ. Mẹ nào cũng thương con, chị thương con đến độ lảm nhảm, như bệnh thần kinh. Sơn ra đường cái, trời đã tối mịt. Nhà chị sâu quá, Sơn không quen đường, nên lạc.
Sơn vừa đi, vừa nghĩ. Có lần, một tay Tây ba lô đã móc tiền giúi vào túi Sơn. Anh ta nói rõ ràng bằng tiếng Việt “Giúp đỡ”, và chỉ vào người phụ nữ đội nón lá, ngâm gần hết người dưới biển mò nghêu, trong tấm ảnh của Sơn. Lần đó, Sơn phải trở lại vùng biển ấy, tìm kiếm mãi mới ra người mình chụp ảnh để trao số tiền. Thằng Tây đâu biết để có được tấm ảnh đó, Sơn phải ngâm mình hàng giờ.
“Có thể mình giúp được thằng bé”. Bây giờ người hảo tâm rất nhiều, họ sẳn sàng giúp, với điều kiện người thật việc thật. Họ cần lòng tin. Chỉ cần một tờ báo chịu đăng ảnh thằng bé, biết đâu….
Trời tối. Sơn vừa đi vừa nghĩ, không nghe tiếng xe gầm rú phía sau. Một chiếc trong đám đó tông thẳng vào Sơn. Anh bị hất văng, chiếc mũ bảo hiểm bể nát. Khuôn mặt bẹp dúm, Sơn chết ngay tại chỗ, trên môi còn đọng nụ cười.
4. Lời kết
Đám tang Sơn lặng lẽ, người đưa tiễn không đông nhưng có tình. Chiếc máy ảnh, thật kỳ lạ, sau một cú tông xe như trời giáng, vẫn còn nguyên. Một bạn đồng nghiệp của Sơn rửa ảnh, chắp nối các sự kiện…cuối cùng cũng hiểu Sơn đi đâu, làm gì, người trong ảnh là ai. Tấm ảnh thằng bé có nửa mặt nám đen và người mẹ bù lu bù loa được đưa lên báo. Người mẹ được giúp tiền chữa bệnh cho thằng bé. Bạn bè Sơn tin rằng, làm thế, anh sẽ mỉm cười ở thế giới bên kia. Cơ quan có nhân viên tạp vụ mới, nhưng mọi người cam đoan vẫn nhìn thấy Sơn vào ra, tha thẫn dọn dẹp. Chiếc bóng của anh in trên vách chẳng vẻ gì còm cỏi, lại chừng như to lớn.
Như tôi đã nói, câu chuyện của tôi là có thật, nhân vật có thật, dẫu rằng bạn chỉ có mỗi một cách, là tin vào lời kể của tôi mà thôi.

Cao Thị Thanh Hà
(tháng 10/2007)

Thanh Ha (dadieu112@yahoo.com)