Cộng hòa Arập

Cộng hòa Arập

Syria chỉ trích đề xuất về một chính phủ chuyển tiếp

Thứ ba 09/10/2012 | 11:40:00

Syria chỉ trích đề xuất về một chính phủ chuyển tiếp Hiện trường vụ đánh bom tại Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Syria đã phản ứng mạnh với đề xuất gần đây của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu về một chính phủ chuyển tiếp.

Chính phủ Syria ngày 8/10 đã phản ứng mạnh với đề xuất gần đây của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu về một chính phủ chuyển tiếp tại Syria do Phó Tổng thống Farouk al-Sharaa đứng đầu.

Phản đối đề xuất trên, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad coi những kế hoạch như vậy là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của quốc gia Trung Đông này.

Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn quốc gia SANA phát đi, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi nhấn mạnh đề xuất của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu phản ánh sự "sai lầm mang tính chính trị và ngoại giao". Trong khi đó, đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ được phe đối lập ở Syria hoan nghênh.

Cuộc "khẩu chiến ngoại giao" này càng khoét sâu thêm căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng từng một thời là đồng minh, trong bối cảnh các vụ đấu pháo qua biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn trong ngày thứ sáu liên tiếp.

Ngày 8/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn trả vào các vị trí quân sự của Syria sau khi một quả đạn pháo bắn từ Syria rơi trúng một thị trấn biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho hay quân đội nước này đã trả đũa sau khi quả đạn pháo rơi vào huyện Altinozu thuộc tỉnh Hatay, Đông Nam nước này.

Cùng ngày, kênh truyền hình TRT Haber dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul khẳng định Ankara sẽ "không khoanh tay" trước tình trạng bạo lực đang gia tăng tại nước láng giềng Syria, đặc biệt là tình hình biên giới giữa hai nước đang trở nên hết sức căng thẳng trong những ngày qua. Ông cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới với Syria và sẽ nhanh chóng đưa ra những mệnh lệnh quân sự cần thiết khi thực tế yêu cầu.

Tổng thống Abdullah Gul cũng nhắc lại việc sau khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp phải hứng chịu một loạt vụ nã pháo từ phía Syria trong những ngày qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép quân đội tấn công đáp trả khi cần thiết, kể cả việc thâm nhập lãnh thổ đối phương. Đồng thời, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

[Đạn pháo bắn từ Syria rơi trúng miền Bắc Lebanon]

Trong một vụ việc đáng chú ý khác, ngày 8/10, một quả đạn pháo bắn từ Syria đã rơi xuống miền Bắc Lebanon song không gây thương vong. Quân đội Lebanon đã triển khai thêm binh sỹ và tăng cường tuần tra dọc biên giới.

Phát biểu tại Diễn đàn Dân chủ thế giới ở thành phố Strasbourg của Pháp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng sự leo thang xung đột giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới và tác động của cuộc khủng hoảng Syria tới Lebanon là "cực kỳ nguy hiểm".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng đã bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria nếu dẫn tới xung đột, có thể sẽ lan sang các nước láng giềng.

Nhận định về nguy cơ trên, Tân Hoa xã ngày 8/10 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng mặc dù Ankara luôn nhấn mạnh không muốn xảy ra một cuộc chiến với Damascus, nhưng việc đấu pháo tiếp diễn có thể dẫn tới kịch bản xấu nhất là chiến tranh. Ngay cả Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nhấn mạnh trong một phát biểu cuối tuần qua: "Chúng ta không hứng thú với chiến tranh, nhưng hiện cũng không cách xa nó."

Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Syria. Tối 8/10 lại xảy ra một vụ đánh bom xe ngay trước trụ sở tình báo của Không quân Syria ở ngoại ô Damascus. Sau vụ nổ là giao tranh ác liệt, nhưng hiện chưa có thông tin chính thức về thương vong.

Một số phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ cho biết lính gác của trụ sở trên đã nghi ngờ và nổ súng chặn chiếc xe bom trước khi đối tượng đánh bom liều chết kích hoạt chất nổ. Theo một số nhân chứng, vụ nổ rất mạnh, ở một số vùng ngoại ô có thể nghe rõ tiếng nổ.

Những vụ đánh bom liều chết nhằm vào lực lượng an ninh và quân đội Syria diễn ra ngày càng thường xuyên trong bối cảnh quân chính phủ đang đẩy mạnh các chiến dịch quy mô trên toàn quốc nhằm truy quét quân chống đối.

Ngày 8/10, liên minh đối lập Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) thừa nhận lực lượng nổi dậy có nguy cơ bị đẩy ra khỏi tỉnh miền Trung Homs khi quân đội được điều động tăng cường tới thành phố cùng tên ở tỉnh này. Trước đó, một chỉ huy của lực lượng chống đối "Quân đội Syria tự do" (FSA) nói rằng FSA đang "rất cần vũ khí hạng nặng" để chống lại các cuộc tấn công mạnh của quân chính phủ nhằm vào Homs.

Tỉnh Homs từng là một mặt trận khốc liệt song kể từ tháng Bảy, tâm điểm của cuộc xung đột ở Syria đã chuyển sang thành phố Aleppo ở miền Bắc. Ngày 8/10, quân đội Syria đã công kích dữ dội vào các khu vực quân chống đối đang ở kiểm soát ở phía Bắc và phía Đông của Aleppo.

Theo nguồn tin từ lực lượng chống đối, Chủ tịch SNC Abdel Basset Sayda đã lần đầu tiên về nước kể từ khi giữ cương vị trên hồi tháng Sáu vừa qua. Nhân vật này đã đến thị trấn Bab al-Hawa thuộc tỉnh Tây Bắc Idlib giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và gặp một số thủ lĩnh nhóm nổi dậy FSA.

Có tin Chủ tịch SNC đang lên kế hoạch tiến hành một thay đổi lớn nhằm giải tỏa những quan ngại về tính đại diện của tổ chức đối lập này, dự kiến sẽ công bố tại một cuộc họp ở thủ đô Doha (Qatar) vào tuần tới.

Hồi tháng trước, SNC đã đồng ý mở rộng để kết nạp thêm các nhóm đối lập Syria, song không có Ủy ban Điều phối quốc gia vì sự thay đổi dân chủ - nhóm chủ trương ủng hộ thay đổi chế độ bằng hình thức bất bạo động và phản đối hành động can thiệp của nước ngoài vào Syria.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), trong ngày 8/10 tại Syria có 141 người thiệt mạng, trong đó có 56 dân thường. SOHR cũng đưa ra con số thống kê mới là đã có hơn 32.000 người thiệt mạng tại quốc gia Trung Đông này kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra hồi tháng Ba năm ngoái, với đa số nạn nhân là dân thường. SOHR cho rằng chỉ riêng trong tuần qua, số trường hợp thiệt mạng đã vào khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, những số liệu này chưa được kiểm chứng độc lập./.

(TTXVN)