Kết nối, giữ bản sắc dân tộc để tự hào và tự tin

Thứ ba 15/11/2011 | 13:32:00

Kết nối, giữ bản sắc dân tộc để tự hào và tự tin Các đại biểu tham dự Hội nghị (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)

Đại đoàn kết là tinh thần chung của Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt ở nước ngoài, song còn đọng các tâm sự và nguyện vọng...

Trong Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nhiều ý kiến của các đại biểu từ các nước về tham dự hội nghị đã gây được quan tâm của toàn thể những người có mặt.

Giữ được bản sắc dân tộc để tự hào và tự tin

Bà Đinh Kim Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban bảo tồn văn hóa truyền thống đa sắc tộc tỉnh Yukon, Canada chia sẻ: "Cộng đồng người Việt Nam tại Canada có khoảng 250.000 người, là cộng đồng người Việt lớn thứ tư trên thế giới và là cộng đồng ngoại kiều lớn thứ tư tại Canada."

Bà Nguyệt nên đánh giá, đây là một cộng đồng tương đối trẻ, thanh thiếu niên chiếm khoảng 50% và là một trong những cộng đồng nghèo nhất trong các cộng đồng thiểu số tại Canada. Một trong những nguyên nhân là do cộng đồng thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau và không có người lãnh đạo đứng ra tập hợp cộng đồng.

Không né tránh thực tế, bà Nguyệt nhận định: "Điều đáng lo ngại là thế hệ trẻ ít quan tâm đến bản sắc và truyền thống văn hoá dân tộc mà chạy theo văn hoá phương Tây. Người Việt Nam tại Canada muốn thành công cần ba yếu tố: giữ được bản sắc dân tộc để tự hào và tự tin; tận dụng được cơ hội từ hệ thống giáo dục và phát huy tinh thần kinh doanh."

Bà Đinh Kim Nguyệt đề nghị cần thành lập các hội đoàn để phát huy tiếng nói của cộng đồng, đặc biệt là hội đoàn về văn hoá; đào tạo đội ngũ làm công tác cộng đồng cũng như huy động nguồn nhân lực tình nguyện cho Hội; có những hình thức đa dạng thu hút thanh niên; có sự hỗ trợ từ trong nước cho công tác dạy và học tiếng Việt cũng như cung cấp sách tiếng Việt, văn hóa phẩm cho cộng đồng tại Canada và tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền hoặc các thể chế văn hóa sở tại như các thư viện lớn.

Nói về cộng đồng Việt kiều Ai Lao tại Pháp, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hội thân hữu Việt kiều Ai Lao tại Pháp cho biết: "Hội Chủ tịch Hội thân hữu Việt kiều Ai Lao tại Pháp thành lập năm 1984, hoạt động tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy truyền thống, giữ bản sắc văn hoá, tham gia các hoạt động văn hoá với sở tại, hướng về quê hương đất nước."

Ông Minh có nêu kiến nghị: "Do đặc thù của người gốc Lào-Việt ra đi từ lâu, không còn giấy tờ Việt Nam, đề nghị Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho phép hưởng các ưu đãi như miễn thị thực, hai quốc tịch; đề nghị tăng thời hạn miễn thị thực mỗi lần về nước từ 3 tháng lên 6 tháng." Đó cũng là nguyện vọng của bà con muốn tăng thời gian mỗi lần về quê hương xứ sở thuận lợi liên kết làm ăn cũng như đủ thời gian tiếp nhận văn hóa "quê cha đất Tổ" một cách tự nhiên nhất.

Các hội đoàn hãy cùng kết nối

Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội chuyên gia Việt Nam tại Singapore đã giới thiệu về  cộng đồng tại Singapore là một cộng đồng trẻ, năng động, thành phần chủ yếu là trí thức. Hội chuyên gia Việt Nam tại Singapore thành lập năm 2007 với  mục tiêu kết nối cộng đồng và tạo ra sự thay đổi. Trong phần phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Anh Đào  hiết tha đề nghị các hội đoàn hãy cùng kết nối để hỗ trợ lẫn nhau.

Được biết, Hội chuyên gia Việt Nam này đang tiến hành 4 dự án: Xin sách của các nhà xuất bản lớn tặng cho các trường đại học; Dự án Mekong về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng song Cửu Long; Dự án phát triển nguồn nhân lực và nhóm doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan trao đổi: "Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan thành lập năm 2002, là tổ chức tự nguyện, được Nhà nước Ba Lan công nhận. Hội tích cực trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá cho thế hệ trẻ, giúp chị em chia sẻ khó khăn trong cuộc sống."

Kiến nghị từ tổ chức hội phụ nữ này là mong được cho phép người Việt Nam ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam được tham gia bầu cử. Tổ chức hội nghị dành riêng cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài để chị em có điều kiện giao lưu học hỏi; có hình thức tôn vinh các chị em có đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Hàng năm, hoạt động tổ chức trại hè rất có ý  nghĩa và tác dụng với người Việt trẻ xa quê hương, nên đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan cũng đã nêu nghị Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài xem xét tăng số lượng các cháu thiếu niên về dự trại hè.

Bà Thạch còn đưa ra băn khoăn về tình hình an ninh của cộng đồng thời gian qua chưa được bảo đảm, đề nghị các cơ quan trong nước có biện pháp giải quyết hoặc tác động để giải quyết vấn đề này, tạo dựng niềm tin vào Nhà nước ngày càng được vững chắc hơn để bà con yên ổn làm ăn./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)