Cộng hòa Bồ Đào Nha

Cộng hòa Bồ Đào Nha

IMF cảnh báo nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha

Thứ tư 21/11/2012 | 11:36:00

IMF cảnh báo nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha Ảnh minh họa. (Nguồn: netrightdaily.com)

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 20/11 đã đưa ra các cảnh báo nguy cơ đối với hai nền kinh tế của EC là Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 20/11 đã đưa ra các cảnh báo đối với hai nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha.

IMF cảnh báo nguy cơ lạm phát cao tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể đe dọa các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Trong báo cáo tổng thể đưa ra sau cuộc họp tham vấn định kỳ với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, các thành viên ban điều hành IMF đã đánh giá nỗ lực của Ankara trong kế hoạch vừa giảm thâm hụt ngân sách và lạm phát, vừa đặt ra giai đoạn ổn định và tăng trưởng cân bằng trong năm 2012.

Tuy nhiên, IMF cho rằng tỷ lệ lạm phát vẫn trên mức quy định và lạm phát dự kiến tiếp tục tăng có thể sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.

IMF dự báo lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm từ 10,4% trong năm 2011 xuống 7,5% vào cuối năm 2012 và tiếp tục giảm xuống còn 6,2% trong năm 2013, vẫn cao hơn nhiều so với mức trần 2% do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.

Trong khi đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đang bị chậm lại, từ chỗ đạt mức tăng 8,5% trong năm 2011, GDP của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ tăng 3% trong năm 2012 và 3,5% trong năm 2013.

IMF cho rằng với triển vọng kinh tế ảm đạm do những bất ổn từ bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể bị tổn thương trong nỗ lực nhằm xoay chuyển tình hình và chưa thể loại bỏ khả năng nước này phải đề nghị các định chế tài chính quốc tế hỗ trợ.

Trong khi đó, đề cập đến kinh tế Bồ Đào Nha, quốc gia thành viên Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ngập trong nợ, IMF cho biết Lisbon đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ kinh tế và có được nhận gói cứu trợ từ nước ngoài hay không phụ thuộc một phần vào chương trình cải cách kinh tế của nước này cùng với chính sách kinh tế của châu Âu.

Theo báo cáo đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ Eurozone, IMF nhận định triển vọng kinh tế ngắn hạn của Bồ Đào Nha vẫn bất ổn và trung hạn vẫn nhiều thách thức.

IMF dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 3% trong năm nay và tiếp tục giảm 1% trong năm 2013 trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục 15,8% trong quý 3/2012.

IMF cảnh báo hiệu quả của cứu trợ của nước ngoài dành cho nước này cũng phụ thuộc vào kế hoạch kinh tế của châu Âu với chương trình cải cách để đưa Eurozone thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay vì IMF cho rằng thương mại với các đối tác trong liên minh tiền tệ này là rất quan trọng đối với tiến trình phục hồi kinh tế của Bồ Đào Nha.

Tháng 5/2011, Bồ Đào Nha nhận được gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (tương đương 100 tỷ USD) từ nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB). Đổi lại Lisbon phải tiến hành chương trình cải cách kinh tế, theo đó giảm mức thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công đang ở mức cao hiện nay.

Ngày 20/11, trong lần xem xét thứ sáu, nhóm "bộ ba" chủ nợ đã thông qua một số điểm trong chương trình cải cách kinh tế của Bồ Đào Nha nhằm đổi lấy gói cứu trợ trên. Trước đó, giới chức Bồ Đào Nha cho rằng vẫn có thể đáp ứng các mục tiêu đề ra mà không cần đến gói cứu trợ từ quốc tế, song nhiều nhà kinh tế khẳng định mục tiêu này là không thể đạt được ./.

(TTXVN)