Nao lòng người xa xứ nhớ hồn Xuân đất mẹ Việt

Thứ tư 02/02/2011 | 10:34:00

Nao lòng người xa xứ nhớ hồn Xuân đất mẹ Việt Hoa đào là biểu tượng mùa xuân của phương Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Tết năm nay con không được về bên gia đình, chiếc bánh chưng mẹ gửi con hương vị Tết quê nhà, hồn Việt luôn có ở trong con.

Lúc thơ bé, bất cứ đứa trẻ nhỏ nào cũng mong muốn Xuân về, vì mùa Xuân có Tết.

Tết đến, lũ trẻ hào hứng mong đợi cha mẹ sắm cho quần áo mới, được nhận lì xì từ những người thân và quan trọng là cha mẹ sẽ “kiêng” mà không la mắng. Theo quan niệm dân gian, những ngày Tết mọi thành viên trong gia đình phải nói năng nhẹ nhàng, tránh giận dữ, bực tức, có như vậy trong cả năm gia đình mới hạnh phúc và yên ấm.

Khi trở thành người lớn, hình như nhiều người đã không còn mặn mà với Tết nữa thì phải. Nhất là thời buổi bây giờ, thịt cá, giò chả và cả bánh chưng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong bữa cơm hàng ngày.

Đâu đấy thường nghe thấy những lời than vãn “Lại sắp Tết rồi, nhanh thế nhỉ!” hay “Lại thêm một tuổi, già rồi...” thậm chí là “Tết chẳng biết đi đâu! Đi chúc Tết quanh quẩn nhau, mấy thằng ngày thường ghét nhau là thế, vậy mà Tết gặp nó lại phải tay bắt, mặt  mừng. Mệt quá!”... Tuy nhiên, những cảm xúc đó có thể chỉ là dòng suy nghĩ nhất thời của mỗi con người.

Đất trời ưu ái, ban tặng cho chúng ta mùa Xuân, ở đó có từng giọt nắng vàng trong vắt len lỏi qua kẽ lá, nhuốm lên những nhành non một màu xanh mơn mởn và ở đó cũng có những giọt mưa xuân nhẹ nhàng tưới đẫm nguồn sống vào trong đất. Cỏ, cây khoan khoái, hít một hơi dài thật sâu, luồn những cách tay săn chắc vào đất mẹ. Chúng say sưa tận hưởng bữa tiệc xuân ngọt ngào.

Tết về, Hà Nội lại được trở về không gian vốn có, yên tĩnh, bình thản. Mùa Xuân tràn vào từng ngôi nhà theo những sở thích riêng của mỗi gia chủ.

Không biết từ bao giờ, hoa đào và quất cảnh trở thành biểu tượng mùa xuân của người Hà Thành.

Với người Hà Nội, không cần biết giàu hay nhà nghèo, nhà to hay nhà nhỏ, chủ nhân trong mỗi ngôi nhà cố sắm một cành đào hay cây quất tương xứng với gia cảnh của mình.

Những trái quất trĩu cành, ánh lên trong sắc màu xanh của đám lá, tỏa hương thơm dịu ngọt, hứa hẹn mang lại cho chủ nhân một năm mới may mắn và sung túc.

Trong không gian ấm áp, những nụ hoa đào bé xinh xinh, cựa mình nở xòe từng cánh mỏng mong manh, điểm xuyến thêm nhụy vàng lóng lánh, dệt nên những chiếc khăn choàng mềm mại, trông dịu dàng mà sang trọng.

Những cành đào Xuân khi bị chạm nhẹ vào tức thì rùng mình, buông từng cánh  mỏng rơi xuống nền nhà, tạo những thảm hồng phơn phớt để tâm hồn lại dâng lên những cảm giác lâng lâng khó tả.

Đâu đó thoang thoảng hương mùi già làm ta ngây ngất. Các cô gái thời hiện đại trút bỏ sữa tắm, nước hoa công nghiệp, ngâm mình trong chậu lá mùi mẹ nấu, làn khói tỏa hương thơm quyện vào cơ thể người thiếu nữ, khiến cho con gái mẹ duyên dáng nhường nào.

Sáng mùng Một, mẹ trang trọng thắp nén nhang thơm ngát, vái thần linh đất nước, tổ tiên ông bà, mong cho gia chung được mọi bề yên ấm. Cha dúm một chút trà Móc Câu cho vào trong ấm, tráng trà cẩn thận, hãm cho vừa độ, đượm nước, rót ra chiếc chén hạt mít, nhâm nhi thưởng thức vị chan chát nơi đầu lưỡi tan dần ra, để lại vị ngòn ngọt với hương thơm đậm đà.

Con thức dậy, xúng xính trong bộ quần áo mới, khoanh tay chúc ông bà, cha mẹ: “Sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi," rồi sung sướng đón nhận bao lì xì từ tay mẹ với lời chúc “Ngoan ngoãn, học giỏi trong năm tới.”

Cả nhà cùng điểm tâm bánh chưng, măng lưỡi lợn nấu với chân giò. Bánh chưng hôm nay không giống như ngày thường, lớp gạo bên ngoài xanh biếc màu lá dong, lớp đậu bên trong vàng nhuyễn, mát lạnh. Ở giữa là miếng thịt sấn chín nục, tràn mỡ ngấm vào từng hạt gạo, ăn miếng bánh ngầy ngậy, dẻo và thơm.

Măng lưỡi lợn mẹ mua từ hôm 27 Tết, ngâm nước gạo, luộc vài lần cho mềm, đem ninh với chân giò, khi ăn cắn ngập răng, ngon như miếng giò lụa...

Con theo bà lên chùa, mọi người thành tâm chắp tay lạy Đức Phật. Con tìm thấy ở nơi đây sự thanh tịnh, sâu lắng của cuộc đời.

Mùa Xuân có ý nghĩa làm sao! Nó theo con từng bước vào đời. Tết năm nay con không được về bên gia đình, một chiếc bánh chưng bên xứ người cũng đủ nhắc con nhớ tới hương vị Tết quê hương, hồn Việt Nam luôn có ở trong con.

Giây phút giao thừa đang tới gần “Cầu chúc cho đất nước phồn vinh, cầu chúc cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu. Con yêu mọi người!”

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)