Nhật Bản

Nhật Bản

Việt Nam-Nhật Bản: Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á

Chủ nhật 21/11/2010 | 00:00:00

Việt Nam và Nhật Bản là những quốc gia hình thành và phát triển từ các nền văn minh phương Đông, do đó hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng trong lối sống, cách tư duy. Sự tương đồng đó là nhân tố quan trọng đối với quá trình phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Sau năm 1975, Việt Nam và Nhật Bản lập đại sứ quán ở mỗi nước, ký thỏa thuận về việc Chính phủ Nhật Bản bồi thường chiến tranh cho Việt Nam với danh nghĩa viện trợ không hoàn lại trị giá 13,5 tỷ yen (khoảng 49 triệu USD).

Từ năm 1992 đến nay, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…

Năm 2002, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Việt Nam và Nhật Bản còn tạo dựng cơ chế đối thoại ở nhiều cấp.

Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới thông qua các tổ chức quốc tế như APEC, WTO, ASEM, ARF; vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật...

Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có Liên hợp quốc.

Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư

Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Đặc biệt, ngày 1/10/2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước.

Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản-ASEAN, VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Về thương mại: Kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, Nhật Bản đã nhanh chóng vượt lên trở thành bạn hàng, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 2000-2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng gần 2 lần (từ 4,871 tỷ USD năm 2000 lên 8,503 tỷ USD năm 2005).

Năm 2006, trao đổi thương mại song phương đạt 9,932 tỷ USD; năm 2007 đạt 12,246 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2006.

Năm 2008, kim ngạch mậu dịch hai nước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD và năm 2009 đạt 13,76 tỷ USD. Trong quý 1/2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt 3,52 tỷ USD.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nhật Bản bao gồm thủy sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ...

Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Nhật Bản gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ôtô, nguyên liệu dệt, da...

Trong những năm gần đây, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự thay đổi rõ rệt. Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật Bản hoa tươi, hàng may mặc cao cấp, thực phẩm chế biến, hàng công nghiệp nhẹ như may mặc, cơ khí, đóng tàu…

Về đầu tư: Tính đến 20/4/2010, Nhật Bản có 1.211 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 19,34 tỷ USD, đứng thứ 3/84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, sau Đài Loan và Hàn Quốc.

Riêng trong năm 2010, tính đến ngày 20/5/2010, có 34 dự án mới với tổng số vốn 1,1 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hà Lan và Hàn Quốc trong số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA): Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã cam kết khoảng 16 tỷ USD ODA cho Việt Nam, trong đó riêng tài khóa 2009, khoản vay của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt 145,613 tỷ yen, mức cao nhất từ trước đến nay với tỷ lệ giải ngân là 13,8%.

Hợp tác du lịch

Nhật Bản luôn nằm trong số 5 nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Số du khách Nhật Bản chiếm gần 10% tổng lượng khách nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, lượng khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam đạt 359.231 lượt khách (giảm 8,6% so với năm 2008).

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2010 sẽ thu hút khoảng 500.000 khách du lịch Nhật Bản.

Hợp tác văn hóa-giáo dục

Về văn hóa: Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.

Hai bên đã lập Ủy ban chuyên gia Việt-Nhật về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long và ủy ban này đã họp phiên đầu tiên tháng 3-2007.

Hai bên cũng đã cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức lễ hội tại mỗi nước.

Nhật Bản đã thành lập Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (tháng 3/2008).

Hợp tác giáo dục-đào tạo

Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Phía Nhật Bản cam kết giúp Việt Nam đào tạo 1.000 tiến sỹ từ nay đến năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng học bổng cho Việt Nam trong 3 năm tới.

Số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản cũng không ngừng gia tăng, tính đến thời điểm hiện nay đã lên tới khoảng 17.000 người.

Việt Nam cũng đã đón nhận nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Với sự trợ giúp của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đang thí điểm dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác lao động

Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Từ năm 1992 đến cuối năm 2008, Việt Nam đã cử 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản học nghề và thực tập kỹ thuật trong các lĩnh vực như điện tử, gia công cơ khí, may công nghiệp, chế biến thủy sản, hải sản, nông sản.

Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, số lượng tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đạt khoảng 6.150 người (giảm 7,8% so với năm 2008).

Năm 2004, Việt Nam đã lập Văn phòng quản lý lao động tại Tokyo. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản rất chú trọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, năng lượng, khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Các hiệp định hợp tác được ký kết giữa hai nước

- Các hiệp định cho vay ODA hàng năm (từ 1992);

- Hiệp định hàng không (tháng 5/1994);

- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 9/1995);

- Hiệp định hợp tác kỹ thuật (tháng 10/1998);

- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004);

- Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ (tháng 8/2006);

- Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) (ký ngày 25/12/2008, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2009).

Một số thoả thuận khác

- Thỏa thuận cử đội hợp tác thanh niên hải ngoại (năm 1994);

- Biên bản về hợp tác lĩnh vực pháp luật (tháng 10/1996);

- Sáng kiến chung Việt - Nhật về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam (tháng 11/2003), giai đoạn hai (tháng 7/2006), giai đoan ba (tháng 12/2007);

- Tuyên bố chung về hợp tác IT Việt Nam- Nhật Bản (tháng 6/2004);

- Tuyên bố chung giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao “Vươn tới tầm cao mới của mối quan hệ đối tác bền vững” (tháng 7/2004);

- Thoả thuận hợp tác giữa Học viện quan hệ quốc tế Việt Nam và Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản (tháng 2/2005);

- Tuyên bố chung hợp tác du lịch giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và Bộ Lãnh thổ, Hạ tầng và Vận tải Nhật Bản (tháng 4/2005);

- Tuyên bố chung giữa Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (tháng 10/2006);

- Bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản (tháng 5/2007);

- Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda “Làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược” (tháng 11/2007);

- Thoả thuận hợp tác về lĩnh vực phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế-Thương mại-Công nghiệp Nhật Bản (tháng 5/2008);

- Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế-Thương mại- Công nghiệp Nhật Bản (METI) (tháng 12/2008);

- Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso “Về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (tháng 4/2009)./.