Cộng hòa Indonesia

Cộng hòa Indonesia

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Indonesia. Đêm Jakarta.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Indonesia.

- Tên nước chính thức: Cộng hòa Indonesia
 
 - Ngày Quốc khánh: 17/8/1945
 
 - Thủ đô: Jakarta
 
 - Vị trí địa lý: Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, gồm trên 17.500 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở khu vực giữa Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương; phía Bắc giáp Malaysia, phía Đông giáp Timor Leste và Papua New Guinea, phía Đông Nam và Nam trông sang Australia qua biển, phía Tây trông ra Ấn Độ Dương.
 
 - Địa hình: Phần lớn là vùng đất thấp ven biển, đất đai màu mỡ; các đảo lớn có núi.
 
 - Diện tích: 1.919.440km2
 
 - Khí hậu: Khí hậu biển, nhiệt đới, gió mùa, nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình là 26oC. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3.
 
 - Dân số: Khoảng 237,5 triệu người (đông thứ 4 thế giới) (2010).
 
 - Dân tộc: Indonesia có khoảng 300 dân tộc và sắc tộc khác nhau; trong đó có dân tộc Java (45%), dân tộc Xunđa (14%), dân tộc Mudura (7,5%), dân tộc Mã Lai ven biển (7,5%), dân tộc khác (26%).
 
 - Hành chính: Indonesia gồm 33 tỉnh, trong đó năm tỉnh có quy chế đặc biệt. Mỗi tỉnh có cơ quan lập pháp và thống đốc riêng. Các tỉnh được chia tiếp thành các huyện (kabupaten) và các thành phố (kota), chúng lại được chia tiếp thành các quận (kecamatan), và các nhóm làng (hoặc desa hay kelurahan).
 
 - Đơn vị tiền tệ: Rupiah (IDR)
 
 - Tôn giáo: đạo Hồi (86,1%), đạo Tin lành (5,7%), đạo Thiên chúa (3%), đạo Hindu (1,8%), các tôn giáo khác (3,4%).
 
 - Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính là tiếng Bahasa Indonesia, tiếng Mã lai, tiếng Java. Tiếng Anh, tiếng Hà Lan là ngoại ngữ thông dụng.

Địa lý

Indonesia có trên 17.500 hòn đảo, khoảng 6.000 trong số đó không có người ở.Các hòn đảo nằm rải rác ở cả hai phía đường xích đạo.
 
 Năm hòn đảo lớn nhất là Java, Sumatra, Kalimantan (phần Borneo thuộc Indonesia), New Guinea (cùng chung với Papua New Guinea), và Sulawesi.
 
 Indonesia có biên giới trên bộ với Malaysia trên hòn đảo Borneo và Sebatik, Papua New Guinea trên đảo New Guinea, và Đông Timor trên đảo Timor.
 
 Indonesia cũng có chung biên giới với Singapore, Malaysia, và Philippines ở phía Bắc và Australia ở phía Nam bằng một dải nước hẹp.
 
 Thủ đô, Jakarta, nằm trên đảo Java là thành phố lớn nhất nước, sau đó là Surabaya, Bandung, Medan, và Semarang.
 
 Với diện tích 1.919.440 km2, Indonesia là nước đứng thứ 16 trên thế giới về diện tích đất liền.
 
 Mật độ dân số trung bình là 134 người trên km2 (đứng thứ 79 trên thế giới) dù Java, hòn đảo đông dân nhất thế giới, có mật độ dân số khoảng 940 người trên km2.
 
 Nằm ở độ cao 4.884m, Puncak Jaya tại Papua là đỉnh cao nhất Indonesia, và hồ Toba tại Sumatra là hồ lớn nhất, với diện tích 1.145km2.
 
 Các con sông lớn nhất nước này nằm ở Kalimantan, và gồm các sông Mahakam và Barito; những con sông này là các đường giao thông quan trọng nối giữa các khu định cư trên đảo.
 
 Hoạt động kiến tạo và núi lửa Indonesia ở mức cao nhất trên thế giới.
 
 Indonesia nằm trên các rìa của các mảng kiến tạo Thái Bình Dương, Âu Á, và Úc khiến nước này trở thành nơi có nhiều núi lửa và thường xảy ra các vụ động đất.
 
 Indonesia có ít nhất 150 núi lửa đang hoạt động, gồm cả Krakatoa và Tambora, cả hai núi lửa này đều đã có những vụ phun trào gây phá hủy lớn trong thế kỷ 19.
 
 Vụ phun trào siêu núi lửa Toba khoảng 70.000 năm trước, là một trong những vụ phun trào lớn nhất từng xảy ra, và là một thảm họa toàn cầu.
 
 Những thảm họa gần đây liên quan tới hoạt động kiến tạo gồm vụ sóng thần năm 2004 đã giết hại tổng cộng gần 230.000 người và khoảng 167.736 người tính riêng phía bắc Sumatra, và trận động đất Yogyakarta năm 2006. Tuy nhiên, tro núi lửa là một yếu tố đóng góp vào sự màu mỡ của đất trong lịch sử từng giúp nuôi sống mật độ dân cư dày tại Java và Bali.
 
 Nằm dọc theo xích đạo, Indonesia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với hai mùa mưa và khô riêng biệt. Lượng mưa trung bình hàng năm tại các vùng đất thấp khoảng từ 1.780-3.175mm, và lên tới 6.100mm tại các vùng núi.
 
 Các vùng đồi núi - đặc biệt ở bờ biển phía tây Sumatra, Tây Java, Kalimantan, Sulawesi, và Papua - có lượng mưa lớn nhất. Độ ẩm nói chung cao, trung bình khoảng 80%. Nhiệt độ ít thay đổi trong năm; khoảng nhiệt độ ngày trung bình tại Jakarta là 26-30 °C.
 
 Rừng nhiệt đới ẩm chiếm gần 2/3 diện tích lãnh thổ. Đất canh tác 8% (3% được tưới), đồng cỏ 10%, rừng và cây bụi 67%, các đất khác 15%. Khoáng sản chính: dầu khí, thiếc, niken, bauxit, đồng, than, vàng, bạc.
 

Lịch sử

Thời trung cổ, trên quần đảo này đã xuất hiện những vương quốc hùng mạnh như Vương quốc Magiapahit. Từ cuối thế kỷ XVI, thực dân Hà Lan xâm lược Indonesia.
 
 Từ năm 1811, Anh tìm cách xâm chiếm Indonesia. Năm 1824, Anh và Hà Lan thỏa thuận về việc phân chia thuộc địa ở Đông Nam Á, theo đó Hà Lan cai trị Indonesia.
 
 Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phát xít Nhật chiếm đóng Indonesia. Ngày 17-8-1945, Indonesia tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hòa Indonesia.
 

Chính trị

Thể chế chính trị: Cộng hòa.
 
 Hiến pháp: Hiến pháp đầu tiên ra đời tháng 8-1945, sửa đổi vào các năm 2001 và năm 2002.
 
 Cơ quan hành pháp: Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ: Tổng thống.
 
 Cơ quan lập pháp: Hội đồng đại biểu nhân dân (DPR) (tức Hạ viện): 550 thành viên; Hội đồng đại biểu địa phương (DPD) (tức Thượng viện): 128 thành viên.
 
 DPR và DPD hợp thành Hội đồng hiệp thương nhân dân (MPR), cơ quan quyền lực cao nhất của Indonesia.
 
 Cơ quan tư pháp: Gồm Tòa án hiến pháp, Tòa án tối cao, Tổng chưởng lý và Ủy ban kiểm toán tối cao.
 
 Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu, cử tri từ 17 tuổi trở lên.

Kinh tế

Indonesia là một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong gần 30 năm “trật tự mới” (1966-1997), Indonesia đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn về kinh tế, GDP trung bình hàng năm luôn ở mức trên 7,2%.
 
 Năm 1998, Indonesia là nước phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực với mức tăng trưởng GDP âm 18%. Năm 1999, kinh tế từng bước được phục hồi, tốc độ tăng trưởng đạt 0,48%.
 
 Từ năm 2000-2008, kinh tế Indonesia tiếp tục hồi phục. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,4%; năm 2008 đạt 6,1%.
 
 Cuối năm 2008, đầu năm 2009, kinh tế Indonesia gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới. Do đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ đạt 4,5%, tỷ lệ thất nghiệp 7,7% và tỷ lệ lạm phát là 4,8%.
 
 Sáu tháng đầu năm 2010, GDP của Indonesia tăng 5,9%, dự kiến cả năm 2010 đạt 6,2%. Dự trữ ngoại tệ đến hết tháng 8-2010 đạt mức cao kỷ lục 81,3 tỷ USD.
 
 - Về công nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 47% GDP.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính: dầu mỏ và khí tự nhiên, hàng dệt, hàng thêu, giày dép, bít tất, sản phẩm mỏ, ximăng, phân bón, gỗ dán, cao su, thực phẩm, du lịch.
 
 - Về nông nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 15,3% GDP.
 
 Sản phẩm nông nghiệp chính: gạo, sắn, lạc, cô ca, càphê, dầu cọ (là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới), cùi dừa khô, gia cầm, thịt bò, thịt lợn, trứng.
 
 - Về dịch vụ
 
 Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ chiếm 37,7% GDP.
 
 - Xuất khẩu: 119,5 tỷ USD (năm 2009)
 
 Các mặt hàng xuất khẩu chính: dầu và khí đốt, thiết bị điện, gỗ dán, hàng dệt, cao su.
 
 Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Nhật Bản (17,28%), Singapore (11,29%), Mỹ (10,81%), Trung Quốc (7,62%), Hàn Quốc (5,53%), Ấn Độ (4,35%), Malaysia (4,07%).
 
 - Nhập khẩu: 84,32 tỷ USD (năm 2009).
 
 Các mặt hàng nhập khẩu chính: thiết bị máy móc, hóa chất, chất đốt, thực phẩm.
 
 Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Singapore (24,6%), Trung Quốc (12,52), Nhật Bản (8,92%), Malaysia (5,88%), Hàn Quốc (5,64%), Mỹ (4,88%), Thái Lan (4,45%)
 
 - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
 
 GDP tính theo sức mua (PPP): 969,5 tỷ USD (năm 2009).
 
 GDP bình quân đầu người: 4.000 USD (năm 2009).

Văn hóa

Indonesia có khoảng 300 nhóm sắc tộc, mỗi nhóm có văn hóa khác biệt và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, với ảnh hưởng từ Ấn Độ, Arập, Trung Quốc, Malaysia và châu Âu.
 
 Ví dụ, các điệu múa truyền thống Java và Bali chứa đựng các yếu tố văn hóa và thần thoại trong văn hóa Hindu, wayang kulit (rối bóng) cũng tương tự.
 
 Những loại vải dệt như batik, ikat và songket được sản xuất trên khắp đất nước Indonesia nhưng theo kiểu cách khác biệt tùy theo vùng.

Các môn thể thao thông dụng tại Indonesia là bóng bàn và bóng đá; Liga Indonesia là giải vô địch cấp cao nhất của các câu lạc bộ bóng đá tại Indonesia. Môn thể thao truyền thống gồm sepak takraw, và chạy đấu bò tại Madura.
 
 Tại các vùng có lịch sử chiến tranh giữa các bộ tộc, những cuộc thi đánh trận giả thường được tổ chức, như caci tại Flores, và pasola tại Sumba. Pencak Silat là một môn võ Indonesia. Các môn thể thao tại Indonesia nói chung thường dành cho phái nam và các khán giả cũng thường tham gia vào hoạt động cá cược.
 
 Âm nhạc truyền thống Indonesia gồm gamelan và keroncong. Dangdut là một thể loại nhạc pop đương đại phổ thông có ảnh hưởng từ âm nhạc dân gian Arập, Ấn Độ và Malaysia.
 
 Công nghiệp điện ảnh Indonesia phát triển mạnh trong thập niên 1980 và chiếm hầu hết các rạp chiếu bóng, dù tới đầu thập niên 1990 nó bắt đầu hơi suy giảm. Từ năm 2000 tới năm 2005, số lượng phim Indonesia được phát hành hàng năm đã liên tục tăng lên.

Ẩm thực

Ẩm thực Indonesia phong phú và đa dạng như chính nền văn hoá của đất nước vạn đảo. Thật vậy, sự đa dạng không chỉ ở cách thức chế biến món ăn mà còn ở cách thức thưởng thức món ăn.
 
 Gia vị là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc chế biến thức ăn. Thậm chí, ở Indonesia gia vị có thể góp phần sáng tạo ra các món ăn mới với những mùi vị đặc trưng. Bên cạnh những loại gia vị tiêu biểu của Indonesia như đinh hương, vỏ nhục đậu khấu, dầu lạc. Người dân Indonesia còn thích sử dụng những loại gia vị được chế biến từ thảo mộc tươi như quả lai, rau húng, cỏ chanh.
 
 Ớt và tiêu đỏ là những loại gia vị chính, có mặt trong tất cả các món ăn, vì thế rất nhiều món ăn của người Indonesia có vị cay xé lưỡi, vị cay của ớt chứ không như vị cay nồng của tiêu trong các món cà ri Ấn Độ. Gạo là lương thực chính của người Indonesia. Cá và các loại hải sản là nguồn thức ăn quan rọng và luôn dồi dào của đất nước vạn đảo.
 
 Về cách ăn, người Indonesia ở các vùng quê thường ăn bằng tay, còn dân thành thị dùng thìa và nĩa, chứ không dùng dao. Thức ăn vì thế được cắt nhỏ thành miếng vừa ăn.
 
 Khi làm cơm tiếp khách, người dân Indonesia chế biến những món ăn thật đặc biệt, thức ăn được bày trên một chiếc mâm lớn đặt ở giữa nhà. Theo tục lệ, nếu được mời dùng một bữa cơm như thế, du khách không nên ăn hết mà mỗi món ăn nên chừa lại một ít để chứng tỏ là du khách đã ăn thật no rồi và bữa cơm rất ngon miệng.
 
 - Satay
 
 Món ăn du khách có thể bắt gặp bất cứ đâu ở đất nước Indonesia. Thịt dùng trong món này thường là thịt bò hoặc thịt gà. Đặc biệt, công đoạn giết lấy thịt các con vật do người theo đạo Islam giáo thực hiện. Đó là một nét văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng Islam ở Indonesia.
 
 Thịt được ướp các gia vị như sả, riềng, muối, đường rồi nướng trên bếp than hồng. Khác với thịt nướng kiểu phương Tây thường nướng kèm với các loại rau củ tạo thành một xiên thịt lớn. Thịt xiên satay thì ngược lại, người đầu bếp thực hiện xiên thịt khá nhỏ. Để xiên thịt dậy mùi thơm và bóng đẹp khi nướng, đầu bếp quét lên xiên thịt vỏ chanh sắt sợi ngâm dầu.
 
 Que thịt xiên satay khi nướng xong có màu vàng nâu, miếng thịt ánh màu mở thơm nức. Ăn kèm thịt xiên satay là hành tây cắt miếng vuông và dưa leo. Món thịt xiên satay sẽ không trọn vẹn nếu thiếu nước chấm làm từ đậu phộng.
 
 Vị sả, ớt cay cay, vị ngọt thịt đậm đà. Vị béo ngậy của đậu phộng giã nhuyễn tan ra trong miệng tạo nên một cảm giác mà chắc chắn du khách sẽ không bao giờ quên.
 
 - Thịt bò rendang & sambal
 
 Rendang là một món ăn có nguồn gốc từ các nhóm dân tộc Minangkabau của Indonesia. Món ăn nhanh chóng trở thành món ăn nổi tiếng được nhắc đến khắp nơi trên thế giới.
 
 Rendang là một trong những món ăn đặc trưng của văn hóa Minangkabau và được chế biến để phục vụ những dịp lễ.
 
 Được làm từ thịt bò, món này được chuẩn bị theo phương cách truyền thống trong các dịp lễ hội ở Indonesia. Rendang được nấu chín trong nước dừa và gia vị vài giờ cho đến khi tất cả chín mềm hoà vào nhau tạo nên độ sánh cần thiết. Các gia vị bao gồm có thể là gừng, hẹ tây, riềng, lá nghệ, cỏ chanh và ớt.
 
 Rendang gà hay vịt cũng có chứa thêm me và thường là không cho nấu chín như thịt bò. Có hai loại rendang: khô và ướt. Rendang sấy khô có thể được giữ cho 3- 4 tháng, được dành cho những dịp lễ; Rendang ướt còn gọi là kalio có thể dùng trong vòng một tháng.
 
 - Mỳ xào Java
 
 Các món mỳ xào là món ăn ưa thích của người dân Indonesia. Người bình dân có thể chọn loại mỳ vừa ăn hợp khẩu vị. Còn đối với bậc trung lưu tại các nhà hàng cao cấp có phục vụ các món mỳ xào đặc biệt. Nhìn chung các món mì được làm bằng các loại ngũ cốc được trồng từ Indonesia như gạo, nếp, đậu xanh, đậu nành.
 
 Sợi mỳ mềm dai vừa ăn thấm đậm các hương vị xào kèm với các loại rau củ quả đặc trưng. Du khách dùng món mỳ đừng quên cho thêm các loại nước chấm truyền thống. Đây là một nét riêng của các món ăn ở Indonesia.

Điểm du lịch

- Đền Borobudur - Di sản thế giới, một kỳ quan nghệ thuật Phật giáo Đại thừa ở Indonesia

Đền Borobudur - kỳ quan của nghệ thuật Phật giáo Đại thừa - ở miền Nam Magelang, trung tâm đảo Java, Indonesia. Borobudur có nghĩa là Đền thờ Phật tại chốn linh thiêng.
 
 Năm 1991, đền Borobudur được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
 
 Theo các nhà sử học, công trình kiến trúc đền Borobudur được khởi công xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 774 đến năm 864 sau công nguyên, trong triều đại vua Syailendra.
 
 Sau khi vương triều Syailendra sụp đổ, ngôi đền đã bị lãng quên trong 10 thế kỷ.
 
 Năm 1814, các nhà khoa học châu Âu đã phát hiện ra ngôi đền Borobudur. Và từ đó, thế giới được biết đến sự hiện hữu của kỳ tích này.
 
 Đền Borobudur đã được phục chế và trùng tu qua các năm 1900; 1905; 1911; 1920 đến 1940; đặc biệt từ 1971 đến 1983, đền Borobudur đã được trùng tu lớn với sự tham gia của 600 nhà phục chế có tên tuổi trên Thế giới, chi phí đầu tư 50 triệu USD.
 
 Đền Borubudur được xây dựng trên một ngọn núi, với tổng diện tích 2500m2, chiều cao 42m, nằm giữa hai con sông lớn là Progo và Elo. Mặt đền quay về hướng Đông.
 
 Về mặt tổng thể, nhìn từ trên cao xuống, Borubudur trông giống như một Kim tự tháp với kiểu kiến trúc hình chóp, gồm hai phần, biểu trưng cho cấu trúc của vũ trụ theo quan điểm của Phật giáo, trời tròn, đất vuông: phần tròn gồm ba tầng, trong đó tháp trung tâm hình chuông; phần vuông ở dưới gồm 6 tầng. 3 tầng hình tròn tượng trưng cho tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới); 6 tầng hình vuông tượng trưng cho 6 cõi (trời, người, atula, ngã quỷ, thú vật, địa ngục).
 
 - Tầng thứ nhất (từ chân đồi lên) hình vuông, mỗi cạnh hướng về một phương rõ rệt. Giữa mỗi cạnh có một khoảng trống rộng 7,38m, có hai con sử tử bằng đá khá đồ sộ chầu hai bên.
 
 - Tầng thứ hai không xây theo dạng hình vuông như ở tầng thứ nhất, mà là hình đa giác 20 cạnh, gần như bao quanh lấy sườn đồi. Tuy nhiên, vẫn có bốn cạnh lớn hướng về bốn phương trời, giữa có bốn tầng cấp.
 
 - Từ tầng thứ ba, bốn, năm và sáu lại có hình dạng vuông.
 
 - Ba tầng tháp còn lại cuối cùng là hành lang tròn không có tường, không có lan can, ở đây chỉ có những bậc phẳng phiu, trơn nhẵn của các bậc hành lang rộng và 72 pho tượng Phật ngồi trong 72 tháp chuông trổ ô hình mắt cáo (tầng tròn một 32, tầng tròn hai 24 và tầng tròn ba 16). Trên cùng, chính giữa là ngọn tháp chuông to.
 
 Trên mỗi tầng đều có nhiều đền đài miếu mạo.
 
 Tất cả các bậc thềm từ tầng 1 đến tầng 9 đều được phủ kín những phù điêu, được chạm trổ công phu, mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các bồ tát, về thiên đàng, về địa ngục.
 
 Người ta đã thống kê được ngôi đền có 1.600.000 phiến đá lớn nhỏ được điêu khắc và chạm trổ tinh tế; 504 pho tượng phật; 72 tháp hình quả chuông và 1.500 tháp hình tứ giác. Để đi hết các bậc thang và hành lang lên đến đỉnh phải đi qua một chặng đường dài 5km.
 
 Hiện có rất nhiều giả thuyết xung quanh vấn đề kiến trúc cũng như mục đích sử dụng của ngôi đền. Song, một sự thật là Borobudur đại diện cho tinh hoa của vương triều Sailendra sùng đạo Phật. Các họa tiết trang trí đã tạo cho Borobudur trở thành một kỳ quan nổi tiếng của châu Á. Nơi đây là minh chứng cho thế giới lý tưởng của Đức Phật.
 
 Từ ấn Độ, Phật giáo đã trải qua một chặng đường dài vượt biển đến Indonesia và trở thành niềm tin mãnh liệt trong tâm hồn của người dân đảo Java. Tất cả đều thể hiện qua di tích Borobudur.
 
 Hàng năm, đây là nơi hành hương của Phật tử Indonesia trong dịp lễ Vesak (lễ Phật đản chính thức của Phật giáo Indonesia).
 
 - Đảo Bali
 
 Được mệnh danh là “Đảo thần,” “Vùng đất của một ngàn ngôi đền,” “Bình minh của thế giới” hay “Thiên đường nhiệt đới,” Bali (Indonesia) là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở châu Á.
 
 Đảo Bali nằm ở cực Tây của quần đảo Nusa Tenggara, giữa đảo Java và đảo Lombok, rộng khoảng 5.632km2 và có hình dáng giống một chú gà con với chiếc mỏ hướng về Ấn Độ Dương.
 
 Trong hơn 3.000 hòn đảo của Indonesia, chỉ Bali có đạo Hindu phát triển mạnh, chiếm vị trí độc tôn và hòa hợp được với Phật giáo và các đạo theo chủ nghĩa vật linh.
 
 Trên đảo Bali đâu đâu cũng có đền vì tại đây có tới 20.000 ngôi đền. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thế giới tâm linh đối với người dân nơi đây.
 
 Đối với dân chúng Bali, núi Agung được xem là linh thiêng nhất. Với chiều cao 3.014m, Agung là ngọn núi cao nhất Indonesia và là một núi lửa vẫn còn hoạt động.
 
 Người dân Bali tin rằng các vị thần cũng như linh hồn tổ tiên họ ngụ ở núi Agung, do đó nhiều người quay đầu về phía ngọn núi này khi ngủ.
 
 Dưới chân núi Agung là đền Pura Besakih, là ngôi đền cổ nhất, lớn nhất và quan trọng nhất của người dân Bali. Trước kia, hàng năm các vị vua chúa đều đi hành hương ở đây và hiện nay mỗi ngày đền đón hàng ngàn người hành hương.
 
 Đền Pura Besakih thực ra là một khu đền với 22 ngôi đền riêng lẻ, trải dài hơn 3km. Quang cảnh xung quanh đền rất đẹp và bình lặng. Khi núi lửa Agung phun vào năm 1963, Pura Besakih bị tàn phá nặng nề nhưng sau đó đã được xây dựng lại. Trải qua nhiều lần trùng tu ngôi đền này vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc cổ kính của nó.
 
 Một ngôi đền nổi tiếng khác ở Bali là đền Ulu Watu. Nằm trên một vách núi đứng cao 90, ngôi đền này được một giáo sĩ người Java thiết kế. Từ đền này nhìn xuống, du khách sẽ thấy Ấn Độ Dương xanh biếc mênh mông.
 
 Ngược về phía biển, bạn sẽ đến tham quan ngôi đền thiêng Tanah Lot, do những tu sĩ Bà La Môn xây trên một mỏm đá giữa biển vào thế kỷ XVI.
 
 Đền được dựng lên nhằm bày tỏ lòng kính trọng của con người đối với sự che chở của biển cả, với hình tượng là những con rắn biển được truyền tụng là người bảo vệ ngôi đền chống lại những thế lực xấu xa.
 
 Vào buổi sáng, khi thủy triều lên, ngôi đền bị làn nước cách ly nhưng đến chiều lại là nơi lý tưởng nhất ngắm hoàng hôn huyền ảo trên Ấn Độ Dương .
 
 Không chỉ nổi tiếng vì là “Vùng đất của một ngàn ngôi đền,” đảo Bali còn được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ, đầy sức hấp dẫn lạ kỳ, với những bãi biển xanh, những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, những ngọn núi lửa cao chót vót, những dòng sông cuộn chảy, những khe núi sâu hun hút, những mặt hồ nguyên sơ trên miệng các dãy núi lửa đã tắt và những cánh rừng nhiệt đới đầy ắp cuộc sống hoang dã.
 
 Các bãi biển ở Bali cũng là nơi thu hút nhiều du khách. Cách thủ phủ Denpasar của Bali hơn 6km, Sanur nổi tiếng là một bãi biển cát trắng đẹp.
 
 Vào đầu thế kỷ XX, Sanur còn là một ngôi làng nhỏ với nhiều cây dừa. Trong thập niên 1930, nhiều họa sĩ ngoại quốc bị cảnh đẹp ở Sanur thu hút nên quyết định an cư lập nghiệp tại đây.
 
 Một trong những họa sĩ đầu tiên ấy là Le Mayeur de Merpres, người Bỉ. Ông đã sống ở Sanur trong suốt 26 năm, từ năm 1932 cho tới khi qua đời vào năm 1958.
 
 Giống như Sanur, Nusa Dua là bãi biển cát trắng, nước biển trong một cách đặc biệt. Khi thủy triều xuống, san hô với đủ mọi hình dạng và màu sắc sẽ hiện ra.
 
 Những người yêu thiên nhiên sẽ tìm thấy ở đây nhiều điều thú vị như những rạn san hô cứng, những vùng lặn gần bờ, những suối nước nóng, các thác nước hùng vĩ và những chú cá heo.
 
 Nằm ngay gần sân bay đảo Bali, bãi biển Kuta rất nổi tiếng với những bãi cát phẳng mịn. Đây là nơi nghỉ mát lý tưởng với các hoạt động thể thao dưới nước như lặn ngắm sinh vật biển, lướt ván, đua thuyền, bơi lội, chơi bóng nước.
 
 Phía Bắc đảo Bali là bãi biển Lovina - bãi biển độc nhất vô nhị với bãi cát đen. Đây là nơi sinh sống của loài cá Nược, một loài cá đẹp và lạ mắt. Nước biển ở đây trong xanh với những bãi san hô rộng tạo điều kiện để phát triển dịch vụ lặn dưới đáy đại dương.
 
 Ngoài các đền và các bãi biển, Bali còn nổi tiếng về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
 
 Tại trung tâm hội họa truyền thống Ubud, du khách được tận mắt chứng kiến sự khéo léo, công phu của các nghệ nhân chạm khắc tranh. Còn tại Celuk Village, du khách có cơ hội hiểu thêm về làng nghề truyền thống chế tác đồ bạc tại Indonesia.
 
 Tại đảo Bali cũng có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, trong đó “Barong Dance” được coi là điệu múa “đặc sản” để xứ đảo Bali khoe du khách. Đây là loại hình nghệ thuật múa kết hợp nhiều nhạc cụ dân tộc.
 
 Tại làng Batubulan, du khách có thể vừa tham gia múa Barong Dance, vừa hòa mình vào truyền thuyết diễn tả cuộc chiến bất tận giữa thiện và ác.

Lễ hội

Lễ hội trèo cau được bôi mỡ (tiếng địa phương là Panjat Pinang) đã trở thành một trong những phong tục phổ biến nhất Indonesia. Panjat Pinang là một cách kỉ niệm ngày Độc lập độc đáo của quốc đảo này.
 
 Hàng năm, ở mọi vùng miền trên khắp cả nước, nhiều cây cau cao vút bị chặt ngọn, chỉ còn thân cây thẳng đứng, và một loạt giải thưởng treo quanh một vòng bánh xe được đặt trên ngọn cây.

Sau đó, thân cây bị bôi kín mỡ hoặc các chất bôi trơn khác và các thanh niên được mời tham gia lấy giải thưởng.
 
 Vì các cây cau đều khá cao và rất trơn, nên một mình trèo cây thì gần như không có cơ hội lên tới đỉnh, do vậy người tham gia thường kết hợp với nhau và chia phần thưởng nếu họ thành công. Các phần thưởng gồm có thực phẩm như bơ, đường, bột mỳ, và quần áo.
 
 Hầu hết người Indonesia tin rằng đây là một thử thách mang tính giáo dục, mọi người phải biết hợp tác với nhau và làm việc chăm chỉ mới đạt được mục tiêu.