Câu chuyện của phát thanh viên Việt kiều tại Pháp

Thứ ba 24/04/2012 | 09:06:00

Câu chuyện của phát thanh viên Việt kiều tại Pháp Vợ chồng bác Ngô Thiên Hớn tại Pháp. (Ảnh: Hà-Tuyên/Vietnam+)

Bác Ngô Thiên Hớn, 79 tuổi, nhớ lại một thời làm “phóng viên kiêm phát thanh viên” của chương trình "Gió mùa" tại Pháp hồi năm 1982.

"Suốt 60 năm nay chúng tôi luôn trăn trở nhớ về quê hương đất nước. Vì thế chúng tôi luôn giữ quốc tịch Việt Nam để có thể về Việt Nam mỗi khi có điều kiện thuận lợi."

Đó là tâm tư và nguyện vọng của bác Ngô Thiên Hớn, 79 tuổi đang sống và làm việc tại Pháp từ năm 1952, mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện nhân một chuyến công tác về thành phố Toulouse, Pháp.

Gặp chúng tôi, như được trò chuyện với những người bạn lâu ngày không được gặp, bác Hớn say xưa kể lại những năm tháng hoạt động sôi nổi cùng với Liên hiệp Hội Việt kiều (tiền thân của Hội người Việt Nam tại Toulouse), tham gia phong trào chống Pháp và chống Mỹ tại Pháp cho đến ngày đất nước giành độc lập.

Họ đã tham gia các cuộc míttinh tuyên truyền, vận động những người “phía bên kia," người Pháp có thiện cảm và quý mến Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của họ đối với hai cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; tổ chức Tết cổ truyền cho bà con Việt kiều tại thành phố, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ... nhằm tạo dựng tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng người Việt và giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê hương xứ sở mỗi khi Tết đến xuân về.

Bác Hớn cho biết, cũng qua các hoạt động phong trào sôi nổi ấy mà bác đã tìm được “một nửa” của mình - bác Nguyễn Ngọc Ảnh, người con gái Cần Thơ xinh xắn.

Đầu năm 1975, hai bác đã tìm địa điểm và mở một quán ăn, không chỉ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong công tác tuyên truyền và đảm bảo có một cuộc sống ổn định nơi đất khách, mà còn là cách để giữ quốc tịch Việt Nam và tranh thủ sự giúp ủng hộ của bạn bè Pháp. Nhà hàng cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối bạn bè Pháp với Việt Nam.

Phát thanh viên đài Occitanie

Sau năm 1981, khi đó Francois Mitterand lên làm Tổng thống nước Pháp, ông cho phép thành lập một số đài phát thanh tự do.

Năm 1982, với sự giúp đỡ của một số bạn bè Pháp tiến bộ, đài phát thanh Occitanie (Đài phát thanh của miền Nam nước Pháp) đã dành cho cộng đồng người Việt Nam tại đây mỗi tuần một buổi phát sóng trong vòng 1 giờ. Từ đó chương trình phát thanh “Gió mùa” dành cho Việt kiều ra đời.

Chương trình gồm có hai phần, 30 phút đầu là tin tức về Việt Nam và phần sau là phóng sự, bài viết về văn hóa, xã hội và cuộc sống thường ngày ở Việt Nam.

Với chiếc radio nhỏ của mình, mỗi buổi chiều bác Hớn đều mở cho anh em người Việt nghe và cập nhật thông tin từ Việt Nam để phổ biến cho bà con. Đồng thời đây cũng là nguồn thông tin chính để biên soạn các buổi phát sóng của chương trình "Gió mùa."

Để xây dựng các chương trình phát thanh phong phú và dễ hiểu đối với và cộng đồng Việt kiều, bác Hớn cho biết tin tức được lấy từ các báo của Việt Nam như Báo ảnh Việt Nam, Lao động, Sài gòn giải phóng, Văn hóa, Văn nghệ Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hương (Huế). Cũng từ đó bác Hớn trở thành “phóng viên kiêm phát thanh viên” của chương trình.

Theo bác Trương Hồng Liêm, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Toulouse (Maison Vietnam), sang Pháp từ năm 1973-1974, một trong những người tham gia sản xuất các chương trình “Gió mùa,” cho biết đây là kênh thông tin chính thống đến với cộng đồng Việt kiều tại Toulouse. Bằng cách đó, đây không chỉ là kênh thông tin phản bác lại những thông tin xấu, xuyên tạc và sai lệch của các thế lực chống phá Việt Nam và chống cộng sau năm 1975, nó còn là phương tiện làm dịu đi sự thù hận của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Công việc tưởng chừng như “thuận buồm xuôi gió”, nhưng ít lâu sau đó các bạn sinh viên học sinh giúp việc xây dựng chương trình đều phải ra đi kiếm sống, chương trình phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thay vì dừng chương trình, bác Hớn đã tiếp tục duy trì và phát triển nó với việc bổ sung 10 phút cuối của buổi phát sóng bằng tiếng Pháp để phục vụ người Pháp và người Việt xa quê lâu năm không hiểu tiếng Việt và con cháu Việt kiều thế hệ hai không biết tiếng Việt.

Ngoài ra, hai bác Hớn và Ảnh còn tham gia Hội Tương trợ Pháp Việt (mổ mắt cho những người bị mù), bằng cách tham gia các hoạt động gây quỹ với phương châm đơn giản mà thiết thực “35 euro là 1 người sáng mắt."

Hiện nay, hai bác vẫn giữ ý định dạy tiếng Việt cho con em mình cũng như con em Việt kiều, con cái các cặp vợ chồng Pháp-Việt thế hệ 2-3 góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và phát triển mối quan hệ Việt-Pháp./.

Lê Hà-Trọng Tuyên/Paris (Vietnam+)