Cộng hòa Hy Lạp

Cộng hòa Hy Lạp

Đức muốn Hy Lạp tiếp tục là thành viên Eurozone

Thứ sáu 24/08/2012 | 21:34:00

Đức muốn Hy Lạp tiếp tục là thành viên Eurozone Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Samaras. (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định bà muốn quốc gia Hy Lạp đang chìm trong nợ nần tiếp tục là thành viên Khu vực đồng euro.

Ngày 24/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định bà muốn quốc gia Hy Lạp đang chìm trong nợ nần tiếp tục là thành viên Khu vực đồng euro, đồng thời tỏ ý tin tưởng Athens sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết những khó khăn mà nước này đang phải đối mặt.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Berlin (Đức) với Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đang ở thăm, Thủ tướng Merkel cho biết bà tin tưởng sâu sắc Chính phủ mới của Hy Lạp dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Samaras sẽ làm hết sức mình để giải quyết mọi khó khăn trong nước. Thừa nhận nhiệm vụ của Chính phủ Hy Lạp đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh, bà Merkel khẳng định Đức sẽ luôn ủng hộ Athens trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Bà Merkel nhấn mạnh ngay từ khi khủng hoảng nợ công xuất hiện, bà đã nói rõ quan điểm của mình cũng như của Chính phủ Liên bang Đức rằng Hy Lạp đang và sẽ vẫn là một phần của Khu vực đồng euro. Bà cho biết thêm quan điểm này chi phối mọi cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo bởi vì đồng euro không chỉ là một đồng tiền mà còn là một ý tưởng.

Về phần mình, Thủ tướng Samaras cho biết Hy Lạp cần một môi trường linh hoạt để tiến hành các kế hoạch cắt giảm chi tiêu và cải cách nhằm đáp ứng điều kiện nhận cứu trợ, song khẳng định Athens chưa cần trợ giúp tài chính thêm từ bên ngoài.

Ông Samaras đang có chuyến thăm 2 ngày đến Berlin, sau đó sẽ đến Paris (Pháp) trong bối cảnh nguồn tiền mặt dự trữ của Hy Lạp đã cạn kiệt trong khi các quỹ cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo không giải ngân các khoản cứu trợ tiếp theo cho xứ sở "Thần thoại" nếu Athens không thực hiện đúng thỏa thuận cứu trợ. Nếu không được cứu trợ kịp thời, Hy Lạp sẽ vỡ nợ công, đồng nghĩa buộc phải rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao EU yêu cầu giấu tên tiết lộ tổ chức này đang xem xét hình thức trợ giúp mới dành cho Tây Ban Nha vượt ra ngoài khuôn khổ thỏa thuận đã được Khu vực đồng euro nhất trí tháng 6 vừa qua nhằm cho xứ sở "Bò tót" vay 100 triệu euro (124 triệu USD) để cứu khu vực ngân hàng đang có nguy cơ vỡ nợ của nước này.

Quan chức EU cho biết sự lựa chọn khả thi nhất không phải là một chương trình cứu trợ toàn diện, mà là một chương trình can thiệp có giới hạn vào thị trường chứng khoán. Hiện các nước EU chưa đàm phán về hình thức cứu trợ mới vì Tây Ban Nha chưa chính thức đề nghị hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, một số ý tưởng đang được xem xét và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy muốn chuẩn bị dư luận trước khi đưa ra đề nghị này.

Chính phủ của ông Rahoi đang đếm ngược thời gian đến tháng 10, thời điểm Madrid phải thanh toán khoản nợ ngắn hạn lên tới 9,02 tỷ euro và nợ dài hạn lên tới 24,158 tỷ euro. Đã có những dự đoán ngày càng tăng rằng Tây Ban Nha có thể sẽ đề nghị các quỹ cứu trợ của EU mua trái phiếu mới phát hành của nước này với mục đích giảm phí tổn vay mượn.

Trong khi đó, các cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings và Standard & Poor's đều tuyên bố sẽ không hạ mức xếp hạng này của Tây Ban Nha nếu Madrid tìm kiếm sự hỗ trợ đối với trái phiếu chính phủ./.

(TTXVN)