Cộng hòa Hy Lạp

Cộng hòa Hy Lạp

Hy Lạp: Tình trạng suy thoái kinh tế ngày càng tồi tệ

Thứ tư 04/07/2012 | 11:02:00

Hy Lạp: Tình trạng suy thoái kinh tế ngày càng tồi tệ Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chính phủ mới ở Hy Lạp ngày 3/7 đã lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng suy thoái kinh tế của nước này đang ngày càng thêm tồi tệ.

Chính phủ mới ở Hy Lạp ngày 3/7 đã lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng suy thoái kinh tế của nước này đang ngày càng thêm tồi tệ, đúng vào thời điểm các kiểm toán viên thuộc nhóm "Bộ ba" gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến thủ đô Athens bắt đầu quá trình đánh giá năng lực tài chính và tiến độ thực hiện những điều kiện trong khuôn khổ gói cứu trợ.

Kể từ khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử lại hôm 17/6, liên minh bảo thủ cầm quyền, gồm đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội Pasok, do Thủ tướng Antonis Samaras lãnh đạo, đã lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan," do tình trạng sức khỏe của một số thành viên cộng với những quyết định từ chức bất ngờ.

Ông Christos Staikouras - người được bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng Tài chính, cho rằng nền kinh tế ốm yếu của Hy Lạp có thể sẽ giảm 6,7% GDP trong năm 2012, cao hơn nhiều so với mức 4,5% như dự báo trước đó. Năm 2011, nền kinh tế Hy Lạp đã giảm 6,9% GDP.

Dẫn các số liệu đáng báo động mà Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kế hoạch (KEPE) mới công bố, ông Staikouras cho rằng nền kinh tế Hy Lạp đang ở vào thời điểm nguy cấp. Đánh giá những chỉ số kinh tế này cũng là một phần công việc của các kiểm toán viên nhóm "Bộ ba" trong thời gian tới. Các kiểm toán viên sẽ đưa ra kết luận liệu chương trình cứu trợ Hy Lạp có nên tiếp tục, và khi nào thì giải ngân tiền cứu trợ.

Trong lá thư gửi các nhà lãnh đạo EU trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối này hồi tuần trước ở Brussels, Bỉ, Thủ tướng Samaras đề nghị xem xét lại các điều khoản trong gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro (164 tỷ USD) của EU và IMF.

Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định quyết tâm của chính phủ nước này trong nỗ lực thực thi các cam kết. Ông Samaras sẽ chính thức công bố chương trình hành động của chính phủ trước Quốc hội vào ngày 6/7 này ngay trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà liên minh cầm quyền của ông có thể dễ dàng giành chiến thắng.

Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo do tờ The Economist tổ chức, ông Horst Reichenbach - trưởng nhóm đặc trách về Hy Lạp của Ủy ban châu Âu (EC), khẳng định rằng hoạt động kiểm tra giám sát của "Bộ ba'" là rất quan trọng, và yêu cầu chính phủ mới ở Hy Lạp tuân thủ chặt chẽ các cam kết.

Theo ông, sẽ không có bất cứ giải pháp dễ dàng nào đối với trường hợp Hy Lạp, và điều quan trọng là Athens cần chi trả ngay những khoản nợ đang tích tụ.

Trong một báo cáo công bố hôm 3/7, Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết tổng trị giá các khoản nợ đáo hạn từ tháng 1-5/2012 của khu vực nhà nước đối với các công ty tư nhân là 6,8 tỷ euro.

Bình luận về tình hình Hy Lạp hiện nay, tờ kinh tế La Tribune cho rằng chính phủ mới ở Athens đang bước vào những cuộc thương lượng khó khăn với các chủ nợ mà đại diện là nhóm "Bộ ba." Trong bối cảnh các chủ nợ không ngừng gây sức ép, Athens cũng hiểu rằng họ không thể cắt giảm thêm lương và việc làm của đội ngũ công chức. Vì thế, một cuộc đối đầu mới, khá cứng rắn, lại nảy sinh.

Dù Chính phủ Hy Lạp đã đồng ý thúc đẩy tiến trình tư nhân hóa, đấu tranh chống lãng phí và trốn thuế, dù ông Samaras đã bổ nhiệm Giáo sư Kinh tế học Yannis Stournaras, người được xem là cần thiết cho công cuộc cải cách cơ cấu, vào vị trí Bộ trưởng Tài chính mới, thì đường lối của Athens vẫn trái ngược với sự trông đợi của giới chuyên gia quốc tế. Đường lối này có thể được tóm lại trong ba từ "không": không sa thải; không giảm lương và cho về hưu; và không điều chỉnh những thỏa ước lao động./.

(TTXVN)