Cộng hòa Hy Lạp

Cộng hòa Hy Lạp

Đàm phán giảm nợ công cho Hy Lạp gặp khó khăn

Thứ sáu 03/02/2012 | 12:52:00

Đàm phán giảm nợ công cho Hy Lạp gặp khó khăn Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Các quan chức nhận định cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và chủ nợ tư nhân về giảm nợ công cho nước này đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn.

"Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp và chủ nợ tư nhân về giảm nợ công cho nước này đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn" là nhận định chung mà các quan chức liên quan tiến trình này đưa ra trong ngày 2/2.

Trong buổi gặp gỡ với học sinh phổ thông ở Luxembourg, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker cho biết các cuộc đàm phán về giảm nợ công cho Hy Lạp khó khăn tới mức bất kỳ tiến bộ nào trong tiến trình này cũng sẽ là "thông tin vô cùng tốt lành trong ngày" đối với ông.

Tại Hy Lạp, người phát ngôn chính phủ nước này Pantelis Kapsis thừa nhận khó khăn trong các cuộc đàm phán về giảm nợ công, khẳng định cái giá mà chính phủ tạm quyền do ông Lucas Papademos phải trả cho những quyết định liên quan vấn đề này sẽ "không phải là thuốc giảm đau" cho các công dân Hy Lạp, vốn đã phải gồng mình chịu đựng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ.

Trong khi đó, ông Josef Ackermann - người đứng đầu Viện Tài chính Quốc tế, thể chế tham gia đàm phán với tư cách đại diện cho các ngân hàng tư nhân - tiết lộ khu vực này sẵn sàng kéo dài các cuộc đàm phán này thêm vài tuần nhằm tìm kiếm một số nhượng bộ. Ông Ackermann cho biết các chủ nợ tư nhân hiện nắm giữ số lượng trái phiếu chính phủ của Hy Lạp lên tới 200 tỷ euro và được đề nghị xóa nợ từ 70% trở lên. Họ sẵn sàng đi đến thỏa thuận về giảm nợ trong vòng vài tuần hoặc vài ngày tới nếu các thể chế khác cũng đồng ý xóa nợ với mức độ tương tự.

Theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tháng 10/2011, để được giải ngân các khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ nhất từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như được thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ 2 thể chế này, Hy Lạp phải thuyết phục các chủ nợ xóa 100 tỷ euro trong tổng số nợ 350 tỷ euro của nước này, đồng thời triển khai một chương trình điều chỉnh kinh tế mới.

Về tình hình tài chính hiện nay của Hy Lạp, quốc gia này sẽ vỡ nợ nếu không được giải ngân khoản cứu trợ mới trong gói cứu trợ thứ nhất trước ngày 20/3 tới để có tiền thanh toán khoản nợ trái phiếu chính phủ lên tới 14,4 tỷ euro đáo hạn vào thời điểm này. Chưa kể chương trình hoán đổi nợ, đổi nợ cũ lấy trái phiếu mới, có thể tạo ra một sự thiếu hụt lên tới 15 tỷ euro nếu Athens phải đáp ứng mục tiêu IMF đặt ra là duy trì nợ công ở mức có thể chống đỡ được. Trong khi đó, Đức - nước có tiếng nói trọng lượng nhất trong Khu vực đồng euro, tiếp tục phản đối để khu vực nhà nước tiếp tục tham gia cứu trợ Hy Lạp.

Cùng ngày, Tây Ban Nha công bố kế hoạch cải cách buộc các ngân hàng giải quyết các khoản nợ xấu thông qua thiết lập quỹ dự phòng và dự trữ vốn tổng cộng lên tới 50 tỷ euro (65 tỷ USD).

Theo đó, vốn dự phòng sẽ lên đến 80% tổng giá trị tài sản đối với những ngân hàng gặp khó khăn về tài chính và 7,0% đối với những ngân hàng được coi là ổn định. Quá trình này sẽ được triển khai trong vòng một năm mà không có bất kỳ sự trợ giúp mới nào từ chính phủ, trừ những đóng góp có thể có từ quỹ bão lãnh ngân hàng hiện có. Nội các Tây Ban Nha sẽ thông qua kế hoạch này trong cuộc họp ngày 3/2, trước khi trình Quốc hội phê chuẩn.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos cho biết kế hoạch cải cách hệ thống ngân hàng là một trong những biện pháp mà chính phủ sẽ áp dụng nhằm giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp hiện đã lên đến gần 23% lực lượng lao động.

Chương trình này nhằm mục đích cải thiện lòng tin đối với nền kinh tế Tây Ban Nha và uy tín của khu vực ngân hàng nước này, đồng thời mở đường cho các vụ sáp nhập nhằm hình thành các thực thể trụ vững được.

Sau vụ thị trường bất động sản Tây Ban Nha sụp đổ năm 2008, khu vực ngân hàng nước này phải gánh một "núi" nợ xấu và những tài sản bị mất giá. Mặc dù đã được cơ cấu lại và đã bán nhiều tài sản xấu, song khu vực ngân hàng vẫn bị chính phủ đánh giá là có nguy cơ chịu rủi ro cao./.

(TTXVN/Vietnam+)