Vương quốc Tây Ban Nha

Vương quốc Tây Ban Nha

Tây Ban Nha có thêm ngân quỹ cứu vãn nền kinh tế

Thứ tư 11/07/2012 | 16:39:00

Tây Ban Nha có thêm ngân quỹ cứu vãn nền kinh tế Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Các bộ trưởng tài chính Eurozone nhất trí để sẵn khoản vay 30 tỷ euro (37 tỷ USD) trợ giúp Tây Ban Nha vực dậy các ngân hàng.

Tây Ban Nha vừa được trao thêm thời gian "hồi sức" nền kinh tế, sau khi các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) nhất trí để sẵn khoản cho vay trị giá 30 tỷ euro (37 tỷ USD) trợ giúp nước này vực dậy các ngân hàng trong nước, đồng thời bảo vệ châu Âu trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ.

Song song với việc sẵn sàng chi tiền để "cứu trợ" các ngân hàng Tây Ban Nha, trong cuộc họp ngày 10/7, các bộ trưởng Eurozone cũng tán thành việc lùi lại một năm (tới năm 2014) thời hạn Tây Ban Nha phải giảm thâm hụt ngân sách xuống mức mục tiêu 3% theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, Luis de Guindos nói rằng, hai thỏa thuận trên mang lại các kết quả "rất tích cực," giúp quốc gia đang chìm trong suy thoái này có thêm hai chỗ dựa quan trọng vào thời điểm này là thời gian và tiền bạc để khắc phục những vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng.

Thỏa thuận cho vay cứu trợ nói trên dự kiến sẽ được hoàn tất tại cuộc họp đặc biệt của Eurozone diễn ra vào ngày 20/7 tới, bởi thỏa thuận còn phải được quốc hội các nước Eurozone, như Đức chẳng hạn, thông qua.

Tuy nhiên, các quan chức EU hiện vẫn chưa thống nhất về thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng nguồn vốn của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro để tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng ốm yếu - kế hoạch đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28-29/6 vừa qua - trong nỗ lực nhằm phá vỡ "vòng luẩn quẩn" nợ tư nhân và chính phủ.

Bộ trưởng de Guindos ngày 10/7 nói rằng, kế hoạch ESM bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng sẽ "diễn ra nhanh chóng" sau khi cơ quan giám sát ngành ngân hàng châu Âu được thành lập.

Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo, việc thành lập cơ quan này cần thời gian bởi việc đó "phức tạp và không dễ đạt được."

Trong khi đó, Ủy viên các thị trường nội khối EU, Michel Barnier cho hay, đề xuất thành lập cơ quan giám sát ngành ngân hàng nói trên sẽ được đưa ra trong tháng Chín tới và hy vọng cơ quan này sẽ được thành lập vào cuối năm 2012.

Sau khi Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) đạt được các thỏa thuận tích cực nói trên, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha trên thị trường đã giảm xuống dưới "ngưỡng nguy hiểm" 7%, còn 6,778%, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy giảm còn 5,912%, thấp hơn mức được cho là bất ổn 6,088% hôm 9/7./.

Như Mai (TTXVN)