Cộng hòa Liên bang Đức

Cộng hòa Liên bang Đức

Nhiều cơ hội hợp tác với LB Nga, CHLB Đức, Ba Lan

Chủ nhật 17/03/2013 | 21:10:00

Nhiều cơ hội hợp tác với LB Nga, CHLB Đức, Ba Lan Cán bộ nhân viên Đại sứ quán và bà con Việt kiều tại Ba Lan đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại sân bay Chopin. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đến 3 nước châu Âu đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác.

Như tin đã đưa, ngày 17/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Cộng hòa Liên Bang Đức và Cộng hòa Ba Lan.

[Chủ tịch Quốc hội kết thúc thăm ba nước châu Âu]

Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng đã trả lời phỏng vấn về kết quả nổi bật của chuyến thăm cũng như những cơ hội hợp tác mới giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam đối với các quốc gia châu Âu, đặc biệt là ba nước mà Đoàn đến thăm.

- Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đã hoàn thành chương trình thăm chính thức ba nước châu Âu: Liên bang Nga, Cộng hòa Liên Bang Đức Đức và Cộng hòa Ba lan, xin ông cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng: Thực hiện chương trình đối ngoại Cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thực hiện chuyến thăm ba nước châu Âu như chúng ta đã biết. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng của Lãnh đạo Cấp cao của Đảng, Nhà Việt Nam. Ngoài ý nghĩa chính trị, chuyến thăm đã cho thấy sự tin tưởng, đánh giá cao của Liên bang Nga, Cộng hòa Liên Bang Đức Đức và Cộng hòa Ba Lan đối với Việt Nam.

Lãnh đạo Cấp cao ba nước đã đề ra rất nhiều nội dung làm sâu sắc hơn, đẩy mạnh hợp tác toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội an ninh quốc phòng đối với Việt Nam. Các bên cũng thống nhất cùng trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ lập trường của nhau trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là đối với những vấn đề nhạy cảm mà các bên cùng quan tâm.

Đối với Liên bang Nga, tháng 7/2012, Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã ra Tuyên bố chung nâng tầm quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Với tinh thần tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, trong chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hai bên đã trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác một cách toàn diện, từ chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục đến an ninh, quốc phòng. Hai bên thống nhất đẩy mạnh tác về kinh tế, đặc biệt là những vùng, những khu vực trọng điểm là lợi thế của mỗi nước, nhất là khu vực viễn đông của Nga với các địa phương miền trung Việt Nam.

Trong khuôn khổ thăm chính thức Liên bang Nga đã có những cuộc tiếp xúc Cấp cao, đặc biệt là các cuộc gặp Chủ tịch Duma quốc gia Nga, Chủ tịch Thượng viện Nga và Thủ tướng Nga. Hai bên đồng quan điểm tiếp tục ủng hộ nhau tại diễn đàn quốc tế và những vấn đề cùng quan tâm. Phía bạn cũng tán thành lập trường quan điểm của Việt Nam xung quanh một số vấn đề về cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Cộng hòa Liên Bang Đức Đức là quốc gia mới xác lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ hợp tác song phương Việt-Đức đang phát triển khả quan, tuy nhiên, vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Chuyến thăm lần này của Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam có dấu ấn đặc biệt, là chuyến thăm chính thức đầu tiên 20 năm qua của Lãnh đạo Cấp cao của Quốc hội hai nước; mở ra một thời kỳ hợp tác mới trong hợp tác nghị viện, nhất là việc tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm lập pháp. Chuyến thăm cũng một lần nữa khẳng định và củng cố tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Qua các cuộc tiếp xúc, phía Đức đánh giá rất cao tiềm năng của cộng đồng người Việt tại Đức; đã có những đóng góp nhất định đối với phát triển kinh tế-xã hội của Đức và là cầu nối mối quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc, hai quốc gia. Ngoài việc tổ chức đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn hết sức trọng thị với tầm cao nhất, Lãnh đạo Quốc hội Đức cũng đã mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn dự thính tại Phiên họp toàn thể của Quốc hội Cộng hòa Liên Bang Đức Đức - đây là một dấu ấn của chuyến thăm; mở ra một giai đoạn hợp tác rất khả quan trong mối quan hệ giữa hai nghị viện hai nước.

Đáng chú ý, cũng tại Cộng hòa Liên Bang Đức Đức, ngoài các cuộc tiếp xúc Cấp cao; Lãnh đạo các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội; Nhóm Nghị sỹ hữu nghị; các bộ, ngành và địa phương hai nước cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ bên lề để thúc đẩy hợp tác chuyên ngành và địa phương. Qua các buổi làm việc, phía bạn đều khẳng định, rất nhiều doanh nghiệp lớn của Đức mong muốn được hợp tác kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Ba Lan là quốc gia có mối quan hệ lịch sử truyền thống lâu đời với Việt Nam, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn mang một dấu ấn lịch sự hết sức đặc biệt, là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Lãnh đạo Cấp cao của Quốc hội hai nước. Do đó, kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm này đã thiết lập một tiền đề mang ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao quan hệ hợp tác Việt Nam-Ba Lan.

Lãnh đạo hai nước đã thống nhất xúc tiến xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Phía Ba Lan cũng khẳng định ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, qua Việt Nam, phát triển quan hệ hợp tác với các nước ASEAN và khu vực Đông Nam Á.

- Tại mỗi địa phương, quốc gia trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam đều giành thời gian thăm hỏi, tặng quà bà con người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Các cuộc gặp gỡ đều thu được rất nhiều ý kiến của bà con đóng góp xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông đánh giá thế nào về những ý kiến đóng góp này?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng: Trong chuyến thăm châu Âu lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hết sức quan tâm đến việc tìm hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tại mỗi cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đều thông tin đến bà con Việt kiều những nội dung chính của dự thảo và mong muốn bà con tích cực đóng góp cho công việc trọng đại của đất nước.

Là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, việc lấy ý kiến kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Điều đáng mừng là trong các cuộc gặp gỡ, kiều bào đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với rất nhiều ý kiến đóng góp cụ thể cả về kỹ thuật lập pháp đến toàn bộ nội dung; đồng thời có những đề xuất xác đáng.

Đa số các ý kiến đóng góp đều thể hiện tinh thần phấn khởi, tin tưởng và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiều bào cũng đề xuất nhiều ý kiến góp ý về các chính sách, cơ chế trong dự thảo nhằm tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài ổn định đời sống, yên tâm công tác, phát triển kinh tế, hướng về quê hương, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Những ý kiến này đã được Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hoan nghênh, ghi nhận và trực tiếp giải đáp cụ thể. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng kêu gọi kiều bào Việt Nam tiếp tục đóng góp, bổ sung các ý kiến để Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn.

- Xin ông cho biết những định hướng hợp tác cụ thể trong quan hệ hợp tác nghị viện từ kết quả tốt đẹp sau chuyến thăm chính thức ba nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng: Phải khẳng định rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến ba nước châu Âu vừa qua đã đạt kết quả hết sức mỹ mãn.

Trong quan hệ ngoại giao nghị viện, chuyến thăm đã trực tiếp thiết lập và củng cố quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, nhất là vấn đề xây dựng Hiến pháp. Bởi các quốc gia này đều có bề dày lịch sử, có kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp.

Ngoài ra, Lãnh đạo Quốc hội hai bên cũng thống nhất những nội dung thúc đẩy hợp tác giữa các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Sau chuyến thăm này, những bộ phận liên quan sẽ bắt đầu triển khai dần các bước, trước hết tập trung vào xây dựng pháp luật; trao đổi kinh nghiệm giám sát và tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế.

Các bên cũng thống nhất tăng cường phối hợp, giám sát các hiệp định, các dự án hợp tác giữa hai Chính phủ hai nước nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân hai nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quang Vũ (TTXVN)