Cộng hòa Síp

Cộng hòa Síp

Cử tri CH Síp bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống mới

Chủ nhật 17/02/2013 | 18:03:00

Cử tri CH Síp bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống mới Ba ứng cử viên sáng giá của cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Síp. (Nguồn: AP)

Ngày 17/2, cử tri CH Síp đi bỏ phiếu để bầu vị tổng thống mới có khả năng chèo lái đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngày 17/2, cử tri Cộng hòa Síp đi bỏ phiếu để bầu ra một vị tổng thống mới có khả năng chèo lái đất nước, vốn bị cuộc khủng hoảng tài chính, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Cộng hòa Síp giành được độc lập từ Anh năm 1960, chủ đề chính của một cuộc bầu cử tổng thống không phải vấn đề thống nhất đảo Síp, mà là các biện pháp đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái, cải cách hệ thống ngân hàng và ngăn ngừa nguy cơ bị phá sản.

Mặc dù có 11 ứng cử viên, song giới phân tích nhận định cuộc bầu cử tổng thống Cộng hòa Síp năm nay sẽ là cuộc đua "tam mã" giữa thủ lĩnh đảng cánh hữu (DICI), ông Nicos Anastasiades, ứng cử viên đảng Tiến bộ cầm quyền của nhân dân lao động Síp (AKEL) Stavros Malas và lãnh đạo đảng Phong trào dân chủ xã hội (EDEK), cựu Bộ trưởng Ngoại giao George Lilikas.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ứng cử viên có nhiều khả năng giành nhiều phiếu nhất là ông Anastasiades với gần 40% số phiếu bầu.

Vị trí thứ 2 có thể thuộc về ứng cử viên của AKEL với 24,2% số phiếu, trong khi đó lãnh đạo đảng EDEK có thể nhận được 20,2% số phiếu. Để giành chiến thắng, ứng cử viên phải nhận được số phiếu ủng hộ quá bán. Nếu trong vòng bỏ phiếu này bất phân thắng bại, vòng 2 sẽ được tổ chức sau đó một tuần, tức là vào ngày 24/2 tới.

Cộng hòa Síp là một quốc đảo theo thể chế cộng hòa tổng thống. Lãnh đạo nhà nước và chính phủ là tổng thống, được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm.

Síp đã trở thành quốc gia thứ năm trong 17 nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải chính thức cầu viện cứu trợ tài chính quốc tế để giải cứu hệ thống ngân hàng của nước này, vốn bị tác động nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp./.

(TTXVN)