Brunei

Brunei

Brunei muốn tăng lao động địa phương cho dầu khí

Thứ ba 06/03/2012 | 08:28:00

Brunei muốn tăng lao động địa phương cho dầu khí Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ngành công nghiệp dầu khí Brunei được thành lập 80 năm qua, nhưng hiện người dân Brunei chỉ chiếm 40% số lao động trong ngành này.

Nhằm giải quyết tình trạng lao động nước ngoài đang chiếm giữ 60% nhân lực trong ngành dầu khí của quốc gia, Cục Năng lượng thuộc Văn phòng Thủ tướng Brunei (EDPMO) đã khởi xướng một số sáng kiến nhằm tăng việc làm của người dân địa phương trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng phụ trách Năng lượng thuộc Văn phòng Thủ tướng Brunei Mohammad Yasmin Umar cho biết ngành công nghiệp dầu khí Brunei đã được thành lập trong 80 năm qua, nhưng hiện người dân Brunei chỉ chiếm 40% số lao động trong ngành này, phần còn lại do người nước ngoài nắm giữ, từ các vị trí lao động chân tay đến những công việc đòi hỏi có tay nghề cao.

Ông cho biết để giải quyết hợp lý vấn đề này, EDPMO đã đưa một số biện pháp nhằm mục đích trang bị cho người dân địa phương các kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp họ có thể được tuyển dụng vào ngành dầu khí.

Bộ trưởng Mohammad Yasmin cho biết Sách trắng năng lượng (EWP) của Brunei, hiện đang được xây dựng, dự tính rằng vào năm 2035 sẽ có khoảng 50.000 việc làm trong ngành dầu khí, trong đó có 40.000 việc làm được dành cho lực lượng lao động địa phương, bao gồm 5.000 chuyên gia.

Để đạt được điều này, EDPMO sẽ thúc đẩy các sáng kiến, bao gồm sự hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, các trường kỹ thuật và dạy nghề để xây dựng chương trình giảng dạy trong các khóa học đáp ứng được nhu cầu cần thiết cho chuyên môn của ngành dầu khí. Một khung năng lực năng lượng sẽ được giới thiệu vào cuối năm nay để chuẩn bị các khóa học và các chương trình đào tạo phù hợp, bao gồm cả việc thành lập một trung tâm đào tạo dầu khí và tổ chức các hội chợ việc làm tại các trường học cũng như các biện pháp khác.

Mohammad Yasmin cho rằng khung năng lực năng lượng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên đã tốt nghiệp tìm kiếm công ăn việc làm và giúp người sử dụng lao động nhận được một lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết.

EDPMO cũng đã mời các chuyên gia nổi tiếng ở nước ngoài cho các cơ sở giáo dục và đào tạo về kỹ thuật và công nghệ.

Cục này cũng đã phối hợp với Viện Giáo dục Kỹ thuật của Singapore và Đại học Robert Gordon của Anh thực hiện một nghiên cứu để đánh giá khoảng cách giữa các khóa học tại Brunei so với các nhu cầu của ngành công nghiệp dầu khí. Kết quả nghiên cứu ban đầu đã đưa ra đề nghị về việc mở một viện kỹ thuật chuyên ngành dầu khí thông qua quan hệ đối tác công-tư (PPP)./.

Xuân Triển/Kuala Lumpur (Vietnam+)