Liên bang Australia

Liên bang Australia

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Liên bang Australia Nhà hát Opera Sydney, Australia

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Liên bang Australia

- Tên nước:  Liên bang Australia (Commonwealth of Australia)

- Ngày quốc khánh: 26/1/1788
  
- Thủ đô: Canberra
  
- Vị trí địa lý: Australia nằm ở bán cầu Nam; được bao bọc Nam Thái Bình Dương ở phía Đông; Ấn Độ Dương ở phía Tây; biển Araphura ở phía Bắc và đảo Taxmania ở phía Nam. Australia không có biên giới đất liền với nước nào.
  
- Diện tích: 7.617.930km2
  
- Khí hậu: Ôn hòa, lục địa, thay đổi rõ rệt theo ba vùng: Cận xích đạo ở phía Bắc, nhiệt đới ở vùng trung tâm và cận nhiệt đới ở phía Nam.
  
- Dân số: 22.509.890 (con số ước lượng đến 2010)
  
- Dân tộc:   Người da trắng (94%), người châu Á (2%), người bản xứ (thổ dân) (1%), các chủng tộc khác (3%).
  
- Hành chính: Australia là một đất nước rộng lớn bao gồm 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ chính. Các tiểu bang đó là: New South Wales (NSW), Queensland (QLD), Nam Australia (SA), Tasmania (TAS), Victoria (VIC) và Tây Australia (WA). 2 vùng lãnh thổ chính là Lãnh thổ phía Bắc (Northern Territory - NT) và Lãnh thổ thủ đô Australia (Australian Capital Territory - ACT). Lãnh thổ thủ đô kết hợp với một vùng lãnh thổ riêng biệt nằm trong New South Wales gọi là Lãnh địa Vịnh Jervis (Jervis Bay Territory) đóng vai trò là căn cứ hải quân và cảng biển cho thủ đô.

Ngoài ra, Australia còn có một số vùng lãnh thổ bên ngoài có cư dân sinh sống (đảo Norfolk, đảo Christmas, quần đảo Cocos và Keeling) và một số đảo hầu như không có người sinh sống như quần đảo Biển san hô (Coral Sea Islands Territory), quần đảo Heard và McDonald và lãnh địa Nam cực thuộc Australia.
  
- Đơn vị tiền tệ:  Đồng đôla Australia (AUD)
  
- Tôn giáo: Anh quốc giáo (26,1%); Cơ Đốc giáo (26%), các tôn giáo khác (24,3%).
  
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh; một số thổ ngữ khác cũng được sử dụng.

Địa lý

+ Vị trí địa lý:  Tọa lạc trên mảng kiến tạo Ấn-Australia và bao quanh bởi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Australia nằm cô lập với châu Á bởi biển Arafura và biển Timor. Australia có 34.218 km đường bờ biển (21.262 dặm) bao gồm cả các đảo ngoài khơi và diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Australia là 8.148.250 km2 (3.146.060 dặm vuông). Vùng đặc quyền kinh tế này không bao gồm lãnh thổ của nước này tại Nam Cực.
   
 + Diện tích: 7.617.930km2
   
 + Địa hình: Phần lớn vùng trung tâm và vùng phía Tây của Australia là cao nguyên có độ cao từ 400m đến 600m, trong đó có nhiều sa mạc lớn. Đây là vùng thưa dân, nhưng lại chiếm đến 50% diện tích lãnh thổ đất nước. Trái lại, các đồng bằng thấp ven biển phía Đông là nơi sinh sống của phần lớn dân cư Australia. Một dải đất cao, gọi là Dãy Phân chia Lớn (Great Dividing Range) chạy từ mũi York ở miền Đông-Bắc đến vùng Melbourne trông ra đảo Tasmania ở phía Nam. Trên dãy núi cao ở vùng Đông-Nam có đỉnh Kosciusko cao 2230m. Vùng cạnh vịnh Carpentaria ở phía Bắc là đồng bằng lớn.
 
 Phần lớn diện tích là hoang mạc hoặc bán hoang mạc thường được biết đến với cái tên vùng hẻo lánh. Australia là lục địa bằng phẳng với đất đai già cỗi và kém màu mỡ nhất và cũng là lục địa có người ở khô cằn nhất. Australia có 34.218 km đường bờ biển.
 
 + Khí hậu: Chỉ có vùng Đông Nam và Tây Nam là có khí hậu ôn hòa. Phần đông dân cư của Australia sống tập trung ở bờ biển Đông Nam. Cảnh quan ở vùng Bắc đất nước, với khí hậu nhiệt đới, bao gồm rừng mưa, miền rừng, đồng cỏ, rừng đước và hoang mạc. Khí hậu nhìn chung bị các dòng biển trong đó có El Nino chi phối đáng kể, gây ra những trận hạn hán theo chu kỳ và cả xoáy thuận nhiệt đới tạo bão ở miền Bắc nước Australia.
 
 Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn tại Australia trong những năm gần đây trong đó nhiều người dân coi đây là vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia của họ đang phải đối mặt.
   
 +Tài nguyên: Mặc dù phần lớn lãnh thổ của Úc thuộc loại hoang mạc hoặc bán hoang mạc nhưng nước này vẫn sở hữu nhiều loại tài nguyên khoáng sản phong phú. Tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là vàng, bauxite, sắt, kẽm, đồng, kim cương, than, uranium, dầu khí và thiếc.
 

Lịch sử

Cư dân nguyên thủy ở Australia, thường được gọi là Thổ Dân Australia hay Người Bản Địa Australia, có nền văn hóa tiếp nối lâu đời nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Kỷ Băng Hà. Mặc dù truyền thuyết và tranh luận đã khiến nhiều lãnh vực của thời tiền sử Australia trở nên mơ hồ nhưng nói chung người ta vẫn chấp nhận một điều là tổ tiên của Người Thổ Dân có nguồn gốc từ Indonesia và họ đã vượt biển tới đây từ khoảng 70.000 năm trước.
 
 Người châu Âu bắt đầu thám hiểm Australia vào thế kỷ 16. Thoạt tiên là các nhà hàng hải Bồ Đào Nha và sau đó là các nhà thám hiểm Hà Lan và tên hải tặc bạo gan người Anh William Dampier. Vào năm 1770, thuyền trưởng James Cook đã lái thuyền đi dọc toàn bộ bờ biển phía đông lục địa Australia và đã ghé vào vịnh Botany Bay. Ngay sau đó thuyền trưởng Cook tuyên bố vùng lục địa này thuộc chủ quyền của nước Anh và đặt tên là New South Wales.
 
 Đến năm 1779, Joseph Banks (một nhà tự nhiên học trên chuyến du hành của James Cook) đưa ra ý kiến là Anh có thể giải quyết vấn đề quá tải của nhà tù bằng cách chuyển bớt tù nhân đến New South Wales. Năm 1787, đoàn thuyền đầu tiên với 11 chiếc tàu chở 750 tù nhân nam nữ đã khởi hành tới New South Wales và đã đến Australia ngày 26 tháng Giêng năm 1788 nhưng sau đó đoàn thuyền đã đi lên mạn bắc đến Sydney Cove nơi điều kiện đất đai và nước uống thuận tiện hơn. Đối với những người mới đặt chân đến Australia, New South Wales là nơi khắc nghiệt và khủng khiếp, đó là chưa kể đến tình trạng thuộc địa mới này bị đe dọa thiếu thốn thực phẩm trong nhiều năm trời. Để chống chịu với cuộc đấu tranh chống lại thiên nhiên và một chính quyền áp bức, những cư dân Australia mới đã xây dựng và phát triển một nền văn hóa và chính nền văn hóa này đã trở thành nền tảng của huyền thoại “Aussie battler.”
 
 Trong mấy thập niên sau đó, Australia trở thành nơi hấp dẫn những người định cư tự do. Nhưng chỉ đến những năm của thập niên 1850, chính việc khám phá vàng mới thực sự thay đổi vĩnh viễn thuộc địa này. Các làn sóng di dân khổng lồ đã tràn đến Australia và việc khám phá một số mỏ vàng lớn đã góp phần đẩy mạnh nền kinh tế cũng như thay đổi cơ cấu xã hội thuộc địa của Australia. Những thành phần mới đến định cư đã tàn nhẫn xua đuổi người Thổ Dân và chiếm đoạt đất đai của họ để cấy cày hoặc khai thác mỏ.
 
 Đến cuối thế kỷ 19, rất nhiều người đã có khuynh hướng lý tưởng hóa “vùng rừng rậm” – “the bush” (tức là bất kỳ nơi nào ở cách xa thành phố) và con người sinh sống ớ đấy. Một diễn đàn lớn về “chủ nghĩa quốc gia vùng rừng rậm” (bush nationalism) chính là tạp chí Bulletin khá phổ biến. Nội dung của tạp chí này chứa đầy những hình ảnh hài hước và tình cảm về cuộc sống đời thường. Hai ngòi bút nổi tiếng nhất của tạp chí Bulletin chính là hai huyền thoại Henry Lawson và 'Banjo' Paterson.
 
 Australia chính thức trở thành một quốc gia vào ngày 1/1/1901 qua sự thành lập một chính phủ liên bang bao gồm các thuộc địa riêng biệt. Lực lượng quân đội Australia đã sát cánh chiến đấu với quân đội Anh trong cuộc chiến Boer và Thế Chiến Thứ Nhất. Nền kinh tế Australia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vì hai sản phẩm kinh tế chiến lược của Australia là len và lúa mì bị rớt giá thê thảm. Năm 1931, gần một phần ba lực lượng lao động của Australia lâm vào tình trạng thất nghiệp và nạn nghèo khó đã lan rộng khắp nơi. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, năm 1933, nền kinh tế Australia đã bắt đầu hồi phục trở lại. Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, quân Australia lại một lần nữa sát cánh chiến đấu với lực lượng quân đội Anh  ở châu Âu. Nhưng chính Hoa Kỳ là quốc gia đã giúp bảo vệ Australia khỏi sự tiến công của không lực Nhật bằng chiến thắng trên Biển San Hô.
 
 Sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, Australia lại tiếp nhận thêm một làn sóng di dân mới từ châu Âu. Những di dân này đã có những đóng góp đáng kể cho nước Australia, làm hưng thịnh nền văn hóa và mở rộng tầm nhìn của đất nước. Kỷ nguyên thời hậu chiến là thời gian nền kinh tế Australia phát triển bùng nổ do nhu cầu cao về nguyên liệu thô trên thế giới.
 
 Tình trạng bất ổn trong xã hội do lệnh tổng động viên gây ra đã là yếu tố dẫn đến việc Đảng Lao Động lên cầm quyền vào năm 1972 dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Gough Whitlam. Chính quyền Whitlam đã triệt thoái lực lượng quân đội ở cuộc chiến tranh Việt Nam, hủy bỏ việc thi hành nghĩa vụ quân sự và học phí bậc đại học và cao đẳng đồng thời xây dựng một hệ thống y tế phổ cập, miễn phí và ủng hộ quyền làm chủ đất đai của Người Thổ Dân.
 
Tuy nhiên, Chính quyền của Thủ Tướng Whitlam đã bị hạn chế bởi sự chống đối của một Thượng Viện thù địch cũng như dư luận về bộ máy quản lý không hiệu quả. Vào ngày 11/11/1975, Tổng Toàn Quyền Australia (đại diện của Nữ Hoàng Anh ở Australia) đã thực hiện một điều chưa từng xảy ra ở Australia: Giải tán quốc hội và thành lập một chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của thủ lãnh Đảng Tự Do đối lập Malcolm Fraser. Liên đảng bảo thủ, bao gồm Đảng Tự Do và Đảng Quốc Gia, đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức sau đó và đã ở vị thế cầm quyền cho đến năm 1983. Mãi tới năm 1983, Đảng Lao Động dưới sự lãnh đạo của nguyên lãnh tụ công đoàn Bob Hawke mới giành lại quyền lãnh đạo chính quyền.
 

Chính trị

 Thể chế chính trị: Quân chủ lập hiến.
 
 * Hiến pháp: Thông qua ngày 9/7/1990
 
 * Cơ quan hành pháp:
 
 - Đứng đầu Nhà nước là Nữ hoàng Anh, thông qua đại diện toàn quyền. Toàn quyền do Nữ hoàng chỉ định.
 
 - Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, thông qua bầu cử, có nhiệm kỳ 3 năm. Thủ tướng chỉ định các Bộ trưởng trong Nội các. Hệ thống chính trị được xây dựng theo cơ cấu liên bang-tiểu bang.
 
 * Cơ quan lập pháp: Quốc hội liên bang gồm hai viện:
 
 - Thượng viện: 76 ghế (mỗi bang được 12 ghế và mỗi vùng được 2 ghế; một nửa số thành viên được bầu 3 năm một lần theo phổ thông đầu phiếu).
 
 - Hạ viện: 150 ghế (được bầu theo phổ thông đầu phiếu trên cơ sở đại diện tỷ lệ, nhiệm kỳ 3 năm; không bang nào có dưới 5 đại biểu).
 
 * Cơ quan tư pháp: Tòa án tối cao; Chánh án và Thẩm phán do Toàn quyền bổ nhiệm.
 
 * Chế độ bầu cử: Cử tri từ 18 tuổi trở lên và bắt buộc.
 
 *Các Đảng phái lớn: Đảng Lao động Australia, Đảng Dân chủ Australia, Đảng Xanh, Đảng Một dân tộc, Đảng Quốc gia, Đảng Tự do.

Kinh tế

Australia có nền kinh tế công, nông nghiệp khá phát triển, là một nước xuất khẩu chính về các sản phẩm nông sản, khoáng sản, kim loại và nhiên liệu.
 
Australia có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Thời kỳ đầu lập quốc, chủ yếu dựa vào xuất khẩu lông thú. Việc phát hiện ra vàng (năm 1851) và tiếp theo là sự ra đời của ngành khai thác mỏ đã dần mở ra những cơ hội phát triển mới cho kinh tế Australia.
 
Trong những năm 1980, Australia đẩy mạnh đổi mới và hiện đại hóa nền kinh tế. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Australia tiếp tục thực hiện cải tổ nền kinh tế cả bề rộng, bề sâu, chú trọng cải tổ chính sách quan hệ công nghiệp, thực hiện tư nhân hoá, cắt giảm chi tiêu và viện trợ nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu thuế ...
 
Trong những năm gần đây, Australia đẩy mạnh xuất khẩu; duy trì ổn định thị trường tiền tệ; thi hành một số chính sách kinh tế mới như giảm thuế cho các doanh nghiệp nên đã kích thích được sản xuất và hạn chế tối đa tác động của tiêu cực của biến động giá dầu thế giới đến nền kinh tế nội địa.
 
Hiện nay, kinh tế Australia được coi là một trong những nền kinh tế mở, tăng trưởng cao và ổn định của thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt khoảng 3%/năm. Riêng năm 2007, GDP đạt 889,7 tỷ USD tăng 4,3% (mức cao nhất trong 11 năm qua); thặng dư ngân sách: 13 tỷ USD; lạm phát ở mức thấp: 3%; tỷ lệ thất nghiệp: 4,4% (tháng 12-2007) là mức thấp nhất trong thập kỷ qua.
 
Australia nằm trong nhóm 10 quốc gia toàn cầu hóa hàng đầu thế giới; là nền kinh tế lớn đứng thứ 14 thế giới, đứng thứ 9 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với thu nhập GDP bình quân đầu người ngang mức của bốn nước đứng đầu Tây Âu (37.500 USD).
 
 * Về công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 25,6% GDP.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Khai mỏ, thiết bị công nghiệp, giao thông vận tải, chế biến thực phẩm, hoá chất, thép.
 
 * Về nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 3,7% GDP.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Lúa mì, lúa mạch, mía, hoa quả, gia súc, cừu, gia cầm.
 
 * Về dịch vụ-du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 70,7% GDP.
 
 * Xuất khẩu: 142,1 tỷ USD (năm 2007).
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chính: Than đá, vàng, nhôm, quặng sắt, máy móc, thiết bị vận tải, thịt, len và lúa mì, rượu vang.
 
 - Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Nhật Bản (19,6%), Trung Quốc (12,3%), Hàn Quốc (7,5%), Mỹ (6,2), New Zealand (5,5%) (năm 2006).
 
 * Nhập khẩu: 160 tỷ USD (năm 2007).
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc và thiết bị vận tải, máy tính và máy văn phòng, thiết bị viễn thông và phụ tùng, dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ.
 
 - Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Trung Quốc (14,4%), Mỹ (14,1%), Nhật Bản (9,6%), Singapore (6%), Đức (5,1%) (năm 2006).
 
 * Giao thông-Vận tải:
 
 - Đường sắt: 38.550 km.
 
 - Đường bộ: 810.641km.
 
 - Đường thuỷ: 2000km.
 
 - Cảng: Adelaide, Brisbane, Cairns, Darwin, Devonport, Fremantle, Geelong, Hobart, Launceston, Mackay, Melbourne, Sydney, Townsville.
 
 - Sân bay: 461 ( năm 2007).

Văn hóa

Từ năm 1788, nền tảng chính của văn hóa Australia là Anglo-Celtic mặc dù các đặc thù riêng của nước này cũng sớm xuất hiện từ môi trường tự nhiên và nền văn hóa của thổ dân. Đến giữa thế kỷ 20, văn hóa Australia chịu ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa đại chúng của Mỹ, chủ yếu là truyền hình và điện ảnh, bởi các quốc gia láng giềng và bởi một tỉ lệ lớn người nhập cư từ các nước không nói tiếng Anh.
 
 + Giáo dục: 100% số dân biết đọc, biết viết.
 
 Australia có một nền giáo dục vào hàng tốt nhất trên thế giới.
 
 Thời gian học bắt buộc là 10 năm (11 năm ở bang Tasmania). Tất cả các bang đều có trường đại học.
 
 Theo tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế THES-QS, Australia hiện có 8 trường đại học nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới về chất lượng giáo dục.
 
 + Nghệ thuật thị giác của Australia: được cho là đã khởi nguồn từ các bức họa vẽ trong hang động và trên vỏ cây của thổ dân. Bản sắc của người bản địa Australia phần lớn được lưu truyền dưới hình thức truyền khẩu, gắn liền với các nghi lễ và việc kể các câu chuyện về Dreamtime (thổ dân Australia coi đây là thời mà tổ tiên của họ tạo đất, tạo nước, tạo ra muôn loài và luật lệ).
 
 Âm nhạc, nhảy múa và nghệ thuật của người bản địa có tác động tới nghệ thuật thị giác và biểu diễn đương đại của Australia. Từ khi người châu Âu tới đây định cư, chủ đề chính trong hội họa Australia là phong cảnh thiên nhiên, có thể thấy trong các tác phẩm của Albert Namatjira, Arthur Streeton cùng những nghệ sĩ khác từng theo học tại trường Heidelberg và Arthur Boyd. Các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng bởi hội họa hiện đại của Mỹ và châu Âu bao gồm họa sĩ trường phái lập thể Grace Crowley, trường phái siêu thực James Gleeson, trường phái ấn tượng trừu tượng Brett Whiteley và trường phái pop art Martin Sharp.
 
 Viện triển lãm quốc gia Australia và các viện triển lãm cấp bang khác vẫn lưu giữ nhiều bộ sưu tập tranh của Australia và nước ngoài. Từ những năm đầu thế kỷ 20 cho tới nay, phong cảnh nước Australia vẫn là nguồn cảm hứng chính cho các nghệ sĩ. Có thể thấy rõ điều này qua các tác phẩm có tiếng vang bởi nhiều họa sĩ như Sidney Nolan, Grace Cossington Smith, Fred Williams, Sydney Long, và Clifton Pugh.
 
 Nhiều công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Australia nhận được vốn hoạt động từ chính phủ liên bang. Tại mỗi thủ phủ của các bang đều có một dàn nhạc giao hưởng và nước Australia có một công ty opera cấp quốc gia, Opera Australia, vốn trở nên có tiếng tăm nhờ giọng ca của Nellie Melba và Joan Sutherland. Múa và ba lê được trình diễn bởi Ballet Australia và nhiều công ty múa khác đền từ các tiểu bang. Mỗi bang đều có nhà hát hoạt động bởi vốn cộng đồng.
 
 Ngành công nghiệp điện ảnh của Australia ra đời năm 1906 với việc phát hành của "The Story of the Kelly Gang," bộ phim dài 70 phút kể về Ned Kelly, một lục lâm và anh hùng dân gian nổi tiếng của Australia. Đây được cho là bộ phim dài đầu tiên được sản xuất trên thế giới. Làn sóng mới của điện ảnh Australia trong thập niên 1970 đã đem đến nhiều bộ phim thành công và có tính khiêu khích, trong đó có một số phim phản ảnh thời kỳ thực dân của Australia như "Panic at Hanging Rock""The Wave."
 
 Một vài bộ phim thành công sau đó là Mad Max và Gallipoli và gần đây là Shine, Rabbit-Proof Fence và Happy Feet. Phong cảnh thiên nhiên đa dạng và một vài thành phố lớn đã được tận dụng làm phim trường cho một số phim nổi tiếng như Ma trận, Peter Pan, Superman Returns và Finding Nemo. Nước Australia cũng có nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới trong đó tiêu biểu là Judith Anderson, Errol Flynn, Nicole Kidman, Hugh Jackman, Heath Ledger, Geoffrey Rush, Russell Crowe, Toni Collette, Naomi Watts và Cate Blanchett, một vài người trong số họ đã giành được giải Oscar, giải thưởng điện ảnh uy tín nhất của nước Mỹ.
 
 + Văn học của Australia cũng lấy nhiều cảm hứng từ phong cảnh thiên nhiên. Các tác phẩm của một số nhà văn như Banjo Paterson, Henry Lawson và Dorothea Mackellar khắc họa thành công bức tranh về thiên nhiên hoang dã nước Australia. Nét đặc sắc của nước Australia thời thuộc địa, vốn được phản ánh trong nền văn học thuở ban đầu, rất quen thuộc đối với nhiều độc giả ngày nay. Họ tin rằng các tác phẩm ra đời trong thời kỳ này nhấn mạnh đến tình bằng hữu, chủ nghĩa quân bình và phi độc tài. Năm 1973, nhà văn Patrick White được trao giải Nobel Văn học và hiện ông vẫn là người Australia duy nhất được trao tặng giải thưởng danh giá ở hạng mục này. Colleen McCullough, David Williamson và David Malouf là ba nhà văn khác có tên tuổi trong nền văn học Australia.
 
 + Australia có hai hãng thông tấn quốc gia là ABC (Tập đoàn Truyền thông Australia) và SBS (Dịch vụ Truyền thông đặc biệt), ba mạng lưới truyền hình thương mại, nhiều dịch vụ truyền hình trả phí và nhiều đài phát thanh, truyền hình công cộng hay phi lợi nhuận. Mỗi thành phố lớn đều có nhật báo và ngoài ra còn có hai tờ nhật báo quốc gia là The Australian và The Australian Financial Review.

Ẩm thực

Ẩm thực Australia vốn nổi tiếng có sự dung hòa, kết tinh của nhiều nền văn hóa khác nhau mà vẫn luôn luôn có bản sắc riêng. Đó cũng chính là một điểm khiến người ta sẽ rất khó quên nếu đã một lần thưởng thức các món ăn đến từ đất nước xinh đẹp này.

Theo lịch sử thì ẩm thực Australia là dựa trên ẩm thực Anh đem đến đất nước này bởi những người định cư đầu tiên. Những thứ này bao gồm các loại bánh, các miếng thịt nướng lớn hay xắt nhỏ, và các loại thịt đi kèm với vài thứ rau (tổ hợp này thường được gọi là "thịt và ba thứ rau"). Những thức ăn nguyên gốc này đã bị lấn át bởi sự chú trọng ngày càng tăng vào nền văn hóa đa quốc gia xảy ra trong văn hóa Australia trong 40-50 năm qua, với ẩm thực của người Australia bây giờ chịu ảnh hưởng bởi sự đa dạng về thức ăn của người Địa Trung Hải và người châu Á nhập cư. Truyền thống của người Anh vẫn còn tồn tại ở các mức độ khác nhau trong các cửa hàng bán thức ăn làm sẵn (takeaway food), với các miếng cá và khoai tây chiên vẫn còn phổ biến.

Người dân Australia coi món ăn bản địa truyền thống của mình là “Bush Tucker.” Đây là một món ăn hết sức đặc biệt có nguồn gốc từ các món ăn nguyên thuỷ của thổ dân cổ xưa. Bush Tucker có nguyên liệu là những cây cỏ thực vật hoang dại cùng những loài động vật săn bắt được kể cả sâu, nhộng... Không phải ai cũng sẽ thưởng thức được món ăn này song cũng không thể phủ nhận được rằng nó hết sức ấn tượng và hấp dẫn. Các món ăn hiện đại của người Australia ngày nay lại đưa đến một cảm giác hoàn toàn khác biệt. Phong cách ẩm thực hiện đại của một đất nước phát triển sôi động gắn liền với những món ăn nhanh, nhẹ nhàng nhưng bổ dưỡng. Các nhà hàng cũng được bố trí tiện lợi, thoáng mát mà vẫn tinh tế, sang trọng.

Đặc biệt, ẩm thực Australia rất nổi tiếng với những hải sản tươi ngon, hoa quả cây trái địa phương, thịt bò, thịt cừu và các loại bánh bánh pho mát hàng đầu thế giới. Những người đã từng đến đất nước này đều không thể quên được những món ăn như Barbeque với những miếng thịt nướng thơm giòn được nướng trong khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, trong lành.

Một vài cách ăn uống của người Australia:

Barbie (Barbeque)

Thú thư giãn số một của người Australia: Trong vòng bạn bè, gia đình người ta nướng steaks ngoài vườn hoặc ngoài công viên. Khắp nơi trong các công viên đều có chỗ ngồi và chỗ để nướng thịt (steaks). Có những nơi người ta còn gắn cả lò nướng bằng gar (bỏ tiền cắc vào là có thể sử dụng). Những địa điểm nướng này thường được chăm sóc và giữ sạch sẽ. Ngay cả củi để đốt cũng không thiếu. Ngoài ra, các tiệm supermarket có bán thịt đã ướp sẵn.

Bush Tucker

Nguyên thủy là món ăn của thổ dân mà nhiều tay đầu bếp đem ra áp dụng lại. Ăn theo lối Bush Tucker là tất cả những thứ người ta săn được hoặc những loại rau cỏ mọc ngoài rừng như kỳ đà, kỳ nhông, rắn, con nhộng, con sâu, v.v... cũng như các loại đậu hoang, cà chua hoang, mận hoang ...

Thường thường những đồ ăn này phải do đầu bếp bản xứ nấu và người ăn phải có một khẩu vị "phóng khoáng" thì mới thưởng thức được. Thí dụ như những con sâu, con nhộng đầy mỡ, sống trong trùm rễ của các bụi cây. Ăn sống thì toàn là mỡ, nhưng khi nướng trong tro nóng thì nó trở thành một món ăn tuyệt hảo!

Điểm du lịch

Danh lam thắng cảnh: Dải đá ngầm chắn ngang cảng tuần tra Sydney, Nhà hát Opera Sydney, Viện Bảo tàng nhà tù và hình phạt thời Trung cổ ở Melbourne, Vườn bách thảo Hoàng gia, núi Alpes, v.v

Lễ hội

Australia có rất nhiều lễ hội, trải dài trong bốn mùa

+ Mùa xuân ở Australia, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Trong thời gian này, ở Canberra, có lễ hội hoa Floriade khổng lồ; ở Melbourne có Ngày Hội Đua Ngựa Mùa Xuân tranh Cúp Melbourne làm cả nước ngưng mọi hoạt động; lễ hội mùa xuân ở Thung Lũng Hunter gần Sydney, hay Thung Lũng Yarra gần Melbourne với các lễ hội nhỏ như Jazz ở the Vines, lễ hội Sculpture ở the Vineyards và lễ hội âm nhạc êm dịu Bimbadgen Blues.

+ Các lễ hội mùa hè của Australia, giữa tháng 12 và tháng 2, với các lễ hội âm nhạc và văn hóa, các sự kiện ngoài trời và các giải đấu thể thao.

Giải đua thuyền buồm  Sydney-Hobart trên sóng nước huyền thoại của Hobart, cũng là địa điểm tổ chức lễ hội Taste of Tasmania.

Bắn pháo hoa trong đêm giao thừa hay các lễ hội mừng Quốc Khánh Australia ở Vịnh Sydney.

Những lễ hội âm nhạc danh tiếng hay trải nghiệm các nền văn hóa đa dạng tại những lễ hội nghệ thuật như Lễ Hội Sydney. 

+ Các lễ hội vào mùa thu của Australia, từ tháng 3 đến tháng 5, với các lễ hội như Ngày Hội Khinh Khí Cầu Canberra; lễ diễu hành nhảy múa dưới đường Oxford của Sydney trong lễ diễu hành của những người đồng tính;  lễ hội ẩm thực và rượu vang ở Melbourne, tuần lễ thời trang và cuộc đua Grand Prix của Australia.  Ở bờ biển phía tây của Australia, Lễ Hội Rượu Vang sông Margaret và lễ hội Ord Valley của Kununurra; 50 sự kiện của Lễ Hội Muster trên sông Ord với các cuộc phiêu lưu bằng xe leo núi, tìm kim cương, cưỡi ngựa chứng và buổi hòa nhạc trên sông Ord.

+ Mùa đông ở Australia, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 trên hầu khắp đất nước. Ở Lãnh Thổ Phía Bắc, những ngày nắng ấm và những đêm mát mẻ biến mùa đông thành quãng thời gian lý tưởng để ra đường và ăn mừng.  Các sự kiện rất đa dạng, từ các sự kiện lạ đời như cuộc đua thuyền làm bằng lon bia Darwin Beer Can Regatta, đến những sự kiện thiêng liêng như Lễ Hội Garma nổi tiếng thế giới ở Arnhem Land.  Xuôi xuống phía Nam, những thú vui mùa đông truyền thống chiếm vị trí đặc biệt  Tận hưởng Lễ Giáng Sinh giữa năm ở lễ hội Yulefest ở Blue Mountains, thưởng thức bữa ăn tối ngon lành cạnh một ngọn lửa đang bùng cháy ở lễ hội lửa trại Fireside tại Canberra hay đánh dấu điểm đông chí tại Lễ Hội Giữa Mùa Đông Antarctic ở Hobart.