Cộng hòa Áo

Cộng hòa Áo

Nhà thơ lớn của Áo đau đáu với nỗi niềm Việt Nam

Thứ tư 30/11/2011 | 20:12:00

Nhà thơ lớn của Áo đau đáu với nỗi niềm Việt Nam Bìa tuyển tập thơ “Từ quê hương Mozart.” (Ảnh: Thiên Linh/ Vietnam+)

Erich Fried được mệnh danh là nhà thơ dấn thân cho Việt Nam. Ông còn là một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ XX của văn học Áo.

Mặc dù chưa một lần đến Việt Nam nhưng nhà thơ người Áo Erich Fried (1921-1988) đã khiến độc giả thế giới xúc động khi đọc những vần thơ ông viết về chiến tranh ở Việt Nam.

Với tinh thần phản chiến, thơ Erich Fried đã lên án cuộc chiến tranh khốc liệt từng cướp đi bao nhiêu sinh mạng người vô tội. Tuy nhiên, đến nay, ở Việt Nam, người dân chưa được biết mấy về Erich Fried cũng như các thi phẩm của ông.

“Nhà thơ dấn thân cho Việt Nam”

Theo dịch giả Quang Chiến, người chủ biên tập thơ của các thi nhân nước Áo mang tên “Từ quê hương Mozart,” Erich Fried đã được mệnh danh là nhà thơ dấn thân cho Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ XX của văn học Áo và văn học tiếng Đức.

Ông Chiến cũng khẳng định, mặc dù chưa một lần đặt chân đến Việt Nam nhưng nhà thơ Erich Fried đã theo dõi rất sát chiến tranh Việt Nam qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng.

Erich Fried từng viết nhiều thơ, diễn văn, tiểu luận, xuất hiện trong các hội nghị và các cuộc biểu tình đòi hòa bình và công lý cho nhân dân Việt Nam. Năm 1966, ông viết tập thơ “Và Việt Nam và…” gây nên làn sóng tranh cãi lớn ở Tây Đức bấy giờ. Tập thơ còn châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản kháng cuộc chiến tranh của Mỹ.

Tháng 2/1968, tại Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại Đại học tổng hợp T.U. Berlin, Erich Fried đã đọc tham luận “Việt Nam và sự phản kháng của chúng ta trong các thành phố lớn.”  Trong đó, ông kêu gọi các lực lượng đoàn kết đấu tranh chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bản tham luận này của ông đã gây được tiếng vang lớn.

Không chỉ có thơ và tham luận phản chiến, Erich Fried còn tham gia cuộc biểu tình cùng 12.000 thanh niên, trí thức, nhà khoa học để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Những hành động này của Erich Fried cho thấy, ông là một nhà thơ yêu chuộng hòa bình, một tâm hồn nhân hậu luôn đấu tranh cho công lý. Đặc biệt, Erich Fried đã dành tình cảm lớn cho con người và đất nước Việt Nam. Bởi vậy, với riêng độc giả Việt Nam, Erich Fried còn xứng đáng là một người bạn, một chiến hữu thân thiết.

Những vần thơ quằn quại nỗi đau

Có thể nói, thơ Erich Fried viết về chiến tranh đầy thương tâm và thảm khốc. Thơ của ông quằn quại nỗi đau của những con người vô tội là nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam do đế quốc Mỹ gây ra.

Độc giả dễ dàng bắt gặp những câu thơ đầy rùng rợn như: “Du kích bị bắt được đặt cho tên mới/ Tất cả đều thành Lumumba/ Thịt được chế biến/ Theo hai cách/ Chậm thì bằng napan/ Nhanh thì đốt bằng xăng/ Cách sau bị coi là man rợ/ Còn cách trước thì không” (trong bài “Đất nước ấy”).

Sự dã man của bọn giặc mang đến những cái chết kinh hoàng cho người dân đất Việt không dừng lại ở đó. Erich Fried còn nhấn mạnh những mưu đồ diệt vong nham hiểm của bọn đế quốc.

Erich Fried từng dẫn giải, vào ngày Tết của thiếu nhi Việt Nam, máy bay Mỹ đã ném xuống đồ chơi, kể cả xuống các ngôi làng mà trước đó không lâu họ đã ném bom giết con trẻ.

Bởi vậy ông đã hóa thân vào những người cha có con chết trong lần bỏ bom đó của Mỹ để nói lên nỗi đau tột cùng của họ qua những câu thơ đầy mỉa mai: “Giá cách đây hai tuần/ Máy bay Mỹ/ Đã ném xuống đồ chơi/ Bây giờ mới ném bom/ Thì hai con của tôi/ Còn thêm được hai tuần/ Có đôi chút đồ chơi/ Nhờ lòng hào hiệp Mỹ” (trong bài “Đồ chơi có mục đích 2”).

Có khi ông lại hóa thân vào nhân vật kẻ đi xâm lược để biện luận cho tội ác của chúng. Tuy nhiên, chúng càng biện luận lại càng lộ rõ bộ mặt dã man của bọn đi cướp nước. Với giọng thơ châm biếm nhưng đầy thương đau trong bài “Cải chính” đã thể hiện rõ tinh thần này của nhà thơ người Áo: “Chúng tôi hoàn toàn không muốn giết bọn trẻ/ Chúng tôi chỉ ưu tiên/ Giết bố mẹ chúng thôi… Còn hầu như trong mọi trường hợp/ Chúng chỉ được giết chung cùng với gia đình.”

Erich Fried đã làm bài thơ này khi ông biết có tin đồn rằng phi công Mỹ đã cố ý ném bom xuống các trường học. Lời đồn đại này đã được phía Mỹ kiên quyết bác bỏ./.

Buổi ra mắt tuyển thơ tối 30/11 tại Hà Nội do Đại sứ quán Cộng hòa Áo tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Trung tâm giao lưu Việt-Áo tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Áo (26/10) và hướng tới 40 năm quan hệ ngoại giao Áo-Việt Nam (1972-2012).

“Từ quê hương Mozart” là tập thơ đặc sắc của nước Áo với những tác giả nổi tiếng từ những thế kỷ trước như Nikolaus Lenau, Rainer Maria Rilke, Ingeborg Bachmann, Fanz Kiessling, Ilse Brem… Trong đó, tuyển tập thơ còn dành phần riêng để giới thiệu hai tác giả người Áo có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam là Erich Fried và Christian Ide Hintze.

Erich Fried với những sáng tác của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam và Christian Ide Hintze là người từng giảng dạy tại Trường viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội.

“Từ quê hương Mozart” gồm 83 thi phẩm thì riêng tác giả Erich Fried đã có tới 37 bài, trong đó, có 31 tác phẩm ông viết về Việt Nam và chiến tranh ở Việt Nam.

Thiên Linh (Vietnam+)