Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Việt Nam

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Việt Nam.

- Tên nước: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (the Socialist Republic of Vietnam)

- Ngày quốc khánh: 2/9/1945

- Thủ đô: Hà Nội

- Vị trí địa lý: Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam mang hình chữ S, kéo dài từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc, dài 1.650km theo hướng bắc nam, phần rộng nhất trên đất liền dài chừng 500km; nơi hẹp nhất dài gần 50km.

- Diện tích đất liền: 331.051,4km2

- Khí hậu: Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Phía Bắc chịu ảnh hưởng của lục địa Trung Hoa nên ít nhiều mang tính khí hậu lục địa. Biển Đông ảnh hưởng sâu sắc đến tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm của đất liền. Nhiệt độ trung bình tại Việt Nam dao động từ 21oC đến 27oC và tăng dần từ Bắc vào Nam.

- Dân số: 85.789.573 (đến 1/4/2009), Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới, trong đó 25% sinh sống tại thành thị và 75% sinh sống ở nông thôn; tỷ lệ tăng dân số hàng năm là 1,18%. Các thành phố đông dân nhất Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh (5 triệu dân), thủ đô Hà Nội (3,5 triệu dân).

- Dân tộc: Việt Nam là một quốc gia của 54 dân tộc cùng chung sống hòa thuận, trong đó dân tộc Kinh chiếm 86% dân số; 53 dân tộc còn lại có số lượng dao động trên dưới một triệu người như Tày, Nùng, Thái, Mường, Khmer cho đến vài trăm người như dân tộc Ơ Đu và Brâu.

- Hành chính: Gồm 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).

- Đơn vị tiền tệ: Việt Nam Đồng (VNĐ)

- Tôn giáo: Có 6 tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, Đạo Tin lành, Hồi Giáo

- Ngôn ngữ: Tiếng Việt

Địa lý

+ Vị trí địa lý:  Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Campuchia ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông. Trên bản đồ, dải đất liền Việt Nam mang hình chữ S, kéo dài từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc, dài 1.650km theo hướng Bắc-Nam, phần rộng nhất trên đất liền dài chừng 500km; nơi hẹp nhất dài gần 50km.
 
+Diện tích: Diện tích đất liền: 331.698 km2, trong đó có khoảng 327.480 km2 đất liền, hơn 4.200 km2 biển nội thủy, có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được Chính phủ Việt Nam xác định gần gấp ba lần diện tích đất liền khoảng trên 1 triệu km2.
 
+Địa hình: Địa hình Việt Nam đa dạng: đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa, phản ánh lịch sử phát triển địa chất, địa hình lâu dài trong môi trường gió mùa, nóng ẩm, phong hóa mạnh mẽ. Địa hình thấp dần theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, được thể hiện rõ qua hướng chảy của các dòng sông lớn.
 
Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1.000 m chiếm tới 85% lãnh thổ. Núi cao trên 2.000 m chỉ chiếm 1%. Đồi núi Việt Nam tạo thành một cánh cung lớn hướng ra Biển Đông, chạy dài 1400km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ. Những dãy núi đồ sộ nhất đều nằm ở phía Tây và Tây Bắc với đỉnh Fansipan cao nhất bán đảo Đông Dương (3.143m). Càng ra phía đông, các dãy núi thấp dần và thường kết thúc bằng một dải đất thấp ven biển. Từ đèo Hải Vân vào Nam, địa hình đơn giản hơn. Ở đây không có những dãy núi đá vôi dài mà có những khối đá hoa cương rộng lớn, thỉnh thoảng nhô lên thành đỉnh cao; còn lại là những cao nguyên liên tiếp hợp thành Tây Nguyên, rìa phía đông được nâng lên thành dãy Trường Sơn.
 
Đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích trên đất liền và bị đồi núi ngăn cách thành nhiều khu vực. Ở hai đầu đất nước có hai đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu là đồng bằng Bắc Bộ (lưu vực sông Hồng, rộng 16.700km2) và đồng bằng Nam Bộ (lưu vực sông Mekong, rộng 40.000km2). Nằm giữa hai châu thổ lớn đó là một chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, phân bố dọc theo duyên hải miền Trung, từ đồng bằng thuộc lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) đến Phan Thiết với tổng diện tích 15.000km2.
 
Việt Nam có ba mặt đông, nam và tây-nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía đông và đông nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Chỉ riêng Vịnh Bắc Bộ đã tập trung một quần thể gần 3.000 hòn đảo trong khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các đảo Cát Hải, Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ... Xa hơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía tây - nam và nam có các nhóm đảo Côn Sơn, Phú Quốc và Thổ Chu.
 
+ Khí hậu: Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Phía Bắc chịu ảnh hưởng của lục địa Trung Hoa nên ít nhiều mang tính khí hậu lục địa. Biển Đông ảnh hưởng sâu sắc đến tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm của đất liền.
 
Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn.  Việt Nam có thể được chia ra làm hai đới khí hậu lớn: (1) Miền Bắc (từ đèo Hải Vân trở ra) là khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 4 mùa rõ rệt (xuân-hạ-thu-đông), chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (từ lục địa châu Á tới) và gió mùa đông Nam (thổi qua Thái Lan-Lào và Biển Đông), có độ ẩm cao. (2) Miền Nam (từ đèo Hải Vân trở vào) do ít chịu ảnh hưởng của gió mùa nên khí hậu nhiệt đới khá điều hòa, nóng quanh năm và chia thành hai mùa rõ rệt (mùa khô và mùa mưa).
 
Nhiệt độ trung bình tại Việt Nam dao động từ 21oC đến 27oC và tăng dần từ bắc vào nam. Mùa hè, nhiệt độ trung bình trên cả nước là 25oC (Hà Nội 23oC, Huế 25oC, thành phố Hồ Chí Minh 26oC). Mùa đông ở miền Bắc, nhiệt độ xuống thấp nhất vào các tháng Mười Hai và tháng Giêng. Ở vùng núi phía Bắc, như Sa Pa, Tam Đảo, Hoàng Liên Sơn, nhiệt độ xuống tới 0oC, có tuyết rơi.
 
 Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400-3.000 giờ/năm. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 đến 2.000 mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%. Do ảnh hưởng gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường gặp bất lợi về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán (trung bình một năm có 6-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán đe dọa).
 
+Tài nguyên: Đất ở Việt Nam rất đa dạng, có độ phì cao, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Việt Nam có hệ thực vật phong phú, đa dạng (khoảng 14 600 loài thực vật). Thảm thực vật chủ yếu là rừng rậm nhiệt đới, gồm các loại cây ưa ánh sáng, nhiệt độ lớn và độ ẩm cao. Quần thể động vật ở Việt Nam cũng phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ của thế giới. Hiện nay, đã liệt kê được 275 loài thú có vú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng thể, 2.400 loài cá, 5.000 loài sâu bọ.
 
Về tài nguyên biển có dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng khoáng sản ngoài khơi. Với hệ thống sông dốc đổ từ các cao nguyên phía tây, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển thủy điện.

Lịch sử

Trong tiến trình phát triển lịch sử, Việt Nam là một trong những khu vực được coi là cái nôi của loài người và cũng được coi là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm với nền văn minh lúa nước, nơi đã từng trải qua các cuộc cách mạng đá mới và cách mạng luyện kim.

Trên nền tảng phát triển kinh tế-xã hội thời Đông Sơn, trước những đòi hỏi của công cuộc trị thủy và chống xâm lăng, Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên - đã ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Bằng sức lao động cần cù sáng tạo, cư dân Văn Lang, (sau đó là Âu Lạc) đã tạo dựng nên một nền văn minh tỏa sáng khắp vùng Đông Nam Á. Đi cùng với Nhà nước đầu tiên của lịch sử Việt Nam là một nền kinh tế phong phú, một nền văn hóa cao mà mọi người biết đến với tên gọi là văn minh Sông Hồng (còn gọi là văn minh Đông Sơn) với biểu tượng là trống đồng Đông Sơn - thể hiện sự kết tinh lối sống, truyền thống và văn hóa của người Việt cổ.

Vừa dựng nước người Việt đã phải liên tiếp đương đầu với sự xâm lăng của các thế lực bên ngoài. Độ dài thời gian và tần suất các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam rất lớn.

Kể từ cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ III trước Công nguyên) đến cuối thế kỷ XX, đã có tới 12 thế kỷ Việt Nam phải tiến hành hàng trăm cuộc chiến tranh giữ nước, khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Một điều đã trở thành quy luật của các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam là phải "lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh.”

Từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên (kéo dài hơn 1.000 năm), Việt Nam bị các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ. Sự tồn vong của một dân tộc bị thử thách suốt hơn nghìn năm đã sản sinh ra tinh thần bất khuất, kiên cường, bền bỉ đấu tranh bảo tồn cuộc sống, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa, quyết giành lại độc lập cho dân tộc của người dân Việt Nam.

Từ Văn Lang-Âu Lạc đến Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, mặc dù phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia phát triển liên tục trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định sự tồn tại và không ngừng lớn mạnh của một dân tộc.

Đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam là văn hóa làng, xã. Chính xóm làng của người Việt đã nuôi dưỡng và phát triển những tinh hoa của văn hóa truyền thống, làm cơ sở cho tinh thần đoàn kết trong các cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống chính sách đồng hóa của các triều đại Phương Bắc, giành độc lập cho dân tộc, gìn giữ truyền thống, văn hóa riêng của mình.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam – kỷ nguyên phát triển quốc gia phong kiến độc lập, thời kỷ xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Dưới các triều Ngô (938-965), Đinh (969-979), Tiền Lê (980-1009) nhà nước trung ương tập quyền được thiết lập.

Sau đó, Việt Nam bước vào thời kỳ phục hưng và phát triển (với quốc hiệu Đại Việt) dưới triều Lý (1009-1226), Trần (1226-1400), Hồ (1400-1407), Lê Sơ (1428-1527). Đại Việt dưới thời Lý-Trần-Lê Sơ được biết đến như một quốc gia thịnh vượng ở Châu Á. Đây là một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử của Việt Nam trên mọi phương diện. Lịch sử gọi thời kỳ này là Kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Thăng Long (bây giờ là Hà Nội) cũng được chính thức công nhận là Kinh đô của Đại Việt với Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn vào năm 1010.

Từ thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam với tư tưởng nho giáo đã bọc lộ sự lạc hậu và bắt đầu suy yếu. Trong khi nhiều quốc gia-dân tộc ở châu Âu đang dần chuyển sang chủ nghĩa tư bản thì Đại Việt bị chìm trong nội chiến và chia cắt. Tuy trong các thế kỷ XVI-XVIII, nền kinh tế, văn hóa có những bước phát triển nhất định, nhiều thành thị, thương cảng ra đời đẩy nhanh quan hệ buôn bán trong và ngoài nước, nhưng cảnh chia cắt và nội chiến đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Bước sang đầu thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, ráo riết tìm kiếm thị trường, từng bước xâm chiếm thuộc địa. Người Pháp, thông qua con đường truyền đạo, thương mại đã tiến hành thôn tính Việt Nam. Đây là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam phải đương đầu với họa xâm lăng từ một nước công nghiệp phương Tây. Trong hoàn cảnh này, một số trí sĩ Việt Nam đã nhận thức được yêu cầu bảo vệ độc lập phải gắn liền với cải cách, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ của phương Đông. Họ đã đệ trình những đề nghị canh tân đất nước, nhưng đều bị triều Nguyễn khước từ, đẩy đất nước vào tình trạng lạc hậu, bế tắc và từ đó Việt Nam đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến trong gần 100 năm (1858-1945).

Sau khi thiết lập bộ máy cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp đã nhanh chóng khai thác thuộc địa trên quy mô lớn. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được du nhập, kích thích sự hình thành và phát triển những yếu tố tư bản chủ nghĩa trong nước, làm thu hẹp và dần phá vỡ quan hệ sản xuất phong kiến. Việt Nam chuyển dần từ nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp lạc hậu sang nền kinh tế thuộc địa, hoàn toàn bị chi phối bởi giới tư sản Pháp. Một cơ cấu xã hội mới hình thành và phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Theo đó, các giai cấp như địa chủ-nông dân bị phân hóa sâu sắc, trong khi lực lượng xã hội mới như giai cấp công nhân, tư sản, tiểu tư sản dần dần ra đời. Cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp kể từ đây mang hai khuynh hướng: tư sản (tiêu biểu là Việt Nam Quốc dân Đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Bái đầu năm 1930) và vô sản do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh dấu sự thắng thế của giai cấp công nhân và của phong trào cách mạng theo khuynh hướng vô sản. Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc, nhân dân Việt Nam cùng với Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Quân đội nhân dân ngày nay) đã khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (5/1954) và Hiệp định Geneva (7/1954) đánh dấu sự kết thúc thắng lợi toàn diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ của độc lập dân tộc, tự do; đưa Miền Bắc Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ tạm thời nằm dưới sự quản lý của Pháp và Mỹ để chờ tổng tuyển cử trong cả nước. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneva đã không thể tổ chức được do Mỹ đã can thiệp, dựng lên chế độ Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm đứng đầu. Đất nước tiếp tục bị chia cắt hơn 20 năm.

Trong hơn 20 năm (1954-1975) Việt Nam lại phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã kết thúc thắng lợi. Từ đó, nước Việt Nam thống nhất đi vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất và xây dựng đất nước trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, trong 10 năm đầu của thời kỳ này, nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội không thực hiện được do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng, trì trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) đề ra đường lối đổi mới với trọng tâm là đổi mới kinh tế. Đây là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam thời kỳ mới. Đường lối đổi mới đã tiếp tục được Đảng khẳng định lại qua các kỳ Đại hội sau đó. Qua 4 kế hoạch 5 năm, Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhiều chủng loại hàng hóa được xuất khẩu và nhiều thương hiệu hàng hóa được thế giới biết đến; kinh tế đạt tăng trưởng cao vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; chính sách xã hội được chú trọng hơn, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện; quản lý xã hội trên cơ sở luật pháp dần đi vào nề nếp.

(Nguồn tin: http://www.mofa.gov.vn)

Chính trị

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền. Hệ thống chính trị hiện nay ra đời từ khi thiết lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, gồm các cấu thành quyền lực chính trị sau: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, Nhân dân trong hệ thống chính trị, Hiến pháp.

+ Đảng Cộng sản Việt Nam: Là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, vừa là lực lượng hợp thành, vừa là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho hệ thống chính trị giữ được bản chất giai cấp công nhân và bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

+Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa: là tổ chức trung tâm và là trụ cột của hệ thống chính trị, thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội và thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại.

Hệ thống nhà nước gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổ chức bộ máy cấp địa phương.

Quốc hội: là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm vụ: Lập hiến, lập pháp; giám sát, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Nhiệm kỳ của Quốc hội: 5 năm, hoạt động thông qua kỳ họp 1 năm 2 lần. Ngoài ra, nếu ủy ban Thường vụ Quốc hội xét thấy cần thiết hoặc do yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc 1/3 tổng số đại biểu thì Quốc hội sẽ họp đột xuất. Đại biểu Quốc hội: Là công dân Việt Nam, từ 21 tuổi trở lên, có phẩm chất, trình độ, năng lực, được cử tri tín nhiệm bầu ra. Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực giữa hai kỳ họp của Quốc hội.

Hai hội đồng của Quốc hội là: Hội đồng Quốc phòng-An ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch, Thủ tướng làm Phó chủ tịch và 4 ủy viên. Hội đồng Dân tộc gồm 1 Chủ tịch và 38 thành viên.

Chủ tịch nước: là người đứng đầu Nhà nước, được Quốc hội bầu từ các đại biểu Quốc hội để thay mặt nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước có 12 quyền hạn, trong đó quan trọng nhất là: Công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh; Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Toà án tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao.

Giúp việc Chủ tịch nước có: Phó Chủ tịch nước, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Chủ tịch nước.

Chính phủ: Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ chịu sự giám sát và thực hiện chế độ báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

Chính phủ gồm: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Thủ tướng do Chủ tịch nước giới thiệu, Quốc hội bầu ra và bãi miễn trong số các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 5 năm.  Giúp việc Thủ tướng có: các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Tòa án Nhân dân tối cao: là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Gồm Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, hội thẩm, thư ký toà án. Nhiệm kỳ là 5 năm. Tòa án nhân dân địa phương: tỉnh và cấp tương đương; cấp huyện.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang, công dân ; thực hành quyền công tố bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gồm: Viện trưởng: do Chủ tịch nước đề nghị, Quốc hội bầu và bãi miễn. Các Viện phó, các kiểm sát viên và các điều tra viên: do Chủ tịch nước bổ nhiệm và bãi miễn theo đề nghị của Viện trưởng. Viện kiểm soát nhân dân địa phương gồm cấp tỉnh và huyện.

Tổ chức bộ máy cấp địa phương: Hội đồng nhân dân 3 cấp (tỉnh (thành phố thuộc Trung ương), huyện (quận), xã (phường)); Ủy ban Nhân dân - cơ quan chấp hành của  Hội đồng Nhân dân tổ chức theo 3 cấp của Hội đồng Nhân dân.

+ Các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể nhân dân: Đây là những tổ chức đại diện cho lợi ích của các cộng đồng xã hội khác nhau tham gia vào hệ thống chính trị theo tôn chỉ, mục đích, tính chất của từng tổ chức. Ở Việt Nam hiện có 5 tổ chức chính trị-xã hội gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh. Ngoài ra còn có nhiều tổ chức xã hội và các đoàn thể nhân dân khác.

+ Nhân dân trong hệ thống chính trị: Với tư cách là người sáng tạo lịch sử, nhân dân là lực lượng quyết định trong quá trình biến đổi xã hội, hình thành nên hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam. Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân và họ thực hiện quyền lực của mình chủ yếu thông qua Nhà nước; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Hiến Pháp: Hiến pháp Việt Nam hiện nay được Quốc hội khóa VIII thông qua năm 1992 (bổ sung, sửa đổi vào năm 2001 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa X). Hiến Pháp năm 1992 là sự kế thừa và phát triển các bản Hiến Pháp trước đó (1946, 1959, 1980). Sự ra đời của Hiến pháp 1992 là bước phát triển quan trọng trong lịch sử lập pháp Việt Nam. Hiến pháp 1992 là văn bản pháp luật nền tảng và có giá trị cao nhất, thể chế hóa những quan điểm cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới kinh tế, chính trị, khẳng định mục tiêu Xã hội chủ nghĩa, thể chế hóa nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa và các quyền tự do của công dân. Hiến pháp năm 1992 bao gồm Lời nói đầu, 7 chương và 147 điều quy định rõ Chế độ chính trị; Chế độ kinh tế; Văn hóa-giáo dục, khoa học- công nghệ; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân; Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh, Thủ đô; Sửa đổi Hiến pháp.
 

Kinh tế

Việt Nam chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới nền kinh tế từ năm 1986. Kể từ đó, Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn, trước hết là sự đổi mới về tư duy kinh tế, chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, thực hiện mở cửa, hội nhập quốc tế.

Trước năm 1986, Việt Nam thực hiện nền kinh tế tập trung. Chính sách Đổi Mới năm 1986 thiết lập mô hình "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa." Các thành phần kinh tế được mở rộng nhưng các ngành kinh tế then chốt vẫn dưới sự điều hành của Nhà nước.

Sau năm 1986, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển to lớn và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 9% hàng năm từ 1993 đến 1997, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam năm 1994. Tăng trưởng GDP 8,5% vào năm 1997 đã giảm xuống 4% vào năm 1998 do ảnh hưởng của sự kiện khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, và tăng lên đến 4,8% năm 1999. Tăng trưởng GDP tăng lên từ 6% đến 7% giữa những năm 2000-2002 trong khi tình hình kinh tế thế giới đang trì trệ.

Ngày 7/11/2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước có yêu cầu (trong đó có những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc). Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO ngày 11/1/2007.

Các vùng kinh tế-xã hội:

Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam phân chia Việt Nam thành 6 vùng kinh tế xã hội:
 
 * Vùng trung du và miền núi phía Bắc
 * Vùng đồng bằng sông Hồng
 * Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
 * Vùng Tây Nguyên
 * Vùng Đông Nam Bộ
 * Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Nghị định trên cũng quy định 3 vùng kinh tế trọng điểm
 
 * Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ
 * Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
 * Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng lớn: hầu như từ con số không vào năm 1986, đã tăng lên tới 3,2 tỷ USD năm 1997, sau đó do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã giảm xuống trong các năm 1998-2000 (có năm chỉ thu hút được 1,58 tỷ USD như năm 1999). Những năm gần đây, FDI vàoViệt Nam đã được phục hồi và có xu hướng tăng trở lại, từ 2,6 tỷ USD năm 2001 đã tăng lên 5,8 tỷ USD năm 2005. FDI tăng lên không chỉ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác các tiềm năng của đất nước, đào tạo tay nghề và giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động Việt Nam.

Chính sách đổi mới, mở cửa và công nghiệp hóa đã mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới để phát huy những lợi thế so sánh vốn có về tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, sử dụng những lợi thế đó vào việc phát triển các nguồn hàng xuất khẩu ngày càng lớn, tiêu thụ tại thị trường các nước, mang lại một nguồn thu ngoại tệ ngày càng cao phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa.

Trong thời kì đổi mới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 20%, nhờ đó đã đưa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam từ mức khoảng nửa tỷ USD/năm trong những năm trước đổi mới lên 26 tỷ USD năm 2004 và 32,23 tỷ USD năm 2005.

Văn hóa

+ Giáo dục Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Các triều đình phong kiến Việt Nam đã chú trọng việc học hành thi cử, mở mang văn hóa. Văn Miếu-Quốc tử giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã được lập từ năm 1076 để đào tạo nhân tài. Ngày nay, Nhà nước Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Sau khi thống nhất đất nước, một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh thống nhất trên cả nước bắt đầu được xây dựng.

Thành tựu giáo dục: nỗ lực trong giáo dục đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Từ một nước có tới 95% dân số mù chữ (1945), đến nay, tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam là 91% (2002). Kết quả đạt được trong việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đang được duy trì và phát huy.

Dạy nghề: Hệ thống dậy nghề đang hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề từ 20% năm 2000 lên 30% vào năm 2005 và 40% năm 2010 dưới các hình thức đào tạo ngắn và dài hạn.

+ Thủ công mỹ nghệ Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam có lịch sử lâu đời và phong phú với nhiều mặt hàng nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Các sản phẩm gốm, sơn mài, lụa, mây tre… có mặt tại nhiều nơi trên thế giới và được ưa chuộng. Một số nghề vẫn còn lưu giữ và phát triển tới ngày hôm nay, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động, đóng góp lớn cho xuất khẩu như nghề làm gốm, dệt lụa, sơn mài, đan lát mây tre, đan nón, đúc đồng, làm đồ gỗ…

+ Hội họa và điêu khắc Hội họa và điêu khắc gồm có: Tranh dân gian, Hội họa ngày nay, Điêu khắc cổ.

+ Kiến trúc Việt Nam Kiến trúc Việt Nam bao gồm: Kiến trúc dân gian, kiến trúc ngoại du.

+ Nghệ thuật biểu diễn Trong nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam có nhiều thể loại như chèo, tuồng, cải lương, rối nước, ca múa nhạc cung đình, hát quan họ, chầu văn, ca trù, hát then, lý Nam Bộ… nhưng phổ biến nhất và thường được biểu diễn nhiều nhất là chèo, cải lương, rối nước, lý Nam Bộ và nhã nhạc (một hình thức của ca múa nhạc cung đình). Dưới đây là sơ lược một vài loại hình trong nghệ thuật biểu diễn.

+ Văn học Việt Nam có một nền văn học phát triển khá sớm mang bản sắc riêng. Là một quốc gia có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có nền văn học riêng của mình, tất cả tạo nên một nền văn học Việt Nam đa bản sắc.

Ẩm thực

Việt Nam là một nước nông nghiệp thuộc về xứ nóng, vùng nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam. Chính các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã quy định những đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng-miền. Mỗi miền có một nét, khẩu vị đặc trưng. Điều đó góp phần làm ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng.

Đây là một văn hóa ăn uống sử dụng rất nhiều loại rau (luộc, xào, làm dưa, ăn sống); nhiều loại nước canh đặc biệt là canh chua, trong khi đó số lượng các món ăn có dinh dưỡng từ động vật thường ít hơn. Những loại thịt được dùng phổ biến nhất là thịt lợn, bò, gà, ngan, vịt, các loại tôm, cá, cua, ốc, hến, trai, sò v.v. Những món ăn chế biến từ những loại thịt ít thông dụng hơn như thịt chó, thịt dê, thịt rùa, thịt rắn, thịt ba ba... thường không phải là nguồn thịt chính, nhiều khi được coi là đặc sản và chỉ được sử dụng trong một dịp liên hoan nào đó với rượu uống kèm. Người Việt cũng có một số món ăn chay theo đạo Phật được chế biến từ các loại thực vật, không có nguồn thực phẩm từ động vật. Tuy nhiên, trong cộng đồng thì lại có rất ít người ăn chay trường, chỉ có các sư sãi trong các đền/chùa hoặc người bị bệnh nặng buộc phải ăn kiêng.

Ẩm thực Việt Nam còn đặc trưng với sự trung dung trong cách phối trộn nguyên liệu không quá cay, quá ngọt hay quá béo. Các nguyên liệu phụ (gia vị) để chế biến món ăn Việt Nam rất phong phú, bao gồm nhiều loại rau thơm như húng thơm, tía tô, kinh giới, hành, thìa là, mùi tàu v.v.; gia vị thực vật như ớt, hạt tiêu, sả, hẹ, tỏi, gừng, chanh quả hoặc lá non; các gia vị lên men như mẻ, mắm tôm, bỗng rượu, dấm thanh hoặc kẹo đắng, nước cốt dừa v.v.

Các gia vị đặc trưng của các dân tộc Đông Nam Á nhiệt đới nói trên được sử dụng một cách tương sinh hài hòa với nhau và thường thuận theo nguyên lý "âm dương phối triển", như món ăn dễ gây lạnh bụng buộc phải có gia vị cay nóng đi kèm. Các món ăn kỵ nhau không thể kết hợp trong một món hay không được ăn cùng lúc vì không ngon, hoặc có khả năng gây hại cho sức khỏe cũng được dân gian đúc kết thành nhiều kinh nghiệm lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Khi thưởng thức các món ăn, tính chất phối trộn nguyên liệu một cách tổng hợp nói trên càng trở nên rõ nét hơn: người Việt ít khi ăn món nào riêng biệt, thưởng thức từng món, mà một bữa ăn thường là sự tổng hòa các món ăn từ đầu đến cuối bữa. Một nét đặc biệt khác của ẩm thực Việt Nam mà các nước khác, nhất là nước phương Tây không có chính là gia vị "nước mắm". Nước mắm được sử dụng thường xuyên trong hầu hết các món ăn của người Việt. Ngoài ra còn có các loại nước tương, tương đen (là từ đậu nành). Bát nước mắm dùng chung trên mâm cơm, từ xưa đến nay làm khẩu vị đậm đà hơn, món ăn có hương vị đặc trưng hơn và biểu thị tính cộng đồng gắn bó của người Việt.

Một đặc điểm ít nhiều cũng phân biệt ẩm thực Việt Nam với một số nước khác: ẩm thực Việt Nam chú trọng ăn ngon tuy đôi khi không đặt mục tiêu hàng đầu là ăn bổ. Bởi vậy trong hệ thống ẩm thực người Việt ít có những món hết sức cầu kỳ, hầm nhừ ninh kỹ như ẩm thực Trung Hoa, cũng không thiên về bày biện có tính thẩm mỹ cao độ như ẩm thực của Nhật Bản, mà thiên về phối trộn gia vị một cách tinh tế để món ăn được ngon, hoặc sử dụng những nguyên liệu dai, giòn thưởng thức rất thú vị dù không thực sự bổ béo (ví dụ như các món măng, chân cánh gà, phủ tạng động vật v.v). Trong thực tế nhiều người nhận thấy, một cách cảm tính, đặc trưng ẩm thực Việt Nam toát lộ trong sự đối sánh với các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới: món ăn Trung Hoa ăn bổ thân, món ăn Việt ăn ngon miệng, món ăn Nhật nhìn thích mắt. Tuy nhiên, đặc điểm này càng ngày càng phai nhòa và trở nên ít bản sắc trong thời hội nhập.

Ẩm thực Việt Nam chia làm ba vùng:

+ Ẩm thực miền Bắc: không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Sử dụng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến v.v.

Các món đặc trưng: phở, bún thang, bún chả, các món quà như cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì v.v. và gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.

+ Ẩm thực miền Nam: chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường gia thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa). Nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô (như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía v.v.). Ẩm thực miền Nam cũng dùng nhiều đồ hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc (các loại cá, tôm, cua, ốc biển), và rất đặc biệt với những món ăn dân dã, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay nhiều khi đã trở thành đặc sản: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui v.v.

+ Ẩm thực miền Trung: ăn cay và mặn hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Các tỉnh thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Bình Định rất nổi tiếng với mắm tôm chua và các loại mắm ruốc. Đặc biệt, ẩm thực Huế do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực hoàng gia, cho nên rất cầu kỳ trong chế biến và trình bày. Một mặt khác, do địa phương không có nhiều sản vật mà ẩm thực hoàng gia lại đòi hỏi số lượng lớn món, nên mỗi loại nguyên liệu đều được chế biến rất đa dạng với trong nhiều món khác nhau.

Ẩm thực các dân tộc thiểu số Việt Nam

Với 54 dân tộc sống trên nhiều vùng địa lý đa dạng khắp toàn quốc, ẩm thực của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có bản sắc riêng biệt. Rất nhiều món trong số đó ít được biết đến tại các dân tộc khác, như các món thịt lợn sống trộn phèo non của các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều món ăn đã trở thành đặc sản trên đất nước Việt Nam và được nhiều người biết đến, như mắm bò hóc miền Nam, bánh cuốn trứng (Cao Bằng, Lạng Sơn), bánh coóng phù (dân tộc Tày), lợn sữa và vịt quay móc mật, khau nhục Lạng Sơn, phở chua, cháo nhộng ong, phở cốn sủi, thắng cố, các món xôi nếp nương của người Thái, thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ v.v.

(Nguồn: wikipedia)

Điểm du lịch

Vùng du lịch Việt Nam gồm 3 vùng: Vùng du lịch Bắc bộ, Vùng du lịch Bắc Trung bộ, Vùng du lịch Nam trung bộ và Nam bộ.

Vùng du lịch Bắc bộ: gồm các tỉnh từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, trong đó, Hà Nội là trung tâm với trục động lực là Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long;

Vùng du lịch Bắc Trung bộ: gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Huế và Đà Nẵng là trung tâm của vùng và trục động lực là Quảng Trị-Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam.

Vùng du lịch Nam trung bộ và Nam bộ: từ Kon Tum đến Cà Mau với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh, các trục tăng trưởng là: Thành phố Hồ Chính Minh-Cần Thơ-Hà Tiên-Phú Quốc và Thành phố  Hồ Chí Minh-Vũng Tàu-Phan Thiết.

Một số điểm du lịch tiêu biểu của Việt Nam: Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Khu di tích hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), Khu đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phan Thiết(tỉnh Bình Thuận), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long.

Lễ hội

Sinh hoạt lễ hội là loại hình văn hóa dân gian đặc trưng tại mọi miền trên đất nước Việt Nam. Trong tâm lý và tình cảm, lễ hội mang lại sự thanh thản cho con người Việt Nam, gạt đi những lo toan thường nhật, tăng thêm sự gắn bó và tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước. Là một nước nông nghiệp, nên hầu hết các lễ hội diễn ra vào lúc “nông nhàn” - mùa xuân và mùa thu. trong đó có một số lễ hội chung cho mọi người trên khắp đất nước như Tết Nguyên Đán, Rằm Tháng Bẩy, Rằm Tháng Tám, Lễ Hội Đền Hùng.

+ Tết Nguyên Đán (thường vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai hàng năm): Tết là ngày hội lớn nhất trong năm của cả dân tộc Việt Nam. Đây là dịp cả gia đình xum họp, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống, đi thăm hỏi và chúc tụng những người trong gia tộc, bạn bè, đồng nghiệp. Trong quan niệm của mọi người, Tết là sự kết thúc của năm cũ - kết thúc của những điều xấu, rủi ro để bước sang năm mới với những điều tốt lành sẽ đến. Giao thừa là lúc thiêng liêng nhất; mọi gia đình đều lấy khoảng khắc này để đặt lễ, thắp hương thờ cúng thần linh, tổ tiên. Ngoài việc cúng giao thừa, còn nhiều tập tục vẫn được duy trì vào dịp Tết như xông đất, hái lộc, mừng tuổi.

+ Tết Trùng Nguyên (Rằm tháng Bảy âm lịch): Theo Phật giáo, ngày này các âm hồn được lên trần hưởng lộc. Hầu hết các gia đình đều làm cỗ cúng gia tiên; cúng xong đốt vàng mã cho vong hồn dùng. Bên cạnh đó còn có lễ vật (cháo, bỏng gạo, bánh đa, hoa quả…) cúng cho những cô hồn lang thang, không người hương khói. Lễ vật sau khi cúng xong chủ nhà chia cho trẻ nhỏ để lấy khước.

+ Tết Trung Thu (Rằm tháng Tám âm lịch): Đối tượng của Tết Trung thu chủ yếu là trẻ em. Các gia đình Việt Nam, đặc biệt những gia đình có trẻ em đều tổ chức đón Tết này. Tối đêm Rằm, hầu hết các gia đình có trẻ em đều có mâm cỗ trông trăng. Cỗ trung thu chủ yếu là bánh kẹo và hoa quả được tạo thành các con giống bày trên mâm cỗ. Đây cũng là dịp người lớn mua nhiều đồ chơi cho trẻ nhỏ. Đêm Rằm, không khí thật náo nhiệt bởi tiếng vui đùa của trẻ nhỏ, ánh sáng của trăng, đèn, nến các loại và của những điệu múa hát của trẻ nhỏ (rước đèn Trung Thu, múa Sư Tử…).

+ Giỗ tổ Hùng Vương: Ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ tổ Vua Hùng. Ngày Giỗ tổ được tổ chức tại khắp mọi miền đất nước Việt Nam và cả ở nhiều nước trên thế giới, nơi có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Nơi tổ chức Lễ Giỗ tổ chính thức là Phú Thọ (kinh đô của Nhà nước đầu tiên của Việt Nam – Văn Lang), nơi đặt Đền thờ 18 vị Vua Hùng. Những lễ phẩm có tính chất tục lệ của Việt Nam được làm ra và dâng cúng vào dịp này gồm đèn, hương, rượu, trầu cau, nước lã, bánh trưng, bánh dày. Những năm gần đây, Giỗ tổ Hùng Vương được coi như Quốc Lễ, được tổ chức với các nghi thức rất cao, có cả nhạc lễ, phục lễ cùng với sự tham dự của các quan chức Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Tỉnh Phú Thọ.