Vương quốc Thái Lan

Vương quốc Thái Lan

Những người giữ gìn văn hóa Việt Nam ở Thái

Chủ nhật 23/01/2011 | 09:29:00

Những người giữ gìn văn hóa Việt Nam ở Thái Lớp dạy học tiếng Việt miễn phí ở Ubon Ratchathani. (Ảnh: Ngọc Tiến/Vietnam+)

Các chi hội người Việt tại Thái Lan rất chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam trong các thế hệ trẻ.

Trong cộng đồng người Việt ở đất nước Thái Lan, việc gìn giữ văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ rất được chú trọng bởi các chi hội người Việt Nam tại đây.

Đó là các giáo viên tình nguyện, thỉnh giảng viên, các bậc cao niên... và họ đều có chung tâm nguyện muốn giúp con em Việt kiều Thái Lan có thể nói và đọc viết được tiếng Việt nhằm góp phần gìn giữ nền văn hóa dân tộc.

Lớp học tiếng Việt miễn phí

Nhân chuyến công tác tới tỉnh Ubon Ratchathani mới đây, phóng viên đã có dịp dự giờ học tiếng Việt do Hội người Việt Nam tại tỉnh Ubon tổ chức.

Trong lớp học được mở ở nhà một gia đình Việt kiều tại địa phương, phần lớn học viên là các em học sinh hiện đang học tại các trường phổ thông của Thái Lan.

Lớp học còn có sự góp mặt của một số chị em lớn tuổi hơn, những người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi do không được thường xuyên giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ trong suốt thời gian khó khăn bị cấm đoán trước đây. Hồi đó, bà con Việt kiều chỉ dám tổ chức những khóa học không công khai vì sợ bị cảnh sát địa phương bắt giữ.

Còn ngày nay, với việc quan hệ hai nước đang ngày một cải thiện và tiến triển, phong trào mở các lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại cộng đồng đang được thúc đẩy mạnh, nhất là tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Nhiều lớp học khác đã và đang được tổ chức tại các tỉnh Mukdahan, Nong Khai cùng một số tỉnh khác - nơi có cả những chợ bán nhiều đồ ăn Việt Nam như giò, bánh chưng, phở...

Ông Nguyễn Quốc Quyền, chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Ubon Ratchathani, cho biết đến nay Hội đã tổ chức được bốn lớp dạy tiếng Việt như là một phần trong nỗ lực góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó là chưa kể tới những lớp khóa học tiếng Việt cơ bản do các trường đại học hay trung tâm giáo dục của Thái Lan tổ chức để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và trao đổi văn hóa song phương.

Ông Lê Quốc Vi (tên tiếng Thái là Thawee Rungrotkhajonkul), thỉnh giảng viên và là ủy viên cố vấn Ban quan hệ quốc tế trường Đại học Ubon Rajabhat ở tỉnh Ubon Ratchathani, cho biết ông được mời làm chuyên gia về tiếng Việt Nam tại trường từ năm 2002-03, sau khi Thái Lan thay đổi chính sách đối với Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngoài việc giúp phổ biến văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam cho cán bộ nhân viên trong trường hay các học viên người Thái, ông Lê Quốc Vi còn tham gia hướng dẫn chỉ bảo thêm cho lớp học do Hội tổ chức.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động dạy tiếng Việt, Bộ Giáo dục và các cơ quan hữu quan Việt Nam nhiều năm gần đây đã phối hợp tổ chức hai khóa tập huấn để gây dựng phong trào ở miền Trung Việt Nam và mở một khóa tập huấn nữa tại Bangkok, từ đó nhân rộng ra các tỉnh thành có đông kiều bào sinh sống.

Việc mở lớp học dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều tại Bangkok diễn ra muộn hơn do gặp nhiều khó khăn về tìm địa điểm mở lớp học, điều kiện đi lại phức tạp do tình trạng kẹt xe và có ít điều kiện giao lưu thường xuyên do kiều bào sinh sống tản mát.

Phó chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam ở Bangkok, ông Thái Văn Hùng cho biết lớp học dạy tiếng Việt đầu tiên vừa được tổ chức ở đây cách đây khoảng ba tháng với sự tham gia của khoảng 20 học viên là học sinh, sinh viên và một số phụ huynh khác. Giáo trình chính được sử dụng là sách giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, song được vận dụng linh hoạt để khích lệ người học.

Theo ông Thái Văn Hùng, việc học tiếng Việt ở Bangkok không thuận lợi bằng các tỉnh ở vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi mọi người có thể nghe và nói tiếng mẹ đẻ khi ra đường ra chợ.

Tại lớp học ở địa chỉ 544, đường Sukhumvit, thị xã Muang, tỉnh Samut Prakan kề giáp với Bangkok, giáo viên tình nguyện Ninh Viết Thông nói: “Tất cả các học viên đang học trong lớp đều chưa biết nói, biết viết tiếng Việt nên công việc giảng dạy các em các cháu giống như dạy người nước ngoài học tiếng Việt. Điều khó khăn nữa là các em có quá ít thời gian học tiếng vì mỗi tuần chỉ học một buổi vào chiều Chủ Nhật, từ 4-6 giờ.”

Gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam

Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngoài việc mở những lớp dạy tiếng Việt, các gia đình cùng bà con trong cộng đồng thường tổ chức hội họp liên hoan, nấu nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam nhân ngày lễ Tết và Quốc khánh.

Các hội thường đề nghị mọi người giao tiếp và hát các bài hát bằng tiếng Việt. Chị em phụ nữ thường mặc áo dài duyên dáng.

Ông Hoàng Văn Toán, một Việt kiều ở Bangkok đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 2005 vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộc bạch: “Trong mấy ngày đón Tết Nguyên đán, gia đình thường có bánh chưng, giò, nem - những món ăn đặc trưng của dân tộc.”

Trong nhà ông Toán và rất nhiều gia đình Việt kiều khác đều có bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Tổ quốc có treo ảnh hay tượng Bác Hồ kính yêu. Họ cũng năng đến thăm chùa chiền, cầu ước những điều tốt đẹp nhất đến với cộng đồng.

Có thể cảm nhận mọi người Việt Nam ở Thái Lan, dù đang đi đâu hay làm gì, đều hướng về quê hương đất nước và cội nguồn dân tộc, mong muốn được sum vầy với gia đình anh em bạn bè, nhất là trong những ngày lễ Tết.

Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Ubon Ratchathani, Nguyễn Quốc Quyền cho biết: “Cộng đồng Việt kiều trong tỉnh đang cố gắng giữ gìn và phát huy phong tục tập quán truyền thống của dân tộc qua việc tổ chức các lễ hội lớn, trong đó có Tết Nguyên đán. Vào dịp Tết thường có bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ và Ban chấp hành Hội mời các đại diện của Đại sứ quán Việt Nam, quan chức chính quyền địa phương cùng đến vui đón Tết cổ truyền. Ngoài ra, bà con khi về thăm quê hương hay đi du lịch đều tích cực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ để góp phần bảo vệ và giữ gìn văn hóa Việt Nam."

Trước những ngày Tết Tân Mão đang gần kề, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng đã ghi nhận những cố gắng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Việt kiều, tại xứ chùa Vàng, trong việc ổn định cuộc sống và hòa nhập với nhân dân nước sở tại.

Đại sứ đồng thời biểu dương kiều bào về tinh thần yêu nước, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình và quê hương đất nước./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)