Vương quốc Thái Lan

Vương quốc Thái Lan

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Thái Lan.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Thái Lan.

- Tên nước: Vương quốc Thái Lan (Kingdom of Thailand).
 
 - Ngày quốc khánh:  5/12/1927
 
 - Thủ đô: Bangkok
 
 - Vị trí địa lý: Thái Lan là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía Bắc giáp Lào và Myanmar, phía Đông giáp Lào và Campuchia, phía Nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia, phía Tây giáp Myanmar và biển Andaman. Lãnh hải Thái Lan phía Đông Nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía Tây Nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman.
 
 - Diện tích đất liền: 511.770 km2
 
 - Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa
 
 - Dân số: Khoảng 64 triệu người, đông thứ 21 trên thế giới.
 
 - Dân tộc: Khoảng 75% dân số là dân tộc Thái, 14% là người gốc Hoa và 3% là người Malay, phần còn lại là những nhóm dân tộc thiểu số như Môn, Khmer và các bộ tộc khác. Có khoảng 2,3 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan.
 
 - Hành chính: Thái Lan được chia làm 76 tỉnh, trong đó có 2 thành phố trực thuộc trung ương là Bangkok và Pattaya. Do có phân cấp hành chính tương đương cấp tỉnh, Bangkok thường được xem là tỉnh thứ 76 của Thái Lan.
 
 - Đơn vị tiền tệ: Baht
 
 - Tôn giáo: Đạo Phật
 
 - Ngôn ngữ: Tiếng Thái

Địa lý

Với diện tích 513.120 km² (tương đương diện tích Việt Nam cộng với Lào), Thái Lan xếp thứ 49 trên thế giới về diện tích, rộng thứ ba tại Đông Nam Á, sau Indonesia và Myanmarr.
 
 Thái Lan là mái nhà chung của một số vùng địa lý khác nhau, tương ứng với các vùng kinh tế.
 
 Phía Bắc có địa hình đồi núi, với điểm cao nhất (2.576m) là Doi Inthanon. Phía Đông Bắc là Cao nguyên Khorat có biên giới tự nhiên về phía Đông là sông Mekong đây là vùng trồng nhiều sắn nhất của Thái Lan do khí hậu và đất đai phù hợp với cây sắn.
 
 Trung tâm của đất nước chủ yếu là vùng đồng bằng sông Chao Phraya đổ ra vịnh Thái Lan. Miền Nam là eo đất Kra mở rộng dần về phía bán đảo Mã Lai.

Lịch sử

Năm 1238, người Thái thành lập Vương quốc tại Sukhothai (ở miền Bắc Thái Lan hiện nay), sau đó mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam.
 
 Năm 1350, chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (phía Bắc Bangkok 70km). Năm 1782, Vua Rama I lên ngôi, lấy Bangkok làm Thủ đô.
 
 Đầu thế kỷ XIX, Thái Lan trở thành đối tượng xâm lược của nhiều đế quốc, chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ.
 
 Cuộc cách mạng năm 1932 đã xóa bỏ chế độ chuyên chế, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.

Chính trị

Thể chế chính trị: Quân chủ lập hiến
 
 - Cơ quan Lập pháp: Quốc hội gồm 2 viện: Thượng viện (150 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 6 năm) và Hạ viện (480 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm). Chủ tịch Hạ viện là Chủ tịch Quốc hội.
 
 - Cơ quan Hành pháp: Nguyên thủ quốc gia: Nhà vua. Về danh nghĩa, Nhà Vua là người đứng đầu Nhà nước, Tổng Tư lệnh quân đội và là người bảo trợ Phật giáo.
 
 Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng.
 
 - Cơ quan Tư pháp: Toà án Tối cao; các thẩm phán do Nhà vua bổ nhiệm.
 
 - Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 
 - Các đảng phái lớn: Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP); Đảng Dân chủ (PD); Đảng Vì Tổ quốc; Đảng Phát triển Đoàn kết Thái Lan; Đảng Dân tộc Thái (TNP); Đảng Dân chủ Đoàn kết; Đảng Nhân dân.

Kinh tế

Thái Lan hiện là một nước công nghiệp mới (trước vốn là một nước nông nghiệp truyền thống).
 
 Từ thập kỷ 1960, Thái Lan bắt đầu thực hiện quá trình công nghiệp hóa bằng chính sách “thay thế nhập khẩu” đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước.
 
 Từ năm 1988 đến năm 1995, nền kinh tế Thái Lan liên tục tăng trưởng cao (8%-10%). Nhưng đến tháng 7-1997, nền kinh tế Thái Lan lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Từ năm 1999 đến năm 2004, nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi.
 
 Năm 2006 và 2007, tuy những bất ổn về xung đột sắc tộc ở miền Nam vẫn tiếp diễn, giá dầu tăng cao và sự tăng giá của đồng baht ảnh hưởng bất lợi tới xuất khẩu, nhưng GDP vẫn tăng lần lượt là 5% và 4,8%.
 
 Đầu năm 2008, sau tuyển cử tháng 12-2007, kinh tế Thái Lan có dấu hiệu khởi sắc hơn. Quý I-2008 tăng 6% so với 5,7% của Quý IV-2007.
 
 Tuy nhiên bước sang quý III-2008, do bất ổn chính trị trong nước và ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan chỉ đạt 3,6% cho cả năm 2008 (quý IV-2008, tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm 3%).
 
 Trong năm tháng đầu năm 2009, xuất khẩu giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm 7,1%.
 
 Về công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 45,3% GDP và thu hút 14% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: ximăng, đường, xà phòng, thiếc, xe máy, hàng dệt, hàng may mặc, thuốc lá, nước giải khát, quặng
 
 Về nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 10,8% GDP và thu hút 49% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Mía, sắn, gạo, ngô, dừa, cao su, bông, thuốc lá, cà phê, gia cầm, trâu, bò, lợn
 
 Về dịch vụ-du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 43,9% GDP và thu hút 37% lực lượng lao động.
 
 Về xuất khẩu: 143,1 tỷ USD (năm 2008).
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chính: Hàng may mặc, sản phẩm từ cá, gạo, cao su, kim cương, ô tô, máy tính và thiết bị điện.
 
 - Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Mỹ (15%); Nhật Bản (12,6%); Trung Quốc (9%); Singapore (6,4%); Hồng Công (5,5%); Malaysia (5,1%).
 
 Về nhập khẩu: 121,9 tỷ (năm 2008).
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chính: Hàng công nghiệp, hoá chất, nhiên liệu, dầu nhờn, nguyên liệu thô, thực phẩm, kim loại…
 
 - Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Nhật Bản (19,9%); Trung Quốc (10,6%); Mỹ (7,5%); Malaysia (6,6%); Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (5,5%); Singapore (4,4%)

Văn hóa

Văn hóa Thái Lan chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tư tưởng đạo Phật - tôn giáo chính thức ở đất nước này và từ nền sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước. Có thể thấy rõ hai điểm trên qua các ngày lễ hội. Trong văn hóa ứng xử, người Thái tỏ rõ sự sùng đạo, tôn kính hoàng gia và trọng thứ bậc cũng như tuổi tác.
 
 Trang phục
 
 Trang phục Thái Lan chia ra làm hai dạng: trang phục truyền thống (trang phục cung đình và trang phục bình dân) và trang phục hiện đại. Đặc điểm cơ bản của trang phục truyền thống của người Thái là không may vừa sát người. Thay vì thế chúng được may từ các mảnh vải lụa hay vải bông hẹp được nối, gấp, cuộn thành nhiều loại áo quần đa dạng.
 
 Trang phục truyền thống
 
 - Trang phục bình dân
 
 Đối với phụ nữ, bộ trang phục căn bản là một cái phasin, tức là cái váy gồm hai hay ba mảnh vải may thành hình ống được quấn quanh lưng và gấp mép ở rốn. Đàn ông mặc quần là những dảy vải được buộc vào nhau ở giữa hai chân và vòng quanh hông. Cả đàn ông và phụ nữ đều mang cái túi bằng vải đeo trên vai để đựng đồ dùng cá nhân. Phasin có thể để trơn, không thêu thùa gì, nhưng thường thì chúng có họa tiết và màu sắc theo những kiểu cách phân biệt theo mỗi vùng hay mỗi nhóm sắc tộc. Thường thì phần dưới thấp trong trang phục được thêu thùa rất nhiều.
 
 - Trang phục cung đình Thái
 
 Các triều đình Thái ở thế kỷ 19 cổ động cho sự thay đổi trong cách ăn mặc của người Thái, họ thích một vẻ ngoài có dạng Tây Phương hơn. Đàn ông bắt đầu mặc áo sơ mi, và với cả hai phái thì quần áo may sẵn bắt đầu được ưa chuộng hơn.
 
 Trang phục hiện đại
 
 Sau Thế chiến thứ Hai, chính phủ khuyến khích việc chuyển sang ăn mặc hoàn toàn theo kiểu phương Tây. Giờ đây phasin bị coi như trang phục của người nghèo và những người vùng quê. Người ta chỉ còn mặc nó ở nơi thôn quê hay tại các đám rước trong các ngày lễ hội.

Ẩm thực

Ẩm thực Thái Lan là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt.
 
 Mỗi món ăn hay toàn thể bữa ăn đều có sự phối trộn tinh tế giữa vị cay, chua, ngọt và đắng. Ẩm thực Thái Lan là một phần của văn hóa Thái Lan và trở thành một trong những yếu tố thu hút khách du lịch.
 
 Người Thái Lan quan niệm bữa ăn là nơi giao tiếp thân mật của mọi người. Trong bữa ăn, món ăn chính là cơm tẻ hoặc xôi, ăn cùng với nhiều món được chế biến theo các cách khác nhau, theo khẩu vị của mỗi vùng. Đó là các món súp, cà ri, các món hầm hoặc rán, salad và thêm một hay nhiều thứ nước chấm cơ bản như nước mắm và ớt.
 
 Người Thái Lan ăn tráng miệng bằng hoa quả tươi hay những loại bánh truyền thống. Đặc biệt, người Thái Lan coi thú ẩm thực là cách giải trí ưa thích nhất.
 
 Mỗi miền có một cách ăn và chế biến món ăn riêng. Khi chúng ta nói đến “Ẩm thực Thái Lan,” thực tế là chúng ta đang nói đến 4 vùng miền ẩm thực khác biệt của Thái, mỗi vùng miền lại có một nét đặc trưng riêng trong cách chế biến truyền thống của họ.
 
 Ngoài ra khi nhắc đến ẩm thực Thái Lan chúng ta cũng phải nhắc đến ẩm thực cung đình Xiêm trước kia, ban đầu chỉ phổ biến trong hoàng tộc , ngày nay nó được lưu truyền rộng rãi.
 
 Ẩm thực các miền
 
 Miền Trung
 
 Người dân ở đây thích ăn các loại cơm gạo tẻ thơm. Cơm là món chính đối với tất cả các gia đình miền Trung Thái Lan. Trung bình có từ 3 đến 5 món ăn như Kang Phed (cà ri đỏ Thái), Tom Yam (canh chua), rau, nước mắm, cá trích, trứng rán theo kiểu Thái, thịt lợn nướng. Đồ ăn Thái-Trung Quốc phổ biến ở các thành phố như Bangkok, đặc biệt là các món mì.
 
 Miền Trung cũng có những món ăn theo kiểu Hoàng gia, được chế biến phức tạp hơn các món ăn thông thường. Do chịu ảnh hưởng của món ăn trong cung vua nên phong cách nghệ thuật nấu nướng rất cầu kỳ.
 
 Người Thái ở miền Trung thích ăn món nấu mềm và nhừ với một chút vị ngọt. Cách bày biện món ăn cũng mang tính nghệ thuật. Bàn ăn thường được trang trí với rau và hoa quả tỉa.
 
 Ẩm thực miền Trung đôi khi là sự kết hợp những món ăn ngon nhất của các vùng khác.
 
 Miền Bắc
 
 Ẩm thực miền Bắc hầu như mang đậm phong cách Myanmar. Món ăn miền Bắc được nấu theo hương vị riêng, bữa ăn thông thường gồm có xôi, nhiều loại nước chấm khác nhau như namprik noom, namprik dang, namprik ong và các loại xúp cay (kang) như kang hangle, kang hoh, kang kae.
 
 Ngoài ra còn có xúc xích địa phương như sai ua, nham, thịt hầm, lợn nướng, lợn rán, gà rán và rau đi kèm.
 
 Món ăn miền Bắc khác biệt với các vùng khác. Xôi là món ăn được ưa thích; khi ăn, người ta thường nắm thành nắm tròn nhỏ. Món cà ri của miền Bắc ít cay hơn so với miền Trung và Đông Bắc Thái Lan.
 
 Người miền Bắc thích món ăn nấu vừa chín tới với một chút vị mặn và hầu như không có vị ngọt và chua. Họ thích ăn thịt lợn nhất sau đó là thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thịt chim.
 
 Miền Đông Bắc
 
 Nhiều món ăn của miền Đông Bắc thể hiện những ảnh hưởng của nước láng giềng Lào. Xôi là món ăn chính, thường ăn cùng với thịt, tiết lợn, nộm đu đủ, cá nướng, gà nướng.
 
 Món ăn của miền này thường ăn với món som tam và món kai yang (gà nướng).
 
 Người vùng Đông Bắc thích ăn thịt rán như thịt cóc, thằn lằn, rắn, chuột đồng, kiến đo, côn trùng. Thịt lợn, bò, gà cũng rất được ưa thích.
 
 Miền Nam
 
 Ở miền Nam, dừa đóng vai trò quan trọng trong nhiều món ăn. Nước cốt dừa đun nóng được rưới vào xúp và cà ri. Dầu dừa dùng để rán. Cùi dừa làm gia vị.
 
 Hải sản tươi sống phổ biến như cá, tôm, tôm hùm, cua, mực ống, sò, trai.
 
 Hạt điều có rất nhiều ở vùng này, dùng để ăn như món khai vị hoặc rán với thịt gà và ớt khô, cũng như loại đậu cay sator được người miền Nam ưa thích bởi vị hơi đắng.
 
 Ẩm thực miền Nam là sự kết hợp ảnh hưởng của các nước như Ấn Độ hay Indonesia như món cà ri mang phong cách Ấn Độ nấu cùng bạch đậu khấu, đinh hương, quế và những xiên thịt nướng với nước xốt đậu phộng cay bắt nguồn từ Indonesia.
 
 Món ăn miền Nam có xu hướng cay nóng hơn nhiều so với món ăn ở các vùng khác của Thái Lan. Các món ăn mang hương vị đặc biệt của miền Nam là các món canh (xúp cay hay cà ri) như kang liang, kang tai pla và xốt budu.

Điểm du lịch

PhraThat Doi Suthep - ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Chiang Mai
 
 Thành phố Chiang Mai từng là thủ đô của vương quốc cổ Lannathai, nằm ở vùng núi cao Đông Bắc Thái Lan, cách thủ đô Băngcốc 800 km. Thành phố này nằm dọc theo sông Ping, thuộc dòng sông mẹ Chao Phraya. Chiang Mai có nhiều địa danh nổi tiếng, riêng về chùa có hàng chục ngôi chùa cổ. Nổi tiếng nhất trong số đó là ngôi chùa Phrathat Doi Suthep. Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV, toạ lạc ở độ cao 1676 m trên núi Suthep. Hàng năm, ngôi chùa cổ này luôn thu hút đông du khách đến tham quan.
 
 Chùa Phrathat Doi Suthep là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất tại Chiang Mai và được nhiều người Thái Lan tin sùng. Đây cũng là nơi nhiều tín đồ Phật giáo hành hương trong các ngày lễ lớn.
 
 Ngôi chùa và vị trí hiện nay của nó bắt nguồn từ truyền thuyết sau: Vào đầu thế kỷ XIV, có một nhà sư tên là Sumanathera nằm mơ thấy Phật về nói với ông rằng phải đi tìm một di vật của đức Phật. Tin vào giấc mơ này, nhà sư đã đến nơi Phật chỉ và ông tìm thấy một mảnh xương vai. Khi đó, di vật này như có phép lạ, nó vừa có thể phát ra ánh sáng, vừa có thể biến mất, lại cũng có thể tự chuyển động và tự tái tạo. Sau đó, nhà sư đã mang di vật về và dâng lên vua Dharammaraja - vua trị vì vùng Sukhothai (Thái Lan).
 
 Tuy nhiên, khi vua Dharammaraja xem thì di vật này không thể hiện phép nhiệm mầu nào như lời nhà sư Sumanathera mô tả. Do nghi ngờ đó không phải là di vật của Phật, vua Dharammaraja đã trả lại nhà sư Sumanathera và cho phép nhà sư được giữ lại di vật này.
 
 Sau khi nghe được tin về di vật kỳ lạ này, vua Nu Naone của vương quốc Lanna kế bên (Chiang Mai ngày nay) đã yêu cầu nhà sư đem đến cho ông. Vào năm 1368, nhà sư Sumanathera đã mang di vật này tới cho vua Nu Naone. Sau khi vua Nu Naone xem, như có một phép mầu, di vật này đã tự phân chia thành 2 phần, một phần lớn và một phần bé.
 
 Tin tưởng đây chính là di vật của đức Phật, vua Nu Naone đã cho cất giữ phần nhỏ hơn ở Wat Suan Dok (đền Suan Dok) gần đó. Phần lớn còn lại được vua cho đặt lên lưng một con voi trắng, thả vào rừng và cử người đi theo. Cũng theo truyền thuyết, khi leo lên núi Suthep, con voi trắng này đã rống lên 3 lần rồi chết. Tin rằng đây là điềm báo nơi di vật muốn được cất giữ, vua Nu Naone đã cho xây một ngôi đền ngay nơi con voi trắng ngã xuống. Đây chính là địa điểm mà ngôi chùa Phrathat Doi Suthep tọa lạc hiện nay.
 
 Ngày nay, khi đến thăm quan chùa, du khách sẽ được thưởng thức màn hát múa dân gian của một nhóm trẻ em trước lúc vào cửa. Khi vào chùa, du khách phải mặc lịch sự, để giày dép dưới những cây bồ đề. Ở phía ngoài chùa có dãy chuông đồng nhỏ nằm bên tháp trung tâm - đền Wat Suan Dok, mỗi khi gió thổi, chuông ngân lên như một điệu nhạc. Hai con rồng lớn nằm dài theo bậc thang, đầu ngẩng cao, đưa bước chân du khách lên chùa.
 
 Điểm gây ấn tượng đối với khách khi đến chùa là những pho tượng Phật. Những pho tượng này được bố trí ngay từ cửa chùa và đều rất uy nghi, mang dấu ấn thời gian và ánh mắt tĩnh lặng, trầm tư. Nếu đi tiếp vào bên trong, du khách sẽ như bị lạc lối bởi rất nhiều tượng Phật. Tượng to, tượng nhỏ, tượng cao, tượng thấp, tất cả đều đẹp đến kinh ngạc. Đường nét tinh xảo, tư thế vững chãi, thần thái của những pho tượng như đứng im lặng từ bao đời nay làm khách phải chiêm bái thành kính. Tại khu chính điện là một bức tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng lớn và rất nhiều bức tượng Phật nhỏ khác đặt xung quanh.
 
 Đến với Phrathat Doi Suthep và tham quan những bức tượng Phật nơi đây, du khách có thể nhận ra ngay những nét gần gũi giữa tượng ở chùa Thái Lan và chùa Lào, từ hình dáng, phong thái, các nét trên gương mặt tượng lẫn cách trang phục. Cách sắp xếp từng nhóm tượng với nhiều tư thế khác nhau, tượng trưng cho những ý niệm đạo Phật nguyên thuỷ Nam Tông.
 
 Ngoài ra, du khách còn được thưởng ngoạn và có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn thể thành phố Chiang Mai từ trên cao, ngay tại đỉnh núi Suthep này.
 
 Thiền viện Dhamma Kaya - Thiền viện có kiến trúc đồ sộ bậc nhất trên thế giới
 
 Dhamma Kaya, tiếng Thái nghĩa là “Thế giới tâm linh an lành,” là nơi dành cho tất cả những ai muốn nghiên cứu về nghệ thuật thiền, tìm sự thư thái, bình an giữa đời sống thường ngày.
 
 Thiền viện Dhamma Kaya thuộc tỉnh Pathum Thani (Thái Lan) cách trung tâm thủ đô Bangkok 28km về phía Bắc.
 
 Năm 1970, nữ tu Khun Yay, một trong những người dẫn dắt giáo phái Dhamma Kaya, xây dựng một thiền viện trên mảnh đất rộng 32ha thuộc huyện Klong Luang, tỉnh Pathum Thani.
 
 Năm 1977, trên vị trí của thiền viện cũ, người ta xây lại thiền viện mới, rộng hơn gấp 10 lần, lấy tên là Dhamma Kaya. Người đặt viên đá đầu tiên trong lễ khởi công xây dựng là công chúa Chakri Sirindhon, được sự ủy nhiệm của Quốc vương Thái Lan.
 
 Đến nay, Dhamma Kaya là thiền viện lớn bậc nhất trên thế giới, với diện tích hơn 316 ha, gồm 6 thiền đường lớn được xây hai tầng, mỗi thiền đường có sức chứa 250.000 người.
 
 - Thiền viện Dhamma Kaya nổi tiếng khắp thế giới về kiến trúc đồ sộ. Nơi đây có một Phật đài 300.000 pho tượng. Phật đài Dhamma Kaya được kiến tạo theo hình tháp tròn, truyền thống của Phật giáoTheravada. Vòm đỉnh tròn ở trên gồm có 300.000 tượng, mỗi tượng cao 18 cm, nặng khoảng 2,5 kg. Ngoài ra, còn có 700.000 tượng được tôn trí bên trong tháp.
 
 Những pho tượng được đúc bằng loại đồng pha vàng ở nhiệt độ 1.200 độ C. Công việc này rất kỳ công, kết hợp kinh nghiệm từ thời đồ đồng của người Ban Chiang ở tỉnh Udon Thani (Thái Lan), nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy pho tượng đồng có niên đại hơn 5.000 năm. Đối phó với khí hậu ẩm ướt với lượng mưa acid lớn của Thái Lan, người ta đã sử dụng kim loại titanium và phủ một lớp vàng bên ngoài để bảo vệ pho tượng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt trong thời gian khoảng 1.000 năm.
 
 - Kiến trúc đẹp nhất ở thiền viện là khu thiền đường dành cho các tu sĩ tập trung tại đây (The Dhamma Kaya Cetiya) và khách hành hương đến để tập thiền.
 
 Thiền đường này cũng là một “ tàng kinh các” lưu giữ hàng trăm di tích, di vật của con đường truyền bá Phật giáo vào Thái Lan với niên đại trên 1.000 năm. Thiền đường được xây dựng theo hình tròn, rộng khoảng 1 km2, có hình dáng như một con tàu vũ trụ hoặc như một đĩa bay (vật lạ trên bầu trời mà người ta cho là từ hành tinh khác đến, gọi tắt là UFO). Tâm điểm của thiền đường cũng là nơi các cao tăng tĩnh tọa để thuyết giảng Phật pháp, cách hành thiền.
 
 Phong cách kiến trúc này nói lên ý tưởng chủ đạo của giáo phái Dhamma Kaya là làm cho Phật giáo thích ứng với thế giới hiện đại, thế giới của công nghệ vũ trụ và công nghệ thông tin.
 
 Trước cổng thiền đường là hai bức chân dung lớn: một là của nhà sư Monkol Thepmuni, người sáng lập giáo phái Dhamma Kaya; một là của vị nữ tu Khun Yay, người kế tục sự nghiệp của Monkol Thepmuni sau khi ông qua đời.
 
 Nhưng đặc biệt nhất vẫn là kiến trúc mái vòm được lợp từ 1 triệu viên “ngói” được đúc bằng đồng thau của thiền đường (700.000 viên lợp bên trong và 300.000 viên lợp bên ngoài).
 
 Trên mỗi viên ngói là một tượng Phật ngồi tọa thiền trong tư thế kiết già, đôi mắt nhắm nghiền với nét mặt thanh thản. Từng viên “ngói” đồng lợp chồng lên nhau, triệu mặt Phật quay về tám hướng - một cảnh tượng vừa choáng ngợp nhưng cũng vừa thanh thản, bình an.
 
 - Thiền viện Dhamma Kaya còn dành riêng một gian thiền đường để khách thập phương đến cúng dường (Dinning Hall). Đồ cúng dâng lên các sư thường là y bát, mền, vòng hoa… Mỗi ngày, hai lần, các sư sẽ đến đây để chủ trì buổi cầu kinh và ban phúc lành cho những thiện nam tín nữ đến viếng thiền viện.
 
 - Ngoài thiền đường Cetiya, Dining Hall, thiền viện Dhammakaya còn 4 gian thiền đường khác cũng quy mô không kém, đó là thiền đường Sapha Hall, Memorial Hall, Meditation Hall, Meditation Ampitheatre dành cho khách hành hương khắp nơi đến học và tập thiền.
 
 - Số lượng người ở trong thiền viện là trên 2.000, gồm 900 nhà sư (mặc áo vàng), 600 tu sĩ (mặc áo trắng) và 600 nhân viên phục vụ, đó là chưa kể hàng ngàn tăng sinh đến thụ giáo tại đây, mỗi khóa học kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Người ta ước tính cứ mỗi Chủ nhật có khoảng 20.000 tín đồ đến tọa thiền tại đây. Đến dịp lễ, số người thiền định lên đến trăm ngàn người. Mỗi lần như vậy, lại có thêm hàng ngàn phục vụ viên tình nguyện đến giúp việc.
 
 - Việc tuyển chọn các nhà sư ở đây cũng khắt khe hơn ở các chùa Phật khác. Đó phải là những người có trình độ văn hóa đại học. Đối tượng để phát triển tín đồ là học sinh, sinh viên, trí thức, công tư chức, chủ yếu là tầng lớp trung lưu, có tài sản và có học thức. Để tránh cho con cái không bị lôi kéo vào cuộc sống ăn chơi đua đòi, nhiều bậc cha mẹ đã đưa hết cả gia đình vào đây những ngày cuối tuần để tu dưỡng và thiền định. Nhiều doanh nhân hoạt động căng thẳng suốt cả tuần cũng đến nơi này thiền định để giải tỏa stress, tìm lại sự an bình về tinh thần...
 
 Với quy mô khổng lồ, tên tuổi Thiền viện Dhamma Kaya đã vượt ra ngoài biên giới Thái Lan và lan tỏa khắp thế giới. Từ nhiều năm qua, Dhamma Kaya trở thành địa chỉ quen thuộc của khách hành hương từ khắp nơi thế giới.

Lễ hội

Lễ hội Loy Krathong - Lễ hội thả hoa đăng của Thái Lan

Cũng như một số nước trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Thái Lan chịu ảnh hưởng từ nền sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước, nên có rất nhiều lễ hội liên quan tới nước, trong đó lễ hội Loy Krathong được coi là lễ hội lớn thứ 2 trong năm, chỉ sau Tết truyền thống Songkran, và cũng là một trong những lễ hội đẹp nhất, màu sắc nhất và cổ nhất của vương quốc Thái Lan.

Lễ hội Loy Krathong diễn ra vào dịp trăng tròn của tháng 12 Phật lịch, tức là khoảng giữa tháng 11 dương lịch. Đây là thời điểm người Thái tập trung lại bên các con sông và kênh rạch với chiếc đèn krathong trên tay, ước một điều và nhẹ nhàng thả chiếc đèn trôi lênh đênh trên dòng sông.

Trong tiếng Thái, “Loy” có nghĩa là “thả” và “Krathong” có nghĩa là “hoa đăng”. Lễ hội thả hoa đăng là dịp để người Thái bày tỏ lòng biết ơn Nữ thần Nước Phra Mae Kongda đã ban phát nguồn nước dồi dào cho con người và đây cũng là dịp mà người dân gửi lời tạ lỗi đến Nữ thần vì đã gây ô nhiễm nguồn nước mà Nữ thần đã ban cho. Người ta tin rằng “Mẹ nước”, cội nguồn của sự sống, sẽ ban phước và che chở cho cuộc sống của họ trong suốt cả năm. Ngày nay, người ta tin rằng lễ hội là lúc mà những ước nguyện của con người sẽ trở thành hiện thực. Đặc biệt, những cặp yêu nhau cũng cùng nhau thả đèn trong ngày này với hy vọng tình cảm của họ sẽ được bền lâu mãi mãi.

Lễ hội Loy Krathong bắt nguồn từ triều đại Sukhothai ở thế kỷ XIII. Truyền rằng, một phụ nữ xinh đẹp có tên là Noppamas, Tổng quản Hoàng cung, đã làm một số đèn lồng đặc biệt cho lễ hội. Chúng được kết từ lá chuối mang hình dáng như những bông hoa sen. Nhà vua trông thấy ấn tượng và truyền rằng từ nay trở đi, hàng năm mọi krathong sẽ được thả trên sông.

Lễ hội bắt đầu cũng là lúc mùa mưa chuẩn bị kết thúc và mùa màng vừa thu hoạch xong. Các nghi thức của lễ hội bao gồm thắp nến, ước nguyện, thả krathong với niềm tin rằng chúng sẽ mang đi những nỗi lo âu, buồn phiền cùng những điều không may mắn.

Theo truyền thống, krathong là những chiếc thuyền nhỏ hình hoa sen làm từ lá chuối, thân chuối, được xếp hết sức cầu kỳ, trên thuyền có thức ăn, cau, hoa, nhang, nến và tiền đồng. Nhưng ngày nay, do sự phát triển của xã hội, hoa đăng làm bằng nhựa mô phỏng theo hình dáng hoa đăng làm bằng lá chuối dần trở nên phổ biến. Điều được giữ nguyên vẹn đó là bông hoa đăng được thả là sự hoà lẫn của ánh sáng, mùi thơm của hoa và hương nồng của những cây nhang.

Lễ hội Loy Krathong diễn ra tưng bừng ở khắp mọi miền của đất nước Thái Lan, nhưng lớn nhất là tại Sukhothai, Chiang Mai, Ayutthaya, Bangkok và Tak. Ở những nơi này, ngoài hoạt động thả đèn trên sông, thành phố còn tổ chức bắn pháo hoa, diễu hành có trống chiêng và các tiết mục biểu diễn văn nghệ, âm nhạc truyền thống.

Tuy nhiên, cùng là lễ hội Loy Krathong, song mỗi địa phương lại có màu sắc riêng. Ví dụ, ở tỉnh Tak (phía Tây Thái Lan, giáp với Miama), có truyền thống Loy Krathong độc đáo: từng lễ vật riêng được kết vào nhau và thả cùng lúc để một chuỗi ánh sáng lấp lánh dọc con sông Ping (con sông nối từ tỉnh Tak đến trung tâm Thái Lan). Tại một số địa phương khác của Thái Lan còn tổ chức các hoạt động thi thả krathong đẹp, thi làm krathong to với những krathhong đường kính lên tới 2-3 m. Còn ở thủ đô Băngkok, bất cứ nơi đâu có nước cũng có thể trở thành nơi thả hoa đăng.

Tín ngưỡng cùng với nhu cầu vui chơi giải trí đã hoà trộn với nhau tạo nên tinh thần của lễ hội. Các nghi lễ trong lễ hội chính là bằng chứng thiết thực về tục sùng bái nước trong xã hội nông nghiệp thời cổ còn tồn tại đến ngày nay. Lễ hội Loy Krathong còn thu hút được sự tham gia của khách du lịch thập phương muốn tìm hiểu và thưởng thức nét văn hóa độc đáo của người Thái.

Songkran
- Lễ hội mừng Năm Mới của Thái Lan

Lễ hội Songkran là Tết cổ truyền của người Thái Lan, diễn ra từ 13 đến 15-4 hàng năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào nhau để cầu chúc những điều may mắn và hạnh phúc.

Từ “Songkran” theo cổ ngữ Ấn Độ có nghĩa là “thời khắc mặt trời di chuyển từ cung Hoàng Đạo sang cung Dương Cưu”, mọi người đón mừng năm mới bằng việc phun nước vào nhau để gột rửa hết ưu tư, buồn phiền của năm cũ, đón mừng năm mới.

Từ năm 1941, Hoàng gia Thái Lan quy định: Lễ hội té nước Songkran ở Thái Lan được chính thức bắt đầu từ ngày 13-4 hằng năm và kéo dài trong 3 ngày:

- Ngày đầu tiên của năm mới còn gọi là Wan Payawan, mở đầu là một số nghi lễ trên chùa. Sáng sớm, mọi người lên chùa dự lễ tắm Phật nhằm cầu chúc mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc.

Sau đó là đến tục đắp núi cát trong sân chùa. Núi cát biểu hiện cho ngọn núi Tudi, nơi tu hành của Đức Phật và là ngọn núi ngăn không cho mây bay đi, do vậy con người sẽ có mưa để cấy lúa. Tập tục này mang đậm màu sắc triết lý Phật giáo là mỗi hạt cát biểu trưng cho một lời cầu nguyện cứu rỗi một linh hồn.

Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của Lễ hội té nước. Trong gia đình, con cháu sẽ nấu nước thơm cho ông bà, cha mẹ tắm như một hành động tỏ lòng tri ân người có công sinh thành và nuôi nấng mình. Sau đó họ lấy nước thơm cho vào ống, phun lên người nhau để chúc phúc.

- Sang ngày thứ hai của Tết Songkram, không khí thật tưng bừng nhộn nhịp, mọi người ra bờ sông thi nhau cất những lâu đài bằng cát hằng mong khi nước cuốn đi, mỗi hạt cát sẽ chở theo một tội lỗi để nhẹ gánh hồng trần, rồi nhào xuống nước, lấy nước té vào người nhau. Kế đến, các chàng trai bắt đầu rước mưa bằng cách bắc một cây cầu bằng vải dài “thoòng”, cùng với việc khênh một cái kiệu lộng lẫy bằng bạc đưa mưa qua sông.

- Ngày thứ ba là ngày Wan Parg-bpee, ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già và tổ tiên và rắc nước thiêng.

Trong những ngày Tết té nước Songkran còn có nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Thật không gì thích thú bằng nhìn hoa hậu ướt nhẹp bên cạnh các á hậu. Người nào càng ướt nhiều chứng tỏ càng được nhiều người ái mộ.

Ngoài ra, vào những ngày Tết té nước Songkran, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc.

Lễ hội Songkran của người Thái Lan, cũng như lễ hội mừng năm mới của các dân tộc khác theo Phật giáo Nam tông đều mang đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thời điểm diễn ra lễ hội thường là lúc giao thời giữa mùa khô và mùa mưa vì vậy các hoạt động của cư dân phần lớn nhằm vào hai mục đích, tạ ơn vụ mùa đã qua và cầu xin may mắn cho vụ mùa tới. Các nghi lễ nước trong lễ hội chính là bằng chứng thiết thực về tục sùng bái nước trong xã hội nông nghiệp thời cổ còn tồn tại đến ngày nay.