Vương quốc Thái Lan

Vương quốc Thái Lan

Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam-Thái Lan

Chủ nhật 21/11/2010 | 00:00:00

Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam-Thái Lan

Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng về văn hóa, con người và thiên nhiên. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6-8-1976.
 
 Đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7-1995, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, đáp ứng nguyện vọng của hai dân tộc, góp phần tạo ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
 
 Quan hệ Chính trị-Ngoại giao
 
 Ngày 2-2-1978: Việt Nam lập Đại sứ quán tại Bangkok.
 
 Tháng 3-1978: Thái Lan lập Đại sứ quán tại Hà Nội.
 
 Năm 2006, hai nước đã tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Thái Lan.
 
 Quan hệ kinh tế
 
 - Về thương mại: Thương mại song phương giữa Việt Nam và Thái Lan tăng trưởng nhanh trong các năm qua. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng trưởng đáng kể, từ 352,6 triệu USD năm 1994 lên gần 4,8 tỷ USD năm 2007 và 6,2 tỷ USD năm 2008 (tăng 31% so với năm 2007).
 
 Trong 5 tháng đầu năm 2009, kim ngạch thương mại hai nước đạt 1,9 tỷ USD, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2008.
 
 Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan: máy vi tính và linh kiện, dầu thô, hải sản, than đá, hàng điện tử, lạc nhân, sản phẩm nhựa. Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu sang Thái Lan chưa được vững chắc, chủ yếu dựa vào hai nhóm mặt hàng chính là linh kiện máy tính và dầu thô.
 
 Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng xe máy. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan là nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
 
 Thái Lan và Việt Nam là hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chính vì vậy, hai bên đã nhất trí cùng nhau hợp tác nhằm củng cố việc xuất khẩu và bình ổn giá gạo trên thị trường quốc tế.
 
 - Về đầu tư: Thái Lan hiện đang đứng thứ 9 trong tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 3 trong các nước ASEAN có đầu tư tại Việt Nam.
 
 Tính đến ngày 15-6-2009, Thái Lan có 202 dự án FDI vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,7 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 2,4 tỷ USD.
 
 Về hợp tác trong khuôn khổ khu vực và quốc tế
 
 Hai nước hiện hợp tác tốt trong ASEAN, các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thái Lan mong muốn hai nước tăng cường hợp tác phát triển mạng giao thông kết nối hai nước qua Lào và Campuchia.
 
 Thái Lan tiếp tục có chính sách tích cực đối với cộng đồng người Việt.
 
 Hai bên tiếp tục thỏa thuận thúc đẩy hợp tác khai thác tuyến đường hành lang Đông-Tây cũng như hợp tác trong khuôn khổ khu vực ASEAN, Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).
 
 Một số văn bản, hiệp định hợp tác quan trọng đã ký kết giữa hai nước
 
 - Hiệp định về vận chuyển hàng không giữa hai nước và qua lãnh thổ hai nước (11-1-1978);
 
 - Hiệp định thương mại, hợp tác kinh tế kỹ thuật (11-1-1978);
 
 - Hiệp định về nghiệp vụ Bưu chính và Điện (10-9-1978);
 
 - Hiệp định hàng hải thương mại (22-1-1979);
 
 - Hiệp định thành lập ủy ban hỗn hợp kinh tế kỹ thuật (18-9-1991);
 
 - Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (30-10-1991);
 
 - Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hơi đốt thiên nhiên (30-10-1991);
 
 - Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại, hợp tác kinh tế và kỹ thuật (16-1-1992);
 
 - Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (23-12-1992);
 
 - Hiệp định Thái Lan cho Việt Nam tín dụng 150 triệu baht (23-12-1992);
 
 - Hiệp định hợp tác du lịch (16-3-1994);
 
 - Hiệp định hợp tác văn hóa (8-8-1996);
 
 - Hiệp định hợp tác khoa học, công nghệ môi trường (12-3-1997);
 
 - Hiệp định về miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ (12-3-1997);
 
 - Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong vịnh Thái Lan (9-8-1997);
 
 - Hiệp định hợp tác pháp luật và tư pháp (7-10-1998);
 
 - Hiệp định hợp tác kiểm soát ma túy, các chất hướng thần và tiền chất (7-10-1998);
 
 - Hiệp định hợp tác du lịch (16-3-1999);
 
 - Nghị định thư sửa đổi bổ sung Hiệp định hàng hải thương mại (14-9-1999);
 
 - Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông (9-5-2000);
 
 - Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI (20-2-2004);
 
 - Nghị đinh sửa đổi Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và tạo điều kiện cho người mang hộ chiếu phổ thông (20-2-2004);
 
 - Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật (20-2-2004);
 
 - Bản ghi nhớ hợp tác y tế (20-2-2004);
 
 - Thỏa thuận về hợp tác khoa học và công nghệ (21-2-2004);
 
 - Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (21-2-2004);
 
 - Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (21-2-2004);
 
 - Hiệp định hợp tác về phòng và chống các hoạt động tội phạm (21-2-2004);
 
 - Tuyên bố chung về những thỏa thuận tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ (21-2-2004);
 
 - Bản ghi nhớ về sửa đổi Bảng đường bay của Hiệp định vận chuyển hàng không ký ngày 11-1-1978 (28-4-2006);
 
 - Tuyên bố chung về Chiến lược chung về đối tác kinh tế (20-12-2006);
 
 - Tuyên bố chung về Quan điểm an ninh Việt Nam-Thái Lan (20-12-2006);
 
 - Hiệp định song phương nhằm loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là Phụ nữ và Trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán (24-3-2008);
 
 - Chiến lược Kinh tế chung Việt Nam-Thái Lan (JSEP) (5-2009).