Cộng hòa Arập

Cộng hòa Arập

Mỹ cảnh giác với hệ thống phòng không của Syria

Chủ nhật 12/05/2013 | 18:07:00

Mỹ cảnh giác với hệ thống phòng không của Syria (Nguồn: wired.com)

Theo Hãng tin Reuters, cuối tuần trước, mặc dù các tên lửa của Israel đã chọc thủng hệ thống phòng không từng được tán dương của Syria, song động thái này không thể trấn an các nhà hoạch định quân sự của Mỹ hiện đang cân nhắc những rủi ro của bất kỳ hành động can thiệp nào chống lại lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.

Đặc biệt, Lầu Năm Góc vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng các lực lượng của Assad sẽ bắn hạ các máy bay của Mỹ bằng các tên lửa đất đối không, nhất là trong một chiến dịch kéo dài. Nếu Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Syria (để phản ứng với việc sử dụng vũ khí hóa học của Damascus) và thực sự muốn tiến hành một chiến dịch trên không lớn, thì việc đầu tiên Mỹ cần làm sẽ là phá hủy hệ thống phòng không của Syria được Nga chế tạo.

Theo Hãng tin Reuters, cuối tuần trước, mặc dù các tên lửa của Israel đã chọc thủng hệ thống phòng không từng được tán dương của Syria, song động thái này không thể trấn an các nhà hoạch định quân sự của Mỹ hiện đang cân nhắc những rủi ro của bất kỳ hành động can thiệp nào chống lại lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.

Đặc biệt, Lầu Năm Góc vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng các lực lượng của Assad sẽ bắn hạ các máy bay của Mỹ bằng các tên lửa đất đối không, nhất là trong một chiến dịch kéo dài. Nếu Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Syria (để phản ứng với việc sử dụng vũ khí hóa học của Damascus) và thực sự muốn tiến hành một chiến dịch trên không lớn, thì việc đầu tiên Mỹ cần làm sẽ là phá hủy hệ thống phòng không của Syria được Nga chế tạo.

Trong khi tính hiệu quả của lực lượng không quân cũ kỹ của Syria vẫn chưa được biết rõ, thì hầu hết các chuyên gia cho rằng hệ thống tên lửa phòng không của nước này - đã được nâng cấp đáng kể sau cuộc tấn công của Israel năm 2007 vào một cơ sở hạt nhân - vẫn hoạt động có hiệu quả hơn bất kỳ hệ thống tên lửa mà Mỹ từng đối mặt kể từ khi Mỹ đánh bom lực lượng Serbia năm 1999. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói: "Những sự kiện gần đây không làm thay đổi đánh giá của chúng tôi về sự tinh vi của hệ thống phòng không Syria". Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ thực sự có khả năng phá hủy hệ thống phòng không này.

Syria hầu như không có hệ thống bảo vệ để chống lại các vũ khí tối tân của Mỹ như máy bay ném bom tàng hình B-2 hay các tên lửa hành trình được phóng từ tàu thủy hoặc tàu ngầm. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn cần đến cuộc tấn công lớn có sự tham chiến của các tên lửa hành trình và các máy bay phản lực xuất phát từ các tàu sân bay hoặc căn cứ quân sự được đặt ở các nước láng giềng của Syria.

Tuy nhiên, nếu Mỹ cố gắng áp đặt vùng cấm bay ở Syria hoặc để bảo vệ "vùng an toàn" trên mặt đất thì các máy bay của Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy hiểm. Việc này chắc chắn sẽ đòi hỏi sự triển khai các hoạt động quân sự trên khắp Syria trong khoảng thời gian dài.

Một quan chức khác của Mỹ nói: "Có một điểm khác biệt rất lớn giữa việc tiến hành cuộc tấn công và áp đặt một vùng cấm bay". Lầu Năm Góc ước tính rằng Syria sở hữu hệ thống phòng không lớn gấp năm lần hệ thống phòng không ở Libya - nơi mà Mỹ đã từng giúp thiết lập vùng cấm bay vào năm 2011. Các hệ thống phòng không của Syria thậm chí còn dày đặc và tinh vi hơn rất nhiều lần.

Trước khi cuộc nội chiến ở Syria xảy ra, các nhà phân tích phương Tây ước tính rằng Assad có khoảng 25 lữ đoàn phòng không cùng khoảng 150 dàn tên lửa đất đối không. Vị quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng hệ thống phòng không của Syria đã được củng cố trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc cuộc nội chiến có thể đã làm suy giảm chất lượng của những hệ thống phòng không này như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Syria hiện có nhiều tên lửa bắn máy bay cơ động, điều này có nghĩa rằng lực lượng của Assad có thể lựa chọn đặt chúng ở gần trường học hay các tòa nhà chung cư, với hy vọng rằng lực lượng của Mỹ sẽ không tấn công nhằm vào chúng vì lo ngại sẽ gây thương vong cho dân thường. Mức độ dày đặc của hệ thống phòng không cũng làm gia tăng nguy cơ sát thương người dân.

Việc Syria bắn hạ máy bay do thám F4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ khi chiếc máy bay này tiến lại gần bờ biển Syria vào năm 2012 cho thấy phản ứng nhanh chóng của hệ thống phòng không Syria. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh của Mỹ có những lựa chọn có thể làm cho hành động do thám như vậy được an toàn hơn.

Theo một nhà hoạch định quân sự phương Tây, việc phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng không của Syria sẽ cần một đợt tấn công dữ dội đầu tiên bằng các tên lửa hành trình sau đó là các cuộc không kích. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng cuộc tấn công này sẽ sử dụng sức mạnh kết hợp của ít nhất hai tàu sân bay Mỹ, mặc dù máy bay của Mỹ và của các nước đồng minh có thể đậu ở các căn cứ trên đất liền ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và đảo Síp.

(Vietnam+)