Cộng hòa Singapore

Cộng hòa Singapore

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Singapore Sư tử biển - Biểu tượng của đất nước Singapore.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Singapore

 - Tên nước: Cộng hoà Singapore (Republic of Singapore)
 
 - Ngày quốc khánh: 9/8/1965
 
 - Thủ đô: Singapore
 
 - Vị trí địa lý: Nằm ở Đông Nam Á, gồm một đảo chính (đảo Singapore) và một số đảo nhỏ; phía Bắc giáp Malaysia, phía Đông Nam trông sang Indonesiaa qua biển.
 
 - Diện tích đất liền: 692,7km2
 
 - Khí hậu: Nhiệt đới, nóng, ẩm, mưa nhiều và thường xảy ra mưa bão.
 
 Có hai mùa gió rõ rệt trong năm. Mùa gió Bắc bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3; mùa gió Tây Nam bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9.
 
 Nhiệt độ trung bình hàng tháng 23-31 độ C. Lượng mưa trung bình hàng năm: 2.000mm.
 
 - Dân số: 4.987.600 người (2009)
 
 - Dân tộc: Người Hoa (78,6%), người Mã Lai (13,9%), người ấn Độ (7,9%), các dân tộc khác (1,4%)
 
 - Hành chính: Tại Singapore không có sự phân chia hành chính theo cấp tỉnh, thành phố như các nước khác.
 
 - Đơn vị tiền tệ: Đô la Singapore (SGD)
 
 - Tôn giáo: Đạo Phật, đạo Hồi, đạo Cơ Đốc, đạo Hindu, đạo Sikh, đạo Lão, đạo Thiên Chúa giáo.
 
 - Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Mã Lai, tiếng Tamil

Địa lý

Singapore là một hòn đảo có hình dạng một viên kim cương, được bao quanh bởi nhiều đảo nhỏ khác. Có hai con đường nối giữa Singapore và bang Juhor của Malaysia - một con đường nhân tạo có tên Đường nối Johor-Singapore ở phía Bắc, băng qua eo biển Tebrau và chỗ nối thứ hai Tuas, một cầu phía Tây nối với Juhor.
 
 Đảo Jurong, Pulau Tekong, Pulau Ubin và Sentosa là những đảo lớn nhất của Singapore, ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ khác. Vị trí cao nhất của Singapore là đồi Bukit Timah với độ cao 166m.
 
 Vùng thành thị trước đây chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc Singapore bao quanh sông Singapore, hiện nay là trung tâm buôn bán của Singapore, trong khi đó những vùng còn lại rừng nhiệt đới ẩm hoặc dùng cho nông nghiệp.
 
 Từ thập niên 1960, chính phủ đã xây dựng nhiều đô thị mới ở những vùng xa, tạo nên một Singapore với nhà cửa san sát ở khắp mọi miền, mặc dù khu vực trung tâm vẫn là nơi hưng thịnh nhất.
 
 Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5km² ở thập niên 1960 lên 697km² ngày nay (xấp xỉ diện tích huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh), và có thể sẽ tăng thêm 100km² nữa đến năm 2030.
 

Lịch sử

 Đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đặt thương điếm ở Singapore.
 
 Thế kỷ XVII, Singapore trở thành thuộc địa của Hà Lan.
 
 Năm 1819, Anh chiếm bán đảo Malacca và bán đảo Penang, sau đó hợp pháp hóa quyền cai trị của Anh ở Singapore bằng Hiệp ước Anh-Hà Lan năm 1824.
 
 Từ 1942 đến 1945, Nhật Bản chiếm đóng Singapore.
 
 Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Anh quay lại chiếm Singapore.
 
 Trước phong trào đấu tranh của nhân dân Singapore, Anh phải đồng ý cho Singapore thành lập bang tự trị ngày 3-6-1959. Tuy nhiên, Anh vẫn nắm giữ các hoạt động về quốc phòng và ngoại giao.
 
 Ngày 16-9-1963, Singapore gia nhập Liên bang Malaysia.
 
 Ngày 9-8-1965, Singapore tách khỏi Malaysia và thành lập nước Cộng hòa độc lập.

Chính trị

- Thể chế chính trị: Cộng hoà.
 
 - Hiến pháp: Thông qua ngày 3-6-1959, sửa đổi năm 1965.
 
 - Cơ quan hành pháp: Đứng đầu Nhà nước là Tổng thống. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 6 năm. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Thủ tướng chỉ định các Bộ trưởng (trong số các Nghị sĩ Quốc hội).
 
 - Cơ quan lập pháp: Quốc hội (nhiệm kỳ 5 năm).
 
 - Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao; Chánh án do Tổng thống bổ nhiệm theo khuyến nghị của Thủ tướng; Tòa Thượng thẩm.
 
 - Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu và bắt buộc; cử tri từ 21 tuổi trở lên.
 
 - Các đảng phái lớn: Đảng Hành động Nhân dân (PAP), Đảng Dân chủ (SDP), Đảng Công nhân (WP), Đảng Nhân dân (SPP).

Kinh tế

Singapore hầu như không có tài nguyên, hàng năm đều phải nhập lương thực, thực phẩm và cả nước ngọt để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân).
 
 Từ cuối những năm 1980, kinh tế Singapore đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới. Tuy nhiên, từ cuối năm 1997, do ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ, đồng SGD đã bị mất giá 20% và tăng trưởng kinh tế cũng bị giảm mạnh, chỉ còn 1,3%.
 
 Song, do nền kinh tế vững cộng thêm chính sách kinh tế của Chính phủ có hiệu quả, nền kinh tế Singapore đã vượt qua được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, sự kiện ngày 11-9-2001 và sự suy giảm của kinh tế thế giới nói chung.
 
 Năm 2002, kinh tế Singapore bước đầu phục hồi với GDP tăng 3% và do ảnh hưởng của bệnh dịch SARS năm 2003 GDP chỉ tăng 1,1%, nhưng lại tăng mạnh trong năm 2004 đạt 8,4%; năm 2005, GDP tăng 5,7%; năm 2006 tăng 7,7%; năm 2007 ước đạt 7%.
 
 Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Hiện nay, Singapore đang thực hiện kế hoạch đến năm 2018 biến nước này thành một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và châu Á; và một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm kinh doanh.
 
 Để thực hiện được mục tiêu này, Ủy ban Đánh giá Kinh tế Singapore đã xác định sáu lĩnh vực chủ chốt có tính quyết định gồm:
 
- Mở rộng quan hệ đối ngoại
 
- Năng lực cạnh tranh và sự linh hoạt
 
- Tinh thần kinh doanh và các công ty Singapore
 
- Hai động lực: chế tạo và dịch vụ

- Con người

- Tái cơ cấu
 
 Theo bình chọn của tạp chí Euroeconom, dựa vào năm tiêu chí kinh tế-xã hội: GDP tính theo đầu người theo sức mua, tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số tự do hóa nền kinh tế, tuổi thọ bình quân và mức độ tham nhũng, Singapore được bình chọn là nước phát triển nhất hành tinh trong năm 2007.
 
Về công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 33,7% GDP.
 
 Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi.
 
 Singapore có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong. Đây cũng là quốc gia hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn.
 
 Đặc biệt năm 2007, theo kết quả đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Singapore là quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực vận tải đường biển.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính: Điện, hóa chất, công nghệ sinh học, cao su, thiết bị khoan dầu, hàng điện tử, thực phẩm.
 
Về nông nghiệp: Sản phẩm nông nghiệp chính là cao su, cùi dừa khô, hoa lan, rau, quả, trứng, cá, gia cầm.
 
 - Về dịch vụ-du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 66,3% GDP. Trong sáu tháng đầu năm 2007, Singapore đã thu hút 4,9 triệu du khách, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2006.
 
Xuất khẩu: 317,6 tỷ USD f.o.b (ước tính năm 2007).
 
 Các mặt hàng xuất khẩu chính: Máy móc và thiết bị (bao gồm đồ điện tử), hàng tiêu dùng, hóa chất, các nhiên liệu dầu mỏ.
 
 Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Malaysia (13,1%), Mỹ (10,2%), Hongkong (10,1%), Trung Quốc (9,7%), Indonesia (9,2%), Nhật Bản (5,5%), Thái Lan (4,2%) (năm 2006).
 
Nhập khẩu: 273 tỷ USD (ước tính năm 2007).
 
 Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc và thiết bị, nhiên liệu dầu mỏ, hóa chất, thực phẩm.
 
 Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Malaysia (13%), Mỹ (12,7%), Trung Quốc (11,4%), Nhật Bản (8,3%), Đài Loan (6,4%), Indonesia (6,2%), Hàn Quốc (4,4%) (năm 2006).
 

Văn hóa

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Singapore là cơ cấu dân số đa dạng gồm nhiều chủng tộc nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và những thành tựu thương mại của đất nước.
 
 Được ngài Thomas Stamford Raffles khai phá vào ngày 29/1/1819, và sau đó xây dựng thành đầu mối giao thương buôn bán, Singapore - một làng chài nhỏ bé ngày nào đã nhanh chóng thu hút những người dân nhập cư và các thương nhân đến từ Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ, Indonesia, bán đảo Mã Lai và vùng Trung Đông.
 
 Các cuộc kết hôn chéo và sự chung sống hòa hợp giữa những dân tộc khác nhau đã dệt nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc, hình thành nên một xã hội Singapore đa dạng nhiều mặt và để lại cho đảo quốc này một di sản văn hóa phong phú đầy sức sống.
 
 Cho đến cuối thế kỉ 19, Singapore đã trở thành một trong những thành phố đa chủng tộc,đa văn hóa nhất của châu Á.
 
 Ngày nay, người Hoa chiếm 74,2% dân số Singapore, người Mã Lai - những cư dân đầu tiên của nước này, chiếm 13,44%, người Ấn chiếm 9,2%, còn lại là người lai Á Âu và các dân tộc khác chiếm 3,2%.
 
 Singapore còn là nơi sinh sống và làm việc của một cộng đồng người nước ngoài rộng lớn với khoảng 20% là lực lượng lao động phổ thông đến từ Philippines, Indonesia và Bangladesh. Số người nước ngoài còn lại đều là những chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Bắc Mỹ, Australia, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.
 
 Tính đa dạng về văn hóa của Singapore còn được phản ánh qua ngôn ngữ. Singapore có ngôn ngữ đại diện cho từng dân tộc trong số bốn nhóm dân tộc chính của mình. Bốn ngôn ngữ chính thức trong Hiến pháp của Singapore là tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil.
 
 Tuy nhiên, để ghi nhớ dân tộc Mã Lai là những cư dân bản địa đầu tiên của đất nước, ngôn ngữ quốc gia được chọn là tiếng Bahasa Melayu, hay còn gọi là tiếng Mã Lai.
 
 Sự có mặt của các ngôn ngữ khác, đặc biệt là các biến thể của tiếng Mã Lai và tiếng Hoa, đã có ảnh hưởng rõ rệt đến cách dùng tiếng Anh tại Singapore. Ảnh hưởng này đặc biệt rõ nét trong cách sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thông thường, một dạng tiếng Anh lai tiếng địa phương thường được biết đến với tên gọi Singlish. Là một dấu hiệu đặc trưng để nhận biết người Singapore, ngôn ngữ này tiêu biểu cho hình thức biến tấu ngôn ngữ bằng cách lồng ghép các từ của tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Ấn vào tiếng Anh.
 
 Hầu như mọi người dân Singapore đều có thể nói nhiều hơn một thứ tiếng, trong đó nhiều người có thể nói được tới ba hoặc bốn thứ tiếng. Hầu hết trẻ em lớn lên trong môi trường song ngữ từ thuở nhỏ và có thể học các ngôn ngữ khác khi lớn lên.
 
 Trong phần lớn dân số biết hai thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông là hai ngôn ngữ được dùng phổ biến nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Ẩm thực

Được coi là thủ đô ẩm thực của châu Á, ẩm thực Singapore rất phong phú với sự giao thoa Đông-Tây.
 
 Đến Singapore bạn sẽ bắt gặp khắp nơi các món ăn hấp dẫn dù ngày hay đêm. Món ăn đặc trưng của người Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ dễ dàng được tìm thấy khi ghé thăm các khu sắc tộc.
 
 Các món ăn hiện đại kiểu phương Tây với những nhà hàng khách sạn lớn cũng là một điểm mạnh của ẩm thực đảo quốc Sư tử. Với những đầu bếp tài giỏi đến từ nhiều nước trên thế giới du khách thực sự được thưởng thức những bữa tiệc thịnh soạn.
 
 Char kway teow
 
 Char kway teow là một món ăn phổ biển và rất được ưa chuộng ở Singapore. Ở Việt Nam, Char kway teow được gọi bằng cái tên phở xào nhưng thực ra ở Singapore, đây là món ăn khác hẳn.
 
 Trước đây, Char kway teow được coi là món ăn của người nghèo bởi khá rẻ, tiện lợi và giàu chất dinh dưỡng. Theo thời gian cùng với sự phát triển của đất nước, con người, Char kwat teow dần dần đã hấp dẫn hơn, không chỉ là món khoái khẩu của người Singapore mà còn là món ăn hấp dấn khách du lịch.
 
 Rojak
 
 Rojak là món salad rau quả dễ dàng tìm thấy tại Singapore với giả cả phải chăng. Ở đảo quốc, qua sự chế biến của những người gốc Hoa bán hàng rong, Rojak có mùi vị lạ miệng và độc đáo.
 
 Cơm gà Singapore
 
 Vì người Singapore không sử dụng thịt lợn (thứ thịt kiêng kỵ của những người theo đạo Hồi), nên cơm gà nghiễm nhiên trở thành món ăn yêu thích, đơn giản, thuận tiện, vừa túi tiền, gần gũi với người dân nước này.
 
 Trong món cơm gà này, điểm nhấn của hương vị chính là cách gà được luộc cùng một số gia vị thơm, cộng thêm mùi hương đặc biệt và nhẹ nhàng của dầu vừng. Bên cạnh đó, cách nấu cơm từ nước dùng gà khiến cho món cơm thơm, béo, ngọt ngậy.
 
 Cơm gà Singapore, xuất hiện tại tất cả các tiệm ăn, với tên gọi Hainanese chicken rice. Giá khoảng 5 SGD/suất.

HTML clipboard Carrot Cake
 
 Carrot Cake - bánh cà rốt là món phổ biển ở Singapore được dùng cho cả bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Món bánh này khá thú vị bởi được chế biến với nhiều hương vị và tùy theo yêu cầu của khách.
 
 Bạn có thể yêu cầu thêm các gia vị mà không sợ mất đi hương vị đặc trưng của bánh. Không phải là món ăn cao cấp hay cầu kỳ khi chế biến nhưng bánh cà rốt có sự hấp dẫn của món ăn nhanh, tiện lợi mà vẫn mang đậm truyền thống của đảo quốc.

Điểm du lịch

Marina Bay Sands - khu quần thể nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và lớn nhất châu Á
 
 Khu quần thể nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và lớn nhất châu Á, Marina Bay Sands, vừa chính thức mở cửa ngày 24/6/2010 tại Singapore.
 
 Marina Bay Sands, trị giá 5,9 tỷ USD, đã soán ngôi vị đắt giá nhất thế giới của Khách sạn Emirates Palace ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (khai trương năm 2004 với chi phí gần 3 tỷ USD).
 
 Chủ đầu tư dự án này là tỉ phú Sheldon Adelson, Tống Giám đốc Tập đoàn Las Vegas Sands của Mỹ, người giàu thứ ba thế giới do tạp chí Forbes bình chọn trong năm 2006 và 2007.
 
 Được thiết kế rất độc đáo bởi Moshe Safdie, Marina Bay Sands làm mê đắm du khách bởi những điểm khác biệt mà không một khách sạn nào trên thế giới có được.
 
 Marina Bay' Sands là quần thể nghỉ mát hỗn hợp, cao 55 tầng gồm 2.560 phòng, trong đó có 18 loại phòng khác nhau, 230 phòng hạng sang.
 
 Sự sang trọng cảu khu nghỉ dưỡng còn được thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật của năm họa sỹ nổi tiếng như tác phẩm điêu khắc của Antony Gormley (làm từ 16.100 sợi dây thép, nặng 14,8 tấn, dài 40m và cần tới 60 người để lắp đặt).
 
 Để phục vụ những vị khách quyền cao chức trọng, khách sạn có Phòng Tổng thống rộng 509m2, 3 phòng ngủ, một phòng tập lớn, một khu vực mát xa và một chiếc đàn piano lớn. Giá phòng tối thiểu ở đây là hơn 529 USD/đêm.
 
 Ngự trên đỉnh là Công viên thiên đường (Skypark) với khoảng 600 loài thực vật, được thiết kế giống hình một chiếc thuyền, rộng 12.400m2, vươn rộng khắp ba tháp cửa khách sạn cao 200m trên mực nước biển.
 
 Ở Skypark có bể bơi vô cực, một trong những bể bơi ngoài trời lớn nhất và cao nhất thế giới, dài 151m, gấp 3 lần chiều dài của một bể bơi Olympic; một đài quan sát và các nhà hàng. Skypark dài hơn cả chiều cao của Tháp Eiffel, đủ lớn để đậu 4,5 chiếc máy bay A380.
 
 Marina Bay Sands còn có một kênh đào trong nhà với những con thuyền kiểu thuyền dài của Trung Quốc thế kỷ XVII, một bảo tàng hình giống bông hoa sen rộng 120.000m2, một hội trường không cột chống lớn nhất châu Á rộng 8.000m2; nhà hát, rạp chiếu phim, và một casino siêu lớn, siêu hiện đại (cao bốn tầng, rộng 15.000m2, gồm 600 bàn chơi và hơn 1.500 máy đánh bài) và tổng cộng khoảng 300 cửa hàng bằng pha lê với nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Cartier, Chanel, Gucci, Hung Boss, Louis Vuitton, Tiffany & Co và các hãng mới như Anne Fontaine và Stefano Ricci.
 
 Trung tâm hội nghị có 250 phòng họp với sức chứa trên 45.000 đại biếu và phòng đại tiệc lớn nhất Đông Nam Á, có sức chứa tới 11.000 người. Hiện các rạp chiếu phim trong khách sạn vẫn đang trong quá trình xây dựng.
 
 Marina Bay Sands được xây dựng từ 2007 và cần tới 10.000 người lao động trực tiếp. Khi nghỉ dưỡng này và có thể thu về gần 72 triệu USD mỗi năm. Theo thống kê mới nhất của lãnh đạo Marina Bay Sands, mỗi ngày có đến 150.000 khách đến vui chơi và nghỉ dưỡng tại đây.
 

Lễ hội

Hari Raya Aidilfitri, Tết Trung thu và Deepavali là một trong những lễ hội đậm chất văn hóa đã thu hút hàng ngàn du khách trên toàn thế giới đến với Singapore.
 
 Những sự kiện này rất hoành tráng về mặt quy mô nên sẽ là cơ hội lý thú để bạn khám phá đảo quốc Singapore xinh đẹp với nền văn hóa phong phú, đa sắc tộc.
 
Hari Raya Aidilfitri - Thiên đường của những người Hồi giáo
 
 Mở màn cho chuỗi sự kiện là lễ hội Hari Raya Aidilfitri, hay còn được biết đến với tên gọi "Lễ hội Tế Thần," được tổ chức phổ biến trong cộng đồng người theo đạo Hồi ở Singapore.
 
 Trong suốt tháng này, bạn sẽ được ngắm nhìn các con phố rực sáng bắt mắt trên các ngả đường của Geylang Serai, nơi các phiên chợ đêm mở cửa từ đầu chiều đến tối muộn.
 
 Người dân Singapore từ mọi sắc tộc và tín ngưỡng kéo tới các chợ đêm đặc biệt vào các tối cuối tuần để mua một số vật dụng cần thiết như các bộ trang phục Mã Lai truyền thống may đo baju kurung mà hiện nay đã có thêm nhiều chi tiết hiện đại, những chiếc vỏ đệm dệt bằng tay, những tấm thảm Ba Tư giá rẻ và các lọ cắm hoa.
 
 Với những ai muốn thể hiện chút cá tính trong phong cách trang trí phòng hay tìm kiếm những quà tặng cho người thân yêu khi về nước thì đây là dịp lý tưởng để họ thực hiện ấp ủ này.

Tết Trung thu ở Chinatown - Khoảnh khắc ấm cúng tình thân
 
 Nếu Hari Raya Aidilfitri là lễ hội dành cho người đạo Hồi, Trung thu lại là dịp cộng đồng người Hoa tại Singapore thể hiện góc văn hóa giàu có và đa dạng của mình tại khu Chinatown.
 
 Nhắc tới Trung thu, chúng ta không thể không nói đến những chiếc lồng đèn được làm một cách tinh xảo, khéo léo do bàn tay của các nghệ nhân lành nghề, sẽ được treo khắp phố phường Singapore trogn dịp này. Hòa quyện cùng sắc màu của vật liệu làm nên từng chiếc đèn là nến truyền thống được đặt để bên trong, tạo nên không khí vô cùng ấm áp.
 
 Giống như Lễ Tạ ơn của người Tây phương, với người Hoa, Trung thu là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng chia sẻ niềm hạnh phúc bên những chiếc bánh thơm ngon và tách trà đậm đà.
 
 Ngoài ra, ở phương Đông, Trung thu là rằm tháng Tám, lúc mặt trăng tròn và sáng nhất trong tất cả các ngày rằm của năm, điều đó khiến cho cuộc hạnh ngộ của toàn thể các thành viên trong gia đình thêm ý nghĩa.
 
Deepavali - Vương quốc của những người Ấn Độ tại khu Tiểu Ấn
 
 Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến viếng thăm chuỗi lễ hội độc đáo của Singapore là lễ hội Deepavali ở khu Tiểu Ấn.
 
 Deepavali, nghĩa đen là "hàng ánh sáng" được những người Hindu mộ đạo trên khắp thế giới tổ chức và là lễ hội quan trọng nhất theo đạo Hindu.
 
 Tại Singapore, lễ hội ánh sáng là tên gọi trìu mến của lễ hội Deepavali.
 
 Trong lễ hội này, mọi người đều mặc quần áo mới và chia sẻ với nhau chiếc bánh cái kẹo. Một số cộng đồng Ấn Độ còn bắt đầu tính năm tài chính của mình từ ngày lễ hội Deepavali vì họ tin rằng như vậy sẽ mang lại sự thịnh vượng phát đạt.
 
 Vào lễ hội này, các con đường tại khu Tiểu Ấn "hoàn toàn lột xác" nhờ được trang hoàng lộng lẫy với nhiều màu sắc, ánh đèn.
 
 Các phiên chợ trong lễ hội cùng vô số các hoạt động văn hóa như Triển lãm di sản và thủ công Ấn Độ, Lễ diễu hành đường phố, Buổi hòa nhạc đếm ngược thời gian trước lễ hội cũng được tổ chức.
 
 Ngoài ra, trong dịp này, khách tham quan còn có cơ hội nếm thử vô vàn các món đặc sản.
 
 Nếu muốn đắm chìm trong nền văn hóa phong phú của Ấn Độ, hãy ngồi tại một quán cà phê dọc Khu Tiểu Ấn và gọi teh tarik (trà sữa sủi bọt). Hãy ngắm nhìn đám đông trên các con đường và trong các cửa hàng tấp nập. Hãy đến và tận mắt chứng kiến xem khu vực giàu di tích lịch sử này chuyển mình như thế nào vào lễ hội Deepavali.