Vương quốc Thụy Điển

Vương quốc Thụy Điển

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển

Thứ tư 24/11/2010 | 16:17:52

Thụy Điển là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất.

Thụy Điển cũng nhiệt tình ủng hộ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những ngày đầu và tích cực giúp đỡ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như IMF, WB....

Quan hệ kinh tế- thương mại-đầu tư

Cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, quan hệ thương mại hai nước cũng ngày càng tăng lên. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Thụy Điển các mặt hàng giày dép, dệt may, thực phẩm… và nhập từ Thụy Điển máy móc, thiết bị, đồ gia dụng, nguyên liệu sản xuất...

Về đầu tư, tính đến nay tổng vốn đầu tư trực tiếp của Thụy Điển vào Việt Nam đạt trên 500 triệu USD, chủ yếu đầu tư vào ngành viễn thông và sản xuất thiết bị điện. Riêng dự án đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn viễn thông Kinnevik/Comvik đã có số vốn khoảng 340 triệu USD.

Hợp tác phát triển

Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam.

- Giai đoạn từ 1970-1990: Thụy Điển chủ yếu viện trợ cho Việt Nam dưới hình thức không hoàn lại, giúp Việt Nam xây dựng và phục hồi một số cơ sở sản xuất công nghiệp với tổng giá trị gần 6 tỷ SEK (khoảng 950 triệu USD).

Các dự án chính được phía Thụy Điển triển khai trong giai đoạn này gồm Nhà máy giấy Bãi Bằng (500 triệu USD); Bệnh viện Nhi Thụy Điển tại Hà Nội (38 triệu USD); Bệnh viện Đa khoa Uông Bí (25 triệu USD); Phục hồi Nhà máy điện Thủ Đức, Nhà máy giấy Tân Mai (Đồng Nai), Nhà máy diêm Thống Nhất, cải tạo lưới điện Hà Nội, xây dựng xưởng y cụ Hà Nội và hỗ trợ chương trình nghiên cứu về thuốc và y tế cơ sở.

- Từ năm 1990 đến nay, viện trợ phát triển của Thụy Điển chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, cải cách hành chính, pháp luật; bảo vệ môi trường, y tế, xóa đói giảm nghèo; đào tạo…

- Giai đoạn từ 1990-1998: Tổng vốn ODA khoảng 1.630 triệu SEK (230 triệu USD).

- Giai đoạn từ 1999-2001: 510 triệu SEK (khoảng 60 triệu USD).

- Giai đoạn từ 2002-2003: 645 triệu SEK (khoảng 70 triệu USD).

- Giai đoạn từ 2004-2006: 975 triệu SEK (khoảng trên 130 triệu USD). Theo đó, Thụy Điển dành cho Việt Nam 300 triệu SEK (2005); 325 triệu SEK (2006) và 350 triệu SEK (2007).

Thụy Điển đã thông qua Chiến lược Hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2004-2008. Hai bên đã ký Hiệp định khung về Hợp tác phát triển giai đoạn 2004-2006 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2004 của Nhà Vua và Hoàng Hậu Thụy Điển.

- Năm 2007: Thuỵ Điển cam kết dành cho Việt Nam 300 triệu SEK viện trợ không hoàn lại.

- Tháng 8/2007, Chính phủ Thuỵ Điển thông qua chính sách Hợp tác Phát triển mới, trong đó ưu tiên cho châu Phi và các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột.

- Năm 2009, hai bên đã ký Hiệp định về Hợp tác phát triển giai đoạn 2009-2011 với tổng viện trợ khoảng 70 triệu USD, tập trung vào 6 lĩnh vực, gồm môi trường và biến đổi khí hậu; cải cách hành chính công và chống tham nhũng; dân chủ nhân quyền, nhà nước pháp quyền, văn hóa và truyền thông; y tế; phát triển doanh nghiệp nhỏ và nghiên cứu khoa học.

Thụy Điển xếp Việt Nam vào nhóm các nước giảm dần viện trợ và sẽ chấm dứt nhận viện trợ sau năm 2013.

Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển

Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển hiện có khoảng 14.000 người, trong đó có khoảng 4.150 người đã nhập quốc tịch Thụy Điển.

Đại bộ phận người Việt tại Thụy Điển làm nghề buôn bán nhỏ lẻ và hòa nhập tốt với sở tại./.