Quốc gia Độc lập Papua New Guinea

Quốc gia Độc lập Papua New Guinea

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Papua New Guinea Đàn ông bộ tộc Huli ở Papua New Giunea chuẩn bị cho lễ hội sing sing.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Papua New Guinea

 - Tên nước: Nhà nước Papua New Guinea độc lập (Independent State of Papua New Guinea)
 
 - Ngày quốc khánh: 16/9/1975
 
 - Thủ đô: Cảng Moresby
 
 - Vị trí địa lý: Papua New Guinea nằm sát dưới đường xích đạo, về phía Đông Nam Châu Á, gồm hai quần đảo chính (Papua và New Guinea) nằm giữa biển San hô và biển Nam Thái Bình Dương.
 
 Những nước láng giềng gần nhất của Papua New Guinea gồm Indonesia (riêng biên giới trên đất liền dài 820km), quần đảo Solomon, Ausralia, Vanuatu ở phía Nam, Micronesia ở phía Đông, Malaysia, Philippines ở phía Bắc.
 
 - Diện tích đất liền: 462.840 km2
 
 - Khí hậu: Khí hậu nhiệt đới
 
 - Dân số: 6.372.000 người (2009)
 
 - Dân tộc: chủ yếu là các bộ tộc Melanesia, Papua, Micronesia, Polynesia
 
 - Hành chính: Papua New Guinea được chia thành 18 tỉnh, vùng tự trị Bougainville và Quận thủ đô quốc gia.
 
 - Đơn vị tiền tệ: Kina
 
 - Tôn giáo: 2/3 dân số theo đạo Thiên chúa giáo
 
 - Ngôn ngữ: Có ba ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, tiếng Tok Pisin, và tiếng Motu; ngoài ra còn có xấp xỉ 860 ngôn ngữ khác.

Địa lý

Với diện tích 462.840km2, Papua New Guinea là nước rộng thứ 54 trên thế giới.
 
 Địa hình chủ yếu là đồi núi và có các vùng đồng bằng ven biển. Đường bờ biển dài 5.152 km. Tài nguyên chủ yếu là vàng, bạc, đồng, khí thiên nhiên, gỗ, hải sản, dầu.
 
 Papua New Guinea được bao quanh bởi các rặng san hô ngầm đang được quản lý chặt chẽ để bảo tồn.
 
 Nước này nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, ở điểm va chạm của nhiều đĩa kiến tạo. Có một số núi lửa đang hoạt động, và những vụ phun trào thường xuyên xảy ra. Động đất cũng là điều thường thấy, thỉnh thoảng đi kèm với các trận sóng thần.
 
 Papua New Guinea là một trong số ít khu vực gần xích đạo có tuyết rơi.

Lịch sử

Từ cách đây hơn 60.000 năm đã có những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại vùng đất được gọi là New Guinea ngày nay, chủ yếu đến từ khu vực Đông Nam Á.
 
 Vào đầu thế kỷ 16, những người châu Âu đầu tiên đến Papua New Guinea là người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sau đó là người Anh.
 
 Từ cuối thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh thế giới thứ II, Papua New Guinea lần lượt chịu sự cai quản của Đức, Anh, Ausralia, Nhật.
 
 Với Đạo luật Hành chính Tạm thời được thông qua năm 1945-1946, Papua và New Guinea đã nhập thành một vùng lãnh thổ thống nhất dưới tên gọi Papua và New Guinea.
 
 Sau Chiến tranh thế giới thứ II, vùng đất này được đặt dưới sự ủy trị quốc tế và đến năm 1972, được chính thức gọi là Papua New Guinea như ngày nay.
 
 Tháng 9/1975 Papua New Guinea được trao trả độc lập hoàn toàn.

Chính trị

Sau khi được độc lập 9/1975, Papua New Guinea theo chế độ quân chủ lập hiến và dân chủ đại nghị.
 
 Đứng đầu Nhà nước trên danh nghĩa là Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Đại diện chính thức của Nữ hoàng Anh là Toàn quyền do Quốc hội bầu (với sự chấp thuận của Nữ hoàng Anh) và là nguyên thủ quốc gia của Papua New Guinea về mặt nghi thức.
 
 Quốc hội nhất viện gồm 109 thành viên được bầu theo hình thức phổ thông 5 năm một lần. Quốc hội bầu chọn Thủ tướng. Toàn quyền bổ nhiệm các thành viên nội các (Hội đồng Hành pháp Quốc gia) trên cơ sở giới thiệu của Thủ tướng. Đảng Liên minh Quốc gia là đảng chính trị lớn nhất.
 
 Chính phủ có ở ba cấp: quốc gia, tỉnh và địa phương.
 
 Cuộc bầu cử gần nhất là vào tháng 5/2003.

Kinh tế

Papua New Guinea còn là một nước kém phát triển, với 85% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.
 
 Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là càphê, dầu dừa, chè, cacao, gỗ, vani, cao su, rau quả, thịt.
 
 Các sản phẩm công nghiệp chính là hàng dệt, đồ gỗ (ép), sản phẩm kim loại cán, khai thác mỏ (vàng, bạc, đồng, dầu thô), xây dựng và du lịch.
 
 Tỷ lệ các ngành trong GDP: nông nghiệp 35%, công nghiệp 38%, dịch vụ 27%.
 
 Các sản phẩm xuất khẩu chính: vàng, đồng, dầu, cà phê, cacao, dầu dừa, gỗ; riêng khoáng sản chiếm tới 72% tổng giá trị hàng xuất khẩu mỗi năm.
 
 Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu là Nhật, Đức, Ausralia, Trung Quốc. Riêng Ausralia viện trợ 240 triệu USD mỗi năm cho Papua New Guinea.
 
 Các sản phẩm nhập khẩu chính: máy móc và thiết bị giao thông, thực phẩm, nhiên liệu, hóa chất.
 
 Thị trường nhập khẩu chủ yếu: Ausralia, Singapore, Nhật, New Zealand, Trung Quốc.
 
 Từ năm 2003 đến nay, kinh tế Papua New Guinea có sự khởi sắc và phát triển ổn định hơn. Tăng trưởng kinh tế khả quan hơn, thâm hụt ngân sách giảm. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 1306 USD/năm 2008 (số liệu của IMF).

Văn hóa

Ước tính có hơn 1.000 nhóm văn hóa khác nhau tại Papua New Guinea. Với sự đa dạng này, nhiều hình thức văn hóa đã xuất hiện; mỗi nhóm có một cách thể hiện của riêng của mình trong nghệ thuật, nhảy múa, vũ khí, trang phục, ca hát, âm nhạc, kiến trúc và những thứ khác. Đa phần các nhóm văn hóa khác nhau đó sở hữu ngôn ngữ riêng.
 
 Người dân thường sống tại các làng theo kiểu tự cung tự cấp. Tại một số vùng, người dân săn bắn và hái lượm các loại thực vật, động vật hoang dã để phụ thêm vào bữa ăn. Những người có kỹ năng săn bắn, trồng cấy và đánh cá rất được tôn trọng.
 
 Vỏ sò không còn được dùng làm tiền tệ tại Papua New Guinea nữa. Tuy nhiên, di sản này vẫn hiện diện trong một số phong tục địa phương; trong một số nền văn hóa, chẳng hạn để có thể dẫn cô dâu về nhà, chú rể phải mang đến một số vỏ trai như đồ dẫn cưới.
 
 Tại các vùng khác, đồ dẫn cưới được trả theo chiều dài của tiền vỏ sò, lợn, cassowaries hay tiền mặt; ở những nơi khác, đồ dẫn cưới không được sử dụng, và các cô dâu phải trả của hồi môn.
 
 Người dân tại các vùng cao nguyên có các lễ nghi địa phương nhiều màu sắc được gọi là "sing sing." Họ sơn mình và mặc lông chim, đeo ngọc trai và da thú để thể hiện tinh thần của các loài chim, cây hay núi non. Thỉnh thoảng, một sự kiện quan trọng như một trận đánh huyền thoại được thể hiện tại buổi lễ đó.

Lễ hội

Tại lễ hội sing sing diễn ra hàng năm ở Mount Hagen, người dân Papua vẫn giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc của mình, bằng cách khoác lên người những bộ phục trang truyền thống.
 
 Ngoài ra, việc vẽ mặt hay hóa trang đều là các nghi thức quan trọng mà người Papua New Guinea chuẩn bị cho lễ hội.
 
 Với tộc người Huli, có nguồn gốc từ cao nguyên của Papua, thì người đàn ông Huli thường dành rất nhiều thời gian, trước khi lễ hội diễn ra, để "trang điểm" thật kỹ càng và hóa trang với những bộ tóc giả.