Vương quốc Na Uy

Vương quốc Na Uy

Mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Na Uy

Thứ tư 24/11/2010 | 15:43:34

Cũng như các nước Bắc Âu khác, Na Uy có phong trào ủng hộ Việt Nam rất mạnh mẽ. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trong nhiều thập kỷ qua.

Quan hệ kinh tế-thương mại

Từ năm 2000 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Na Uy có xu hướng tăng lên nhưng quy mô còn nhỏ, dưới 100 triệu USD/năm. Nguyên nhân chủ yếu do hai nước xa cách nhau về mặt địa lý và doanh nghiệp hai nước ít có cơ hội tìm hiểu thông tin về nhau.

Năm 2000, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 24,2 triệu USD; Năm 2001 đạt 21 triệu USD; Năm 2002 đạt 27,885 triệu USD; Năm 2003 đạt 28,161 triệu USD; Năm 2004 đạt 31,68 triệu USD; Năm 2005 đạt 48,52 triệu USD; Năm 2006 đạt 61,58 triệu USD; Năm 2007 đạt 73,74 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 49,15 triệu USD và Na Uy xuất 24,59 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm có hải sản, hàng dệt may, giày dép, túi du lịch, rau quả, càphê, chè, gia vị, thức ăn gia súc, xe đạp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ…

Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập khẩu của Na Uy gồm hải sản, bột giấy, khoáng chất, hóa chất, phân bón, chất dẻo, kim loại, thiết bị viễn thông, phương tiện giao thông…

Về đầu tư, tính đến tháng 3/2008, Na Uy có 14 dự án với tổng số vốn đăng ký là 35,2 triệu USD, vốn thực hiện là 9,6 triệu USD, đứng thứ 43/82 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài.

Đầu tư của Na Uy vào Việt Nam đã tạo hơn 600 việc làm trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp với tổng doanh thu là 150 triệu USD.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đầu tư trực tiếp sang Na Uy.

Hợp tác phát triển

Quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Na Uy được nối lại kể từ khi hai nước Ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển (tháng 10/1996). Đến nay, tổng viện trợ không hoàn lại của Na Uy khoảng 200 triệu USD, trung bình mỗi năm 10 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Hình thức chủ yếu thông qua hợp tác song phương, ngoài ra còn qua các kênh như NGOs, Quỹ khu vực và Quỹ toàn cầu của Na Uy. Khối lượng viện trợ tuy nhỏ nhưng hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với quy định của Việt Nam. Các dự án tiến triển thuận lợi, mức giải ngân cao (90%), mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Những dự án điển hình là Phát triển nông thôn ở Quảng Trị; Xây dựng trường học vùng lũ lụt tại ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam; Xây dựng trường nội trú trẻ em nghèo tỉnh Lai Châu.

Hợp tác du lịch

Từ tháng 5/2005, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Na Uy nhưng lượng khách du lịch Na Uy sang Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Quan hệ văn hóa-giáo dục-đào tạo

Hai bên đã có một số hoạt động như trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức triển lãm tranh, giúp Bảo tàng Dân tộc học di chuyển một ngôi nhà Chăm truyền thống từ Ninh Thuận ra và dựng lại trong khuôn viên Viện Bảo tàng để phục vụ cho việc nghiên cứu đời sống của người dân tộc thiểu số…

Về giáo dục-đào tạo, Na Uy đã cấp học bổng cho lưu học sinh Việt Nam theo chương trình học bổng sinh viên quốc tế, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên và cán bộ nghiên cứu thuộc các trường đại học và Viện nghiên cứu của Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực thủy sản, dầu khí.

Na Uy cũng giúp Việt Nam một số dự án hỗ trợ giáo dục tiểu học như xây dựng trường nội trú cho trẻ em thiểu số ở Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, giúp soạn thảo Từ điển tiếng dân tộc, hỗ trợ 8 triệu USD cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục.

Các Hiệp định quan trọng hai bên đã ký kết

- Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và chống buôn lậu (năm 1995);

- Hiệp định về điều kiện và thủ tục chung cho hợp tác phát triển giữa hai nước (tháng 10/1996);

- Hiệp định hợp tác Kinh tế và Thương mại (năm 1997);

- Hiệp đinh Hàng không (năm 1997);

- Biên bản ghi nhớ về ưu đãi tín dụng (năm 2003);

- Bản ghi nhớ về tín dụng không ràng buộc (ngày 22/10/2003).

- Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giai đoạn 2004-2009 (tháng 11/2004);

- Ý nguyện thư thỏa thuận chuyển đổi nợ còn lại của Chính phủ Việt Nam thành viện trợ phát triển 5,7 triệu USD (tháng 11/;004 ).

Cộng đồng người Việt ở Na Uy

Hiện tại ở Na Uy có khoảng 20.000 người Việt Nam sinh sống. Đây là cộng đồng người Việt lớn nhất tại Bắc Âu, trong đó 90% có quốc tịch Na Uy./.