Liên bang Myanmar

Liên bang Myanmar

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Myanmar Chùa vàng Shwezigon tại Myanmar.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Myanmar

- Tên nước chính thức: Liên bang Myanmar (The Union of Myanmar)

- Ngày quốc khánh: 4/1/1948

- Thủ đô: Nay Pyi Taw (từ tháng 1-2006), trước đó là Yangun

- Vị trí địa lý: Myanmar nằm ở Đông Nam Á. Phía Bắc và Đông Bắc giáp Trung Quốc; phía Đông giáp Lào; phía Đông Nam giáp Thái Lan; phía Nam trông ra vịnh Belgan và biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương; phía Tây giáp Ấn Độ và Bangladesh.

- Địa hình: Vùng ven biển và trung tâm là đồng bằng. Phía Tây, phía Bắc và phía Đông là các dãy núi cao Bago, Rakhine và cao nguyên Shan.

- Diện tích: 676.578km2

- Khí hậu: nhiệt đới gió mùa. Mùa Hè từ giữa tháng 2 đến tháng 5, mùa Thu từ tháng 10 đến giữa tháng 2, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.

- Dân số: 50.020.000 người (2009)

- Dân tộc: có 135 dân tộc và bộ tộc, đông nhất là người Miến Điện (Burma) (68%), người San (9%), người Karen (7%), người Hoa (3%), người Ấn (2%), người Mon (2%) và các dân tộc khác (5%)

- Hành chính: Myanmar được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính. Vùng lớn nhất là Bamar. Các bang, thực chất, là các vùng sinh sống của một số sắc tộc đặc biệt. Các vùng hành chính được chia nhỏ tiếp thành các thành phố, khu vực và các làng. Các thành phố lớn được chia thành các quận.

Các vùng và bang của Myanmar lại được chia thành các huyện (kayaing). Bang Shan là bang có nhiều huyện nhất. Các bang Chin, bang Mon và bang Kayah chỉ có hai huyện mỗi bang.

- Đơn vị tiền tệ: Đồng Kyat (MMK)

- Tôn giáo: Đạo Phật (89%), Hồi giáo (4%), Ấn Độ giáo (4%), Thiên chúa giáo (2%) và các tôn giáo khác.

- Ngôn ngữ: tiếng Myanmar

Địa lý

Myanmar có tổng diện tích 676.578km2, là nước lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á, và là nước lớn thứ 40 trên thế giới.
 
 Myanmar có đường biên giới dài nhất với Tây Tạng và Vân Nam của Trung Quốc về phía Đông Bắc với tổng chiều dài 2.185km.
 
 Myanmar giáp biên giới với Lào và Thái Lan ở phía Đông Nam. Myanmar có đường bờ biển dài 1.930km dọc theo Vịnh Bengal và biển Andaman ở phía Tây Nam và phía Nam, chiếm một phần ba tổng chiều dài biên giới.
 
 Ở phía Bắc, núi Hengduan Shan tạo nên biên giới với Trung Quốc.
 
 Các dãy núi Rakhine Yoma, Bago Yoma và cao nguyên Shan, cả ba đều chạy theo hướng bắc-nam từ dãy Himalaya. Các dãy núi phân chia ba hệ thống sông của Myanmar là Ayeyarwady, Thanlwin và Sittang.
 
 Sông Ayeyarwady, con sông dài nhất Myanmar, gần 2.170km (1.348 dặm), chảy vào Vịnh Martaban. Các đồng bằng màu mỡ nằm ở các thung lũng giữa các dãy núi. Đa số dân cư Myanmar sống trong thung lũng Ayeyarwady, nằm giữa Rakhine Yoma và cao nguyên Shan.
 
 Đa phần diện tích Myanmar nằm giữa Hạ chí tuyến và Xích đạo. Myanmar nằm trong vùng gió mùa Châu Á, các vùng bờ biển của nó nhận lượng mưa trung bình 5.000mm hàng năm. Lượng mưa hàng năm tại vùng đồng bằng gần 2.500mm, trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại Vùng Khô, nằm ở trung tâm Myanmar, chưa tới 1.000mm.
 
 Các vùng phía Bắc đất nước có khí hậu lạnh nhất, nhiệt độ trung bình 21 độ C. Các vùng duyên hải và đồng bằng có nhiệt độ trung bình 32 độ C.
 
 Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm của Myanmar góp phần giữ gìn môi trường và các hệ sinh thái. Rừng, gồm rừng nhiệt đới với loại gỗ tếch có giá trị kinh tế cao ở vùng hạ Myanmar, bao phủ 49% diện tích đất nước. Các loại cây khác mọc ở vùng này gồm cao su, cây keo, tre, lim, đước, dừa, cọ.
 
 Trên những cao nguyên phía Bắc, sồi, thông, và nhiều giống đỗ quyên khác bao phủ đa phần diện tích. Những vùng đất dọc bờ biển có nhiều cây ăn trái nhiệt đới. Tại Vùng Khô, thực vật thưa thớt và còi cọc hơn.
 
 Các loại động vật rừng rậm tiêu biểu, đặc biệt hổ và báo có nhiều tại Myanmar. Ở vùng Thượng Myanmar, có tê giác, trâu rừng, lợn lòi, hươu, linh dương và voi nhà, sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp khai thác gỗ. Các loài có vú nhỏ hơn cũng rất nhiều từ vượn, khỉ tới cáo bay và heo vòi. Đáng chú ý là sự đa dạng các loài chim với hơn 800 loài gồm vẹt, gà lôi, quạ, diệc và gõ kiến. Trong số các loài bò sát có cá sấu, tắc kè, rắn mang bành, trăn và rùa. Hàng trăm loài cá nước ngọt, rất phong phú và là nguồn thực phẩm quan trọng.
 
 Năm 1994, đất canh tác 15,3% (2% có tưới), đồng cỏ 0,5%, rừng và cây bụi 49,3%, các đất khác 34,9%. Khoáng sản chính: dầu khí, thiếc, kẽm, antimon, đồng, vonfram, chì, than, đá quý.

Lịch sử

Myanmar (trước đây gọi là Miến Điện) có lịch sử hàng nghìn năm.
 
 Thế kỷ XIX, Anh tiến hành ba cuộc xâm lược Myanmar (1824-1826; 1852-1853 và 1885) biến nước này thành thuộc địa.
 
 Năm 1942, Myanmar bị Nhật Bản chiếm đóng. Tháng 3-1945, Nhật rút khỏi Myanmar.
 
 Ngày 4-1-1948, Myanmar tuyên bố độc lập.
 
 Cuộc đảo chính ngày 2-3-1962 đã dẫn đến việc thành lập Hội đồng Cách mạng - Cơ quan lãnh đạo tối cao của Nhà nước - do tướng Ne Win làm Chủ tịch.
 
 Năm 1988, Ne Win từ chức.
 
 Ngày 18-9-1988, tướng Saw Maung lên cầm quyền, thành lập Hội đồng Khôi phục Luật pháp và Trật tự Quốc gia (SLORC).
 
 Ngày 24-9-1988, Đảng Cương lĩnh Xã hội chủ nghĩa (Đảng cầm quyền ở Myanmar) đổi tên thành Đảng Thống nhất Quốc gia; đổi tên nước từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanmar thành Liên bang Miến Điện (Union of Burma).
 
 Ngày 18-6-1989, Myanmar đổi tên nước thành Liên bang Myanmar. Ngày 15-11-1997, Hội đồng Khôi phục Luật pháp và Trật tự Quốc gia đổi tên thành Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia (SPDC).

Chính trị

Thể chế chính trị: Nhà nước Liên bang, theo chế độ dân chủ đại nghị.
 
 Cơ quan hành pháp: Đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia (SPDC). Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng.
 
 Cơ quan lập pháp: Quốc hội nhân dân, nhiệm kỳ 4 năm.
 
 Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu, cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 
 Các đảng phái lớn: Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD); Đảng Thống nhất Quốc gia (NUP).

Kinh tế

Myanmar có nền kinh tế hỗn hợp, trong đó Nhà nước kiểm soát phần lớn các hoạt động kinh tế, chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp nặng và buôn bán gạo; kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và giao thông vận tải.
 
 Từ năm 1988, Myanmar tiến hành cải cách nền kinh tế từ hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, ban hành luật đầu tư nước ngoài, cho phép thành lập lại các doanh nghiệp tư nhân.
 
 Trong cải cách kinh tế, Myanmar đã thu được một số kết quả nhất định. Tăng trưởng GDP từ 1989 đến 1996 liên tục được cải thiện.
 
 Trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 1996-2001, GDP tăng trung bình 6%/năm. Năm 2009, GDP tăng 1%; tỷ lệ thất nghiệp 4,9%.
 
 Về công nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 19,8% GDP.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính: Nông sản chế biến, gỗ và đồ gỗ, đồng, thiếc, tungsten, sắt, ximăng, vật liệu xây dựng, dược phẩm, phân hóa học, khí tự nhiên, hàng may mặc, ngọc bích và đá quý.
 
 Về nông nghiệp
 
 Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 42,9% GDP.
 
 Sản phẩm nông nghiệp chính: Gạo, đậu, vừng, lạc, mía, gỗ cứng, cá và các sản phẩm từ cá.
 
 Về dịch vụ-du lịch
 
 Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 37,3% GDP.
 
 Về xuất khẩu: 6,504 tỷ USD (năm 2009).
 
 Các mặt hàng xuất khẩu chính: Khí ga, đồ gỗ, đậu, cá, gạo, hàng may mặc, ngọc bích và đá quý khác.
 
 Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Thái Lan (52%), Ấn Độ (12,3%), Trung Quốc (8,8 %), Nhật Bản (4,3%).
 
 Về nhập khẩu: 3,555 tỷ USD ( năm 2009).
 
 Các mặt hàng nhập khẩu chính: Hàng dệt, dầu mỏ, phân hóa học, máy móc, thiết bị vận tải, ximăng, vật liệu xây dựng, dầu thô, thực phẩm, dầu ăn.
 
 Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Trung Quốc (31,3%), Thái Lan (20,8%), Singapore (20,4%), Malaysia (5%).
 
 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
 
 GDP tính theo sức mua (PPP): 56,49 tỷ USD (năm 2009)
 
 GDP bình quân đầu người/năm theo PPP: 1.200 USD (năm 2009)

Văn hóa

Văn hóa của Myanmar chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi Phật giáo. Các quốc gia bên cạnh như Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan đóng vai trò rất lớn góp phần hình thành nên văn hóa của Myanmar. Gần đây hơn, chế độ cai trị thuộc địa của Anh và Tây phương hóa cũng đã ảnh hưởng nhiều mặt tới nền văn hóa.
 
 Tiếng Myanmar là ngôn ngữ chính thức ở nước này. Đây là tiếng mẹ đẻ của người Myanmar, người Rakhine. Tiếng Myanmar có thể được phân thành hai loại: loại chính thống thường dùng trong văn viết và trong những sự kiện chính thức như phát thanh, phát biểu, còn loại thông thường thường thấy trong hội thoại hàng ngày. Chữ viết trong tiếng Myanmar có nguồn gốc từ chữ viết của tiếng Mon.
 
 Văn học Myanmar chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Phật giáo. Do Phật giáo chính thống cấm những câu truyện hư cấu, nên nền văn học Myanmar có nhiều tác phẩm thuộc thể loại người thật việc thật. Tuy vậy, quá trình thực dân hóa của Anh đã đem tới nhiều thể loại truyện viễn tưởng rất phổ biến ngày nay. Thơ là một nét rất đáng chú ý và có nhiều thể loại độc nhất vô nhị trong văn học nước này.
 
 Thời kỳ cai trị thuộc địa của Anh cũng đã để lại một số ảnh hưởng phương Tây trong kiến trúc Myanmar. Đây là đặc điểm dễ nhận thấy nhất tại các thành phố lớn của Myanmar.
 
 Nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Karen ở phía Đông Nam và người Kachin, người Chin sống ở phía Bắc và Tây Bắc, theo Thiên chúa giáo nhờ công của các nhà truyền giáo.
 
 Trong kho tàng văn hóa truyền thống Myanmar, âm nhạc dân gian, múa dân gian đã và đang trở thành một tài sản vô cùng quý giá đối với người dân nước này.
 
 Âm nhạc truyền thống Myanmar rất đặc sắc với dàn nhạc truyền thống Myanmar bao gồm một bộ trống, một bộ cồng chiêng, những chuông tre, và những nhạc cụ hơi, gồm hne - cho âm thanh rất cao, sáo cùng chũm chọe.
 
 Một bộ trống lớn có tới hai mươi mốt chiếc, còn bộ trống nhỏ thì có chín chiếc. Bộ cồng gồm mười chín chiếc. Đôi khi, thay cho bộ cồng là bộ chiêng tứ giác, nó gồm dàn chiêng treo trên một chiếc khung hình chữ nhật và thêm một vài chiếc chiêng tròn.
 
 Trong nền âm nhạc dân gian, đàn Saung-gauk là một loại đàn đặc trưng nhất của Myanmar. Đàn Saung-gauk có hình dáng giống như chiếc thuyền và thường được đệm cho các bài hát cổ. Muốn chơi được loại nhạc cụ này điêu luyện và có hồn, các nhạc công phải luyện tập ít nhất trong vòng 10 năm. Vì lẽ đó, các nhạc công chơi thành công loại đàn này ở Myanmar không có nhiều và khoản đầu tư cho tập luyện cũng không hề ít.
 
 Ngoài ra, Myanmar còn có một số nhạc cụ dân tộc tiêu biểu khác khá ấn tượng như Sidaw (trống đại) dùng trong những dịp lễ trọng đại, ozi (trống có hình chiếc vò) và dobat (trống cơm) dùng trong hội làng, bonshay (chiếc trống dài) và bongyi (trống cái) dùng trong hội mùa và hội xuống đồng.
 
 Trống của người Myanmar có thể thay đổi được âm vực bằng cách người ta đính một cục cơm nếp trộn với tro vào đáy trống làm âm thanh của nó thay đổi. Và còn rất nhiều nhạc cụ độc đáo khác như đàn puttalar là một loại mộc cầm làm bằng các thanh tre hay thanh gỗ.
 
 Người Chin có một loại kèn giống như kèn ôboa, gọi là bu-hne, một quả cầu có gắn một số ống tre hay sậy. Bộ cồng chiêng của người Mon được treo giá đỡ hình móng ngựa. Sáo của người Kayah là những ống tre dài ngắn khác nhau kết lại thành hình tam giác.
 
 Không chỉ ấn tượng với nền âm nhạc dân gian, những điệu múa cổ truyền của Myanmar cũng rất độc đáo . Nghệ thuật múa của nước này đã có từ thời đại tiền - Phật giáo, khi việc thờ cúng nat (thần linh) luôn kèm theo việc nhảy múa. Các vũ điệu rất sôi nổi và đòi hỏi người biểu diễn phải thực hiện những cử động rất khó giống như làm xiếc.
 
 Ngoài ra, vũ điệu Myanmar cũng rất đoan trang, các vũ công nam nữ không khi nào chạm vào nhau. Những người mới học trước hết sẽ được dạy múa ka-bya-lut, một vũ điệu truyền thống căn bản.
 
 Có một vũ điệu hết sức thú vị trong đó các vũ công làm những động tác như những con rối. Chính vì thế mà người ta nói rằng vũ điệu của người Myanmar là sự bắt chước kịch rối, thể loại sân khấu đã có thời thay thế cho những vũ công thật. Nữ vũ công chính mặc trang phục cung đình, áo khoác tay dài, vạt rộng thắt eo; longyi dài phấp phới theo những bước chân. Vũ công nam chính ăn mặc như hoàng tử, longyi lụa, áo khoác và chít khăn trắng. Các vai khác gồm tiểu đồng, binh lính, zawgyi (pháp sư) và nat (thần linh).
 
 Yein, vũ điệu nổi tiếng trong Lễ hội Nước, với các vũ công, thường là nữ, ăn mặc giống nhau và thực hiện những động tác như nhau, còn hna-par-thwa là màn múa đôi.
 
 Điệu múa con voi, trong Lễ hội Múa Voi được tổ chức tại Kyaukse, gần Mandalay, với những vũ công đội những hình nộm voi bằng bìa.
 
 Điệu múa anyein là kết hợp điệu múa đơn với anh hề lupyet xen vào chọc cười giữa màn diễn, châm chọc những sự kiện đương thời và những chủ đề khác. Đôi khi hai hay nhiều vũ công lần lượt biểu diễn với gươm giáo hay những loại trống lớn nhỏ. Các điệu múa của người thiểu số thường là các màn múa thành nhóm, trong đó các nam nữ thanh niên nhảy múa với nhau.
 
 Myanmar là dân tộc ăn trầu nhiều nhất thế giới. Già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ... ai cũng ăn. Đường phố nhiều chỗ đỏ nước trầu. Người Myanmar rất thích thoa một lớp vôi màu lên má. Có người bảo để làm đẹp, kẻ thì nói để giữ da và chống gió, người lại nói để cầu Phật.
 
 Trang phục truyền thống của Myanmar là Longchy dành cho nam (một loại xà rông may kín quấn vào chính giữa) với áo sơmi hoặc Taipon (áo truyền thống) còn nữ thì mặc Thummy gần giống với váy Lào, Thái. Tất cả đều đi dép như dép Lào. Cả nam lẫn nữ chỉ đi giày khi mặc Âu phục.  

Ẩm thực

Ẩm thực Myanmar bị ảnh hưởng nhiều từ ẩm thực Ấn Độ, Trung Quốc, Thái, và các nền văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số khác.

Món chủ yếu trong ẩm thực Myanmar là gạo. Mỳ và bánh mì cũng là các món thường thấy.

Ẩm thực Myanmar thường sử dụng tôm, cá, patê cá lên men, thịt lợn và thịt cừu. Thịt bò, bị coi là món cấm kỵ, rất hiếm được sử dụng.

Các món càri, như masala và ớt khô cũng được dùng. Mohinga, thường được coi là món quốc hồn Myanmar, gồm nước luộc cá trê có gia vị cà ri và hoa đậu xanh, miến và nước mắm. Các loại quả nhiệt đới thường dùng làm đồ tráng miệng.

Điểm du lịch

Cố đô Bagan - niềm tự hào của đất nước Myanmar
 
 Myanmar tự hào được sở hữu một trong những di chỉ khảo cổ lớn nhất, nổi tiếng nhất Đông Nam Á, đó là Bagan (còn được gọi là Pagan) - cội nguồn của đất nước Miến Điện.
 
 Nằm ở vị trí khô nóng bên bờ Đông sông Ayeyarwady - huyết mạch đường thủy tại Myanmar, với diện tích khoảng 42km2, cố đô Bagan là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất Đông Nam Á.
 
 Bagan nổi tiếng với hàng ngàn ngôi đền, chùa, lăng mộ kỳ vĩ. Hầu hết các ngôi đền, chùa ở đây được xây dựng trong khoảng từ giữa thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII. Những công trình đền chùa còn sót lại này chính là hiện thân của một lối kiến trúc đã mất hẳn trong lịch sử: từ những chùa búp tháp đặc kín trong giai đoạn đầu của thời Mon cho tới những ngôi đền có kiến trúc rỗng bên trong của thời hậu Mon.
 
 Thời điểm hưng thịnh nhất của Bagan là từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, và phát triển rực rỡ nhất dưới vương triều của vua Anawrahta (1044-1077). Qua các cuộc chinh phục, vị vua này đã mang nhiều thánh tích, kinh văn Phật giáo nguyên thủy cũng như nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư tài ba về xây dựng Bagan.
 
 Ông và những vị vua kế vị đã cho xây dựng đền chùa, lăng mộ, bảo tháp lên tới hơn 14.000 ngôi trên mảnh đất nhỏ bé này. Sau những biến cố lịch sử và trận động đất năm 1975, đến nay Bagan chỉ còn hơn 2.500 ngôi đền.
 
 Các ngôi chùa tháp nổi tiếng nhất ở Bagan là chùa Shwezigon, chùa Ananda.
 
 Chùa vàng Shwezigon
 
 Được xây từ thế kỷ XI, ngôi chùa này là niềm kiêu hãnh của đất nước Myanmar, là thành tựu vĩ đại của con người trong công cuộc lao động và sáng tạo, là niềm vinh quang của thành phố Yangun.
 
 Chùa Vàng toạ lạc trên một đỉnh đồi lớn, trong một khu phố quý tộc ở thủ đô Yangun. Đây là một quần thể kiến trúc nằm trong một khu hình chữ nhật (214mx275m) chạy dài theo hướng Bắc Nam và cao hơn vùng đất xung quanh 20m. Bốn dãy tam cấp ở bốn mặt từ dưới dẫn tới khu chùa và cả bốn đều được lợp mái che mưa nắng. Dài nhất là tam cấp phía Tây (175m), ngắn nhất là tam cấp phía Nam (104m). Quanh các bậc, các sườn đồi, gần các cổng vào chùa, dày đặc những nhà nghỉ dành cho khách thập phương. Ngay ở chân đồi phía cổng Nam hướng vào thành Yangun, sừng sững hai pho tượng Sư tử (Sinte) cao 9m.
  
 Tháp lớn nằm chếch về phía Nam khu chùa và là một mẫu hình tiêu biểu cho kiểu tháp Phật giáo Myanmar. Phần nổi bật nhất của tháp này chính là phần đỉnh tháp. Phần đỉnh của tháp cao 10m, gồm 7 vòng đai được dát vàng.
 
 Hiện nay, trên thế giới không có một kiến trúc nào được làm bằng nhiều vàng như chùa Shwe Dagon. Bên cạnh 9.300 lá vàng, mỗi lá có kích thước 30cmx30cm, với tổng trọng lượng 500kg phủ kín mặt tháp, phần đỉnh của tháp được tô điểm bằng nhiều đá quý, trong đó có hàng trăm viên kim cương và hồng ngọc cùng nhiều chuông vàng, chuông bạc.
  
 Trên cùng tháp chính là một lá cờ đuôi nheo, có búp tròn là một quả cầu bằng vàng, đường kính 25cm. Riêng cờ đuôi nheo được làm hoàn toàn bằng vàng, khảm kín 5.448 viên kim cương, 2.317 viên đá quý. Đỉnh tháp treo tất cả 1.065 chiếc chuông bằng vàng và 421 chiếc chuông bằng bạc.
 
 Đặc biệt, trong khối tháp nguy nga dát vàng cao hơn 70m của chùa Shwezigon được lưu truyền là nơi lưu giữ một xá lợi của Đức Phật. Chính bảo vật này đã khiến chùa Shwezigon trở thành ngôi chùa linh thiêng nhất của Bagan.
 
 Những điều bí ẩn ở ngôi chùa này cho đến ngày nay vẫn làm đau đầu các nhà khoa học, còn hàng triệu lượt du khách đến viếng thăm Shwezigon chỉ biết lắc đầu khâm phục mà thôi. Bạn có biết rằng, dù là sáng, trưa hay chiều, chiếc bóng khổng lồ của Shwezigon chẳng bao giờ đổ qua bốn bức tường bao bọc.
 
 Bất chấp những cơn gió cuồn cuộn, vô số mẩu giấy rơi xuống từ đỉnh tháp dát vàng cũng không bao giờ bay qua những bức tường kia. Đó thực sự là một ranh giới vô hình ngăn cách Shwezigon với thế giới phàm tục bên ngoài.
 
 Bất cứ ai đã một lần tới đây cũng phải thừa nhận, dù lượng khách viếng thăm Shwezigon có nhiều tới cỡ nào thì họ cũng không hề cảm nhận được sự đông đúc trong bốn bức tường bao. Luôn là cảm giác vắng vẻ, u tịch của chốn đình viện thâm nghiêm.
 
 Không chỉ có vậy, trong các dịp lễ hội cử hành ở đây, người ta đã phát hiện ra rằng, đứng ở phía bên này của chùa thì chẳng thể nghe thấy bất cứ một âm thanh nào từ phía bên kia, kể cả tiếng trống rền vang. Ngay cả những trận mưa dầm dề kéo dài hàng tuần cũng không thể làm nước đọng lại ở bất cứ góc nhỏ nào trên khoảng sân trong của chùa. Còn cây sơn trà trồng ở góc chùa phía Đông Nam thì tươi tốt và ra hoa quanh năm.
 
 Chùa Ananda
 
 Nằm không xa chùa Shwezigon, chùa Ananda được xây dựng năm 1090 với những tác phẩm nghệ thuật tráng lệ đến kinh ngạc về Phật giáo. Ngoài đặc trưng độc đáo của kiến trúc chùa tháp, chùa Ananda còn tượng trưng cho trí tuệ vô lượng của Đức Phật.
 
 Điểm ấn tượng nhất của ngôi chùa này là bốn bức tượng Phật cao hơn 10m được dát vàng nằm ở bốn hướng. Trong đó, hai bức tượng Phật nguyên bản dát vàng ở phía Bắc và phía Nam thể hiện mỗi sắc thái biểu cảm của khuôn mặt khi ngắm nhìn ở mỗi khoảng cách khác nhau. Nếu đứng dưới chân tượng khoảng 10m trở lại sẽ thấy khuôn mặt Phật hơi nghiêm khắc và phảng phất nỗi buồn, nhưng nếu lùi xa hơn một chút sẽ cảm nhận thấy vẻ mặt tươi tắn của Đức Phật. Và ở khoảng cách khoảng 15m trở ra thì khuôn mặt Ngài trở nên vui tươi, nhân từ. Đáng tiếc là hai pho tượng Phật ở phía Đông và phía Tây do được trung tu lại sau một đợt hỏa hoạn nên không còn cái thần trên mặt Phật
 
 Ngoài bốn pho tượng Phật, chùa Ananda còn chứa đựng 1.442 bức phù điêu tinh xảo mô tả cuộc đời của Đức Phật từ lúc sinh ra, lớn lên, đắc đạo và lên cõi niết bàn.
 
 Với lễ hội được tổ chức hàng năm vào tháng 11, chùa Ananda đang trở thành nơi hành hương của nhiều tín đồ Phật giáo thế giới.

Lễ hội

Cứ đến khoảng giữa tháng Tư hàng năm,  người dân Myanmar tổ chức ngày hội té nước.
 
 Lễ hội này bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và các nước theo đạo Phật ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Thái Lan.
 
 Vào ngày hội, mọi người té nước vào nhau để chúc phúc, để "rửa sạch" bệnh tật và xua đuổi tà ma.
 
 Đến khoảng giữa tháng 10 hàng năm là ngày hội đốt đèn, có thể so sánh với Tết Trung thu ở Việt Nam.
 
 Với người dân Myanmar, đốt đèn để chào đón Phật tổ trở về từ niết bàn. Ngày hội này kéo dài ba ngày, mọi gia đình đều đốt đèn hoặc đốt pháo.